Viết bài văn tả bác nông dân đang làm việc lớp 5

1. Mở bài: Giới thiệu một người lao động đang làm việc mà em muốn miêu tả 2. Thân bài: - Tả ngoại hình bác nông dân: + Bác nông dân khoảng gần 50 tuổi, thân hình gầy gò, thấp bé

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: Giới thiệu một người lao động đang làm việc mà em muốn miêu tả

2. Thân bài:

- Tả ngoại hình bác nông dân:

+ Bác nông dân khoảng gần 50 tuổi, thân hình gầy gò, thấp bé

+ Nước da rám nắng, phần tay và chân tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nên màu da đậm hơn

+ Tóc dày, đen bóng, không cắt tỉa mà để lòa xòa

+ Mặc bộ quần áo cũ, bạc màu, đầu đội nón lá, quần xắn lên giữa bắp chân

- Tả hoạt động của bác nông dân:

+ Cởi dép để trên bờ ruộng, rồi đi xuống ruộng lúa


+ Cúi lưng xuống, một tay cầm lấy vài thân lúa, kéo sát vào nhau, một tay cầm liềm cắt ngang gốc lúa, cách mặt đất chừng 3-5cm

+ Sau đó, bỏ mớ lúa nhỏ vừa cắt được xuống mặt ruộng, rồi lặp lại việc cắt lúa

+ Khi một bó lúa được chồng lên đủ to, bác dừng lại lấy một thân lúa dài làm dây, buộc chặt bó lúa lại, dựng gọn ở một góc, rồi tiếp tục gặt lúa

+ Bác cúi xuống cắt lúa di chuyển liên tục như một cái máy được lập trình sẵn, cái lưng nhấp nhô ướt đẫm mồ hôi

+ Khi gặt được chừng mười bó lúa to, bác ôm chúng ra chất lên xe bò cho thằng cu chở về sân

+ Tranh thủ uống cốc nước vối lớn, lấy áo lau nhanh mồ hôi trên trán, lẩm bẩm đến số lúa còn phải gặt, rồi lại đội nón lên đầu, tay cầm liềm tiến về phía ruộng lúa

3. Kết bài: Tình cảm, cảm xúc của em dành cho bác nông dân và công việc của bác ấ

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1

Cánh đồng lúa quê em đã vào mùa thu hoạch, các bác nông dân ngày ngày ra đồng gặt lúa, mang về những hạt thóc vàng ươm sau những ngày tháng vất vả.

Từ sáng tinh mơ, các bác nông dân đã ra đồng. Tới nơi, các bác rẽ theo các hướng khác nhau, ai về thửa ruộng nhà nấy. Nhìn xa xa, ai cũng giống nhau. Vì mùa này trời rất nắng nên các bác mặc áo dày, đội nón trắng, khuôn mặt trùm kín bằng một chiếc khăn chỉ để lộ đôi mắt. Dụng cụ đã chuẩn bị xong, các bác bắt đầu công việc gặt lúa. Phụ nữ lom khom cắt lúa còn đàn ông thì tuốt lúa. Tay trái các bác nâng từng bông lúa, tay phải cầm liềm cắt lúa xoèn xoẹt, đôi bàn tay mềm mại, thoăn thoắt tưởng như các bác đang múa. Từng bước chân nhịp nhàng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Lúa cắt xong được các bác xếp ngay ngắn thành từng đống rất gọn gàng. Lúa được cắt mỗi lúc một nhiều. Tiếng tuốt lúa vang lên rộn ràng cùng nhịp thở của các bác. Các bác đứng dậy vươn vai, quay lại nhìn thành quả lao động của mình. Nét mặt ai cũng vui. Mặt trời lên cao dần, Khi đã thấm mệt, các bác đứng lên nghỉ giải lao, ngồi uống nước đá, ăn vội cái bánh mì mà người nhà mới mang đến. Đâu đó vang lên những lời hát ngọt ngào của các cô gái làm xua đi những mệt nhọc. Sau ít phút giải lao, mọi người lại bắt tay vào việc. Càng về trưa nắng càng gay gắt mọi người ai cũng thấm mệt nhưng tranh thủ làm cho xong công việc. Mồ hôi rơi xuống nghe thánh thót, lưng áo ướt đẫm. Thỉnh thoảng, các bác lấy nón quạt phành phạch xua tan đi cái nắng nóng cứ vô tình chiếu xuống cánh đồng trống trải. Lúa trên ruộng cũng được gặt xong.

Vào mùa gặt, ai cũng bận rộn. Những hạt lúa chắc nịch, vàng ươm đã được đưa về nhà. Các bác nông dân phấn khởi vì vụ mùa bội thu. Nhìn thấy sự vất vả của các bác nông dân để cho ra được hạt lúa, hạt gạo em tự nhủ rằng mình phải biết ơn các bác và trân trọng mỗi khi bưng bát cơm lên ăn.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2

Trên cánh đồng, bác Hùng đang gặt nốt thửa ruộng cuối cùng của mùa này. Ánh nắng gay gắt của mùa hè cũng chẳng thể cản trở được công việc của bác.

Bác Hùng mình cởi trần, mặc chiếc quần bò đã bạc màu, chân đi chiếc ủng ngắn. Trên cổ vắt chiếc khăn nhỏ màu nâu để lau mồ hôi trên trán. Trên đầu bác đội chiếc mũ cói vành rộng, giúp che nắng. Dây mũ bác không thắt vào mà để rộng ra, để thỉnh thoảng dừng lại lấy mũ xuống làm quạt.

Tay phải bác Hùng cầm lưỡi liềm sắc bén, tay trái thì giữ thân lúa. Hai tay bác phối hợp nhịp nhàng, tay này cắt thì tay kia đỡ và gom lại thành bó nhỏ. Khi bó lúa trên tay trái đã đầy, bác sẽ dừng lại, xóc xóc cho nó thật gọn rồi chất qua một bên. Cả quá trình, bác cứ phải cúi mãi, tấm lưng đẫm mồ hôi bóng lên dưới ánh nắng, cứ nhấp nha nhấp nhổm mãi. Thỉnh thoảng, bác dừng lại lau mồ hôi, uống cốc nước mát, đấm đấm vào lưng và vai cho đỡ mỏi, rồi lại tiếp tục công việc của mình.

Bác Hùng như một cỗ máy, làm việc chăm chỉ và bền bỉ. Bác làm từ lúc nắng chói chang đến khi mặt trời đã khuất sau lưng núi. Lúc này, thửa ruộng đã được gặt xong, các bó lúa cũng đã được gom lại chất lên xe bò. Cứ thế, bác nằm tựa lên mớ lúa, đủng đỉnh đánh xe trở về nhà.

Bài tham khảo Bài mẫu 1

Ngày mùa, những người nông dân tất bật với công việc gặt lúa. Chiều nay, khi đi học về ngang qua cánh đồng, em đã dừng lại để ngắm những người lao động chăm chỉ đang gặt hái mùa vàng.

Thửa ruộng gần đường lớn nhất, là của một bác nông dân khoảng chừng 40 tuổi, gương mặt khắc khổ và có làn da đen sạm đi vì năng gió. Bác ấy khá gầy và nhỏ con, nhưng hành động thì nhanh nhẹn và khỏe khoắn lắm. Bác mặc chiếc áo phông cũ màu đen, chân mặc quần vải xám xắn cao lên đến đầu gối. Bác đội một chiếc mũ cói đã sứt góc vành, chân dẫm trực tiếp lên nền đất. Bác cúi lưng xuống song song với mặt đất, một tay cầm thân lúa, một tay cầm liền cắt ngang qua. Một lần như vậy, bác gom vài thân lúa một lượt. Sau vài nhát cắt, bó lúa trong tay đầy ụ bác mới bỏ qua một bên. Cứ như thế một tay cầm, một tay cắt di chuyển qua lại nhịp nhàng, nhanh nhẹn như cái máy được lập trình từ trước, chạy mượt mà vô cùng. Theo đó, ụ lúa bên cạnh ngày càng đầy lên. Chờ xong một khoảng ruộng, bác sẽ dừng lại để buộc các bó lúa cho gọn gàng rồi vác lên bờ, chất lên xe bò. Bó lúa to thế, mà bác vác một lần hai bó, đi lại nhẹ như không. Lên bờ, bác tranh thủ uống một cốc nước to. Bác uống từng ngụm lớn, nước chảy xuống ướt cả ngực áo nhưng cũng chẳng quan tâm. Bởi vốn chiếc áo đó đã thấm đẫm mồ hôi rồi, nay thêm chút nước vối thì cũng chỉ làm bác thêm mát chứ chẳng có hại gì. Chừng vài phút đứng nghỉ, bác nông dân lại đội mũ lên đầu, lăm lăm bước về ruộng lúa để tiếp tục làm việc. Dù khuôn mặt bác cũng đã hiện rõ vẻ mệt mỏi, nhưng bác vẫn tiếp tục làm việc, đó chính là cuộc sống của một người lao động chân chính đấy.

Trở về nhà, dáng vẻ của bác nông dân cứ hiện lên trong tâm trí em. Em thầm cảm ơn bác ấy đã vất vả cày cất, chăm bẵm và thu hoạch lúa gạo, để chúng em có bát cơm thơm dẻo ăn mỗi ngày.

Bài tham khảo Bài mẫu 2

Bác Hải là một nông dân cần cù, chất phác. Bác là người họ hàng của gia đình em. Em được biết đến bác là nhờ một lần về thăm quê ngoại. Gặp bác khi bác đang cày ruộng.

Hôm ấy, trên đường về quê em phải qua một cánh đồng rộng. Xa xa là dãy núi tím ngắt. Con mương nhỏ dẫn nước chạy men theo con đường trải đá răm. Đang vui vẻ nói chuyện cùng bố. Bố em dừng lại chào to: “Chào bác Hải, trưa rồi mà vẫn không nghỉ tay à?”

Bác Hải đang cày ruộng. Bác ngừng trâu. Dừng lại, nở nụ cười thật tươi chào lại bố con em. Năm nay bác chừng ngoài bốn mươi tuổi rồi. Dáng người bác cao lớn, vạm vỡ. Trên khuôn mặt chữ điền là đôi mắt to và sáng. Da bác rám nắng, tay chân chắc nịch. Bác say sưa cày ruộng trong chiếc áo đen đã bạc màu, ướt đẫm mồ hôi. Chiếc quần vải màu xanh dày dặn được xắn cao để lộ màu da chân đỏ au, vồng lên những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Đôi tay cứng cáp điều khiển cái cày khéo léo. Một tay bác cầm chuôi cày, còn tay kia thì cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng. Theo lưỡi cày, đất được lật lên ngọt xớt, phơi mình trên thửa ruộng chạy dài, thẳng tắp. Thỉnh thoảng bác lại quất nhẹ vào lưng trâu, miệng quát to: "Ngọ! Ngọ!". Hai con trâu đi chậm rãi dần vì phải kéo cả lưỡi cày, lật bao nhiêu lớp bùn đất. Trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó để lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần nhỏ dần. Khi cày đã thấm mệt, bác dừng lại nghỉ ngơi. Bác ngồi dưới một gốc cây to rồi lấy trong túi ra một gói thuốc rê đã được vê thành từng điếu rồi châm lửa hút. Lúc này, các động tác của bác chậm rãi. Hai con trâu khoan thai, vẫy đuôi găm cỏ. Mặt trời giờ đã lên cao, ánh nắng rải chan hoà khắp thửa ruộng. Mặt bác nhễ nhãi mồ hôi, nhưng bác vẫn cùng con trâu tiếp tục cày xong thửa ruộng. Trâu sau một lát nghỉ ngơi, lại ngoan ngoãn bì bõm kéo cày theo sự điều khiển của bác. Em thấy quý và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em lại nhớ đến câu tục ngữ: "Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".

Em và bố tiếp tục lên xe vào nhà nội, mỗi lúc một xa, bóng bác Hải khuất dần. Để làm ra hạt gạo, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Em thầm cảm ơn các bác nông dân, những người đã cho ta bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự nhọc nhằn vất vả của mình.

Bài tham khảo Bài mẫu 3

Một lần, đi cùng với lớp đi trải nghiệm một nông trại trồng dâu tây ở một vùng quê, em đã có dịp được xem các bác nông dân làm việc và lao động như thế nào.

Chúng em đến nông trại từ khá sớm đã thấy bác Học - chủ nông trại ra tiếp đón. Họ nói chuyện rất thân thiện và vui vẻ. Những người ở nông thôn luôn vui vẻ và hòa đồng như thế. Chúng em được dẫn đi xem nông trại luôn. Mới buổi sớm mà các bác nông dân đều đã làm việc rất hăng say.

Bác Học dẫn em đi tham quan. Đầu tiên, ở vườn trồng dâu tây. Một mảnh đất rộng lớn với màu xanh ngút ngàn của lá dâu. Xen giữa những lá dâu um tùm là những con đường mòn nhỏ tự vạch ra để con người có thể đi vào. Ở một nửa bên này, những cây dâu còn xanh được các bác nông dân tưới nước. Nguồn nước tươi mát ở trong những chiếc bình tưới được phun đều cho những cây dâu. Được uống nguồn nước tươi mát, những lá dâu thích thú rung lên và tươi tỉnh trong giọt nước óng ánh phản chiếu ánh mặt trời. Những bình nước cứ thể đưa hết dãy này đến dãy khác tưới mát cho cả vườn dâu.

Ở bên kia, những cây dâu chín trước được các bác nông dân thu hoạch. Các bác chia ra từng người ở từng hàng, cầm trên tay một chiếc giỏ nhỏ. Họ ngôi xuống gần hàng dân, chăm chú quan sát. Những quả dâu xuất hiện nhưng quả vẫn còn xanh nên chưa thể hái. Vạch từng chiếc lá, nếu có sâu, những bàn tay nhanh nhẹn loại bỏ để nó không làm hại đến cây. Và khi đã thấy màu đỏ tươi của những trái dâu đã chín, các bác nhẹ nhàng lấy để bỏ vào giỏ. Bác Học nói, cách hái dâu cũng phải cần có tay nghề, để hái được dâu ngon và không làm tổn hại đến cây dâu. Nhìn các bác hái dâu rất nhẹ nhàng, khuôn mặt rạng rỡ khi được cầm trên tay thành quả lao động của mình. Dẫu những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên mặt, sau lưng áo, đến chúng em đứng đó nhìn cũng thấy nóng thì các bác vẫn rất vui vẻ làm việc.

Những quả dâu ấy được hái trong suốt buổi sáng. Đến chiều, một nhóm tiếp tục đi tươi cây và chăm sóc cho cây dâu. Những bác khác lại có nhiệm vụ phân loại, kiểm tra các quả dâu để đóng vào hộp chuẩn bị mang bán. Những đôi tay làm rất nhanh và thuần thục nhưng nụ cười, những câu chuyện vẫn được trao nhau, râm ran cả khu ấy.

Lúc đầu, chúng em đều nghĩ làm nông dân, lao động sẽ rất vất vả và khổ cực. Nhưng sau ngày hôm ấy, em thấy chỉ cần là làm công việc mình yêu, với tất cả tình yêu của mình thì công việc ấy sẽ rất vui và ý nghĩa.

Bài tham khảo Bài mẫu 4

Nắng hè oi ả đã gọi một mùa hè tràn về trên khắp làng quê. Nắng như rót mật trên từng cành cây kẽ lá, nắng len lỏi qua từng con ngõ nhỏ và dát vàng lên từng con đường quê. Lúc này là lúc vào mùa, các bác nông dân đã hoàn thành công việc thu hoạch lúa gạo. Bác Dũng – người hàng xóm của em lại bắt tay vào một mùa mới.

Sáng sớm bác đã chuẩn bị máy cày và những công cụ khác để sẵn sàng cày thửa ruộng vừa mới gặt. Tay bác thoăn thoắt tra dầu vào máy, bác kiểm tra máy móc thật kĩ càng rồi mới đánh lái đưa máy cày ra đến cổng. Bác đeo găng tay, đội mũ để cho khỏi nắng, nom bác đã sẵn sàng để bắt đầu một ngày làm việc vất vả.

Ra đến đồng, bác cẩn thận đưa máy xuống đồng rồi mới bắt đầu cày ruộng. Những thửa ruộng vừa gặt còn vương đầy gốc rạ và những vụn rơm mới. Bác Dũng làm việc rất khoa học, không phải cứ đưa máy tới đâu là gặt tới đó, bác lần lượt cày từ mép thửa ruộng này rồi cứ cày từng hàng thẳng tắp. Nắng đã lên. Ánh nắng chói chang của ngày hè chiếu xuống khiến thửa ruộng bừng sáng, lấp lánh nom đẹp như một bức tranh mà người nghệ sĩ tài hoa nào đã chấm phá vài nét. Nước ở ruộng óng ánh những sắc vàng chói lóa. Nắng đã khiến cảnh vật trở nên rực rỡ hơn nhưng bác Dũng vẫn tập trung vào công việc mình làm. Tay bác nhanh nhẹn lái máy cày xới trên mảnh ruộng vừa thu hoạch lúa. Máy cày đi tới đâu, từng hàng đất bị xới lên theo đến đó. Bác nói rằng sau khi thu hoạch, phải xới đất như này để đất nghỉ ngơi, nó hấp thụ được nhiều khoáng chất hơn để trở nên tơi xốp hơn, màu mỡ hơn để lại bắt đầu một vụ mùa mới. Thế nên bác cày từng hàng rất kĩ, đất như vỡ vụn ra dưới chân bác.

Cày được một thửa, bác ngừng tay để lau những giọt mồ hôi đã bắt đầu thánh thót rơi trên gương mặt rám nắng của bác. Lưng bác ướt đầm mồ hôi vì nóng, bác đưa tay quệt những vệt mồ hôi chảy dài trên trán, tay với nhanh lấy chai nước bác đã chuẩn bị rồi uống. Bác dừng lại một chút ngắm lại mảnh ruộng bác vừa cày : thật kì diệu biết bao, lúc nãy đâu nó vẫn chỉ là mảnh ruộng còn vương đầy gốc rạ, thế mà giờ đã được cày xới, tơi xốp lạ kì. Bác mỉm cười rồi lại nhanh chóng bắt tay vào công việc. Tiếng mãy cày nổ vang khắp cả một vùng trời, hòa vào tiếng chim hót trên cành cây tạo thành thứ âm thanh xao động cả một vùng. Bác vẫn lái máy cày trên thửa ruộng, bác đi tới đâu là mảnh ruộng như nở hoa đến đó. Rồi nay mai thôi, trên mảnh đất tơi xốp này sẽ lại trải dài màu vàng của cây lúa làm cho quê hương giàu đẹp hơn. Nghĩ tới thành quả tương lai mà lòng bác vui sướng lạ kì.

Mặt trời đã đứng bóng. Trời càng chuyển về trưa lại càng nắng gắt hơn. Bác nghỉ tay một lát rồi lái máy cày về nhà, không quên ngoái lại nhìn thửa ruộng mình vừa cày xong. Nhìn thấy bác làm việc, em càng thêm yêu mến công việc của những người nông dân, càng thêm trân trọng hạt gạo – hạt ngọc trời đã ghi dấu biết bao nhiêu công sức của người nông dân.

Bài tham khảo Bài mẫu 5

Bác Tài là một nông dân cần cù, chất phác. Em được biết đến bác là nhờ một lần về thăm quê ngoại.

Hôm ấy, trên đường về quê em phải qua một cánh đồng rộng mênh mông. Ngồi trên xe mà lòng em cứ nao nao mong chóng về gặp ngoại. Nhưng oái oăm thay, giữa đường xe bị hỏng nên em phải đi bộ qua con đường khá dài.Người cũng mệt, hai mẹ con nghỉ lại quán nước bên đường. Cũng chính trên con đường này em được làm quen với bác Tài khi bác đang cày ruộng.

Bác Tài chừng ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người bác cao lớn, vạm vỡ. Trên khuôn mặt chữ điền là đôi mắt to và sáng. Da bác sám nắng, tay chân chắc nịch. Bác say sưa cày ruộng trong chiếc áo đen đã bạc màu, ướt đẫm mồ hôi. Chiếc quần vải màu xanh dày dặn

được xắn cao để lộ màu da chân đỏ au, vồng lên những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Đôi tay cứng cáp điều khiển cái cày khéo léo. Một tay bác cầm chuôi cày, còn tay kia thì cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng. Theo lưỡi cày, đất được lật lên ngọt xớt, phơi mình trên thửa ruộng chạy dài, thẳng tắp. Thỉnh thoảng bác lại quất nhẹ vào lưng trâu, miệng quát to: "Ngọ! Ngọ!". Hai con trâu đi chậm rãi dần vì phải kéo cả lưỡi cày, lật bao nhiêu lớp bùn đất. Trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó để lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần nhỏ dần. Khi cày đã thấm mệt, bác dừng lại nghỉ ngơi. Bác ngồi dưới một gốc cây to rồi lấy trong túi ra một gói thuốc rê đã được vê thành từng điếu rồi châm lửa hút. Lúc này, các động tác của bác chậm rãi. Hai con trâu khoan thai, vẫy đuôi gặm cỏ. Mặt trời giờ đã lên cao, ánh nắng rải chan hòa khắp thửa ruộng. Mặt bác nhễ nhại mồ hôi, nhưng bác vẫn cùng con trâu tiếp tục cày xong thửa ruộng. Trâu sau một lát nghỉ ngơi, lại ngoan ngoãn bì bõm kéo cày theo sự điều khiển của bác. Em thấy thương và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em lại nhớ đến câu tục ngữ: "Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".

Em và mẹ lên đường về quê, mỗi lúc một xa, bóng bác nông dân khuất dần. Để làm ra hạt gạo, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Em thầm cảm ơn các bác nông dân, những người đã cho ta bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự nhọc nhằn vất vả của mình.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close