Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 8

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 8

Quảng cáo

Đề bài

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Hiệp ước đầu tiên mà triều đình Huế kí với thực dân Pháp là Hiệp ước gì?

A. Hiệp ước Nhâm Tuất.

B. Hiệp ước Giáp Tuất.

C. Hiệp ước Hác-măng.

D. Hiệp ước Pa-tơ-nốt.

Câu 2: Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913) là phong trào yêu nước chống Pháp của giai cấp, tầng lớp nào?

A. Công nhân.             B. Tư sản.

C. Nông dân.              D. Địa chủ phong kiến.

Câu 3: Liên bang Đông Dương gồm những nước nào?

A. Việt Nam, Lào.

B. Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.

C. Lào, Cam-pu-chia.

D. Việt Nam, Cam-pu-chia, Thái Lan.

Câu 4: Hệ thống giáo dục phổ thông thời Pháp thuộc gồm bao nhiêu bậc?

A. 5 bậc                       B. 2 bậc.

C. 4 bậc                        D. 3 bậc.

Câu 5: Cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương là:

A. Khởi nghĩa Hương Khê.

B. Khởi nghĩa Bãi Sậy.

C. Khởi nghĩa Ba Đình. 

D. Khởi nghĩa Hùng Khê.

Câu 6: Tầng lớp giai cấp có tinh thần cách mạng triệt để nhất là

A. Công nhân.

B. Nông dân.

C. Tư sản dân tộc.

D. Tiểu tư sản thành thị.

Câu 7: Thực dân Pháp tiến đánh Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì lần thứ hai vào thời gian nào?

A. Năm 1880.      B. Năm 1882.            

C. Năm 1883.            D. Năm 1884.

Câu 8: Bản chất chính sách văn hóa, giáo dục của Pháp áp dụng ở Việt Nam trong chương trình khai thác thuộc địa là:

A. Kìm hãm dân ta trong vòng lạc hậu, ngu muội và đào tạo ra một lớp người chỉ biết phục tùng.

B. “Khai hóa nền văn minh” cho nhân dân Việt Nam.

C. Đào tạo nhân tài cho đất nước Việt Nam.

D. Giúp cho nền văn hóa, giáo dục nước ta phát triển ngang bằng với các nước tiến bộ trên thế giới.

Câu 9: Đông Kinh Nghĩa Thục là trường học được sáng lập bởi

A. Trịnh Văn Cấn.     B. Phan Bội Châu.       

C. Lương Văn Can.   D. Cường Đề.

Câu 10: Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước vào thời gian nào? Ở đâu?

A. 13/7/1911 – Sài Gòn. 

B. 17/3/1911 – Sài Gòn.

C. 5/6/1911 – Nhà Rồng (Sài Gòn).

D. 6/5/1911 – Nhà Rồng (Sài Gòn).

Câu 11: Nguyên nhân chủ yếu đẩy nước ta rơi vào tình trạng nước thuộc địa là:

A. Thực dân Pháp liên kết với các nước đế quốc khác cùng đánh chiếm Việt Nam.

B. Nhân dân ta tình nguyện khuất phục thực dân Pháp.

C. Đất nước Việt Nam ta  nhỏ, nhân dân sức yếu không đánh nổi Pháp.

D. Triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, chủ trương thương lượng, không kiên quyết đánh.

Câu 12: Quân Pháp đã đánh chiếm Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận một cách dễ dàng vì lí do nào dưới đây?

A. Quân đội triều đình đông nhưng vũ khí thô sơ.

B. Triều đình không tổ chức cho nhân dân kháng chiến.

C. Một số toán nghĩa binh nổi dậy kháng chiến nhưng còn nhỏ lẻ.

D. Tất cả các yếu tố trên.

Câu 13: Thực dân Pháp đề ra chính sách văn hóa, giáo dục vì lí do nào dưới đây?

A. Nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân.

B. Đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

C. Đào tạo tay sai và tầng lớp viên chức phục vụ cho chính quyền đô hộ.

D. Khai hóa văn minh cho người Việt.

Câu 14: Trào lưu cải cách Duy tân đất nước cuối thế kỉ XIX có ý nghĩa lịch sử như thế nào?

A. Tấn công vào những tư tưởng bảo thủ, phản ánh trình độ nhận thức mới của những người Việt Nam hiểu biết, tức thời.

B. Đã gây được tiếng vang lớn.

C. Góp phần vào việc chuẩn bị cho sự ra đời của phong trào Duy tân ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.

D. Một đáp án khác A, B, C.

Câu 15: Ai đã chỉ huy quân dân ta anh dũng chống trả trước cuộc tấn công của Pháp tại Đà Nẵng?

A. Hoàng Diệu.

B. Nguyễn Trung Trực.

C. Nguyễn Tri Phương.

D. Trương Định.

Câu 16: Tháng 6/1867, quân Pháp không cần tốn một viên đạn mà đã chiếm được 3 tỉnh nào?

A. Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

B. Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ.

C. Hà Tiên, Vĩnh Long, Cần Thơ.

D. Mĩ Tho, Hà Tiên, Vĩnh Long.

Câu 17: Cuộc phản công quân Pháp của phái chủ chiến ở Huế diễn ra vào thời gian nào?

A. Đêm mồng 6 rạng sáng 7/7/1886.

B. Đêm mồng 5 rạng sáng 6/7/1885.

C. Đêm mồng 3 rạng sáng 4/7/1885.

D. Đêm mồng 4 rạng sáng 5/7/1885.

Câu 18: Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa Hương Khê là:

A. Phan Đình Phùng.      B. Cao Thắng.

C. Đề Thám.                  D. Nguyễn Thiện Thuật.

Câu 19: Cùng với sự phát triển của đô thị, các giai cấp, tầng lớp mới đã xuất hiện đó là:

A. Nông dân, tư sản, tiểu tư sản.

B. Địa chủ phong kiến, công nhân, tư sản.

C. Tư sản, tiểu tư sản thành thị, công nhân.

D. Tiểu tư sản, nông dân, công nhân.

Câu 20: Đầu thế kỉ XX, những sự kiện nào trên thế giới tác động đến xã hội Việt Nam?

A. Cuộc Duy tân của Thiên hoàng Minh Trị ở Nhật Bản (1868).

B. Tư tưởng dân chủ tư sản ở châu Âu và cuộc Duy tân ở Nhật Bản.

C. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác.

D. Học thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc (1905).

PHẦN B: TỰ LUẬN 

Câu 21: So sánh hai xu hướng cứu nước: bạo động của Phan Bội Châu và cải cách của Phan Châu Trinh (về chủ trương và biện pháp).

Câu 22: Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước trong hoàn cảnh nào? Con đường tìm chân lý cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có gì độc đáo khác với lớp người đi trước?

Câu 23: So sánh thái độ, hành động của nhân dân và triều đình trong việc tổ chức chống xâm lược khi Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

A

C

B

D

A

A

B

A

C

C

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

D

D

C

A

C

A

D

A

C

B

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 116.

Cách giải:

Ngày 5-6-1862, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng cho chúng nhiều quyền lợi. Đây là hiệp ước đầu tiên triều đình Huế kí với thực dân Pháp.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 131, suy luận.

Cách giải:

Khi thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng Bắc Kì, Yên Thế trở thành mục tiêu bình định của chúng. Để bảo vệ cuộc sống của mình, nông dân Yên Thế đã đứng lên đấu tranh -> Khởi nghĩa Yên Thế là phong trào yêu nước chống Pháp của giai cấp nông dân.

Chọn: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 137.

Cách giải:

Thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương gồm: Việt Nam, Campuchia và Lào, đứng đầu là viên Toàn quyền người Pháp.

Chọn: B

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 139.

Cách giải:

Hệ thống giáo dục phổ thông người Pháp chia thành ba bậc:

- Bậc Ấu học.

- Bậc Tiểu học.

- Bậc Trung học.

Chọn: D

Câu 5.

Phương pháp: Phân tích, đánh giá.

Cách giải:

Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương:

- Thời gian kéo dài nhất 1885 – 1896.

- Địa bàn rộng lớn 4 tỉnh Bắc Trung kì.                                                                            

- Lãnh tụ: Phan Đình Phùng là sĩ phu đại khoa, Cao Thắng là tướng trẻ có tài…                                      

- Tổ chức chặt chẽ hơn các cuộc khởi nghĩa khác……

- Phương thức hoạt động và tác chiến linh hoạt… chế tạo được vũ khí theo mẫu của Pháp…

- Cuộc khởi nghĩa huy động mức cao độ tiềm năng to lớn của nhân dân, lập nhiều chiến công gây cho địch tổn thất nặng nề….

Chọn: A

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 142, suy luận.

Cách giải:

Giai cấp công nhân ra đời trong cuộc Khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914). Công nhân và giai đình bị thực dân phong kiến và tư sản bóc lột nên sớm có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ chống bọn chủ, đòi cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt. Đây là giai cấp có tinh thần cách mạng triệt để nhất.

Chọn: A

Câu 7.

Phương pháp: sgk trang 122.

Cách giải:

Ngày 3-4-1882, quân Pháp do viên đại tá Ri-vi-e chỉ huy đã đổ bộ lên Hà Nội (tiến đánh Bắc Kì lần thứ hai).

Chọn: B

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 139, suy luận.

Cách giải:

Các chính sách văn hóa, giáo dục của Pháp áp dụng ở Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất là thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân ta trong vòng lạc hậu, mu muội và đào tạo ra một lớp người chỉ biết phục tùng.

Chọn: A

Câu 9.

Phương pháp: sgk trang 144.

Cách giải:

Tháng 3-1907, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành mở một trường học tại Hà Nội, lấy tên là Đông Kinh Nghĩa Thục.

Chọn: C

Câu 10.

Phương pháp: sgk trang 148.

Cách giải:

Ngày 5-6-1911, tại cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Chọn: C

Câu 11.

Phương pháp: Phân tích, đánh giá

Cách giải:

- Ngay từ khi Pháp đặt chân đến xâm lược nước ta, nhân dân đã luôn đấu tranh mạnh mẽ chống Pháp, cản bước tiến xâm lược của chúng.

- Tuy nhiên, từ năm 1862, tư tưởng chủ hòa trong triều đình làm cho lòng người li tán. Triều Nguyễn đã lần lượt kí với Pháp các bản hiệp ước – đánh dấu quá trình đầu hàng từng bước đến đầu hàng toàn bộ thực dân Pháp. Sự nhu nhược, chủ trương thương lượng, không kiên quyết đánh ấy của triều đình là nguyên nhân chủ yếu đẩy nước ta vào tình trạng nước thuộc địa.

Chọn: D

Câu 12.

Phương pháp: sgk trang 120, suy luận.

Cách giải:

Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận dễ dàng trong vòng 1 tháng do:

- Quân đội triều đình đông nhưng vũ khí thô sơ.

- Triều đình không đoàn kết, tổ chức nhân dân kháng chiến, không biết dựa vào sức mạnh của nhân dân.

- Mặc dù có một số toán nghĩa binh nổi dậy kháng chiến nhưng còn lẻ tẻ.

Chọn: D

Câu 13.

Phương pháp: sgk trang 139, suy luận.

Cách giải:

Các chính sách thực dân Pháp thực hiện trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất nhằm phục vụ cho nhu cầu của con em quan chức thực dân và cũng để tạo ra một lớp người phục vụ cho công việc cai trị.

Chọn: C

Chú ý:

Hệ thống đáp án của trường có đôi chỗ chưa hợp lí nên Ban chuyên môn Tuyensinh247 đã có sự điều chỉnh lại.

Câu 14.

Phương pháp: sgk trang 136.

Cách giải:

Dù không trở thành hiện thực nhưng các tư tưởng cải cách cuối thế kỉ XIX đã gây được tiếng vang lớn, ít nhất cũng đã dám tấn công vào những tư tưởng bảo thủ và phản ánh trình độ nhận thức mới của những người Việt Nam hiểu biết, thức thời.

Chọn: A

Câu 15.

Phương pháp: sgk trang 115.

Cách giải:

Khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, quân ta dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương đã anh dũng chống trả.

Chọn: C

Câu 16.

Phương pháp: sgk trang 118.

Cách giải:

Ngày 24-6-1867, quân Pháp đã chiếm các tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) không tốn một viên đạn.

Chọn: A

Câu 17.

Phương pháp: sgk trang 125.

Cách giải:

Đêm mồng 4 rạng sáng ngày 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công quân Pháp ở Tòa Khâm Sứ và đồn Mang Cá.

Chọn: D

Câu 18.

Phương pháp: sgk trang 129.,

Cách giải:

Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa Hương Khê là Phan Đình Phùng.

Chọn: A

Câu 19.

Phương pháp: sgk trang 140-141

Cách giải:

- Trong cuộc KTTĐ lần 1 (1897 – 1914):

+ Giai cấp cũ: nông dân, địa chủ.

+ Giai cấp, tầng lớp mới xuất hiện cùng với sự phát triển của đô thị là: công nhân, tư sản, tiểu tư sản thành thị.

Chọn: C

Câu 20.

Phương pháp: sgk trang 143-145, suy luận.

Cách giải:

Đầu thế kỉ XX, tư tưởng dân chủ tư sản ở châu Âu đã đội vào Việt Nam và cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản đã đưa nước Nhật trở thành một nước đế quốc ở châu Á đã củng cố niềm tin cho các sĩ phu yêu nước tư sản hóa về con đường cách mạng dân chủ tư sản. Từ đó, nổ ra các phong trào đấu tranh theo khuynh hướng này ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XX, tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Chọn: B

PHẦN II: TỰ LUẬN

Câu 21.

Phương pháp: So sánh, nhận xét.

Cách giải:

Tiêu chí

Phan Bội Châu

Phan Châu Trinh

Chủ trương

Dựa vào Nhật để đánh Pháp (vận động quần chúng và tranh thủ sự giúp đỡ bên ngoài để tiến hành bạo động chống Pháp, xây dựng chế độ chính trị mới ở Viêt Nam…)

Đoạn tuyệt với chế độ phong kiến, hô hào nhân dân cải cách kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao dân trí, tiến tới cứu nước.

Biện pháp

Lập Hội Duy Tân, tổ chức phong trào Đông Du…

Cuộc vận động Duy tân, Lập hội buôn…

Câu 22.

Phương pháp: sgk trang 148, suy luận.

Cách giải:

a) Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước trong hoàn cảnh:

- Gia đình và quê hương có truyền thống cách mạng, gia đình có nhiều người bị bắt và tù đày.

- Cách mạng bị bế tắc về đường lối, khủng hoảng về lãnh đạo.

- Các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy tân, Phong trào chống thuế đều thất bại.

=> Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

b) Con đường tìm chân lí cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có nhiều điểm độc đáo khác so với lớp người đi trước:

* Con đường cứu nước của các bậc tiền bối:

- Các bậc tiền bối mà tiêu biểu là Phan Bội Châu đã lựa chọn con đường cứu nước là đi sang phương Đông, chủ yếu là Nhật Bản.

- Đối tượng cụ thể mà Phan Bội Châu gặp gỡ là những chính khách Nhật để xin họ giúp Việt Nam đánh Pháp. Phương pháp của cụ là vận động tổ chức giai cấp, cùng các tầng lớp trên đấu tranh bạo động.

* Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc:

- Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường sang phương Tây.

- Nguyễn Ái Quốc đi vào tất cả các giai cấp, tầng lớp, đi vào phong trào quần chúng, giác ngộ, đoàn kết họ đứng lên đấu tranh giành độc lập thực sự bằng sức mạnh của mình là chính.

- Nguyễn Ái Quốc đề cao học tập, nghiên cứu lí luận và kinh nghiệm cách mạng lớn nhất của thời đại và Người đã bắt gặp chân lí cách mạng tháng Mười Nga - con đường cứu nước đúng đắn đối với dân tộc ta.

Câu 23.

Phương pháp: So sánh, nhận xét.

Cách giải:

* Nhân dân:

- Thái độ: kiên quyết chống giặc.

- Hành động: các cuộc đấu tranh nổ ra liên tiếp ở các tỉnh, thành phố bị giặc chiếm.

* Triều đình:

- Thái độ: không kiên quyết chống giặc.

- Hành động: trước sau chỉ muốn thương lượng, cầu hòa.

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close