Đề thi vào 10 môn Văn Hải Phòng năm 2023Tải vềKhông phân biệt VĐV đó đến từ quốc gia nào, chơi môn thể thao Olympic hay đó chỉ là môn mang đậm tính truyền thống mà nước chủ nhà đưa vào, tất cả đều đã nỗ lực đến cùng vì tình yêu thể thao, màu cờ sắc áo Tổ quốc và cả cuộc sống mưu sinh mà họ đang phải đối mặt. Quảng cáo
Đề bài PHẦN I. ĐỌC HIỂU. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Không phân biệt VĐV đó đến từ quốc gia nào, chơi môn thể thao Olympic hay đó chỉ là môn mang đậm tính truyền thống mà nước chủ nhà đưa vào, tất cả đều đã nỗ lực đến cùng vì tình yêu thể thao, màu cờ sắc áo Tổ quốc và cả cuộc sống mưu sinh mà họ đang phải đối mặt. Thế nên, dù ngọn đuốc SEA Games 32 vụt tắt đêm nay, nhưng những câu chuyện xúc động. truyền cảm hứng thể hiện ý chí, nghị lực phi thường của các VĐV Đông Nam Á sẽ còn đọng mãi trong tâm trí người hâm mộ thể thao. Đó là hình ảnh VĐV Bou Samnang (Campuchia) đã nỗ lực đến cùng để về đích khi tham dự cự ly chạy 5.000m môn điền kinh. Trong cơn mưa tầm tã trên SVĐ Morodok Techo, tất cả các VĐV tham dự đã về đích và chỉ còn Bou Samnang lầm lũi chạy. Dù đã kiệt quệ, mưa như trút nước hất vào cơ thể nhỏ bé nhưng Samnang quyết không bỏ cuộc. Ở những mét cuối cùng, cô gái 20 tuổi ấy vừa chạy vừa khóc, còn trên khán đài hàng trăm cổ động viên, tình nguyện viên, VĐV, HLV) của các đội tuyển điền kinh trong khu vực đứng dậy để cổ vũ Bou Samnang. Chắp tay cảm ơn, nước mắt chan lẫn nước mưa sau khi cán đích, Bou Samnang cho biết: “Tôi đã nỗ lực hết sức để về đích, không bỏ cuộc. Tôi tự hào khi lần đầu tiên tham dự SEA Games và trong lần đầu tiên Campuchia là chủ nhà của đại hội."... Ý chí kiên cường, nỗ lực đến cùng để thực hiện mục tiêu của Bou Samnang đã truyền cảm hứng cho đông đảo các bạn trẻ và người yêu thể thao. [...] SEA Games không chỉ lấp lánh trên mỗi tấm huy chương, nó còn được tô điểm rực rỡ bởi con người đã tạo nên những kì tích. (Trích Trên cả những tấm huy chương SEA Games, Khương Xuân - Huy Đăng, Bảo Tuổi trẻ, số 123/2023 ngày 17-5-2023, tr.17) Chú thích (1) VĐV: vận động viên. (2) SVĐ: sân vận động. (3) HLV: huấn luyện viên. Câu 1 (0,5 điểm). Theo đoạn trích, các vận động viên tham dự SEA Games 32 đã nỗ lực đến cùng vì điều gì? Câu 2 (0,5 điểm). Nêu ý hiểu của em về câu văn: SEA Games không chỉ lấp lánh trên mỗi tấm huy chương, nó còn được tô điểm rực rỡ bởi con người đã tạo nên những kì tích. Câu 3 (1,0 điểm). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn: Dù đã kiệt quệ, mưa như trút nước hất vào cơ thể nhỏ bé nhưng Samnang quyết không bỏ cuộc. Câu 4 (1,0 điểm). Những bài học cuộc sống mà đoạn trích gợi ra cho em là gì? PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Câu 2. Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ: Ruộng nương anh gửi bạn thân cày Gian nhà không, mặc kệ giỏ lung lay Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh Sốt run người vùng trán ướt mồ hôi. Áo anh rách vai Quần tôi có vài mảnh vá Miệng cười buốt giá Chân không giày Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. (Trich Đồng chí, Chính Hữu, Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.128 - 129) Lời giải chi tiết I. ĐỌC HIỂU: Câu 1: Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý. Cách giải: Theo đoạn trích, các vận động viên tham dự SEA Games 32 đã nỗ lực đến cùng vì tình yêu thể thao, màu cờ sắc áo Tổ quốc và cả cuộc sống mưu sinh mà họ đang phải đối mặt. Câu 2: Phương pháp: Lí giải. Cách giải: Học sinh trình bày theo ý hiểu của bản thân, có lý giải phù hợp. Gợi ý: Ý nghĩa của SEA game không chỉ được thể hiện qua những thành tích xuất sắc mà còn nằm ở sự nỗ lực, cống hiến trong cả một quá trình dài của những con người trong đó. Câu 3: Phương pháp: Căn cứ bài so sánh, phân tích. Cách giải: Tác dụng biện pháp tu từ so sánh: Nhấn mạnh những khó khăn vất vả của vận động viên. Từ đó tô đậm thêm ý chí kiên cường, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Samnang. Câu 4: Phương pháp: Phân tích. Cách giải: Học sinh trình bày bài học được gợi ra cho bản thân mình. Gợi ý: Bài học về ý chí quyết tâm, kiên cường và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Điều đó đôi khi sẽ tạo nên những kì tích. II. LÀM VĂN Câu 1: Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: 1. Giới thiệu vấn đề: sự cần thiết phải nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống. 2. Giải thích - Nỗ lực vươn lên là không ngừng cố gắng đến vượt qua mọi khó khăn, thử thách. => Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống là điều mà bất cứ ai cũng phải làm để vươn đến thành công và có cuộc sống tốt đẹp hơn. 3. Bàn luận - Người luôn nỗ lực vươn lên là người không sợ khó, không sợ khổ, vấp ngã vẫn tự mình đứng lên bước tiếp. - Sự cần thiết phải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống: + Chúng ta phải không ngừng nỗ lực vì cuộc sống luôn biến động, đi lên, nếu ta không cố gắng sẽ bị tụt lùi. + Nỗ lực cố gắng sẽ giúp ta đạt được ước mơ, mục tiêu mà mình đã đề ra. + Không ngừng nỗ lực sẽ giúp ta không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân mà còn thay đổi cuộc sống gia đình, rộng ra là toàn xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. … HS lấy ví dụ minh họa phù hợp. - Phản đề: Phê phán một số người lười biếng, luôn trì hoãn. Chúng ta cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa nỗ lực làm việc và cố chấp theo đuổi những cái xa vời không thuộc về mình. - Bài học nhận thức và hành động: Mỗi chúng ta cần không ngừng học hỏi và cố gắng từng ngày. Đặt ra cho bản thân những mục tiêu và từng bước thực hiện. Có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Câu 2: Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: 1. Mở bài: Giới thiệu chung 2. Thân bài 2.1 Biểu hiện của tình đồng chí: * Là sự thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của nhau: - Nhân vật trữ tình nói về nỗi lòng của đồng đội mà như đang bộc bạch nỗi lòng của chính mình. - Thấu hiểu: + Cảnh ngộ, nỗi bận lòng về hậu phương. + Ý chí lên đường, tình cảm cách mạng mãnh liệt. Khi cần họ biết hi sinh hạnh phúc cá nhân vì dân tộc. Họ bỏ lại ruộng vườn, ngôi nhà – là những tìa sản quý giá để vào lính. Từ “mặc kệ” đã nói lên sự lựa chọn dứt khoát ấy. + Nỗi nhớ quê nhà đau đáu trong tâm hồn người lính: nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ… => Người lính mạnh mẽ nhưng không vô tâm; quyết liệt, ý chí nhưng không hề lạnh lùng. Từng giây, từng phút họ đang phải vượt lên mình, tự nén lại những yêu thương, nhung nhớ để cống hiến trọn vẹn cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. * Là sự đồng cam, cộng khổ trong cuộc đời người lính: - Đó là những cơn sốt rét rừng đã từng cướp đi bao sinh mạng, từng là nỗi ám ảnh đè nặng lên cuộc đời người lính. Cách nói “anh với tôi” một lần nữa cho thấy câu thơ không chỉ tả hình ảnh người lính bị cơn sốt rét rừng hành hạ mà còn gợi tình cảm đồng chí, đồng đội khi gian khổ đến cùng cực “sốt run người” vẫn quan tâm, lo lắng cho nhau. - Đó còn là cái hiện thực thiếu thốn, khó khăn, gian khổ của cuộc đời người lính. Họ đã sống trong hoàn cảnh nghèo nàn về vật chất: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men…nhưng họ vượt lên tất cả nhờ sức mạnh của tình đồng chí. - Đó còn là những khắc nghiệt của khí hậu núi rừng -> họ vượt lên nhờ tinh thần lạc quan cách mạng, sự ấm áp của tình đồng chí. * Là niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng họ dành cho nhau. - Hình ảnh “tay nắm bàn tay”: + Chất chứa bao yêu thương trìu mến. +Sẵn lòng chia sẻ khó khăn. + Chứa đựng cả những khao khát bên người thân yêu. => Chính tình đồng chí chân thành, cảm động và sâu sắc đã nâng đỡ bước chân người lính và sưởi ấm tâm hồn họ trên mọi nẻo đường chiến đấu. 3. Kết bài - Nội dung: Bài thơ thể hiện chân thực, cảm động một tình cảm lớn mang tính thời đại, đó là tình đồng chí bền chặt, thiêng liêng của những người lính cách mạng. Qua đó tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh người lính thời kì đầu chống Pháp. - Nghệ thuật: Lối miêu tả chân thực, tự nhiên; từ ngữ, hình ảnh giản dị và giàu sức gợi, cảm xúc dồn nén.
Quảng cáo
|