Đề thi minh hoạ vào 10 môn Văn Thanh Hoá năm 2025

Tải về

Đoạn trích trên được làm theo thể thơ gì? Sắc hồng trong câu thơ Ta lớn lên bối rồi một sắc hồng là của sự vật nào?

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

I. PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

Bèo lục bình mênh mang màu mực tím

Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…

 

Ta lớn lên bối rối một sắc hồng

Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi

Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội

Ta nhận ra mình đang lớn khôn…

 

Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng

Rút những cọng rơm vàng về kết tổ

Đã dạy ta với cánh diều thơ nhỏ

Biết kéo về cả một sắc trời xanh…

 

Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành

“Tuổi của mụ” con nằm trong bụng mẹ

Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ

Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi…

 (Nguyễn Khoa Điềm, Trích Chương I: Lời chào, trường ca Mặt đường khát vọng, NXB Văn nghệ giải phóng, 1974)

Câu 1. (0,25 điểm) Đoạn trích trên được làm theo thể thơ gì?

A. Thể thơ tự do

B. Thể thơ lục bát

C. Thể thơ bảy chữ

D. Thể thơ tám chữ

Câu 2. (0,25 điểm) Sắc hồng trong câu thơ Ta lớn lên bối rồi một sắc hồng là của sự vật nào?

A. Hoa mào gà

B. Hoa phượng

C. Chim sẻ

D. Cánh diều

Câu 3. (0,25 điểm) Xét về cấu trúc ngữ pháp, câu thơ Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng bị lược bỏ thành phần nào?

A. Thành phần trạng ngữ

B. Thành phần chủ ngữ

C. Thành phần vị ngữ

D. Cả chủ ngữ và vị ngữ.

Câu 4. (0,25 điểm) Những cánh sẻ nâu đã làm gì để khiến nhân vật trữ tình cảm thấy “biết ơn”?

A. Đã rút những vọng rơm vàng về kết tổ.

B. Đã dạy ta với cánh diều, kéo về cả sắc trời xanh.

C. Giúp ta biết quý yêu tháng ngày tuổi trẻ.

D. Giúp ta nhận ra mình đã lớn khôn.

Câu 5. (0,25 điểm) Dòng nào sau đây chứa những hình ảnh đẹp đẽ của năm tháng tuổi trẻ được tác giả nhắc đến trong đoạn trích?

A. Bèo lục bình, nét chữ thiếu thờ, phượng cứ nở, mái trường, những cánh sẻ nâu, cánh đồng, những cọng rơm vàng, cánh diều thơ nhỏ, sắc trời xanh.

B. Bèo lục bình, nét chữ thiếu thờ, phượng cứ nở, những cánh sẻ nâu, cánh đồng, những cọng rơm vàng, cánh diều thơ nhỏ, sắc trời xanh, thầy cô và bè bạn.

C. Bèo lục bình, nét chữ thiếu thờ, phượng cứ nở, những cánh sẻ nâu, cánh đồng, những cọng rơm vàng, cánh diều thơ nhỏ, sắc trời xanh.

D. Bèo lục bình, nét chữ thiếu thờ, phượng cứ nở, những cánh sẻ nâu, cánh đồng, những cọng rơm vàng, cánh diều thơ nhỏ, sắc trời xanh, dòng lưu bút.

Câu 6. (0,25 điểm) Câu thơ: “Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…” sử dụng biện pháp tu từ nổi bật nào?

A. So sánh.

B. Điệp ngữ.

C. Nhân hoá.

D. Ẩn dụ.

Câu 7. (0,25 điểm) Khổ thơ cuối giúp em hiểu gì về những khoảng thời gian trong cuộc đời mỗi người?

A. Những khoảng thời gian trong cuộc đời mỗi người đều rất ý nghĩa, thiêng liêng.

B. Trong cuộc đời mỗi con người, thời thơ ấu là thời kì có nhiều niềm vui nhất.

C. Thời gian không bao giờ quay lại nên ta cần trân quý, sử dụng thời gian có ý nghĩa.

D. Phương án A và C đúng.

Câu 8. (0,25 điểm) Ý nào nhận xét không đúng về các hình ảnh được nhắc đến trong đoạn trích?

A. Là những hình ảnh đẹp đẽ, trong sáng về những năm tháng tuổi niên thiếu.

B. Là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc với mỗi người.

C. Là những hình ảnh kì vĩ, lớn lao trong những năm tháng ta đã đi qua.

D. Là những hình ảnh gợi cảm xúc về thủa thiếu thời.

Câu 9. (1,0 điểm) Nhận xét về tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện qua đoạn trích.

Câu 10. (1,0 điểm) Em hãy rút ra thông điệp ý nghĩa từ đoạn thơ trên. Viết về thông điệp đó bằng một đoạn văn khoảng 8 câu.

II. PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)

Em hãy phân tích truyện ngắn “Áo Tết” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

ÁO TẾT

Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho:

- Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho mà coi.

Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích, bạn nó.

Con Bích ở trong hẻm, nhà nó nghèo, má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm, con bé. Em thích con Bích vì nó hiền, với lại ngồi kế nhau từ lớp Một tới lớp Năm, làm sao mà không thân cho được. Hôm hai mươi sáu, học buổi cuối năm, hai đứa nôn Tết quá trời nên tính trước, nếu mùng Một con bé Em đi về ngoại thì mùng Hai hai đứa đi tới nhà cô giáo.

Bây giờ con bé Em tính trong đầu, tới bữa đó chắc nhiều bạn nữa, cho nên nó sẽ mặc cái áo đầm mới thắt nơ, bâu viền kim tuyến cho tụi bạn lé con mắt luôn.

Con Bích đang ngồi nướng bắp thế cho má nó đi xách cặn cho heo. Bé Em muốn khoe liền nhưng bày đặt nói gièm:

- Còn mấy ngày nữa Tết rồi hen, mầy có đồ mới chưa?

- Có, má tao đưa vải cho cô Ba thợ cắt rồi, má tao nói gần Tết đồ nhiều, dồn đống, chắc tới hai mươi tám mới lấy được.

- Vậy mầy được mấy bộ?

- Có một bộ hà.

Con bé Em trợn mắt:

- Ít quá vậy?

- Con Út Mót với Con Út Hết được hai bộ. Tao lớn rồi, nhường cho tụi nó.

- Vậy à?

Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không.

Nhưng rõ ràng là con Bích không quên nó:

- Còn mầy?

- Bốn bộ. Má tao mua cho đủ mặc từ mùng Một tới mùng Bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn. Trong đó có bộ đầm hồng nổi lắm, hết sẩy luôn.

- Mầy sướng rồi.

Con Bích nói xong vẫn cười nhưng mắt nó xịu xuống, buồn hẳn. Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con bé Em. Hồi nhỏ nó chuyên mặc áo con trai của anh Hai nó để lại. Áo nó thì chuyền cho mấy đứa em, tới con Út Hết là đồ đã cũ mèm, mỏng tang, kéo nhẹ cũng rách. Được cái mấy chị em nó biết thân, lo học chớ không so đo chuyện cũ mới, má nó nói hoài, “Nhà mình nghèo quá hà, ráng vài năm nữa, khá giả rồi má sắm cho”. Con bé Em nhìn con Bích lom lom rồi cúi xuống, trở trở trái bắp nướng:

- Bộ đồ mầy mai chắc đẹp lắm, bữa mùng Hai mầy mặc bộ đó đi nhà cô hen?

Rồi tới mùng Một, mùng Hai, bé Em lại rủ con Bích đi chơi. Hai đứa mặc đồ hơi giống nhau, chỉ khác là con Bích mặc áo trắng bâu sen, con bé Em thì mặc áo thun có in hình mèo bự. Cô giáo tụi nó khen:

- Coi hai đứa lớn hết trơn rồi, cao nhòng.

Hai đứa cười. Lúc đó con bé Em nghĩ thầm, mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân. Nhưng Bích lại nghĩ khác, bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, có mặc áo gì Bích vẫn quý bé Em. Thiệt đó.

(Nguyễn Ngọc Tư, Xa xóm mũi (tập truyện), NXB Kim Đồng, Hà Nội 2016)

* Chú thích:

Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) là một trong những nhà văn nữ nổi tiếng nhất của Việt Nam đương đại. Bà bắt đầu viết văn từ năm 1997, nhanh chóng gây được tiếng vang với những truyện ngắn mang đậm chất Nam Bộ, như "Sông nhỏ lở quanh", "Nước chảy mây trôi", "Cánh đồng bất tận".. Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thường tập trung vào đề tài cuộc sống của người dân miền Tây sông

nước. Sáng tác của bà thể hiện vốn sống phong phú và một khả năng quan sát tinh tế; lối viết độc đáo và giàu cảm xúc; sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng vẫn giàu chất thơ, tạo nên những câu chuyện vừa chân thực vừa lãng mạn.

-------------------- Hết ---------------

Lời giải chi tiết

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương pháp: Căn cứ các thể thơ đã học.

Cách giải:

Thể thơ tự do

Chọn A.

Câu 1:

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu.

Cách giải:

Hình ảnh: hoa phượng

Chọn B.

Câu 3:

Phương pháp: Căn cứ các thành phần câu.

Cách giải:

Đó là thành phần chủ ngữ.

Chọn C.

Câu 4:

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu

Cách giải:

Đã dạy ta với cánh diều, kéo về cả sắc trời xanh.

Chọn B.

Câu 5:

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu.

Cách giải:

Bèo lục bình, nét chữ thiếu thờ, phượng cứ nở, những cánh sẻ nâu, cánh đồng, những cọng rơm vàng, cánh diều thơ nhỏ, sắc trời xanh.

Chọn C.

Câu 6:

Phương pháp: Căn cứ bài so sánh.

Cách giải:

Biện pháp: so sánh.

Chọn A.

Câu 7:

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu

Cách giải:

Những khoảng thời gian trong cuộc đời mỗi người đều rất ý nghĩa, thiêng liêng.

Thời gian không bao giờ quay lại nên ta cần trân quý, sử dụng thời gian có ý nghĩa.

=> Phương án A và C đúng.

Chọn D.

Câu 8:

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu

Cách giải:

Là những hình ảnh kì vĩ, lớn lao trong những năm tháng ta đã đi qua.

Chọn C.

Câu 9:

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, phân tích.

Cách giải:

Tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn trích:

- Xao xuyến, bồi hồi và tiếc nuối về những tháng ngày thơ ấu đẹp đẽ;

- Thể hiện niềm trân trọng đối với những điều bình dị, thân thuộc quanh mình và lòng biết ơn về công lao sinh thành của mẹ.

Câu 10:

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, phân tích.

Cách giải:

HS nêu 01 thông điệp và đưa ra lí giải về ý nghĩa của thông điệp đó. Có thể lựa chọn thông điệp về: ơn nghĩa đối với cha mẹ; về lòng biết ơn; cần biết trận trọng những điều bình dị quanh mình,...

Ví dụ:

- Thông điệp: Trong cuộc sống, mỗi người cần biết nuôi dưỡng lòng biết ơn.

- Lí giải:

+ Lòng biết ơn giúp phát huy, kế thừa truyền thống tốt đẹp, giúp con người sống có tình nghĩa, biết yêu thương, san sẻ, gắn kết giữa con người với con người.

+ Lòng biết ơn giúp con người hoàn thiện về nhân cách, hướng con người ta đến lối sống nghĩa tình, lành mạnh.

+ Lòng biết ơn giúp gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.

Câu 2

Phương pháp: Đọc kĩ văn bản, phân tích, cảm nhận.

Cách giải:

Yêu cầu: Viết bài văn, đủ bố cục ba phần.

Bài làm có thể thực hiện theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Ban chuyên môn Tuyensisnh247.com

1. Giới thiệu tác phẩm truyện và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.

- Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miền đất Nam Bộ. Bà là cây bút đa tài, sáng tác thành công ở nhiều thể loại như truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết. Văn phong của Nguyễn Ngọc Tư trong sáng, mộc mạc, thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương….

- Truyện ngắn "Áo Tết" kể về tình bạn đẹp giữa bé Em và bé Bích. Đó là những đứa trẻ có tâm hồn trong sáng, giàu tình yêu thương. Đọc truyện, chúng ta cảm nhận được tâm hồn trong sáng, tấm lòng nhân hậu của những bạn nhỏ, từ đó biết trân trọng tình bạn.

2. Phân tích truyện

Luận điểm 1: Truyện ngắn “Áo Tết” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã khắc họa chân thực, sinh động tình cảm yêu thương giữa những người bạn tốt, đó là câu chuyện về tình bạn đẹp của bé Em và Bích rất đáng trân trọng, ngưỡng mộ.

- Tình cảm chân thành, trong sáng, ấm áp yêu thương của bé Em đối với bé Bích – một cô bạn nhà nghèo đã hấp dẫn người đọc ngay từ đầu câu chuyện:

+ Bé Em được sinh ra trong một gia đình khá giả, có cuộc sống đầy đủ, được mẹ yêu thương, chăm sóc và chuẩn bị tất cả điều kiện về vật chất. Còn bé Bích không được may mắn như vậy, gia đình bé khó khăn, em phải sớm chia sẻ công việc gia đình với mẹ. Mặc dù có sự cách biệt về hoàn cảnh sống thế nhưng điều đó không trở thành bức tường cản tình cảm ấm nồng của đôi bạn nhỏ tuổi này. Bé Em và bé Bình chơi thân với nhau từ nhỏ, ngồi cùng bàn học từ lớp một đến hết lớp năm, lúc nào cũng tíu tít như đôi chim sẻ, đi đâu cũng có nhau.

Chính điều này đã thắt chặt tình cảm của hai cô bé, chúng biết yêu thương, thấu hiểu tâm tư, tính cách của nhau và vì thế nên có cách ứng xử rất đẹp, rất đáng trân trọng.

+ Đến ngày tết, bé Em được mẹ mua cho một chiếc váy hồng nơ hoa rất xinh trong số bốn bộ váy mới cô được mẹ mua để mặc tết. Cô rất yêu thích và tưởng tượng cảnh mình diện chiếc váy hồng xinh xắn này thì thật là tuyệt vời biết bao. Bởi đó là bộ đồ rất sang trọng, là niềm mơ ước của biết bao đứa trẻ được một lần khoác lên mình chiếc váy xinh đẹp như các nàng công chúa trong các câu chuyện cổ tích. Phải là người am hiểu thế giới tâm hồn trẻ thơ, thấu hiểu được niềm hạnh phúc của các em nhỏ thì nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mới khắc họa sinh động, chính xác tâm lí của những đứa trẻ có được bộ đồ đẹp mặc khoe với bạn bè trong những ngày tết đến vậy.

+ Niềm vui khi có bộ đồ mới, người đầu tiên bé Em muốn chia sẻ là Bích – cô bạn thân: “Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích, bạn nó.”. Nhưng khi đến nhà Bích, trò chuyện với Bích về chuyện quần áo mới đi chơi tết thì: “Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không.”. Trong cái cảm giác “mất hứng” ấy của bé Em có cả tình yêu, sự thương cảm, sẻ chia của cô bé đối với hoàn cảnh nghèo túng, thiếu thốn của gia đình Bích. Bởi, hơn ai hết, bé Em hiểu được gia đình Bích nghèo, đông anh em; mẹ làm lụng quanh năm vất vả thì việc sắm sửa cho con cái bộ đồ mới ngày tết đó là cả một điều khó khăn.

+ Dù rất thích chiếc váy mẹ tặng và rất muốn được trưng diện với bạn bè trong ngày tết nhưng bé Em lại không dùng đến chỉ vì nghĩ đến Bích - người bạn thân của mình. Đến ngày tết, cả hai tung tăng sánh bước vui vẻ bên nhau, cùng tươi cười đón chào năm mới, cùng nhau đến chúc tết cô giáo; trong lòng bé. Em chợt trào dâng cảm xúc; “Lúc đó con bé Em nghĩ thầm, mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân.”. Cách ứng xử của bé Em thật văn hóa, rất đáng trân trọng.

=> Bé Em là một cố bé có tâm hồn trong sáng, trái tim nhân hậu, biết trân trọng tình bạn rất đáng ngợi ca.

- Truyện ngắn “Áo Tết” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn khiến người đọc cảm phục trước vẻ đẹp tâm hồn của bé Bích. Đó là một cô bé có tâm hồn trong sáng, giàu tình cảm và hiểu chuyện, biết giúp đỡ mẹ công việc nhà.

+ Bích còn là một đứa trẻ nhưng sinh ra trong gia đình nghèo: “Con Bích ở trong hẻm, nhà nó nghèo, má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm, con bé Em thích con Bích vì nó hiền”. Bích sớm nhận thức được hoàn cảnh gia đình khốn khó nên thương mẹ, chia sẻ công việc gia đình với mẹ: “Con Bích đang ngồi nướng bắp thế cho má nó đi xách cặn cho heo.”.

+ Do gia đình không có điều kiện, lại có nhiều em nên bé Bích nhường quần áo mới cho các em vì vậy bé chỉ có duy nhất một bộ quần áo mới để mặc tết.

Từ nhỏ, bé Bích đã luôn mặc lại quần áo cũ của anh trai, ít khi được mặc một bộ quần áo mới dành cho riêng mình: “Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con bé Em. Hồi nhỏ nó chuyên mặc áo con trai của anh Hai nó để lại.”. Bé Em nhìn thấy được điều đó nhưng cũng không thể giúp gì được bạn. Nhưng bản thân Bích cũng không cảm thấy điều đó làm nó buồn, bởi gia đình bé Bích ai cũng vậy: “Áo nó thì chuyền cho mấy đứa em, tới con Út Hết là đồ đã cũ mèm, mỏng tang, kéo nhẹ cũng rách.”.

+ Dù sinh ra trong một gia đình nghèo, thế nhưng cách anh em Bích sống và chia sẻ với nhau thật đáng trân trọng. Điều đặc biệt là, tất cả anh em cô bé đều yêu thương nhau, hiểu chuyện nên: “Được cái mấy chị em nó biết thân, lo học chớ không so đo chuyện cũ mới,…”.

+ Đối với bé Em, Bích dành tình cảm chân thành và rất tôn trọng bạn. Bởi Bích cảm nhận được tình yêu thật lòng, sự quan tâm chu đáo của bé Em đối với mình. Ở bên bé Em, Bích cảm nhận được sự ấm áp yêu thương của tình bạn.

Bởi vậy, dù bé Em có mặc đồ đẹp, sang trọng hơn Bích thì: “Nhưng Bích lại nghĩ khác, bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, có mặc áo gì Bích vẫn quý bé Em. Thiệt đó.”.

=> Bé Bích tuy còn nhỏ nhưng hiểu chuyện, trưởng thành trong suy nghĩ và cũng là một cố bé giàu nghị lực sống, biết trân quý tình bạn, rất đáng để chúng ta noi gương, học tập.

* Luận điểm 2: Để làm nổi bật được tình bạn đẹp của bé Em và bé Bích trong câu chuyện “Áo Tết”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng những hình thức nghệ thuật đặc sắc.

- Cách kể chuyện tự nhiên, sử dụng ngôi kể thứ ba, giọng kể nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, ấm áp tình người làm rung động trái tim người đọc.

- Cốt truyện đơn giản, xoay quanh những sự việc bình dị trong cuộc sống đời thường của những người bạn nhỏ nhưng có sức truyền thấm mạnh mẽ về giá trị của tình bạn.

- Tình huống truyện độc đáo, gợi nhiều liên tưởng, nghĩ suy cho người đọc về những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo phải chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè.

- Sử dụng ngôn ngữ đối thoại ngắn phù hợp với tính cách nhân vật và giúp người đọc cảm nhận được tâm hồn trong sáng, nhân hậu của những đứa trẻ.

- Đọc truyện, chúng ta bị lôi cuốn bởi cách sử dụng ngôn ngữ địa phương Nam Bộ rất dễ thương của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Điều này cũng làm nên đặc trưng phong cách rất riêng của nhà văn.

- Nhan đề của truyện phù hợp với tâm lí trẻ thơ, gợi nhiều tò mò cho bạn đọc trẻ; góp phần thể hiện chủ đề của truyện: ca ngợi tình bạn đẹp.

3. Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm truyện.

- Với cách kể chuyện dung dị, chất văn nhẹ nhàng mà thấm đẫm dư vị đời sống thường nhật; cách cho nhân vật trò chuyện tâm tình để bộc lộ được vẻ đẹp tâm hồn của bé Em và bé Bích; nhà văn Nguyễn ngọc Tư đã truyền thấm vào trái tim, tâm hồn, suy nghĩ bạn đọc một bức thông điệp giàu giá trị nhân văn về tình bạn đẹp, đáng trân trọng ở mỗi người.

- Câu chuyện “Áo Tết” có dung lượng ngắn nhưng giàu ý nghĩa sâu xa, gợi nhắc ở mỗi chúng ta cách ứng xử đẹp với bạn bè.

Tải về

Quảng cáo

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close