Đề thi học kì 2 Văn 8 Chân trời sáng tạo - Đề số 3

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi: Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.

Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bâu giờ?

Sống một cuộc đời cũng như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc cắn về chất liệu mà bạn sử dụng thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.

Đừng đẻ ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở dâu thẳm trong tim bạn có, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, nếu không theo đuổi ước mơ, con người sẽ rơi vào trạng thái tâm lí nào?

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Sống một cuộc đời cũng như vẽ một bức tranh vậy.” 

Câu 4.  Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ không? Trả lời trong 3-5 dòng.

PHẦN II – VIẾT (7.0 điểm)

Câu 1. Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 100 chữ) triển khai luận điểm “Học vẹt không phát triển được năng lực suy nghĩ”

Câu 2. Hiện nay một số bạn đang đua đòi theo những lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh, truyền thống văn hóa của dân tộc và hoàn cảnh gia đình. Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục các bạn đó thay đổi các ăn mặc cho đúng đắn hơn.

Đáp án

PHẦN I – ĐỌC HIỂU

Câu 1 (0.5 điểm)

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Phương pháp:

Dựa vào các phương thức biểu đạt đã được học

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2 (0.5 điểm)

Theo tác giả, nếu không theo đuổi ước mơ, con người sẽ rơi vào trạng thái tâm lí nào?

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Theo tác giả, nếu không theo đuổi ước mơ, con người sẽ rơi vào trạng thái tâm lí: luôn cảm thấy dằn vặt, day dứt vì đã từ bỏ ước mơ của đời mình.

Câu 3 (1.0 điểm)

Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Sống một cuộc đời cũng như vẽ một bức tranh vậy.” 

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

- So sánh: “Sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”

- Tác dụng: Lối diễn đạt cụ thể, sinh động; chỉ ra sự tương đồng giữa một cuộc đời với vẽ một bức tranh giúp người đọc dễ hình dung ra cách sống chủ động để biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Câu 4 (1.0 điểm)

Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ không? Trả lời trong 3-5 dòng. (1 điểm)

Phương pháp:

Nêu suy nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

Gợi ý: Có những ước mơ gần gũi, giản dị, có những ước mơ xa vời, viển vông. Những ước mơ có tính thực tế sẽ làm cho cuộc sống của ta trở nên ý nghĩa, có động lực hơn mà không trở nên buồn chán, tẻ nhạt. Cần nhận thức rõ năng lực của bản thân và có kế hoạch ngay từ sớm để ước mơ trở thành hiện thực.

PHẦN II – VIẾT (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 10-15 dòng) nói về ý nghĩa của ước mơ đối với cuộc đời mỗi con người. 

Phương pháp:

Nêu suy nghĩ của em, vận dụng kiến thức đã học khi viết một đoạn văn nghị luận về một vấn đề

Lời giải chi tiết:

a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách viết đoạn văn nghị luận. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; bảo đảm dung lượng.

b. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày nhiều cách nhưng lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí. Gợi ý những nội dung sau:

- Dẫn đề: vai trò của ước mơ

- Giải thích: Ước mơ: là điều tốt đẹp ở phía mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới, đạt được

- Vai trò

+ Giúp bản thân xác định phương hướng, mục tiêu tương lai

+ Là động lực tinh thần để con người có ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn

+ Sống lạc quan, vui vẻ; cuộc sống có ý nghĩa hơn khi có ước mơ.

- Chốt lại vấn đề

Câu 2 (5.0 điểm)

Hiện nay một số bạn đang đua đòi theo những lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh, truyền thống văn hóa của dân tộc và hoàn cảnh gia đình. Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục các bạn đó thay đổi các ăn mặc cho đúng đắn hơn.

Phương pháp:

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề

b. Hiện trạng của vấn đề

c. Nguyên nhân vấn đề

d. Hậu quả của vấn đề

e. Biện pháp khắc phục

g. Bài học cá nhân

3. Kết bài

Suy nghĩ, đánh giá của em về vấn đề vừa bàn luận:

Lời giải chi tiết:

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng một số bạn học sinh đang đua đòi theo lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề

Lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh là việc:

- Để các kiểu tóc rườm rà, màu sắc rực rỡ, tạo kiểu quá cầu kì và mất nhiều thời gian tạo kiểu.

- Mặc các loại trang phục hở hang, luộm thuộm, vướng víu.

- Mang các loại phụ kiện, trang sức quá đắt đỏ đến lớp học.

=> Đây là các kiểu trang phục không phù hợp với lứa tuổi học sinh và môi trường học đường.

b. Hiện trạng của vấn đề

- Hiện nay, tình trạng học sinh ăn mặc không phù hợp lứa tuổi, nội quy đang ngày càng phổ biến với nhiều học sinh, nhiều cấp học.

- Mức độ trang phục, kiểu tóc thiếu trong sáng, gọn gàng ngày càng được nâng cao (nữ mặc váy ngắn, váy body, nam để tóc dài đến vai, nữ trang điểm đậm khi đến trường, nhuộm tóc màu sặc sỡ…).

c. Nguyên nhân vấn đề

- Các em bắt chước theo một thần tượng mà mình yêu thích, hay những đối tượng xấu trong xã hội (VD: cắt tóc, mặc áo quần như Khá Bảnh…).

- Các em muốn thể hiện một nét cá tính riêng hay muốn tỏ ra mình là người lớn (nên trang điểm đậm, mặc đồ bó sát, gợi cảm…).

- Gia đình có điều kiện nhưng không quan tâm sâu sát, để các em lầm tưởng và không định hình được trang phục của mình.

d. Hậu quả của vấn đề

- Các em khoác lên mình những bộ trang phục không phù hợp, trái quy định, dẫn đến bị kỉ luật, bị trừ điểm, bị phạt, ảnh hưởng đến bản thân và tập thể.

- Những bộ trang phục lố lăng, thiếu phù hợp độ tuổi khiến các em mất đi sự trong sáng, vẻ đẹp của lứa tuổi.

- Ăn mặc không phù hợp, khiến các em dễ bị bạn bè xa lánh, không quan tâm, khó hòa vào tập thể lớp.

- Những bộ trang phục gợi cảm, lộ liễu hay rườm rà, lố lăng dễ khiến học sinh bị đánh đồng và lôi kéo và các tập thể xấu trong xã hội.

e. Biện pháp khắc phục

- Tăng cường tuyên truyền, giải thích, định hướng về trang phục học đường và trang phục phù hợp cho lứa tuổi học sinh.

- Bố mẹ, thầy cô quan tâm hơn đến các em học sinh để kịp thời chấn chỉnh lại cách ăn mặc của các em khi nhận thấy các đặc điểm chưa phù hợp.

- Các bạn học sinh nên có những thần tượng, phong cách ăn mặc phù hợp với bản thân, để tránh các trường hợp không mong muốn.

g. Bài học cá nhân

- Bản thân em khi đến trường luôn mặc áo sơ mi trắng, quần vải đen và đi giày thể thao, tóc cũng cắt ngắn gọn gàng.

- Khi đi chơi, em mặc những bộ trang phục thoải mái và năng động, không đua đòi theo những bộ trang phục không phù hợp lứa tuổi, không đua đòi cắt nhuộm tóc lòe loẹt…

3. Kết bài

- Suy nghĩ, đánh giá của em về vấn đề vừa bàn luận: Như vậy, vấn đề một bộ phận học sinh đua đòi ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi và không lành mạnh thực sự là một vấn đề cần được xem trọng. Bởi nó liên quan rất nhiều đến sự phát triển lành mạnh của các em. Vì vậy, cả gia đình, cộng đồng cần quan tâm đến vấn đề này hơn, để tạo ra một môi trường học đường trong sạch.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close