Đề thi vào 10 môn Văn Đắk Nông năm 2022Tải vềĐọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: Quảng cáo
Đề bài I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: Mặt trời xuống biển như hòn lửa... Sóng đã cài then, đêm sập của Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, Câu hát căng buồm cùng gió khơi. (Trích Ngữ văn 9, Tập một, tr.139, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) Câu 1. (1.0 điểm) Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? Câu 2. (1.5 điểm) Nêu hoàn cảnh ra đời và xuất xứ của tác phẩm ấy. Câu 3. (1.5 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của các phép tu từ trong hai câu thơ sau: Mặt trời xuống biển như hòn lửa. Sóng đã cài then, đêm sập cửa. II. LÀM VĂN (6.0 điểm) Phân tích hai khổ thơ sau trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc. Lời giải chi tiết I. ĐỌC HIỂU: Câu 1:
Phương pháp: Căn cứ bài Đoàn thuyền đánh cá. Cách giải: Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá của tác giả Huy Cận. Câu 2:
Phương pháp: Căn cứ bài Đoàn thuyền đánh cá. Cách giải: - Hoàn cảnh sáng tác: năm 1958, giai đoạn miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, sau chuyến đi thực tế dài ngày của nhà thơ ở Quảng Ninh - Xuất xứ: in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” – 1958. Câu 3:
Phương pháp: Căn cứ các biện pháp tu từ, phân tích. Cách giải: Biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ: - So sánh: Mặt trời xuống biển như hòn lửa. => Tác dụng: Mặt trời” được ví như một hòn lửa khổng lồ đang từ từ lặn xuống. - Nhân hóa: Sóng đã cài then đêm sập cửa. => Tác dụng: Gán cho sự vật những hành động của con người sóng “cài then”, đêm “sập cửa” gợi cảm giác vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ và những gợn sóng là then cài cửa. Con người đi trong biển đêm mà như đi trong ngôi nhà thân thuộc của mình. II. LÀM VĂN:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: 1. Mở bài: - Giới thiệu chung về tác giả Thanh Hải và tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ. - Giới thiệu 2 khổ thơ cần phân tích: Nguyện ước chân thành, tha thiết của tác giả. 2. Thân bài - Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống cao quý: “Ta làm con chim hót Ta làm một nhành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến” + Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê -> giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở. + Các hình ảnh “con chim hót” “một cành hoa” “nốt nhạc trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý. + Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ -> lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước. Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước. Khát vọng sống đẹp được nâng lên thành lí tưởng sống cao cả” “Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc” + “Mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Là cách nói khiêm nhường, giản dị, gợi một tâm hồn đẹp, một lối sống đẹp, một nhân cách đẹp “lặng lẽ dâng cho đời”. + Điệp từ “dù là” + hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc” khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng và lí tưởng sống ấy. Cả cuộc đời mình ông vẫn muốn chắt chiu những gì tốt đẹp nhất để hiến dâng cho đời. => Khổ thơ là lời tổng kết của nhà thơ về cuộc đời mình. Cho đến tận cuối đời ông vẫn khát khao cống hiến cho đất nước. 3. Kết bài: - Nội dung: Bày tỏ lẽ sống đẹp đẽ, cao cả, đó là sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho đất nước, quê hương. - Nghệ thuật: + Thể thơ 5 chữ, giàu nhịp điệu. + Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, trong sáng. + Cảm xúc chân thành, tha thiết.
Quảng cáo
|