Đề thi vào 10 môn Văn Yên Bái năm 2023Tải vềĐọc đoạn trích: Bà nội dẫn tôi ra vườn, cái nắng sau mưa nồng ngả vàng pha sắc đỏ, những giọt nước còn đọng lại trên tán lá non. Quảng cáo
Đề bài I. ĐỌC HIỂU Đọc đoạn trích: Bà nội dẫn tôi ra vườn, cái nắng sau mưa nồng ngả vàng pha sắc đỏ, những giọt nước còn đọng lại trên tán lá non. Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Trái chín đỏ lừ bên hông cau trắng muốt, tóc Nội cũng trắng phau phau, bà nắm tay tôi, bàn tay bà nhăn nheo, gân guốc. Đêm hôm ấy bà mắc mùng cho tôi ngủ, giường lạ ngủ không được. Ba kể hồi trước, ba cùng hai chú ở trên bàn thờ là đồng chí của nhau, các chú ấy hiên ngang và anh dũng lắm, ba bảo Nội là một bà mẹ anh hùng. Tôi hơi bất ngờ, lẽ ra anh hùng phải là cao to, đẹp khỏe chứ! - Vậy Nội có súng không ba? - Nội bán ve chai. - Bán ve chai cũng là anh hùng hở ba? - Ừ Nội gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm. Nội đưa thư cho ba, Nội mang thức ăn, tin tức. Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính và ngôi kể của đoạn trích trên. Câu 2. Tìm hai từ ghép chỉ màu sắc trong câu: “Trái chín đỏ lừ bên hông cau trắng muốt, tóc nội cũng trắng phau phau”. Đặt câu với một trong các từ vừa tìm được (không chép lại câu đã cho). Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu: “Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau". II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lòng biết ơn. Câu 2. Nêu cảm nhận về đoạn thơ sau: Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa !
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở: - Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?... (Bằng Việt, Bếp lửa, SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.144, 145) Lời giải chi tiết I. ĐỌC HIỂU Câu 1: Phương pháp: Căn cứ phương thức biểu đạt, ngôi kể. Cách giải: - Phương thức biểu đạt chính: tự sự. - Ngôi kể: ngôi thứ nhất. Câu 2: Phương pháp: Căn cứ bài từ ghép. Cách giải: - Từ ghép chỉ màu sắc: đỏ lừ, trắng muốt. - HS đặt câu theo yêu cầu. Câu 3: Phương pháp: Căn cứ bài liệt kê, phân tích. Cách giải: - Biện pháp tu từ liệt kê: từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. - Tác dụng: + Tạo nhịp điệu cho câu văn. + Nhấn mạnh vẻ đẹp của khu vườn khi trái cây đến độ chín. II. LÀM VĂN Câu 1: Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: 1. Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa lòng biết ơn. 2. Giải thích Biết ơn: là thái độ cảm kích, trân trọng trước những hành động, những việc tốt đẹp mà người khác làm cho mình. Bên cạnh đó, biết ơn còn là sự đền đáp trước sự giúp đỡ của người khác dành cho mình. => Biết ơn là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa đến nay, chúng ta phải có ý thức học tập, giữ gìn và noi theo truyền thống này. 3. Bàn luận - Ý nghĩa của lòng biết ơn: + Lòng biết ơn thể hiện thái độ trân trọng của người được giúp đỡ với người đã giúp đỡ mình. Trong một xã hội, con người thường xuyên giúp đỡ nhau và biết ơn người đã giúp đỡ mình là một xã hội tràn ngập tình yêu thương, vô cùng đáng sống. + Biết ơn và biết đền ơn cho thấy đó là con người có nhân cách và phẩm chất tốt đẹp. + Lòng biết ơn giúp con người có những định hướng và hành động đúng đắn giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác như: sống có ích, yêu thương,… truyền tải những thông điệp tích cực ra xã hội. Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người có lòng biết ơn để minh họa cho bài làm văn của mình. - Phê phán những người sống vô ơn. 4. Tổng kết vấn đề: Khái quát lại vấn đề nghị luận: lòng biết ơn, đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân mình. Câu 2: Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: 1. Mở bài: - Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm. - Giới thiệu 2 khổ thơ cần phân tích. 2. Thân bài – Suốt một đời lận đận, vất vả, bà đã và vẫn đang làm công việc nhóm lửa: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm” + Từ láy “lận đận” với điệp từ “nắng mưa” nhấn mạnh cháu chưa từng và chẳng thể nào quên cuộc đời bà, một cuộc đời đầy lo toan, vất vả. + Khôn lớn trưởng thành, cháu càng thấu hiểu những ý nghĩa cao cả, thiêng liêng từ một công việc rất đỗi bình dị của bà: nhóm lửa. Điệp từ nhóm điệp lại 4 lần với hai lớp nghĩa. Bà đã làm công việc khởi đầu của một ngày: nhóm bếp lửa mỗi sớm mai và làm công việc khởi đầu của một đời, đó là bồi đắp tâm hồn, thắp lên những tình cảm cao quý. Từ “nhóm” thứ nhất hiểu theo nghĩa thực: thắp lên ngọn lửa trong gian bếp để sưởi ấm, để nấu chín thức ăn.... Ba từ “nhóm” sau được hiểu theo nghĩa ẩn dụ: bà truyền cho cháu tình yêu thương ruột thịt, tình đoàn kết chia sẻ xóm làng và đặc biệt hơn bà đã khơi dậy những tâm tình tuổi nhỏ, thức tỉnh trong tâm hồn cháu biết bao ước mơ và tình cảm tốt đẹp => Như vậy đến đây ta thấy bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa. Ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, đức hi sinh không chỉ bà truyền cho cháu mà còn là của những thế hệ đi trước tiếp lửa cho thế hệ sau – Khám phá ra những ý nghĩa kì diệu, cao cả, thiêng liêng từ bếp lửa của bà, cháu sung sướng thốt lên “Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa” Phép đảo ngữ, câu cảm thán với từ “ôi” đặt ở đầu câu bôc lộ sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, và vui sướng của cháu. Bếp lửa ấy luôn hiện diện cùng bà, tỏa sáng vẻ đẹp của bà. Đứa cháu nhỏ cảm thấy thật bất ngờ khi phát hện được những điều kì diệu thiêng liêng từ những thứ bình thường, giản dị. Cháu nhớ về bà, nhớ về Bếp lửa cũng chính là nhớ về quê hương, cội nguồn với tấm lòng tri ân sâu nặng. – Suốt dọc bài thơ, 10 lần hình ảnh bếp lửa xuất hiện là 10 lần cháu nhớ tới bà và khổ thơ kết thúc này nỗi nhớ đó càng trào dâng mãnh liệt được tác giả trực tiếp bộc lộ: “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” – Dấu chấm xuất hiện ở giữa dòng thơ tạo thành một sự ngắt nhịp dài, giống như quá khứ đã trôi đi quá xa so với hiện tại. – Tác giả sử dụng điệp từ “trăm” với ý nghãi khái quát như khẳng định giờ đây đứa cháu năm xưa đã lớn khôn, trưởng thành, được chắp cánh bay cao, bay xa tới những khung trời rộng lớn với những niềm vui rộng mở. Xong vẫn không nguôi quên bếp lửa giản dị của bà. – Âm điệu dòng thơ nhanh, mạnh như từng đượt sóng tình cảm dâng trào để cháu phải tự hỏi lòng mình “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” => Bếp lửa đã trở thành tấm lòng, niềm tin thiêng liêng kì diệu nâng bước cháu trên hành trình dài rộng của cuộc đời, có nghĩa là từ một bếp lửa đơn sơ, giản dị của bà, nhiều bếp lửa khác đã được nhen lên, sự sống cứ thế truyền đời, bất diệt. Đến đây, ta có thể khẳng định: bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là niềm tin. Bếp lửa đã nâng cao để trở thành biểu tượng cho tình nghĩa gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, tấm lòng biết ơn nguồn cội. Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ đã tạo ra một kết thúc mở với nỗi nhớ khôn nguôi, với niềm hoài vọng thiết tha, đau đáu. 3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.
Quảng cáo
|