Giải bài Đọc trang 5 SBT Văn 10 - Chân trời sáng tạo tập 2

Đọc văn bản Chiếc lá đầu tiên (Hoàng Nhuận Cầm) trong SGK Ngữ văn 10, tập hai và trả lời các câu hỏi sau

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

A. Bài tập trong SGK Câu 1

Đọc văn bản Chiếc lá đầu tiên (Hoàng Nhuận Cầm) trong SGK Ngữ văn 10, tập hai và trả lời các câu hỏi sau:

a. Nhận xét về điểm chung và tác dụng của những hình ảnh được tác giả sử dụng trong ba khổ đầu của bài thơ.

b. Xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Dựa vào đâu mà bạn có thể xác định được như vậy?

c. Trình bày một thông điệp mà bạn tâm đắc nhất được rút ra từ việc đọc bài thơ. Lí giải vì sao bạn chọn thông điệp ấy.


Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và trả lời các câu hỏi.


Lời giải chi tiết:

a. Hệ thống hình ảnh xuất hiện trong ba khổ thơ đầu của bài thơ: hoa súng, chùm phượng hồng, tiếng ve trong veo, lớp học bâng khuâng màu xanh rêu, sân trường đêm, trái bàng đêm. Điểm chung là những hình ảnh ấy đều gợi liên tưởng đến thế giới học trò vô tư, hồn nhiên. Tác dụng của việc sử dụng hệ thống hình ảnh ấy là:

- Tạo nên thế giới hình ảnh thơ vừa thực (thế giới kí ức của tác giả) vừa mang tính biểu trưng (tiêu biểu cho trường lớp; tuổi hoa niên vừa rực rỡ, vừa ngây thơ, trong sáng).

- Góp phần thể hiện sự nhớ thương, tiếc nuối khi phải rời xa mái trường, phải chia tay tuổi hoa niên, sự trong trẻo của những rung động tình yêu đầu đời.

b. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: ngợi ca pha lẫn tiếc nuối những kỉ niệm tuyệt đẹp của tuổi hoa niên, của tình yêu đầu đời. Căn cứ để xác định:

- Những từ ngữ thể hiện cảm xúc của tác giả trong bài thơ: xa rồi, yêu dấu, nhớ, biết mấy, các bạn ơi, ta ơi, ôi.

- Những âm thanh, hình ảnh đặc biệt được dùng để thể hiện gián tiếp hình ảnh của tác giả: tiếng ve, tiếng cười, lớp học, cây bàng, hoa phượng, trò nghịch ngợm của tuổi học sinh, mái tóc bạc của thầy, màu tím của hoa súng, màu đỏ của hoa phượng, màu vàng của hoa mướp, …

c. Bài thơ 'Chiếc lá đầu tiên' của Hoàng Nhuận Cầm là một nỗi nhớ, một hồi tưởng sống động, khắc khoải về tuổi học trò với những cảm xúc trong sáng, thánh thiện… Ở đây có sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại. Nhà thơ đứng ở hiện tại để nhìn về quá khứ, cái thời khắc hiện tại dường như chỉ là mơ hồ, hay nói cách khác, tác giả đang quên đi để sống bằng những cảm xúc cũ, những cảm xúc trong sáng, thánh thiện của kẻ "bắt đầu yêu", những cảm xúc xót đau, tiếc nuối khi tiếng ve giục giã …


A. Bài tập trong SGK Câu 2

Đọc văn bản Tây Tiến (Quang Dũng) trong SGK Ngữ văn 10, tập hai và trả lời các câu hỏi sau:

a. Nhận xét về tác dụng của cách gieo vần trong hai dòng thơ sau:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

b. Hình ảnh thiên nhiên và con người được gợi nhớ qua kỉ niệm về đoàn quân Tây Tiến ở đoạn 2 có điểm gì tương đồng và khác biệt so với đoạn 1?

c. Chọn một nét đặc sắc trong cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh của tác giả ở đoạn 3 và lí giải về sự lựa chọn ấy.

d. Việc khắc họa hình ảnh người lính ở đoạn 3 đã được chuẩn bị từ các đoạn thơ trước như thế nào?


Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu.


Lời giải chi tiết:

a. Vần “ơi" là một âm tiết hơi mở cùng với các thanh bằng trong hai dòng thơ đã tạo nên một âm hưởng kéo dài, lan rộng, gợi mở một tâm trạng, cảm xúc mênh mang, bâng khuâng, da diết đến vô cùng, vô tận.

b. Điểm tương đồng:

- Hình ảnh con người: mang vẻ đẹp lãng mạn.

- Hình ảnh thiên nhiên: mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình

Điểm khác biệt:

- Hình ảnh con người: Vẻ đẹp của hình ảnh con người ở đoạn 2 là sự kết hợp giữa vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa, lạc quan, yêu đời của người lính với vẻ đẹp đầy quyến rũ, tình tứ của những cô gái dân tộc miền Tây Bắc qua cái nhìn của những anh lính Tây Tiến.

- Hình ảnh thiên nhiên: Thiên nhiên miền Tây được tái hiện qua đoạn 2 là hình ảnh của một vùng sông nước thơ mộng, mờ nhòe, hư ảo với sự tương hợp, hài hòa giữa cảnh và người. Nét vẽ thiên nhiên ở đoạn 2 tinh tế, mềm mại hơn những đường nét ở đoạn 1.

c. Đoạn thơ tập trung vào khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn nhưng không thoát ly hiện thực với cảm xúc bi tráng. Người lính sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Mạnh mẽ nhưng cũng đầy mộng mơ: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”: mơ về, nhớ về dáng hình kiều diễm của người thiếu nữ đất Hà thành thanh lịch.

d. Sự chuẩn bị cho việc khắc họa hình ảnh người lính từ những đoạn thơ trước đó: hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và huyền ảo là cái nền để tô đậm vẻ đẹp, khí phách hào hùng của người lính Tây Tiến; cái nhìn đậm chất lãng mạn của người lính đối với thiên nhiên miền Tây, với những kỉ niệm tuyệt đẹp thắm tình quân dân 

→ Tất cả góp phần tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, bi tráng của hình ảnh người lính Tây Tiến.


B. Bài tập mở rộng Câu 1

Đọc văn bản Tình ca ban mai và trả lời các câu hỏi bên dưới:

a. Xác định các biện pháp nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong ba khổ thơ đầu và nhận xét về sự độc đáo của chúng.

b. Quan hệ nhân quả giữa tình yêu và hạnh phúc được thể hiện như thế nào trong năm khổ thơ tiếp theo?

c. Bạn có nhận xét gì về cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít “em”, “tình em” đến cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số nhiều “ta”, “tình ta” và các động từ chỉ hành động trong các khổ thơ?

d. Tìm những hình ảnh biểu tượng cho tình yêu, hạnh phúc được sử dụng trong bài thơ. Bạn có nhận xét gì về những biểu tượng đó?

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ này là gì? Cảm hứng đó gợi cho bạn suy nghĩ gì về tình yêu được thể hiện trong bài thơ?

e. Bài thơ có cấu tạo khá đặc biệt, mỗi khổ thơ gồm hai dòng thơ, riêng khổ cuối chỉ có một dòng. Cách cấu tạo ấy có tác dụng gì trong việc thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ?

f. Theo bạn, nhan đề bài thơ Tình ca ban mai có phù hợp với nội dung bài thơ không? Giải thích ý kiến của bạn?

g. Bài thơ gợi cho bạn suy nghĩ gì về tình yêu?


Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu.


Lời giải chi tiết:

a. Biện pháp: so sánh và xây dựng hình tượng thơ/ hình ảnh theo lối cấu trúc song hành

So sánh: em đi như chiều đi, em về tựa mai về và em ở, trời trưa ở.

Cấu trúc song hành: Em đi, em về, em ở: gắn với ba thời điểm: chiều, mai, trưa, gắn với nỗi buồn, sự sống, ánh sáng: Em đi như mang theo chút ánh sáng buổi chiều, chỉ còn lại đêm đen, mang tất cả âm thanh của sự sống (gọi chim vườn bay hết), chỉ còn sự im lặng; em về đem theo bình minh, sự sống (rừng non xanh lộc biếc); em ở đem tới sự ấm áp, sự che chở (nắng sáng màu xanh che)

Nhận xét: Độc đáo ở hình ảnh so sánh đồng thời mang tính ẩn dụ: việc em đi, về, ở được so sánh với bước đi của thời gian: chiều đi, mai về, trưa ở. Các hình ảnh: chim vườn bay hết, rừng non xanh lộc biếc, nắng sáng màu xanh che tượng trưng cho nỗi buồn, bóng tối, niềm vui, ánh sáng mà em – tình yêu đem đến cho nhân vật trữ tình.

b. Tình em như thảm sao vàng lấp lánh trên trời sẽ xua tan bóng tối, tình ta như lộc biếc tươi xanh sẽ đem đến ánh bình minh. Vì thế, cho dù vạn vật biến thiên thế nào thì ta vẫn còn những hạt vàng tình yêu như sao trên trời và hạnh phúc của đôi ta nhiều như sao trên trời. Qua đó, tác giả khẳng định sức mạnh của tình yêu. Mọi hi vọng tốt đẹp nhất của hai nhân vật trữ tình được tập trung thể hiện trong hai câu thơ

Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít

c. “Em”, “tình em” đem đến cho nhân vật trữ tình ánh sáng của sự sống và niềm hạnh phúc; sự sống và niềm hạnh phúc đó được nhân đôi bởi “ta”, “tình ta”. Nhân vật trữ tình trong bốn khổ thơ đầu thể hiện tình cảm đối với khách thể “em”, đến những khổ thơ sau thì khách thể và chủ thể trữ tình hòa nhập, trở thành “ta”. Bài thơ sử dụng rất nhiều động từ “gọi, rải, mang, mọc”. Qua các động từ đó, nhân vật trữ tình muốn khẳng định sức mạnh và vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu, tình yêu đem lại ánh sáng, sự sống, niềm tin, niềm hạnh phúc.

d. Có rất nhiều hình ảnh tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc được sử dụng trong bài thơ: tình em như chiều đi, trưa ở, mai về, lộc biếc, hạt vàng, ban mai, hoa em. Việc sử dụng những hình ảnh biểu tượng giúp tăng tính hàm súc và thẩm mĩ cho ý thơ.

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài này là cảm hứng về một tình yêu trong sáng, đầy sức sống, niềm tin và hi vọng. Tình yêu trong bài thơ mang đến cho con người ánh sáng của sự sống, niềm tin và hi vọng.

e. Bài thơ gồm chín khổ thơ, tám khổ có 2 dòng thơ, riêng khổ cuối có 1 dòng. Mỗi khổ 2 dòng thơ là một cặp hình ảnh đối sánh các thời điểm trong ngày với những hình ảnh biểu tượng cho các cung bậc cảm xúc và nhận thức về tình yêu của tác giả: chiều, mai, trưa, khuya, đối sánh với chim vườn bay hết, rừng non, lộc biếc, nắng sáng màu xanh, sao khuya, hạt vàng. Dòng thơ ở khổ cuối khẳng định niềm tin, niềm hi vọng ở tình yêu

f. Nhan đề rất hay, thể hiện được nội dung bài thơ, quan niệm, cách nhìn của tác giả về tình yêu. Tình ca: khúc hát về tình yêu. Ban mai: gợi lên hình ảnh rực rỡ, long lanh của nắng mai, của màu xanh, của sự sống.

g.Tình yêu như thảm sao vàng lấp lánh trên trời sẽ xua tan bóng tối, như lộc biếc tươi xanh sẽ đem đến ánh bình minh sức mạnh của tình yêu là vô cùng to lớn.


B. Bài tập mở rộng Câu 2

Đọc văn bản Hà nội – phố và trả lời các câu hỏi bên dưới:

a. Theo bạn, “em” và “ta” trong văn bản trên nên được hiểu là ai? Hãy lí giải việc sử dụng từ “em” cho thấy điều gì trong cách bộc lộ tình cảm, cảm xúc của tác giả?

b. Năm đoạn thơ trong văn bản trên, nếu không đánh số từ 1 đến 5, bạn có nhận ra ranh giới của chúng hay không? Vì sao?

c. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, mang sức sống, vẻ đẹp của tâm hồn. Cảnh vật, con nhười, sự việc, … khi được đưa vào thơ, luôn mang một vẻ đẹp khác, một sức sống khác, gắn với tâm hồn nhà thơ. “Hà Nội – phố” cũng vậy khi vào thơ Phan Vũ?

d. Trong văn bản, hình ảnh Hà Nội xưa và nay (thời điểm tháng Chạp năm 1072, khi máy bay B52 của Mỹ bắn phá thủ đô) được miêu tả đan xen. Việc sắp xếp hình ảnh như vậy đã đem lại hiệu quả thẩm mĩ gì?

đ. Văn bản trên thuộc thể thơ tự do. Từ việc xác định các yếu tố nhịp và vần (nếu có) trong các đoạn thơ, hãy rút ra một vài điểm đáng chú ý về đặc điểm, vai trò của nhịp và vần trong thể thơ này.

e. Cảm hứng chủ đạo mà tác giả thể hiện qua văn bản trên là gì? Bạn có nhận xét gì về cảm hứng ấy?

f. Bạn hãy nghe ca khúc Em ơi, Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang để hiểu thêm một cách cảm nhận bài thơ của Phan Vũ bằng âm nhạc. Giai điệu của bài hát đã góp phần mang đến cho bạn cảm nhận như thế nào về bài thơ?

g. Từ những hình ảnh của Hà Nội được gợi lên trong đoạn thơ, bạn hiểu thêm điều gì về Hà Nội, về cảnh vật, con người và đất nước Việt Nam? Văn bản gợi cho bạn suy nghĩ gì về ý nghĩa của những giá trị văn hóa, lịch sử đối với cuộc sống của chúng ta hôm nay?


Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

a. Em: không phải là hình ảnh một người cụ thể mà là tất cả những giá trị của Hà Nội, Ta: là chủ thể trữ tình xuất hiện với đại từ nhân xưng, “ta” ở đây cũng có thể được hiểu là tất cả những ai yêu Hà Nội. Trong thơ ca, “em” vốn dĩ là từ thường được dùng xưng hô trong mối quan hệ của tình yêu đôi lứa; vậy nên cách tác giả sử dụng từ “em” trong văn bản này cho thấy trong cảm nhận của nhà thơ, Hà Nội tựa như người tình, người bạn tri kỉ. Đó là thứ tình cảm yêu thương đầy da diết, lưu luyến, ..

b. Năm đoạn thơ trong văn bản trên nếu không đánh số từ số 1 đến 5 thì người đọc vẫn có thể nhận ra ranh giới của chúng vì mỗi đoạn thơ đều có cùng một kiểu mở đầu là dòng thơ “Em ơi! Hà Nội – Phố!” và điện ngữ “Ta còn em …”. Mỗi một đoạn thơ mở ra một hình ảnh khác nhau về Hà Nội.

c. Hình ảnh Hà Nội hiện lên qua cảm nhận của nhà thơ thật bình yên, lãng mạn, đầy thân thuộc, gắn bó và cũng có cả hoài niệm, tiếc nuối, xót xa, …

d. Hình ảnh xưa là hình ảnh Hà Nội của ngàn năm văn hiến, của cảnh vật thiên nhiên, của phố cổ thanh bình, ví dụ:

Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen.
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ.
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ

[…]
Ta còn em rì rào cơn mưa trong chùm lá

Những hạt nhỏ đọng trên mái tóc ai
Vòm trên cao chuông hồi đổ xuống
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...

Hình ảnh này là hình ảnh Hà Nội đau thương, mất mát, đôi lứa chia xa trong chiến tranh, ví dụ:

Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.

[…]
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.

[…]
Ta còn em giàn thiên lý chết khô!

[…]
Cô gái nhẹ buông rèm cửa,
Chàng mũ lệch diễu qua
Lời tỏ tình hôm qua dang dở

Sự sắp xếp đan xen giữa hình ảnh Hà Nội xưa và nay đem đến cho người đọc cảm nhận về sự tiếc nuối, nhớ thương da diết những gì đã mất nhưng đồng thời thể hiện niềm tin, sự khẳng định những nét đẹp, giá trị làm nên linh hồn của Hà Nội thì mãi bất tử trong lòng những ai yêu Hà Nội. Chút biến động của Hà Nội nay (thời điểm năm 1972) là do thời cuộc (chiến tranh) nên chắc hẳn sẽ không thể làm mất đi những gì đã thuộc về Hà Nội.

đ. Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do, dòng dài, dòng ngắn, cách ngắt nhịp rất phong phú, linh hoạt; sử dụng chủ yếu hai loại vần thông và vần cách. Nhận xét: góp phần thể hiện giọng điệu tự sự, tha thiết, trầm lắng → Sự biến hóa linh hoạt về số dòng, số chữ trong dòng thơ, về vần, nhịp đáp ứng nhu cầu diễn đạt tình cảm không giới hạn của con người, giải phóng cảm xúc khỏi sự ràng buộc chặt chẽ bởi các quy tắc về hình thức, đề cao yếu tố cảm xúc trong thơ.

e. Cảm hứng chủ đạo: văn bản thể hiện niềm nhớ thương da diết cảnh vật, con người, linh hồn Hà Nội; đồng thời khẳng định mãi mãi khắc ghi trong tâm hồn những hình ảnh Hà Nội trước và trong chiến tranh, làm cho Hà Nội trở nên trường tồn trong lịch sử và trong tâm hồn (như điệp khúc bất tận của tâm hồn: “Ta còn em…”). Nhận xét: cảm hứng đẹp, buồn.

f. Giai điệu bài hát có tính tự sự, trầm lắng, da diết, giúp người nghe cảm nhận một Hà Nội mơ màng, mong manh, yên bình, xưa cổ; thể hiện rõ niềm thương nhớ khôn nguôi, khao khát tìm kiếm lại những gì thân thương nhất thuộc về Hà Nội, …

g. Từ những hình ảnh của Hà Nội được gợi lên trong đoạn thơ, hiểu thêm về Hà Nội với những giá trị lãng mạn, bình yên, thân thuộc, gần gũi, đầy dấu ấn thời gian và kí ức; về cảnh vật, con người và đất nước Việt Nam với những điều tưởng chừng như bé nhỏ, thân quen nhưng cũng đầy mới mẻ, thiêng liêng mỗi khi nghĩ về.

→ Những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước ấy làm nên một phần tâm hồn ta, là tất cả những gì thân thương, yêu mến nâng đỡ tâm hồn ta mỗi khi tìm về, …


Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close