Soạn bài Tự đánh giá cuối học kì II - Ôn tập HK2 SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - siêu ngắn

Bài thơ Thương vợ là lời của ai, nói về ai?

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đọc hiểu

Video hướng dẫn giải

Phần a (trang 119, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Đọc bài thơ sau, ghi vào vở chữ cái đầu phương án trả lời đúng của mỗi câu hỏi (từ 1 đến 5) và làm bài tập câu 6

THƯƠNG VỢ

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo Sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

Cha mẹ thói đòi ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không!

(TRẦN TẾ XƯƠNG, Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Giáo dục, Hà Nội, năm 1984)

Câu 1 (trang 119, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Bài thơ Thương vợ là lời của ai, nói về ai?

A. Vợ nhà thơ Trần Tế Xương nói về chồng

B. Vợ nhà thơ Trần Tế Xương tự nói về mình

C. Người chồng nói về người vợ của mình

D. Nhà thơ Trần Tế Xương tự nói về mình

Phương pháp giải:

     Đọc kĩ bài thơ

Lời giải chi tiết:

Đáp án: C

Giải thích: Đọc bài thơ và nhan đề thì đây là bài mà người chồng nói về người vợ của mình.

Câu 2 (trang 119, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Bài thơ nêu trên có đặc điểm như thế nào?

A. 8 câu, không có hình ảnh

B. 8 câu, mỗi câu 7 chữ

C. 8 câu, không có nhịp

D. 8 câu, không có vần

Phương pháp giải:

     Đọc kĩ bài thơ

Lời giải chi tiết:

Đáp án: B

Giải thích: Nhìn vào hình thức bài thơ, ta thấy bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ.

Câu 3 (trang 119, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Câu thơ nào sau đây sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ?

A. Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

B. Có chồng hờ hững cũng như không

C. Một duyên hai nợ âu đành phận

D. Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Phương pháp giải:

     Đọc kĩ bài thơ

Lời giải chi tiết:

Đáp án: D

Giải thích: Ẩn dụ “thân cò”, ý chỉ sự vất vả của người vợ.

Câu 4 (trang 119, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Câu thơ nào sau đây sử dụng thành ngữ?

A. Quanh năm buôn bán ở mom sông

B. Nuôi đủ năm con với một chồng

C. Năm nắng mười mưa dám quản công

D. Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Phương pháp giải:

      Đọc kĩ bài thơ

Lời giải chi tiết:

Đáp án: C

Giải thích: Thành ngữ “Năm nắng mười mưa”.

Câu 5 (trang 119, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Điểm giống nhau giữa bài thơ trên với các bài Tự tình (Bài 2) (Hồ Xuân Hương); Cảm xúc mùa thu (Đỗ Phủ); Thu điếu (Nguyễn Khuyến) là gì?

A. Viết về tình cảm với quê hương.

B. Viết về đề tài người phụ nữ.

C. Viết về thiên nhiên, mùa thu

D. Làm theo thể thơ Đường luật.

Phương pháp giải:

     Đọc kĩ bài thơ

Lời giải chi tiết:

Đáp án: D

Giải thích: Chú ý về hình thức của các bài.

Câu 6 (trang 120, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Nêu nội dung chính của bài thơ trên trong 4-5 dòng

Phương pháp giải:

      Đọc kĩ và kết hợp với việc phân tích, tìm hiểu bài thơ

Lời giải chi tiết:

     Hình ảnh người vợ tần tảo sớm khuya hết lòng hi sinh vì chồng con được Trần Tế Xương khắc họa vô cùng chân thực bằng cả tấm lòng, tình yêu của mình. Hình ảnh ấy chính là hình ảnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa, một mực hết lòng vì chồng con, hi sinh hết thảy kể cả bản thân mình để vun vén cho gia đình. Đồng thời từ hình ảnh người phụ nữ được nhà thơ kể đến chính là tình cảm của người chồng hay của chính tác giả dành cho vợ của mình và lời phê phán đến xã hội lúc bấy giờ.

Phần b (trang 120, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Đọc đoạn trích sau và làm các bài tập ở bên dưới:

     Nguyễn Trãi đã dùng văn học phục vụ chiến đấu, viết văn để đánh giặc. Văn chính luận của ông có nội dung yêu nước sâu sắc và tình thần chiến đấu cao, Quân trung từ mệnh tập "có sức mạnh như mười vạn quân" (Phan Huy Chú), từng đợt tiến công mãnh liệt vào kẻ thù. Bình Ngô đại cáo cháy bỏng khát vọng chiến đấu cho độc lập dân tộc, bừng dậy hùng khí của những năm "đoạt sáo, cầm Hồ", trào dâng khí thế chiến đấu và chiến thắng của những năm tháng "Bình Ngô phục quốc". Trong Quân trung từ mệnh tập. Nguyễn Trãi đã dùng trí mưu đê phân tích thời - thế - lực nằm chứng minh ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Nguyễn Trãi đã vận dụng đạo lí lên án vua quan triều Minh về tội ác xâm lược, dối trá, tàn bạo,... tuyên dương nghĩa quân về việc làm chính nghĩa, quang minh chính đại, trung trực, khoan hồng,... Sức mạnh chiến đấu của văn chính luận Nguyễn Trãi là sức mạnh của chiến lược "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo", của sự ưu thắng khi phân tích về thời - thế - lực. Từ nhu cầu "công tâm" và từ nhận thức về tính năng chiến đấu của văn chương, với tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, không khoan nhượng, trên những điểm căm bản và tuân theo một sách lược lonh hoạt, Nguyễn Trãi đã viết thư giáng cho địch những đòn tới tấp, đánh cho kẻ địch phải thua trên mặt trận tư tưởng. Chiến đấu là tính đặc thù của văn chính luận dân tộc. Nhưng chiến đấu ngoan cường, trực diện, tập trung, thường xuyên và có hiệu quả cao, xuất phát từ trí tuệ nhạy bén, tình cảm chân thành và nhất là từ ý thức dùng văn chương làm vũ khí "mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao" (Phạm Văn Đồng), thì chỉ có thể tìm thấy sớm nhất trong văn chính luận Nguyễn Trãi.

(BÙI DUY TÂN, in trong Nguyễn Trãi - Về tác gia tác phẩm, NXB Giáo dục, 1999)

Câu 1: (trang 120, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Văn bản trên viết về vấn đề gì? Tóm tắt trong khoảng 3 – 4 dòng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ đoạn trích.

- Đánh dấu những vấn đề chính

Lời giải chi tiết:

     Nguyễn Trãi đã dùng văn học phục vụ chiến đấu. Ta có thể kể đến Quân trung từ mệnh tập như từng đợt tiến công mãnh liệt vào kẻ thù, Bình Ngô đại cáo thì cháy bỏng khát vọng chiến đấu cho độc lập dân tộc. Trong Quân trung từ mệnh tập Nguyễn Trãi đã phân tích thời, thế, lực, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, … đánh cho địch phải thua trên mặt trận tư tưởng. Nguyễn Trãi thực sự đã dùng văn chương làm vũ khí thành công.

Câu 2 (trang 120, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Nêu các biểu hiện cụ thể giúp em nhận biết được phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản.

- Xác định phương thức biểu đạt chính.

Lời giải chi tiết:

     Các biểu hiện cụ thể giúp em nhận biết được phương thức biểu đạt chính của văn bản trên: Tác giả đã đưa ra ý kiến đánh giá, bàn luận về vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục người đọc.

Câu 3 (trang 120, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Đoạn trích trên được triển khai theo kiểu diễn dịch, quy nạp hay tổng - phân - hợp? Em dựa vào đâu để xác định cấu trúc ấy?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản.

- Chú ý vị trí câu chủ đề của văn bản.

Lời giải chi tiết:

- Đoạn trích trên được triển khai theo kiểu diễn dịch.

- Em dựa vào cách tác giả trình bày đâu để xác định cấu trúc: tác giả nêu câu chủ đề trước, rồi sau đó mới lấy dẫn chứng chứng minh cho vấn đề.

Câu 4 (trang 120, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)

Đề bài: Viết 6 – 8 dòng nêu cảm nghĩ của em về nội dung và hình thức của đoạn trích trên.

Phương pháp giải:

     Nêu cảm nhận của bản thân.

Lời giải chi tiết:

     Em thực sự ấn tượng với nội dung và hình thức của đoạn trích trên. Đây là một đoạn văn nghị luận bàn về việc Nguyễn Trãi đã dùng văn học làm vũ khí chiến đấu thành công như thế nào. Đầu tiên, tác giả đưa ra câu chủ đề: Nguyễn Trãi đã dùng văn học phục vụ chiến đấu, viết văn để đánh giặc. Sau đó, tác giả dùng lí lẽ, dẫn chứng kết hợp với các thao tác lập luận để chứng minh cho luận điểm của mình. Ông lấy dẫn chứng điển hình là tác phẩm Quân trung từ mệnh tập và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, rồi phân tích Quân trung từ mệnh tập như từng đợt tiến công mãnh liệt vào kẻ thù, Bình Ngô đại cáo thì cháy bỏng khát vọng chiến đấu cho độc lập dân tộc...

Viết

Video hướng dẫn giải

Chọn một trong hai để sau để viết thành bài văn ngắn:

Đề 1: Phân tích, đánh giá nội dung và hình thức một trong các tác phẩm văn xuôi đã học trong Ngữ văn 10, tập hai.

Đề 2: Phân tích bài thơ Thương vợ của tác giả Trần Tế Xương đã nêu ở trên.

Phương pháp giải:

- Tìm ý và lập dàn ý chi tiết.

- Tham khảo ngữ liệu.

- Viết bài.

- Sửa lỗi (nếu có).

Lời giải chi tiết:

Đề 1

Bài viết chi tiết

     Hồi trống cổ thành thuộc hồi thứ 28 kể lại diễn biến Quan Công gặp lại Trương Phi với nội dung hết sức gay cấn, hấp dẫn. Đoạn trích không chỉ hấp dẫn ở nội dung giàu kịch tính mà còn hấp dẫn bởi những chi tiết giàu ý nghĩa mà trước hết chính là chi tiết hồi trống.

     Sau khi ba anh em Lưu – Quan – Trương rời bỏ Tào Tháo và bị Tào Tháo đuổi đánh khiến ba anh em mỗi người một ngả: Lưu Bị chạy về với Viên Thiệu, Trương Phi ở Cổ Thành, còn Quan Công vì phải bảo vệ chị dâu (vợ Lưu Bị) nên phải ở lại chỗ Tào Tháo, nhưng Quan Công chỉ hàng Hán chứ không hàng Tào và đưa ra điều kiện khi nghe tin anh mình là Lưu Bị ở đâu lập tức sẽ đi tìm anh ngay. Quan Công lên đường tìm Lưu Bị và trong quá trình ấy đã gặp lại Trương Phi. Khi hai anh em gặp lại nhau đã có biết bao biến cố xảy ra.

     Khi gặp lại Quan Công, ngay lập tức Trương Phi khẳng định Quan Công là kẻ phản bội. Trương Phi đã lựa chọn hình thức thử thách cho Quan Công, đó là sau ba hồi trống Quan Công phải giết được tướng Tào để chứng minh sự trong sạch của mình. Bởi vậy hồi trống này có nhiều ý nghĩa. Đối với Trương Phi đây là hồi trống có ý nghĩa thách thức Quan Công, đặt Quan Công vào thử thách buộc phải vượt qua để minh chứng cho sự trong sạch của bản thân. Cũng cần lưu ý số hồi trống mà Trương Phi đưa ra cho Quan Công là ba hồi, tại sao là ba hồi chứ không phải ít hơn hay nhiều hơn. Ta biết rằng, Trương phi là con người hết sức nóng nảy, bởi vậy nếu là năm hồi sẽ quá lâu và Trương Phi không thể kiên nhẫn chờ đợi. Còn nếu là một hồi thì lại quá ít khiến Quan Công bị đặt vào tình thế khó có thể chứng minh. Như vậy, ba hồi là hợp lí nhất, là thời gian vừa đủ để Quan Công minh chứng mình trong sạch, đồng thời ba hồi cũng thể hiện hi vọng, mong muốn của Trương Phi đối với Quan Công.

     Còn đối với Quan Công đây là hồi trống minh oan. Khi nhận được yêu cầu của Trương Phi, Quan Công lập tức đồng ý ngay, bởi Quan Công hiểu rất rõ tính cách của Trương Phi, nếu không minh chứng được thì mãi mãi Trương Phi không công nhận sự trong sạch của Quan Công. Quan Công là người tự ra điều kiện để lấy lại lòng tin của Trương Phi, chém đầu Sái Dương, chấp nhận thêm điều kiện về thời gian của Trương Phi, nhanh chóng thực hiện. Sái Dương là tướng giỏi của Tào Tháo. Dưới trướng Tào Tháo, Sái Dương là người duy nhất không phục Quan Công. Tần Kì – một người trong số 6 tướng bị Quan Công giết lại là cháu ngoại của Sái Dương. Khi Tào Tháo không đồng ý cho đi giết Quan Công thì Sái Dương vẫn nhất quyết đi. Bởi vậy lựa chọn giết Sái Dương là lựa chọn đúng đắn nhất. Ngoài ra, để tăng sức thuyết phục với Trương Phi, Quan Công còn bắt một tên lính Tào, kể lại đầu đuôi cho Trương Phi hiểu. Quan Công là người trung nghĩa, tài năng, khôn khéo, bình tĩnh, gỡ được tình thế khó khăn.

     Hồi trống cổ thành là đoạn trích thể hiện nổi bật tính cách, phẩm chất trong sáng, đẹp đẽ của Trương Phi, lòng trung nghĩa của Quan Vũ. Không những thế còn ca ngợi tài năng, khí phách của những người anh hùng dưới trướng Lưu Bị và thêm trân trọng tình cảm keo sơn gắn bó giữa ba anh em kết nghĩa vườn đào.

     Với chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa, hồi trống không chỉ cho thấy tình cảm sâu nặng mà Trương Phi dành cho Quan công mà còn cho thấy sự bình tĩnh, bản lĩnh tự tin của Quan Công để minh chứng sự trong sạch của mình. Đồng thời chi tiết này cũng cho thấy tài năng nghệ thuật bậc thầy của tác giả.

 

Đề 2

Bài viết chi tiết

     Thơ ca Việt Nam khi xưa, trong thời Trung đại được các nhà nho dùng để dạy đời, tỏ chí. Nhà nho xưa thể hiện chí làm trai, nợ công danh, chí kinh bang tế thế hay những ưu tư về cuộc đời, về thời đại mà ít khai thác đời sống tình cảm, đời tư thường nhật của mình, đặc biệt là viết về người phụ nữ. Trong thế kỉ XIX có Nguyễn Khuyến và Tú Xương đã làm được điều đó. Nhưng nổi tiếng hơn cả là những bài thơ của Tú Xương. Tú Xương không chỉ lên án đanh thép xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ bằng những bài thơ trào phúng sâu sắc mà còn để lại nhiều bài thơ trữ tình, nhất là về người vợ của ông. Thương vợ là một trong những bài thơ như thế, vừa sâu sắc, tình cảm, vừa hóm hỉnh, vui tươi.

       Sách vở còn ghi lại, bà Tú có thời gian làm nghề buôn gạo

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

     Bà Tú ở đầu bài thơ hiện lên với công việc buôn bán ở mom sông. “Quanh năm” là thời gian đằng đẵng, tuần hoàn, ngày nối ngày, người mẹ, người vợ ấy vẫn tần tảo sớm hôm buôn bán để nuôi chồng, nuôi con. Bà không có cửa hàng hay quán xá mà buôn bán ở “ mom sông”, chỉ là chỗ đất nhô ra ở cửa sống, nơi đầy rẫy những nguy hiển, ba bề đều là nước, nơi ấy chênh vênh, không ổn định. Gợi cho người đọc sự không chắc chắn để bán buôn. Bà không chỉ bán một hay hai hôm mà quanh năm, ngày qua này, tháng tới tháng, từ năm này qua năm khác. Câu thơ đầu hiện lên hình ảnh bà Tú tần tảo, chịu khó mặc khó khăn và vất vả. “Nuôi đủ năm con với một chồng” mặc dù việc buôn bán vất vả để nuôi sáu miệng ăn nhưng cũng chỉ đủ ăn. Không những chỉ nuôi những đứa con thơ dại mà còn phải nuôi cả người chồng, lo lắng cho việc khoa cử mỗi lần đi thi của ông. Chỉ kể đến tiền cho chồng đi thi có khi còn nhiều hơn để nuôi những đứa con ở nhà. Nhà thơ từng lên tiếng tố cáo bọn quan lại, quắc mắt khinh đời giờ coi mình là con người nhỏ bé được bà Tú. Hai câu đề cho thấy sự vất vả nhưng rất đảm đang gánh vác và yêu thương chồng con mới dám hi sinh, chịu đựng nhọc nhằn. Đồng thời, đằng sau những vất vả của bà Tú là sự biết ơn sâu sắc của chồng và con với bà vì đã không đỡ đần được sự nhọc nhằn của bà.

       Hình ảnh bà Tú lại hiện lên ở hai câu thực hết sức chân thực và sâu sắc:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

     Trong hai câu thơ trên, hình ảnh độc đáo và gần gũi với đời sống hàng ngày cũng như đời sống văn thơ dân gian nhất chính là hình ảnh con cò. Trong thơ Tú Xương, con cò hiện lên không phải là con cò mà được diễn đạt bằng từ “thân cò”. “Lặn lội thân cò” chính là sự vất vả, đơn chiếc khi kiếm ăn một mình, cực nhọc biết bao khi “quãng vắng” nơi vắng vẻ, ít người còn rất nguy hiểm. “Thân cò” ấy lại “eo sèo”, liều lĩnh, giành giật trong làm ăn vì miếng cơm manh áo của chồng con trong “buổi đò đông”. “Thân cò” ấy lặn lội, lam lũ cả một đời chính là hình ảnh biểu tượng của người phụ nữ ân cần, chăm chỉ làm vụng, lam lũ, vất vả. Thân cò ấy chính là thân phận, là sự mỏng manh trước cảnh đời khắc nghiệt. Nghệ thuật đảo trật tự cú pháp đã làm nổi bật hình ảnh “ thân cò” lặn lội khi quãng vắng, eo sèo buổi đò đông. Một “ thân cò” gầy yếu nhưng lam lũ, vất vả. Qua bốn câu đầu tiên, hình ảnh bà Tú vẫn luôn là người phụ nữ vất vả, chịu đựng cùng với sự hi sinh lớn lao dành cho chồng con mình.

     Tuy gian khổ là vậy, nhưng bà Tú không buông một lời oán trách mà luôn chịu đựng, kiên cường:

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

     Nói về cuộc sống gia đình mình Tú Xương đã dùng từ ngữ chân thực mà sâu sắc. “Duyên” và “nợ” là hai từ có ý nghĩa trái ngược nhau để chỉ hạnh phúc gia đình. Nếu cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp thì là cái duyên, còn cực nhục, khổ đau thì là nợ. Cuộc đời bà Tú duyên một mà nợ những hai. Mặc dù biết vậy nhưng cũng “âu đành phận” mà không một lời oán trách. Hình ảnh người phụ nữ ấy lại hiện lên với sự tần tảo, vất vả muôn phần: “Năm nắng mười mưa dám quản công”. Sự vất vả ấy đâu “dám quản công” chỉ “âu đành phận”.  Tú Xương đã sử dụng rất khéo số từ trong thơ của mình, vừa theo thứ tự tăng dần vừa đối nhau: một, hai, năm, mười, gợi được những khó khăn chồng chất ngày một tăng dần. Đồng thời câu thơ cũng cho thấy sự kiên cường và phi thường của người vợ, người mẹ đã gánh vác, chấp nhận tất cả để lo lắng, săn sóc cho chồng con mình thật tốt.

     Sau tất cả sự khó khăn ấy là hình ảnh người chồng tuy không thể làm được gì to lớn giúp vợ nhưng rất mực yêu thương và tài hoa:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không.

      Bà Tú tuy vất vả là vậy nhưng đâu có chửi chồng mình. Hai câu kết chính là lời chửi chua xót mà ông Tú thay vợ dành cho mình. Ông tự chửi mình về tội làm chồng mà hờ hững, để vợ phải vất vả, lặn lội kiếm ăn mà không đỡ đần được. Bà Tú không những không được nhờ vả vào chồng mà còn lấy phải ông chồng bạc bẽo, hờ hững, chẳng giúp gì được cho gia đình mà còn phải lo lắng và nuôi cả chồng mình. Đồng thời, ông Tú chửi cả một xã hội bất giờ bất công, ông chửi thói đời đểu cáng, bạc bẽo để cho bà Tú vất vả nhưng vẫn nghèo đói, khó khăn. Tiếng chửi ấy chính là tiếng tố cáo đanh thép xã hội không cho người ta quyền thi cử chính đáng để làm quan đỡ đần gia đình mặc dù ông Tú là người tài hoa. Đằng sau lời chửi ngoa ngoắt là một người chồng không hề hờ hững mà là một người chồng yêu quý, thương vợ rất mực, tài hoa, chung thủy và giàu lòng tự trọng.

      Bài thơ là tiếng lòng chân thành của Tú Xương dành đến cho người vợ của mình, người đã vất vả kiếm sống nuôi gia đình. Bài thơ cũng hiện lên nhân cách cao đẹp của Tú Xương khi đã dám lên tiếng chia sẻ sự vất vả với vợ, sự xấu hổ khi không thể đỡ đần cho vợ mình, dám nhận mình là “quan ăn lương vợ” cùng với tài năng nghệ thuật rất đáng trân trọng.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close