Những đại biểu của hai trào lưu duy thực và duy danh giai đoạn đầu chủ nghĩa kinh viện

Ông là người Ailen, một trong những nhà tư tưởng kiệt xuất thời trung cổ, người theo chủ nghĩa duy thực triệt để. Trong lĩnh vực triết học, Ơrigiennơ theo đường lối của Platôn. Ông là người có trình độ học vấn uyên bác, đọc thông viết thạo nhiều ngoại ngữ, có nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất là các tác phẩm Về sự tiền định của Thượng đế và Về sự phân chia giới tự nhiên.

Quảng cáo

a,         Giangxicốt Ơrigiennơ (810-877)

Ông là người Ailen, một trong những nhà tư tưởng kiệt xuất thời trung cổ, người theo chủ nghĩa duy thực triệt để. Trong lĩnh vực triết học, Ơrigiennơ theo đường lối của Platôn. Ông là người có trình độ học vấn uyên bác, đọc thông viết thạo nhiều ngoại ngữ, có nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất là các tác phẩm Về sự tiền định của Thượng đế và Về sự phân chia giới tự nhiên.

Là một nhà thần học nên trung tâm chú ý trong học thuyết của Ơrigiennơ là chứng minh sự tồn tại và vai trò tối cao của Thượng đế đối với đời sống con người và giới tự nhiên, ca ngợi và làm vững chấc uy tín của nhà thờ và tôn giáo. Tư tưởng đó thể hiện rõ nhất trong phương pháp phân chia giới tự nhiên của ông.

Theo Ơrigiennơ, trong quá trình nhận thức, nghiên cứu giới tự nhiên một cách "biện chứng", con người đã thấy được ý nghĩa của Thượng đế. Ông chia giới tự nhiên thành một số giai đoạn phát triển ở giai đoạn đầu, giới tự nhiên biểu hiện như là vật sáng tạo - đó là Thưọng đế được xem như cơ sở đầu tiên của quá trình thế giới. Ở giai đoạn thứ hai, giới tự nhiên biểu hiện như là vật vừa sáng tạo, vừa được sáng tạo - đó là con của Thượng đế, là công cụ sáng tạo hay là lý trí của Thượng đế, là sự sản sinh lý tưởng ra mọi của cải, kẻ trung gian giữa Thượng đế" và thế giới, ở giai đoạn thứ ba, giới tự nhiên biểu hiện không phải như là vật sáng tạo mà như là vật đuợc sáng tạo - đó là thế giới các sự vật cụ thể, thế giới muôn loài, trong đó cỏ con người ở giai đoạn thứ tư, giới tự nhiên biểu hiện là vật không phải sáng tạo cũng không phải được sáng tạo - đó cũng là Thượng đế những ở đây Thượng đế được xem như mục đích của quá trình thế giới.

Ơrigiennơ còn chứng minh rằng, bản thân quá trình thế giới là sự giáng thế liên tục của Thượng đế thông qua con người của mình (chúa Giêsu) nghĩa là cái tồn tại ít tối cao hơn, nhỏ hơn. Thế giới, kể cả con người, không tồn tại độc lập mà luôn phụ thuộc vào Thượng đế. Con người chỉ như một thế giới nhỏ đặc biệt, trong đó tái hiện những giai đoạn phát triển căn bản của giới tự nhiên.

Trong việc giải quyết vấn để trung tâm của triết học trung cổ - vấn đề mối quan hệ giữa lòng tin và lý trí. Ơrigiennơ cũng thể hiện rất rõ quan niệm duy tâm thần học của mình. Chẳng hạn, về vấn đề trên tuy cách giải quyết của ông có khác cách giải quyết phổ biến thời đó cho rằng lý trí và lòng tin hoàn toàn dung hợp nhau, phủ nhận lý trí để đề cao tôn giáo, hoặc đề cao lý trí để phủ nhận tôn giáo đều là nguy hiểm cho nhà thờ, thì mục đích cuối cùng của ông vẫn là củng cố lòng tin của tôn giáo, đề cao uy tín của nhà thờ chứ không phải uy tín của trí tuệ khoa học. Hoặc như giải quyết vấn đề mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng cũng vậy. Ông cho rằng cái chung có trước cái riêng và là cơ sở của cái riêng. Nhưng vì các sự vật đều bắt nguồn từ cái chung và cái chung là cái bản chất của sự vật. Ở đây bộc lộ rõ tính chất duy tâm trong nhận thức luận ở Ơrigiennơ Bởi vì học thuyết của nhà duy thực luận trung cổ này là sự phát triển và lập luận tiếp tục của chủ nghĩa Platôn mới.

Nhưng thậm chí, những quan điểm có tính chất duy tâm tôn giáo trên đây của Ơrigiennơ cũng trở thành mối nguy hiểm cho nhà thờ thời kỳ này vì chúng làm nảy sinh tư tưởng phiếm thần luận. Vì vậy hơn ba trăm năm sau khi chết, học thuyết của ông đã bị nhà thờ lên án là tà giáo, và sách của ông đã bị đốt.

b, Pie Abơla (1079 - 1142)

Ông là nhà duy danh luận cực đoan người Pháp, là đại biểu nổi tiếng của nền triết học kinh viện nửa đầu thế kỷ XII. Ông còn là một thầy giáo có tên tuổi của trường học thầy tu ở Pari, là nhà văn, nhà luận chiến xuất sắc, một con người học rộng. Một nhà tư tưởng đương thời với ông đã nói rằng ông là người thầy giáo đã thu hút được nhiều học trò nhất từ nước Anh, nước Đức và toàn nước Pháp.

Vấn đề đầu tiên trong triết học của Abơla cũng là vấn đề mối quan hệ giữa lòng tin và lý trí. Ông đề cao vai trò của lý trí. Theo ông, lòng tin phụ thuộc một cách rõ rệt vào những cơ sở lý trí. Không phải "sự linh cảm" là tiêu chuẩn và sự bảo đảm cho tính chân lý của các thành quả của lý trí, mà lý trí mới là sự bảo đảm cho những điều linh cảm. Lý trí cho ta những phương tiện chính xác để vạch ra toàn bộ nội dung của chân lý tôn giáo và cho câu trả lời đúng đắn về vấn đề một tín điều tôn giáo nào đó là xác đáng hay không xác đáng. Muc đích của mọi sự tìm kiếm triết học theo Abơla là vạch ra và lập luận chân lý. Ông đã phê phán nhiều đại biểu của nhà thờ và chỉ ra tính chất không chuẩn xác của các học thuyết thần học. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi còn sống ông đã có nhiều kẻ chống đối và nhiều kẻ thù công khai. Nhà thờ đã gọi ông là kẻ "chống Chúa trời". Kẻ thù, khi nói về các tác phẩm của ông, cũng phải thừa nhận rằng: "Những cuốn sách có chất độc đó không nằm yên trong các ngăn tủ, mà chúng được đọc ở mọi ngã ba đường phố. Người ta còn nói, những cuốn sách của Abơla như là có cánh.

Abơla còn nổi tiếng là một người nghiên cứu lôgíc học. Khi phê phán những đại biểu của chủ nghĩa duy thực và khi dựa vào các tác phẩm của Arixtốt, ông nhấn mạnh rằng, khái niệm chung không thể tồn tại ở bên ngoài các sự vật cụ thể. Nếu nó có một đời sống độc lập như các nhà duy thực khẳng định thì khái niệm cần phải trở thành sự vật. Nhưng trong trường hợp đó sẽ xuất hiện một khó khăn, lúng túng lớn: nếu khái niệm là sự vật thì khi đó làm thế nào để sự vật có thể được biểu hiện trong các khái niệm và các từ ? Là điều vô lý, nếu sự vật được biểu hiện nhờ vào sự vật. Theo ông những khái niệm chung không phải là những thực thể đặc biệt, tồn tại bên ngoài thế giới vật thể, nhưng chúng cũng không tồn tại trong bản thân các sự vật. Ý nghĩa của khái niệm chung không nằm trong bản thân từ ngữ chỉ khái niệm, mà nằm trong ý nghĩa của từ ngữ.

Tư tưởng của Abơla phần nào chịu ảnh hưỏng của Arixtốt và trường phái của ông, nhưng trong chừng mực nhất định cũng báo trước sự xuất hiện một khoa học thực nghiệm của giai đoạn mới. Và phần nào học thuyết của Abơla đã xa lìa tín điều nhà thờ chính thống. Chính vì vậy mà thánh đường Xuácxôn năm 1121 và thánh đường Xenxơ năm 1141 đã kết án học thuyết của ông là tà đạo.

Loigiaihay.com

Quảng cáo
close