Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 6

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng, là một người tuấn sảng hào mại không ưa kiềm thúc. Theo học nhà xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử Hư về cái tính hay kiêu căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng, là một người tuấn sảng hào mại không ưa kiềm thúc. Theo học nhà xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử Hư về cái tính hay kiêu căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt.

Khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cẩ, duy Tử Hư làm lều ở mả đề chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về. Năm 40 tuổi, Tử Hư đi thi vẫn chưa đỗ; đời Trần, sang du học ở kinh, ngụ ở trong một nhà dân bên bờ Hồ Tây.

Một buổi sáng, ở nhà trọ đi ra, trong áng sương mù thấy có một đám những tán vàng kiệu ngọc bay lên trên không; kế lại có một cỗ xe nạm hạt châu, kẻ theo hầu cũng rất chững chạc. Tử Hư khẽ dòm trộm xem thì người ngồi trong xe, chính thầy học mình là Dương Trạm. Chàng toan đến gần sụp lạy nhưng Trạm xua tay nói:

- Giữa đường không phải chỗ nói chuyện, tối mai nên đến đền Trấn Vũ cửa Bắc, thầy trò ta sẽ hàn huyên.

Tử Hư bèn sắm rượu và thức nhắm, đúng hẹn mà đến. Thầy trò gặp nhau vui vẻ lắm, chàng nhân hỏi rằng:

- Thầy mới từ trần chưa bao lâu, thoắt đã trở nên hiển hách khác hẳn ngày trước, xin thầy cho biết rõ duyên do để con được vui mừng.

Dương Trạm nói:

- Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế quân đây ngài khen là có bụng tốt tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng. Hôm qua ta hầu lính giá ngài lên chầu Thiên cung, tình cờ lại gặp nhà người, đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên.

(Trích Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên Tào, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Trẻ, 2016, tr.142)

Câu 1 (0.5 điểm): Câu chuyện trong đoạn trích trên được kể bằng lời của ai?

Câu 2 (0.5 điểm): Các sự kiện trong câu chuyện được sắp xếp theo trật tự thời gian, không gian nào?

Câu 3 (1.0 điểm): Lời của thầy Dương Trạm trong câu văn sau sử dụng dẫn lời nói hay dẫn ý nghĩ? Vì sao em biết được điều đó?

Dương Trạm nói:

- Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen,… đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên.

Câu 4 (1.5 điểm): Phân tích tác dụng của một yếu tố hoang đường, kì ảo có trong đoạn trích trên.

Câu 5 (1.0 điểm): Nêu nội dung chính của văn bản và một số căn cứ giúp em xác định được nội dung ấy.

Câu 6 (1.5 điểm): Theo em tinh thần tôn sư trọng đạo được biểu hiện như thế nào? Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, em có suy nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta?

PHẦN VIẾT (4.0 điểm)

Kể lại một truyện sáng tạo, phỏng theo một truyện đã đọc (có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm)

Đáp án

PHẦN ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Câu 1.

Câu chuyện trong đoạn trích trên được kể bằng lời của ai?

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức đã học về ngôi kể, người kể chuyện trong truyện truyền kì

Lời giải chi tiết:

Lời của người kể chuyện, không tham gia trực tiếp và câu chuyện

Câu 2.

Các sự kiện trong câu chuyện được sắp xếp theo trật tự thời gian, không gian nào?

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản, xác định trật tự thời gian, không gian

Lời giải chi tiết:

Các sự kiện trong câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian từ khi Phạm Tử Hư học thầy Dương Trạm, thầy mất, đến khi ông gặp lại thầy sau khi qua đời, và theo không gian từ Cẩm Giàng, mộ thầy, kinh thành, đến đền Trấn Vũ.

Câu 3.

Lời của thầy Dương Trạm trong câu văn sau sử dụng dẫn lời nói hay dẫn ý nghĩ? Vì sao em biết được điều đó?

Dương Trạm nói:

- Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen,… đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên.

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức về lời dẫn trực tiếp, lời dẫn gián tiếp

Lời giải chi tiết:

Lời của thầy Dương Trạm trong câu văn trên sử dụng lời dẫn trực tiếp lời nói của thầy. Căn cứ vào dấu hai chấm và dấu gạch ngang trước lời nói, trích dẫn nguyên văn những gì nhân vật đã nói, không phải là ý nghĩ được diễn đạt gián tiếp.

Câu 4.

Phân tích tác dụng của một yếu tố hoang đường, kì ảo có trong đoạn trích trên.

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức đã học về yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì

Lời giải chi tiết:

- Yếu tố hoang đường, kỳ ảo trong đoạn trích là hình ảnh thầy Dương Trạm - người đã mất nhưng xuất hiện trong hình dáng thần tiên, ngồi trên cỗ xe “nạm hạt châu” được lính hầu và đi chầu Thiên cung.

- Tác dụng:

+ Tôn vinh giá trị đạo đức và nhân cách

+ Thể hiện lòng kính trọng với thầy giáo

+ Tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện

+ Biểu tượng cho sự trường tồn của giá trị văn hóa

Câu 5.

Nêu nội dung chính của văn bản và một số căn cứ giúp em xác định được nội dung ấy.

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích, xác định cốt truyện, sự kiện chính và rút ra nội dung chính

Lời giải chi tiết:

- Nội dung chính: Văn bản kể về lòng biết ơn và tình thầy trò sâu sắc giữa Phạm Tử Hư và thầy Dương Trạm, qua đó nhấn mạnh giá trị của sự tu dưỡng đạo đức và triết lý nhân quả.

- Căn cứ vào các chi tiết:

+ Hành động kính thầy của Phạm Tử Hư (chầu bên mộ thầy ba năm).

+ Chi tiết kỳ ảo về sự “hiển hách” của thầy Dương Trạm sau khi qua đời.

+ Lời khuyên về đạo đức và triết lý sống được thầy truyền đạt.

Câu 6.

Theo em tinh thần tôn sư trọng đạo được biểu hiện như thế nào? Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, em có suy nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta?

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản, xác định các chi tiết thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo và nêu suy nghĩ

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu truyền thống tôn sư trọng đạo là một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

- Khẳng định đây là giá trị đạo đức tốt đẹp cần được giữ gìn và phát huy.

2. Thân bài:

a. Giải thích truyền thống tôn sư trọng đạo:

- Tôn sư trọng đạo là thái độ kính trọng, biết ơn thầy cô - những người truyền dạy tri thức, đạo lý.

- Trọng đạo thể hiện ở sự tôn vinh vai trò của tri thức, giáo dục và người thầy trong xã hội.

b. Biểu hiện của truyền thống tôn sư trọng đạo trong cuộc sống:

- Trong lịch sử: các vị vua, anh hùng dân tộc luôn kính trọng và biết ơn thầy dạy (ví dụ: Bác Hồ với thầy giáo Nguyễn Sinh Sắc)

- Trong đoạn trích phần đọc hiểu: những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình

- Trong hiện tại:

+ Học sinh biết vâng lời, lễ phép, chăm ngoan để tri ân thầy cô.

+ Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô.

c. Ý nghĩa của truyền thống tôn sư trọng đạo:

- Đối với cá nhân: giúp mỗi người hoàn thiện nhân cách, học cách sống biết ơn, tôn trọng người khác.

- Đối với xã hội: xây dựng mối quan hệ thầy trò bền chặt, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc.

d. Bài học rút ra và phê phán:

- Bài học:

+ Mỗi người cần luôn kính trọng, biết ơn và tôn vinh người thầy.

+ Phát huy truyền thống bằng cách học tập chăm chỉ và rèn luyện bản thân tốt.

- Phê phán:

+ Những người vô ơn, không coi trọng công lao của thầy cô.

+ Tình trạng bạo lực học đường, hành xử thiếu lễ phép với thầy cô.

3. Kết bài:

- Khẳng định vai trò quan trọng của truyền thống tôn sư trọng đạo.

- Bày tỏ quyết tâm giữ gìn, phát huy truyền thống bằng thái độ, hành động cụ thể trong cuộc sống.

Bài tham khảo

Truyền thống tôn sư trọng đạo là một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng kính trọng và biết ơn đối với thầy cô - những người truyền dạy tri thức và đạo lý làm người. Đây không chỉ là giá trị đạo đức mà còn là biểu tượng cho sự quý trọng tri thức, giáo dục của một dân tộc có truyền thống hiếu học.

Tôn sư trọng đạo được hiểu là thái độ trân trọng, ghi nhớ công lao của thầy cô, đồng thời đề cao vai trò của người thầy trong việc hình thành nhân cách và nâng cao kiến thức của con người. Tôn sư là kính trọng thầy, trọng đạo là coi trọng đạo lý, những điều tốt đẹp mà thầy cô dạy bảo.

Truyền thống này được thể hiện sâu sắc qua nhiều biểu hiện trong lịch sử và hiện tại. Trong quá khứ, các vị vua, danh nhân, anh hùng dân tộc luôn dành cho thầy giáo của mình lòng biết ơn sâu sắc. Điển hình như Bác Hồ từng thể hiện sự kính yêu với cha mình, đồng thời là thầy giáo Nguyễn Sinh Sắc, hay câu chuyện về Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn nhớ về công lao thầy dạy. Ngày nay, học sinh thể hiện lòng tôn kính qua những lời chào lễ phép, những món quà ý nghĩa vào dịp 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam. Hay học trò Phạm Hư Tử chầu trực ba năm bên mộ thầy Dương Trạm.

Ý nghĩa của truyền thống này rất lớn lao. Đối với cá nhân, tôn sư trọng đạo giúp mỗi người hoàn thiện nhân cách, sống biết ơn và tôn trọng người khác. Với xã hội, điều này tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, bền chặt, nơi mối quan hệ thầy trò trở thành nền tảng vững chắc để xây dựng con người có ích.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp, vẫn còn tồn tại hiện tượng thiếu tôn trọng thầy cô như bạo lực học đường, hành xử vô lễ. Điều này đáng bị phê phán và cần được giáo dục lại.

Truyền thống tôn sư trọng đạo là tài sản quý giá của dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy. Bản thân mỗi người cần thể hiện lòng kính trọng đối với thầy cô qua những hành động cụ thể: học tập tốt, sống đúng đạo lý và luôn biết ơn. Đó chính là cách chúng ta tiếp nối và lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp này.

PHẦN VIẾT (4.0 điểm)

Kể lại một truyện sáng tạo, phỏng theo một truyện đã đọc (có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm)

Phương pháp:

Chọn một câu chuyện mà em yêu thích.

Kể lại một cách sáng tạo nhưng không làm mất đi cốt truyện gốc, các sự kiện chính

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

a. Mở đầu truyện

- Giới thiệu bối cảnh, nhân vật chính của câu chuyện

b. Diễn biến truyện

Thuật lại diễn biến các sự kiện trong câu chuyện theo trình tự hợp lí; thể hiện khả năng tưởng tượng và cách kể chuyện sáng tạo; có kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong khi kể chuyện.

- Sự việc 1: Kể lại sự việc thứ nhất.

- Sự việc 2: Kể lại sự việc thứ hai.

- Sự việc 3: Kể lại sự việc thứ ba.

- ....

c. Kết thúc truyện

- Kết thúc phù hợp, gây ấn tượng hoặc gợi suy nghĩ đối với người đọc.

Bài tham khảo

Truyện cổ tích Tấm Cám là một câu chuyện có từ rất lâu, và đã đồng hành với biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam ta.

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là cô Tấm dịu dàng, nết na. Cô Tấm mồ côi mẹ từ sớm. Cha sau khi đi bước nữa không lâu thì qua đời, dể cô sống một mình với bà dì ghẻ và người con riêng của bà là Cám. Biết bao đau khổ của đời Tấm đều do hai mẹ con độc ác này gây nên.

Suốt những năm tháng tuổi thơ đến khi lớn lên, Tấm bị dì ghẻ bắt làm việc quần quật suốt ngày, lại chịu cảnh mắng nhiếc, thiếu thốn đủ đường. Một lần, dì ta lấy chiếc yếm đào mới để tổ chức cho Tấm và Cám thi mò cua bắt ốc. Dĩ nhiên với tính chăm chỉ của mình, phần hơn sẽ phải nghiêng về Tấm. Ngờ đâu Cám gian xảo đã bày mưu lừa Tấm đi gội đầu sạch sẽ, để cướp giỏ tôm cua về nhà trước. Chờ Tấm lên bờ thì trong giỏ chỉ còn mỗi con cá bống nhỏ xíu. Tấm bật khóc nức nở, thì ông Bụt hiện lên và dặn dò cô mang cá bống về nuôi.

Tấm nuôi cá trong cái giếng sau nhà. Hôm nào cũng mang cơm ra cho cá ăn, và hát bài hát riêng của mình thì bống mới ngoi lên. Ngờ đâu, mụ dì ghẻ độc ác đã rình mò và nghĩ ra kế xấu. Mụ ta lừa Tấm đi chăn trâu ở đồng xa, rồi ở nhà bắt chước Tấm gọi cá bống lên và ăn thịt. Ăn xong, mụ chôn xương cá ở góc bếp. Chờ đến lúc Tấm về nhà, mang cơm ra giếng, gọi bống lên thì chỉ còn cục máu đỏ tươi mà thôi. Buồn bã, Tấm bật khóc nức nở. Ông Bụt lại hiện lên, chỉ cho Tấm lấy nắm thóc cho gà ăn, để nó bới đất tìm xương cá bống cho. Rồi ông dặn Tấm chôn xương vào bốn chiếc bình, đặt ở chân giường.

Ít lâu sau, nhà vua mở hội tuyển vợ, con gái khắp nơi xúng xính váy áo để đi trảy hội. Tấm cũng hớn hở theo. Cô xin dì ghẻ cho được đi trảy hội. Ngờ đâu, bà ta bắt cô phải nhặt hết một đống đầy hạt gạo, hạt đỗ lẫn vào nhau xong mới được đi hội. Đau khổ, lần nữa Tấm lại òa khóc. Ông Bụt lại hiện lên lần nữa, gọi đàn chim sẻ đến giúp Tấm. Nhờ vậy, cô nhanh chóng hoàn thành xong công việc dì ghẻ giao. Nhưng bây giờ, cô lấy gì mặc để đi hội, khi cô chỉ toàn những bộ trang phục cũ rích? Thấy cô băn khoăn, ông Bụt bảo cô lấy những chiếc bình ở chân giường lên. Chao ôi, bên trong là bộ váy và đôi hài lộng lẫy. Mặc lên, Tấm đẹp như một nàng công chúa vậy.

Có váy áo, Tấm cảm ơn ông Bụt rồi hớn hở đến hội. Lúc đi qua sông, cô đánh rơi một bên giày xuống nước. Người đến hội đông quá, cô không sao xuống tìm giày được. Đúng lúc đó, voi của vua đi ngang qua, vướng chiếc giày nên mãi chẳng chịu đi. Vua cho lính xuống mò lên, ngắm đôi giày một lát, vua ra chỉ: Ai đi vừa chiếc giày ấy, sẽ được làm vợ vua. Biết bao cô gái đến thử vận may, nhưng chẳng ai vừa cả. Đến lượt Tấm, cô vừa đi thử là vừa ngay như in. Thế là Tấm trở thành hoàng hậu.

Tuy trở thành vợ vua, nhưng cô Tấm vẫn giữ nguyên những đức tính chăm chỉ ngày nào. Năm đó, đến giỗ cha, cô xin vua được trở về quê lo giỗ. Về nhà, cô tự tay mình chuẩn bị một mâm cũng tươm tất để thờ cha. Đến lúc sau, mụ dì ghẻ nhờ Tấm trèo lên cây hái buồng cau. Rồi nhân lúc cô ở trên cau thì chặt gốc, khiến cô ngã xuống ao rồi qua đời.

Nhờ phép lạ, Tấm không chết mà hóa thành vàng anh bay vào cung vua. Vua quý vàng anh lắm, đi đâu cũng mang theo. Điều này khiến Cám - kẻ mặc áo của Tấm vào cung để thay chị hầu vua ghen tức vô cùng. Nhân một hôm vua đi vắng, Cám bắt chim ăn thịt, rồi vứt lông chim ở góc vườn. Từ đống lông chim ấy, mọc lên một cây xoan cao lớn xum xuê lạ thường. Ở dưới bóng mát của cây, vua cảm thấy rất thoải mái, nên cho lính mắc võng dưới cây rồi thường xuyên ra đó nghỉ ngơi. Ghen tức với cây xoan, chờ vua đi tuần, Cám cho người chặt cây làm thành khung cửi. Nhưng mỗi lần Cám dệt vải, khung cửi lại kêu lên kẽo cà kẽo kẹt những tiếng chửi mắng đáng sợ khiến cô ta khiếp vía. Nên cô ta cho người đốt khung cửi thành tro, rồi đem ra đổ ở ngã tư thật xa cung vua.

Cám cứ tưởng thế là xong nên hả hê lắm. Ngờ đâu từ đống tro ấy, mọc lên một cây thị to lớn, rồi cây cho ra một quả thị duy nhất, tỏa hương thơm ngát. Có bà bán nước ở gốc cây thấy vậy đã xin cây cho lấy trái thị về nhà để ngửi, và hứa là không ăn quả. Thế là quả thị rớt vào bị của bà. Từ hôm đó, chờ bà cụ đi vắng, cô Tấm từ trong quả thị bước ra, giúp bà việc nhà, cơm nước. Bà cụ thấy lạ, nên rình xem và phát hiện ra cô. Bà đã ôm chầm lấy Tấm và xin được nhận cô làm con nuôi. Từ đó, hai người trở thành mẹ con của nhau.

Một hôm, nhà vua đi tuần về, nghỉ chân ở quán nước của bà cụ. Nhìn những miếng trầu cánh phượng hệt như vợ têm, vua liền mời người têm trầu ra gặp mặt. Khi nhìn thấy nhau, hai người mừng mừng tủi tủi, ôm chầm lấy nhau trọng hạnh phúc. Sau đó, Tấm theo vua về cung, chung sống hạnh phúc. Còn mẹ con Cám thì bị đuổi đi biệt xứ, không bao giờ trở về nữa. Thật xứng đáng cho hai kẻ độc ác.

  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 5

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: “Tổ quốc là nơi ta sinh ra và lớn lên, là mái nhà chung của mọi người. Từng con sông, ngọn núi, mỗi cánh đồng hay làn nước biển đều lưu giữ những dấu ấn lịch sử, văn hóa và tinh thần bất khuất của cha ông.

  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 4

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: (1) Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành

  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 3

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: “Mỗi ngày chúng ta thức dậy là một ngày mới, một cơ hội mới để sống, làm việc, yêu thương và cống hiến.

  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 2

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: NỖI OÁN SẦU NGƯỜI CUNG NỮ

  • Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 1

    Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: "Mỗi người trong chúng ta đều mang theo một ước mơ, một mục đích sống riêng, như những ngọn hải đăng nhỏ bé giữa biển cả cuộc đời.

Quảng cáo

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close