Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 8

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 8

Quảng cáo

Đề bài

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Thực dân Pháp hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam 

A. từ năm 1858 đến 1873.

B. từ năm 1858 đến 1874.

C. từ năm 1858 đến 1883.

D. từ năm 1858 đến 1884

Câu 2: Câu nói “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” của

A. Nguyễn Hữu Huân.

B. Nguyễn Trung Trực.

C. Trương Định.

D. Trương Quyền.

Câu 3: Mục đích ban bố “Chiếu cần vương” là

A. kêu gọi văn thân và nhân dân đứng lên giúp vua cứu nước.

B. kêu gọi nhân dân giúp vua chấn hưng kinh tế, khôi phục quân sự.

C. kêu gọi nhân dân ủng hộ chế độ phong kiến.

D. kêu gọi văn thân sĩ phu, triều đình phong kiến đứng lên chống Pháp.

Câu 4: Một số giai cấp và tầng lớp mới xuất hiện trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam là

A. phong kiến, tư sản, tiểu tư sản.

B. tiểu tư sản thành thị, công nhân.

C. nông dân, công nhân.

D. tư sản, tiểu tư sản, công nhân.

Câu 5: Xu hướng mới trong công cuộc giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX là

A. dân chủ tư sản.                                                        

B. xu hướng theo “ngọn cờ phong kiến”.

C. xu hướng vô sản.                                                    

D. xu hướng kết hợp tư tưởng phong kiến với dân chủ tư sản.

Câu 6: Ai là người khởi xướng phong trào yêu nước của Việt Nam theo khuynh hướng vô sản?

A. Phan Bội Châu.  B. Phan Châu Trinh.

C. Nguyễn Ái Quốc. D. Lương Văn Can.

PHẦN II: TỰ LUẬN

Câu 1: Em hãy kể tên một số nhà cải cách tiêu biểu ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỉ XIX? Vì sao những cải cách ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỉ XIX không thực hiện được?

Câu 2: Hãy trình bày và nhận xét Chính sách khai thác về kinh tế của Pháp ở Việt Nam?

Câu 3: Vì sao Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mới? Con đường cứu nước của Người có gì khác so với các bậc tiến bối cách mạng trước đó?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM

Câu

1

2

3

4

5

6

Đáp án

D

B

A

D

A

C

Câu 1.

Phương pháp: Suy luận.

Cách giải:

- Thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam năm 1858, đánh dấu bằng sự kiện ngày 1-9-1858.

- Thực dân Pháp hoàn cảnh về cơ bản việc xâm lược Việt Nam vào năm 1884, đánh dấu bằng Hiệp ước Hácmăng và Patơnốt.

Chọn: D

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 119.

Cách giải:

Khi bị giặc bắt đem ra chém, Nguyễn Trung Trực đã khảng khái nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Chọn: B

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 126.

Cách giải:

Ngày 13-7-1885, Tôn Thất Thuyết đã nhân danh vua Hàm Nghi ra chiếu “Cần vương”, kêu gọi văn thân và nhân dân đứng lên giúp vua cứu nước. Đây cũng đồng thời là mục đích khi chiếu Cần vương được ban bố.

Chọn: A

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 141, suy luận.

Cách giải:

Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914):

- Giai cấp cũ: nông dân và địa chủ.

- Lực lượng xã hội mới:

+ Giai cấp mới: công nhân.

+ Tầng lớp mới: tư sản và tiểu tư sản.

Chọn: D

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 143, suy luận.

Cách giải:

- Cuối thế kỉ XIX, khuynh hướng cứu nước phong kiến đã chấm dứt cùng với sự thất bại của phong trào Cần vương.

- Đầu thế kỉ XX, các sĩ phu yêu nước tiến bộ đã tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản, đây là xu hướng mới trong công cuộc giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX.

Chọn: A

Chú ý:

- Từ năm 1920 trở đi, nhân dân mới bắt đầu đấu tranh theo khuynh hướng vô sản.

Câu 6.

Phương pháp: Liên hệ.

Cách giải:

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước, đó là con đường cách mạng vô sản và khởi xướng phong trào yêu nước theo khuynh hướng này.

Chọn: C

PHẦN II: TỰ LUẬN

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 135-136, suy luận.

Cách giải:

* Một số nhà cải cách tiêu biểu ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỉ XIX gồm: Đinh Văn Điền, Nguyễn Huy Tế, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ.

* Những cải cách ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX không thực hiện được do:

- Các đề nghị cải cách có những hạn chế:

+ Vẫn mang tính chất lẻ tẻ, rời rạc.

+ Chưa xuất phát từ những vấn đề cơ bản của thời đại: giải quyết hai mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp xâm lược và giữa nông dân với địa chủ phong kiến.

- Triều đình phong kiến bảo thủ, cự tuyệt mọi đề nghị cải cách.

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 138, suy luận.

Cách giải:

* Chính sách khai thác về kinh tế của thực dân Pháp:

- Trong nông nghiệp: Pháp đẩy mạnh việc cướp đoạt ruộng đất, lập các đồn điền.

- Trong công nghiệp:

+ Pháp tập trung khai thác than và kim loại.

+ Ngoài ra, Pháp đầu tư vào một số ngành khác như xi măng, điện, chế biến gỗ, xay xát gạo, giấy, diêm,...

- Giao thông vận tải: thực dân Pháp xây dựng hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt để tăng cường bóc lột kinh tế và phục vụ mục đích quân sự.

- Về thương nghiệp:

+ Pháp độc chiếm thị trường Việt Nam, hàng hoá của Pháp nhập vào Việt Nam chỉ bị đánh thuế rất nhẹ hoặc được miễn thuế, nhưng đánh thuế cao hàng hoá các nước khác.

+ Hàng hóa của Việt Nam chủ yếu là xuất sang Pháp.

- Tài chính: đề ra các thứ thuế mới bên cạnh các loại thuế cũ, nặng nhất là thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện, …

* Nhận xét:

- Các chính sách trên của thực dân Pháp thực hiện nhằm vơ vét tối đa sức người sức của của nhân dân ta.

- Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn lạc hậu và lệ thuộc vào Pháp.

Câu 3.

Phương pháp: suy luận, so sánh.

Cách giải:

a) Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước do:

- Gia đình và quê hương có truyền thống cách mạng, gia đình có nhiều người bị bắt và tù đày.

- Cách mạng bị bế tắc về đường lối, khủng hoảng về lãnh đạo.

- Các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy tân, Phong trào chống thuế đều thất bại.

=> Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

b) Con đường cứu nước của Người có điểm khác so với các bậc tiền bối cách mạng trước đó:

* Con đường cứu nước của các bậc tiền bối:

- Các bậc tiền bối mà tiêu biểu là Phan Bội Châu đã lựa chọn con đường cứu nước là đi sang phương Đông, chủ yếu là Nhật Bản.

- Đối tượng cụ thể mà Phan Bội Châu gặp gỡ là những chính khách Nhật để xin họ giúp Việt Nam đánh Pháp. Phương pháp của cụ là vận động tổ chức giai cấp, cùng các tầng lớp trên đấu tranh bạo động.

* Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc:

- Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường sang phương Tây.

- Nguyễn Ái Quốc đi vào tất cả các giai cấp, tầng lớp, đi vào phong trào quần chúng, giác ngộ, đoàn kết họ đứng lên đấu tranh giành độc lập thực sự bằng sức mạnh của mình là chính.

- Nguyễn Ái Quốc đề cao học tập, nghiên cứu lí luận và kinh nghiệm cách mạng lớn nhất của thời đại và Người đã bắt gặp chân lí cách mạng tháng Mười Nga – con đường cứu nước đúng đắn đối với dân tộc ta.

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close