Đề thi học kì 1 môn sử lớp 8 năm 2019 - 2020 trường THPT Lương Thế Vinh

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 8 năm 2019 - 2020 trường THPT Lương Thế Vinh với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Quảng cáo

ĐỀ CHẴN

Câu 1. (2,5 điểm) Hoàn thành bảng sau:

Nước

Pháp

Anh

Đức

Đặc điểm chủ nghĩa đế quốc

Chủ nghĩa đế quốc cho vay lãi

?

Xứ sở các “vua công nghiệp”

?

Giải thích đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc Anh, Đức.

Lưu ý: Học sinh phải kẻ bảng vào bài làm của mình.

Câu 2. (2,0 điểm) Phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á (1918 - 1939) có những nét mới nào?

Câu 3. (2,0 điểm) Trình bày kết cục của chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Từ kết cục trên, theo em cần làm gì để tránh chiến tranh xảy ra?

Câu 4. (0,5 điểm) Máy bay là một trong những sáng chế vĩ đại của con người, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống. Theo em, ngành hàng không ngày nay có những tác động tích cực gì đối với chúng ta?

Câu 5. (3,0 điểm) Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933), Nhật và Mĩ đã làm gì để thoát khỏi khủng hoảng?

Đọc đoạn trích sau: “Trong nhiều năm, tỷ lệ thất nghiệp bậc đại học cao hơn hệ cao đẳng, trung cấp và dạy nghề. Đến nay, thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn là vấn đề nan giải.” (Nguồn: zing.vn). Theo em, cần phải làm gì để giải quyết nạn thất nghiệp trong giai đoạn hiện nay?

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Thực hiện bởi Ban chuyên môn Loigiaihay.com

Câu 1.

Phương pháp: Xem lại tình hình các nước Anh, Pháp, Đức, Mĩ, sgk lịch sử 8, trang 39

Cách giải:

Nước

Pháp

Anh

Đức

Đặc điểm chủ nghĩa đế quốc

Chủ nghĩa đế quốc cho vay lãi

Chủ nghĩa đế quốc thực dân

Xứ sở các “vua công nghiệp”

Chủ nghĩa đế quốc quân phiệt hiếu chiến

* Chủ nghĩa đế quốc Anh:

- Giai cấp thống trị Anh đẩy mạnh tốc độ xâm lược để mở rộng thuộc địa, đặc biệt ở châu Á và châu Phi.

- Trước năm 1914, thuộc địa Anh trải khắp địa cầu, chiếm tới 1/4 diện tích lục địa và 1/4 dân số thế giới. Người ta ví nước Anh là nước “Mặt trời không bao giờ lặn”.

- Đế quốc Anh tồn tại và phát triển dựa trên sự bóc lột một hệ thống thuộc địa rộng lớn và giàu có nằm rải rác khắp các châu lục.

=> Vì vậy, Lênin gọi chủ nghĩa đế quốc ở Anh là “chủ nghĩa đế quốc thực dân”.

* Chủ nghĩa đế quốc Đức:

- Đức là nước quân chủ lập hiến, theo thể chế liên bang, thi hành chính sách đối nội và đối ngoại hết sức phản động, như: đề cao chủng tộc Đức, đàn áp phong trào công nhân, truyền bá bạo lực và chạy đua vũ trang.

- Đức là đế quốc “trẻ”, có nền kinh tế phát triển mạnh nhưng lại bị thua thiệt về thuộc địa so với các nước đế quốc “già’ (Anh, Pháp). Vì vậy, giới cầm quyền Đức hung hãn đòi dùng vũ lực để chia lại thị trường thế giới.

=> Vì vậy, nước Đức mang đặc điểm “chủ nghĩa đế quốc quân phiệt hiếu chiến”.

Câu 2.

Phương pháp: Xem lại phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á (1918 - 1939), sgk lịch sử 8, trang 101, nhận xét

Cách giải:

Phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939) có những nét mới:

- Giai cấp vô sản từng bước trưởng thành và tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng:

+ Một số Đảng Cộng sản được thành lập như: Đảng Cộng sản Inđônêxia (5 - 1920); Đảng Cộng sản Đông Dương, Mã Lai, Xiêm, Philippin (1930).

+ Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào độc lập dân tộc diễn ra sôi nổi, quyết liệt như: khởi nghĩa vũ trang ở Inđônêxia (1926 - 1927); phong trào 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh ở Việt Nam,…

- Phong trào dân tộc tư sản có những bước tiến rõ rệt cùng với sự lớn mạnh của giai cấp tư sản dân tộc:

+ Mục tiêu đấu tranh: đòi tự do kinh doanh, tự chủ về chính trị, đòi dùng tiếng mẹ đẻ trong trường học,…

+ Một số chính đảng tư sản được thành lập và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội như: Đảng Dân tộc ở Inđônêxia, phong trào Thakin ở Miến Điện, Đại hội toàn Mã Lai,…

Câu 3.

Phương pháp: Xem lại kết cục của chiến tranh thế giới thứ hai, sgk lịch sử 8, trang 108, liên hệ

Cách giải:

Kết cục của chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945):

- Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của các nước phát xít Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản.

- Đây là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người: 60 triệu người chết, 90 triệu người bị tàn tật, thiệt hại vật chất gấp 10 lần so với Chiến tranh thế giới thứ nhất,...

- Chiến tranh kết thúc đã dẫn đến những biến đổi căn bản của tình hình thế giới.

Để tránh chiến tranh xảy ra, theo em:

- Đối với các nước trên thế giới:

+ Xóa bỏ tư tưởng kì thị tôn giáo, giai cấp, màu da, mức độ phát triển,…

+ Giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, đề cao tư tưởng hòa bình chính nghĩa.

+ Tôn trọng vai trò của Liên hợp quốc, chấp hành nghiêm chỉnh các điều luật, công ước đã kí kết.

+ Chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển.

- Đối với bản thân em:

+ Hiểu và cảm thông với những đau thương, mất mát mà chiến tranh đã gây ra.

+ Tìm hiểu lịch sử dân tộc, tiếp thu các truyền thống quý báu của dân tộc.

+ Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, ứng xử đúng mực, nâng cao hiểu biết,…

+ Tuyên truyền rộng rãi trong gia đình, nhà trường, xã hội về vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Câu 4.

Phương pháp: Liên hệ kiến thức địa lí và hiểu biết bản thân để trả lời

Cách giải:

Những tác động tích cực của ngành hàng không hiện nay:

- Góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, dịch vụ, vận chuyển, thông tin liên lạc,…

- Việc sáng chế thành công máy bay và đưa vào sử dụng đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trên toàn thế giới.

Câu 5.

Phương pháp: Xem lại nước Mĩ, Nhật trong những năm 1929 - 1939, sgk lịch sử 8, trang 94, 97, liên hệ tình hình Việt Nam hiện nay

Cách giải:

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933), để thoát khỏi khủng hoảng:

- Nước Mĩ: thực hiện Chính sách mới do Tổng thống Ru-dơ-ven đề ra. Chính sách mới bao gồm các biện pháp giải quyết nạn thất nghiệp, phục hồi sự phát triển của các ngành kinh tế - tài chính.

+ Chính phủ Ru-dơ-ven đã ban hành các đạo luật về phục hưng công nghiệp, nông nghiệp và ngân hàng với những quy định chặt chẽ, đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

+ Nhà nước tư bản tăng cường vai trò của mình trong việc cải tổ thống nhất ngân hàng, tổ chức lại sản xuất, cứu trợ người thất nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm mới và ổn định tình hình sản xuất.

=> Chính sách mới đã giúp nước Mĩ thoát khỏi cuộc khủng hoảng, giải quyết phần nào những khó khăn của người lao động.

- Nước Nhật: giới cầm quyền Nhật Bản tăng cường chính sách quân sự hóa đất nước, gây chiến tranh xâm lược, bành chướng ra bên ngoài.

+ Tháng 9 - 1931, Nhật Bản tấn công vùng Đông Bắc Trung Quốc.

+ Trong thập niên 30, ở Nhật Bản đã diễn ra quá trình thiết lập chế độ phát xít với việc sử dụng triệt để bộ máy quân sự và cảnh sát của chế độ quân chủ chuyên chế Nhật Bản.

+ Giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân, kể cả binh sĩ, đã tiến hành cuộc đấu tranh mạnh mẽ, góp phần làm chậm lại quá trình phát xít hóa ở Nhật Bản.

=> Nhật Bản trở thành lò lửa chiến tranh ở châu Á - Thái Bình Dương, mở ra nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Để giải quyết nạn thất nghiệp trong giai đoạn hiện nay, theo em:

- Tích cực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

- Sắp xếp lại cơ cấu lao động đồng thời nâng cao trình độ cho người lao động.

- Tạo nhiều việc làm mới cho người lao động bằng cách: phát triển kinh tế nhiều thành phần, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển,…

- Đầu tư công tác dạy nghề; Gia đình, nhà trường và xã hội phối hợp làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close