Đề thi vào 10 môn Văn Long An năm 2023Tải vềĐọc đoạn thơ và thực hiện yêu cầu bên dưới: Năm giặc đốt làng chảy tàn cháy rụi Quảng cáo
Đề bài I. ĐỌC – HIỂU Đọc đoạn thơ và thực hiện yêu cầu bên dưới: Năm giặc đốt làng chảy tàn cháy rụi Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh: “Bố ở chiến khu, bố còn việc bố, Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ, Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!” (Trích Ngữ văn 9, tập một, Nxb Giáo dục, Tr. 144) Câu 1. (2,5 điểm) a. Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ nào? Tác giả là ai? b. Xác định thể thơ của đoạn thơ trên? c. Cụm từ “cháy tàn cháy rụi” gợi lên điều gì? d. Em có suy nghĩ gì về nhân vật người bà trong đoạn thơ trên? Câu 2. (1,0 điểm) Trong đoạn thơ trên, nhân vật người bà đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Vì sao em xác định như vậy? Câu 3. (1,5 điểm) Xác định lời dẫn trong đoạn thơ trên. Cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp? Vì sao? II. LÀM VĂN Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của tác giả Lê Minh Khuê Lời giải chi tiết I. ĐỌC HIỂU Câu 1: Phương pháp: Căn cứ bài Bếp lửa. Cách giải: a. Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. b. Đoạn thơ được viết theo thể tám chữ xen bảy chữ và chín chữ (5 câu đầu tám chữ, câu thứ 6 là chín chữ, câu thứ 7 là bảy chữ) c. Cụm từ “cháy tàn cháy rụi” gợi nên cảm nhận về hình ảnh làng quê hoang tàn trong khói lửa của chiến tranh. Đây là một hình ảnh thơ đầy chất hiện thực. d. Học sinh tự đưa ra cảm nhận phù hợp về nhân vật người bà: Gợi ý: - Bà là chỗ dựa, là điểm tựa cho con cho cháu. - Bà giàu lòng vị tha, giàu đức hi sinh. - Tình yêu của bà hòa quyện trong tình yêu nước. -… Câu 2: Phương pháp: Căn cứ các phương châm hội thoại. Cách giải: - Bà đã vi phạm phương châm về chất. - Vì lời bà dặn cháu với bố mẹ không đúng sự thật: sự thật ở quê – nhà đã bị giặc đốt cháy nhưng bà lại dặn cháu viết thư phải nói với bố mẹ ở nhà vẫn được bình yên để bố mẹ được yên tâm công tác. Câu 3: Phương pháp: Phân tích. Cách giải: - Lời dẫn: “Bố ở chiến khu, bố còn việc bố. Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ, Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên!” - Đây là lời dẫn trực tiếp. II. LÀM VĂN Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: 1. Mở bài: - Giới thiệu tác giả, tác phẩm Những ngôi sao xa xôi. - Giới thiệu về nhân vật Phương Định. 2. Thân bài: a. Vẻ đẹp tâm hồn nhạy cảm, mơ mộng, giàu yêu thương: - Nét đẹp trẻ trung, hồn nhiên, mơ mộng: + Cô luôn chăm chút cho ngoại hình và rất tự hào về đôi mắt “có cái nhìn sao mà xa xăm” và cái cổ kiêu hãnh như đài hoa loa kèn -> thấy mình là một cô gái khá. + Cô thích soi gương, thích làm điệu trước các anh bộ đội. + Đặc biệt, Phương Định rất thích hát, thích nhiều loại nhạc khác nhau và còn thường bịa lời ra để hát. + Cô vui thích cuống cuồng trước 1 cơn mưa đá. + Cô cũng hay hồi tưởng về quá khứ, về tuổi học sinh, về căn nhà nhỏ bên quảng trường thành phố. Cô nhớ khuôn cửa sổ, nhớ những ngôi sao trên bầu trời Hà Nội, nhớ bà bán kem với lũ trẻ con háo hức vây quanh. Đó là những kí ức làm tươi mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh. - Vào chiến trường 3 năm, phải trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn song Phương Định vẫn giữ gìn vẹn nguyên, thế giới tâm hồn mình. Đây là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ này. Tình cảm gắn bó, yêu thương cô dành cho những đồng đội: + Cô yêu thương, chiều chuộng Nho như một đứa em út trong nhà. Khi Nho bị thương, cô lo lắng, chăm sóc, cảm thấy đau như chính mình bị thương. + Với chị Thao: Phương Định hiểu tính cách và tình cảm của chị, cô coi chị Thao như người chị cả trong gia đình. + Khi đồng đội trên cao điểm, Phương Định ở nơi an toàn trực điện đài, mà chẳng thể yên lòng: cô gắt lên với đội trưởng, cô sốt ruột chạy ra ngoài rồi lo lắng. Tất cả đã làm hiện lên một thế giới tâm hồn, tinh tế, trong sáng, nhân hậu và vẻ đẹp nhân cách của một người thiếu nữ, sống giữa hiện thực chiến tranh khốc liệt mà vẫn tràn đầy niềm yêu thương, tin tưởng dành cho con người và cuộc sống. Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công nhân vật Phương Định, người thiếu nữ Hà Nội với tâm hồn phong phú và lòng dũng cảm, tinh thần quên mình vì nhiệm vụ. Nhà văn đã góp cho văn xuôi chống Mĩ một trong những hình tượng sống động và đáng yêu nhất. b. Vẻ đẹp dũng cảm, kiên cường: - Phương Định cùng đồng đội phải đảm nhận một công việc đầy gian khổ, hiểm nguy trên cung đường Trường Sơn, giữa những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt: + Cô thuộc tôt trinh sát mặt đường, hàng ngày phải đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần phải phá bom. + Vì thế, mỗi khi máy bay ném bom phải lao lên mặt đường, đánh dấu đoạn đường bị bom phá hỏng và những quả bom chưa nổ. + Không chỉ vậy, cô và tổ trinh sát còn phải đảm đương việc phá bom nổ chậm -> nhiệm vụ đòi hỏi sự bình tĩnh, dũng cảm, quên mình của chiến sĩ vì thần chết lẩn trong ruột những quả bom. - Là công việc mà có làm bao nhiêu lần vẫn không thể quen, vẫn luôn căng thẳng đến mức “thần kinh căng như chão… tim đập bất chấp cả nhịp điệu”. - Vậy mà, cô vẫn bám trụ 3 năm liền trên tuyến đường Trường Sơn, chứng tỏ vẻ đẹp quả cảm, ý chí kiên cường, lòng yêu nước của Phương Định. - Diễn biến tâm trạng Phương Định trong một lần phá bom nổ chậm: + Nền của tâm trạng là không khí căng thẳng: bầu trời, mặt đất vắng lặng phát sợ. + Phương Định đã chiến thắng nỗi sợ hãi của mình: Đi thẳng người đến bên quả bom; tất cả mọi giác quan của cô trở nên nhạy bén, có ngày cô phá bom đến 5 lần. Tinh thần trách nhiệm, sự quên mình trong công việc khiến cái chết trở nên mờ nhạt. Cô chỉ nghĩ đến “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?” Cô là biểu tượng cho vẻ đẹp của lòng quả cảm, kiên cường của thế hệ nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ. 3. Kết bài: - Nội dung: + Khắc họa thành công với những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ là: Phương Định. Họ trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. + Qua đó, ngợi ca tâm hồn trong sáng, tính cách dũng cảm và tinh thần lạc quan của người chiến sĩ thanh niên xung phong Trường Sơn. - Nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả nhân vật đặc sắc, kể chuyện sinh động, ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật, nhịp kể biến đổi linh hoạt.
Quảng cáo
|