Văn bản Những phát minh "tình cờ và bất ngờ"

Những “huyền thoại” sau đây chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy vừa quen thuộc lại vừa… lạ lẫm vì không ngờ chúng lại được tạo ra trong những hoàn cảnh có một không hai như vậy.

Quảng cáo

NHỮNG PHÁT MINH "TÌNH CỜ VÀ BẤT NGỜ"

Những “huyền thoại” sau đây chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy vừa quen thuộc lại vừa… lạ lẫm vì không ngờ chúng lại được tạo ra trong những hoàn cảnh có một không hai như vậy.

Một số nhà khoa học phải cống hiến cả cuộc đời họ để phát minh ra một công cụ, phương pháp đột phá, mang tính cách mạng cho những vấn đề mắc phải trên thế giới trong hàng thế kỉ. Thế nhưng, cũng không hiếm những trường hợp đơn thuần bằng một cách nào đó đã “vô tình” chạm tay vào vinh quang, cho ra đời những phát minh vĩ đại mà đến nay vẫn còn được áp dụng rộng rãi.

Dù bằng phương pháp nào đi chăng nữa, chúng ta cũng nên cảm thấy biết ơn và may mắn vì tựu trung lại, chúng đều có chung mục đích là xây dựng, kiến thiết nên một thế giới tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Dưới đây là một số phát minh “tình cờ” trong quá khứ, nhưng kết quả thì bất ngờ không kém:

1. ĐẤT NẶN

Nhà phát minh: Giô-sép Mác Vích-cơ (Joseph McVicker) ở Ô-hai-ô (Ohio), Mỹ.

Mục đích ban đầu: Những năm đầu thập niên 1950, công ti của Vích-cơ đã chế tạo thành công một loại bột đất sét đặc biệt có công dụng loại bỏ các vết đen do bồ hóng gây ra trong những căn nhà sử dụng than, củi để nấu nướng và sưởi ấm. Nhưng theo như số liệu từ báo Crít-xti-an Xai-ơn Mo-ni-tơ (Christian Science Monitor), người dân đã sớm có xu hướng chuyển đổi từ loại hình than, củi sang sử dụng ga2, dẫn đến nguy cơ thua lỗ nghiêm trọng cho công ti.

Diễn biến và kết quả: Vích-cơ khi đó nhớ lại bài học ngày xưa được chị ông dạy cho về việc sử dụng những chất bột nhão để mô phỏng độ dẻo của đất sét. Và cuối cùng vào năm 1957, với quyết định đúng đắn của mình – biến thiết kế trên trở thành một loại đồ chơi cho trẻ em với nhiều màu sắc hấp dẫn, ông đã giúp mang lại cho công ti hàng triệu đô la Mỹ.

2. KEM QUE

Nhà phát minh: Phrăng Ép-pơ-xơn (Frank Epperson), khi mới... 11 tuổi.

Mục đích ban đầu: Năm 1905, trong khi đang vui chơi cùng với gia đình ở sân sau nhà tại Xan Phran-xi-xcô (San Francisco), Ep-pơ-xơn vô tình dùng một chiếc que trộn bột soda khô và nước lại với nhau trong một chiếc cốc để đùa nghịch; sau đó, bỏ quên đống hỗn độn ấy bên ngoài và trở vào bên trong nhà.

Diễn biến và kết quả: Sáng hôm sau, Ép-pơ-xơn phát hiện ra một “que kẹo băng” ở đó. Cậu bé đã đặt tên cho sản phẩm này theo tên của chính mình: Ep-pơ-xơn, rồi dần dần khoe và làm nó cho các bạn cùng trang lứa, cho đến cả những đứa con của mình sau này. Những đứa trẻ khi ấy gọi tên chiếc que của cậu là Pốp-xi-cô (Pop- sicle), vì được làm từ soda nên khi nếm sẽ có hiện tượng nổ li ti. Vào năm 1923, Ép- pơ-xơn đã đăng kí bằng sáng chế cho thiết kế này, chính thức đánh dấu sự ra đời của sản phẩm bán chạy nhất mọi thời đại mỗi khi mùa hè đến.

3. LÁT KHOAI TÂY CHIÊN

Nhà phát minh: Gioóc Crăm (George Crum), đầu bếp tại một nhà hàng ở Xa-ra-tô-ga (Saratoga), Niu Oóc (New York), Mỹ.

Mục đích ban đầu: Crăm khi ấy đang cố gắng phục vụ món khoai tây Pháp do một khách hàng đặt vào mùa hè 1853.

Diễn biến và kết quả: Khách hàng đó liên tục gửi trả lại món ăn đã phục vụ, yêu cầu phải thái lát mỏng hơn và giòn hơn nữa. Crăm đã mất bình tĩnh, cắt lát khoai mỏng đến nỗi không thể mỏng hơn rồi chiên chúng sao cho khô cứng nhất có thể. Ông không ngờ là rất nhiều người thích nó và đặt mua rất nhiều.

4. GIẤY NHỚ

Nhà phát minh: Xpen-xơ Xin-vơ (Spencer Silver) và Át Phrai (Art Fry), làm việc tại một phòng thí nghiệm.

Mục đích ban đầu: Năm 1968, Xin-vơ tạo ra một chất dính tạm trong phòng thí nghiệm nhưng không biết sử dụng nó vào việc gì.

Diễn biến và kết quả: Điểm đặc biệt của chất dính chế tạo bởi Xin-vơ là bạn có thể đính một vật có trọng lượng nhỏ lên đó, một mảnh giấy chẳng hạn, dính lên hoặc bỏ đi khỏi bề mặt mà không làm hư hại gì cả. Hơn nữa, độ dính của chất được sáng chế ở trên kéo dài rất lâu, có thể được dùng dán lại nhiều lần. Tuy nhiên, mọi cố gắng tìm kiếm ứng dụng thật sự trong đời sống của sản phẩm này vào thời điểm đó vẫn chưa có kết quả.

Vài năm sau, đồng nghiệp của ông – Át Phrai – vốn đang bực tức vì không thể tìm ra cách gì để dán một số giấy tờ lên cuốn sách hợp ca của mình tại nhà thờ. Và từ đó, ý tưởng lớn gặp nhau, giấy nhớ đã được ra đời (dù phải đến năm 1980 mới trở nên phổ biến).

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close