Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 5 - Chương III - Phần 3 - Lịch sử 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 5 - Chương 3 - Phong trào công nhân (Từ đầu thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX) - Lịch sử 10

Quảng cáo

Đề bài

Câu 1. Sự kiện nào đánh dấu lần đầu tiên chính phủ của giai cấp tư sản bị lật đổ?

A. Cuộc cách mạng 18-3-1871.

B. Ngày 4-9-1870, nhân dân Pa-ri khởi nghĩa lật đổ đế chế II.

C. Ngày 19-7-1870, Chiến tranh Pháp – Phổ bùng nổ.

D. Ngày 26-3-1871, Công xã Pa-ri được thành lập.

Câu 2. Từ thập niên 70 của thế kỉ XIX, đội ngũ công nhân ở các nước tư bản có sự biến đổi ra sao?

A. Đấu tranh hoàn toàn vì quyền lợi chính trị.

B. Công nhân tiến tới khởi nghĩa vũ trang.

C. Tăng nhanh về số lượng và chất lượng.

D. Những cuộc đình công và bãi công diễn ra sôi nổi.

Câu 3. Đứng đầu mỗi ủy ban trong Công xã Pari là

A. một ủy viên ủy ban.

B. một thành viên công xã.

C. một thành viên Hội đồng công xã.

D. một ủy viên công xã.

Câu 4. Cơ quan cao nhất của Công xã Pa-ri là

A. Ủy ban an ninh xã hội.

B. Hội đồng công xã.

C. Ủy ban tài chính.

D. Hội đồng quân sự. 

Câu 5. Nét nổi bật của phong trào công nhân Mĩ cuối thế kỉ XIX so với các nước tư bản khác là

A. công nhân đòi tăng lương, thực hiện ngày làm 8 giờ.

B. phong trào bãi công nổ ra mạnh mẽ ở phía Bắc nước Mĩ.

C. phong trào đòi cải thiện đời sống diễn ra mạnh mẽ.

D. gắn liền với những cuộc đình công và bãi công sôi nổi khắp cả nước.

Câu 6. Sự bùng nổ và phát triển của phong trào công nhân cuối thế kỉ XIX không xuất phát từ nguyên nhân nào sau đây?

A. Sự hình thành liên minh công - nông.

B. Ý thức giác ngộ của công nhân lên cao.

C. Sự biến đổi về chất và lượng của công nhân.

D. Mâu thuẫn sâu sắc giữa tư sản và vô sản.

Câu 7. Nhân tố nào sau đây tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh mới của giai cấp công nhân?

A. Sự tăng cường độ và thời gian lao động đối với công nhân.

B. Chủ nghĩa tư bản phát triển ngày càng nhanh chóng.

C. Mâu thuẫn trong xã hội tư bản ngày càng sâu sắc.

D. Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế (1860 – 1867).

Câu 8. Nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến cuộc khởi nghĩa ngày 18-3-1871 của nhân dân Pa-ri?

A. Mâu thuẫn gay gắt không thể điều hòa giữa quần chúng nhân dân Pa-ri với chính phủ tư sản.

B. Bất bình trước thái độ ươn hèn của chính phủ tư sản khi Phổ tấn công.

C. Chi-e cho quân đánh úp đồi Mông-mác.

D. Chống lại sự đầu hàng phản bội lợi ích dân tộc của tư sản Pháp để bảo vệ tổ quốc.

Câu 9. Chính sách nào sau đây không được Công xã Pa-ri đề ra trong quá trình tồn tại của mình?

A. Công nhân được phép làm chủ những xí nghiệp lớn.

B. Thực hiện giáo dục bắt buộc và miễn phí.

C. Quân đội cảnh sát cũ bị giải tán.

D. Tách nhà thờ ra khỏi trường học.

Câu 10. Một trong những phong trào đấu tranh của công nhân Đức trong những năm cuối thế kỉ XIX?

A. Phong trào đòi giai cấp tư sản bãi bỏ “đạo luật đặc biệt”.

B. Phong trào đòi tăng lương và quyền dân chủ năm 1886.

C. Cuộc bãi công của công nhân khuân vác Luân Đôn.

D. Cuộc tổng bãi công của công nhân Si-ca-go. 

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1. A

2. C

3. D

4. B

5. D

6. A

7. C

8. D

9. A

10. A

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 194.

Cách giải:

Ngày 18-3-1871, lần đầu tiên chính quyền của giai cấp tư sản bị lật đổ. Ủy ban trung ương Quốc dân quân đảm nhiệm chức năng của chính quyền mới, trở thành chính phủ lâm thời.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 197.

Cách giải:

Từ đầu thập niên 70 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và Bắc Mĩ. Đội ngũ công nhân ở các nước tăng nhanh về số lượng và chất lượng.

Chọn: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 195.

Cách giải:

Trong sơ đồ bộ máy Hội đồng công xã, Hội đồng gồm nhiều ủy ban, đứng đầu mỗi ủy ban là một ủy biên công xã, chịu trách nhiệm trước nhân dân và có thể bị bãi miễn.

Chọn: D

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 195.

Cách giải:

Cơ quan cao nhất của nhà nước mới là Hội đồng công xã, vừa ban bố pháp luật, vừa lập các ủy ban thi hành pháp luật.

Chọn: B

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 198.

Cách giải:

Nét nổi bật của phong trào công nhân Mĩ cuối thế kỉ XIX gắn liền với những cuộc đình công và bãi công sôi nổi khắp cả nước. Tiêu biểu là cuộc bãi công của gần 40 vạn công nhân dệt Si-ca-go (Mĩ) ngày 1-5-1886 đòi thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ đã buộc giới chủ phải nhượng bộ.

Chọn: D

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 197, suy luận.

Cách giải:

Những nguyên nhân đưa đến sự bùng nổ của phong trào công nhân cuối thế kỉ XIX bao gồm:

- Mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản sâu sắc.

- Chủ nghĩa Mác xâm nhập vào phong trào công nhân.

- Công nhân có sự biến đổi về chất lượng và số lượng.

- Ý thức giác ngộ của công nhân lên cao.

Chọn: A

Câu 7.

Phương pháp: sgk trang 197, suy luận.

Cách giải:

Trong những năm 1850 – 1870:

- Sản xuất công nghiệp tăng nhanh, đội ngũ công nhân ngày càng đông và tập trung hơn.

- Cường độ làm việc của công nhân 13-14 giờ/ ngày + cuộc sống khó khăn do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế (1860 – 1867).

=> Mâu thuẫn của xã hội tư bản ngày càng sâu sắc, tạo điều kiện cho các cuộc đấu tranh mới của công nhân.

Chọn: C

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 194, suy luận.

Cách giải:

Khi quân Phổ tiến sâu vào đất Pháp và bao vây Pa-ri thì chính phủ tư sản vội vã xin đình chiến. Trong khi đó nhân dân Pa-ri quyết chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

=> Mâu thuẫn giữa chính phủ tư sản đóng ở Véc-xai với nhân dân Pa-ri ngày càng căng thẳng. Chi-e – người nắm vai trò quyết định trong chính phủ mới, ra lệnh tước vũ khí của Quốc dân quân, hòng bắt hết các ủy viên của Ủy ban Trung ương. Sự đầu hàng của tư sản Pháp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khởi nghĩa ngày 18-3-1871 của nhân dân Pa-ri.

Chọn: D

Câu 9.

Phương pháp: sgk trang 195-196, suy luận.

Cách giải:

Những chính sách công xã Pa-ri đề ra bao gồm:

- Quân đội cảnh sát cũ bị giải tán, thay vào đó là các lực lượng vũ trang nhân dân.

- Nhà thờ tách khỏi trường học.

- Công xã còn thi hành nhiều chính sách tiến bộ khác:

- Công nhân được làm chủ những xí nghiệp có chủ bỏ trốn.

+ Kiểm soát chế độ tiền lương, giảm lao động ban đêm, cấm cúp phạt công nhân.

+ Đề ra chủ trương giáo dục bắt buộc và không mất tiền cho toàn dân.

+ Cải thiện điều kiện làm việc cho nữ công nhân.  

=> Đáp án A: không phải là chính sách Công xã Pa-ri đề ra trong quá trình tồn tại của mình.

Chọn: A

Câu 10.

Phương pháp: sgk trang 197, suy luận.

Cách giải:

- Đáp án A: ở Đức, phong trào đấu tranh đòi cải thiện đời sống cho người lao động phát triển mạnh mẽ trong những năm 70-80, buộc giai cấp tư sản phải bãi bỏ “Đạo luật đặc biệt” (ban hành tháng 10-1878, nhằm chống lại công nhân) vào năm 1890.

- Đáp án B: phong trào đấu tranh của công nhân Pháp.

- Đáp án C: phong trào đấu tranh của công nhân Anh.

- Đáp án D: phong trào đấu tranh của công nhân Mĩ.

Chọn: A

Loigiaihay.com

Quảng cáo

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close