Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 4

Đề thi giữa kì 1 Văn 9 đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

(Tóm tắt phần đầu: Nguyễn Sinh người Thanh Trì, diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào. Chàng sớm mồ cô cha, nhà nghèo nên học hành dang dở, chàng làm nghề chèo đò. Vì say đắm giọng hát và vẻ ưa nhìn của chàng nên cô con gái một nhà giàu họ Trần đã đem lòng yêu mến, sai người hầu đem khăn tay đến tặng, dặn chàng nhờ người mối manh đến hỏi. Nguyễn sinh nhờ mẹ bảo người mối manh đến nhà nàng nhưng bố nàng chê chàng nghèo nên không nhận lời, còn dùng lời lẽ không hay để mắng bà mối. Chàng phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp; cô gái biết chuyện âm thầm đau khổ chẳng thể giãi bày cùng ai, dần sinh bệnh, hơn một năm sau thì nàng qua đời.)

Trước khi nhắm mắt, nàng dặn cha:

Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa

táng để xem vật đó là vật gì?

Ông làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lụi, ông thấy trong nắm xương tàn, sót lại một vật, to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn kĩ thì thấy trong khối ấy có hình một con đò, trên đò một chàng trai trẻ tuổi đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Nhớ lại việc nhân duyên trước kia của con, ông chợt hiểu ra vì chàng lái đò mà con gái ông chết, hối thì không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, cất khối đỏ ấy vào trong, đặt lên giường của con gái.

Nguyễn sinh bỏ nhà lên Cao Bằng làm khách của trấn tướng. Chàng vì hát hay nên được trấn tướng yêu quý. Hơn một năm sau, chàng dần dần có của nả, rồi lại mấy năm nữa tích cóp lại được hơn hai trăm lạng vàng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để chi dùng cho việc cưới xin”. Xong, chàng sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, chàng hỏi thăm ngay cô gái nọ. Được nghe tất cả đầu đuôi về nàng, chàng vô cùng đau đớn, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Khi chàng làm lễ xong, bố cô có mời chàng ở lại dùng cơm. Chàng xin ông cho xem vật đã được cất giấu trong hộp con. Ông mở hộp lấy ra đưa chàng. Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng. Chàng cảm kích mối tình của nàng, thề không lấy ai nữa.

(Trích Chuyện tình ở Thanh Trì, Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 424-426)

Câu 1 (1.0 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy?

Câu 2 (0.5 điểm). Theo đoạn trích, sau khi bố của cô gái không đồng ý mối duyên, chàng trai có phản ứng như thế nào?

Câu 3 (1.0 điểm). Xác định và giải nghĩa từ Hán Việt trong câu sau:

“Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì?”

Câu 4 (0.5 điểm). Nêu chủ đề của văn bản.

Câu 5 (1.0 điểm). Từ câu chuyện tình ở Thanh Trì, em có suy nghĩ gì về khát vọng tình yêu thời phong kiến?

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ nội dung ngữ liệu ở phần Đọc – hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của chi tiết: “Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng.”

Câu 2 (4,0 điểm):

Viết bài văn nghị luận bàn về giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và các gia đình.

Đáp án

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy?

Phương pháp:

- Vận dụng kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt

- Chú ý ngôn ngữ, lời người kể chuyện

Lời giải chi tiết:

- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

- Ngôi kể: Ngôi thứ ba.

Câu 2.

Theo đoạn trích, sau khi bố của cô gái không đồng ý mối duyên, chàng trai có phản ứng như thế nào?

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích tóm tắt phần đầu

Lời giải chi tiết:

Theo đoạn trích, sau khi bố của cô gái không đồng ý mối duyên, chàng trai đã phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp

Câu 3.

Xác định và giải nghĩa từ Hán Việt trong câu sau:

“Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì?”

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức đã học về từ Hán Việt

Lời giải chi tiết:

- Từ Hán Việt: hỏa táng

- Giải nghĩa: Hỏa táng là hình thức mai táng người chết bằng cách thiêu xác để lấy tro cốt đựng trong hũ, bình

Câu 4.

Nêu chủ đề của văn bản

Phương pháp:

Từ nội dung rút ra chủ đề văn bản

Lời giải chi tiết:

Chủ đề của văn bản: Qua câu chuyện tình yêu bi kịch của chàng trai và cô gái ở Thanh Trì, tác giả Vũ Trinh muốn thể hiện khát vọng tình yêu tự do của lứa đôi thời phong kiến và phê phán sự ngăn cản của gia đình đại diện cho sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội xưa

Câu 5.

Từ câu chuyện tình ở Thanh Trì, em có suy nghĩ gì về khát vọng tình yêu thời phong kiến?

Phương pháp:

Dựa vào ngữ cảnh, bối cảnh thời phong kiến cùng với hiểu biết của em, nêu suy nghĩ

Lời giải chi tiết:

- Suy nghĩ về khát vọng tình yêu trong xã hội phong kiến:

+ Khát vọng tình yêu là khát vọng chính đáng của con người ở mọi thời. Những đôi lứa sống trong xã hội phong kiến mong muốn tình yêu tự do, muốn vượt lên khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “môn đăng hộ đối”,...

+ Tình yêu của nhiều cặp đôi vấp phải những sự ngăn cản, cấm đoán đến từ gia đình, xã hội.

+ Dù cho bị ngăn cản, nhưng những đôi lứa vẫn dành tình yêu trọn vẹn cho nhau, cái chết cũng không thể chia lìa tình yêu của họ.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Từ nội dung ngữ liệu ở phần Đọc – hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của chi tiết: “Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng.”

Phương pháp:

- Trình bày đúng hình thức một đoạn văn nghị luận văn học về một chi tiết trong truyện, không tách dòng tùy tiện.

- Dung lượng khoảng 200 chữ.

- Dùng từ, đặt câu chính xác; lập luận logic thuyết phục; không mắc lỗi chính tả, diễn đạt....

Lời giải chi tiết:

- Bài làm của học sinh có thể triển khai bằng nhiều cách nhưng cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

*Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

*Thân đoạn: Cảm nhận về ý nghĩa của chi tiết:

+ Chi tiết kì ảo, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

+ Chi tiết cho thấy nỗi đau đớn của chàng trai trước sự ra đi của cô gái. Giọt nước mắt của chàng trai là giọt nước mắt của sự thấu hiểu, của yêu thương và đau xót vô hạn khi người mình yêu vĩnh viễn ra đi.

+ Khối đỏ kia tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng đem đến liên tưởng cho người đọc về sự hóa giải oan tình, để người ra đi được thanh thản…

* Kết đoạn: Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của chi tiết.

Câu 2.

Viết bài văn nghị luận bàn về giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và các gia đình.

Phương pháp:

Đảm bảo cấu trúc bài văn Nghị luận về một vấn đề xã hội. Bố cục 3 phần rõ ràng, cân đối, đảm bảo đúng chính tả ngữ pháp, dùng từ đặt câu.

Xác định đúng yêu cầu của đề: bàn về giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và các gia đình.

Lời giải chi tiết:

Mẫu 1 - Dàn ý cho bài văn nghị luận bàn về giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và các gia đình.

I. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận.

- Nêu ý kiến khái quát về vấn đề.

II. Thân bài

1. Giải thích vấn đề:

- Rác thải nhựa là các sản phẩm làm từ nhựa không phân hủy hoặc phân hủy rất chậm trong môi trường tự nhiên. Chúng bao gồm túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa, đồ dùng một lần...

2. Phân tích vấn đề

* Thực trạng:

- Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Việt Nam thải ra khoảng 28.000 tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ có khoảng 10% được tái chế. Phần lớn số còn lại bị chôn lấp hoặc thải ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước, không khí và đại dương.

*Nguyên nhân:

- Ý thức người dân: Nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của rác thải nhựa và chưa có thói quen phân loại, xử lý rác đúng cách.

- Quản lý lỏng lẻo: Việc quản lý rác thải nhựa ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, thiếu các biện pháp chế tài đủ mạnh.

- Sản xuất và tiêu dùng tràn lan: Các sản phẩm nhựa được sản xuất và tiêu thụ với số lượng lớn, trong khi các giải pháp thay thế còn hạn chế.

* Hậu quả:

- Môi trường: Rác thải nhựa gây ô nhiễm đất, nước, không khí, làm mất mỹ quan đô thị và nông thôn, phá hủy hệ sinh thái, đe dọa sự đa dạng sinh học.

- Sức khỏe: Các chất độc hại trong nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, dị tật bẩm sinh, rối loạn nội tiết...

- Kinh tế: Ô nhiễm rác thải nhựa gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, thủy sản và các ngành kinh tế khác.

* Phản đối ý kiến trái chiều:

- Một số người cho rằng việc giảm thiểu rác thải nhựa là không cần thiết vì nhựa mang lại nhiều tiện ích và việc thay thế nhựa bằng các vật liệu khác sẽ tốn kém hơn.

-> Lợi ích ngắn hạn của nhựa không thể bù đắp cho những tác hại lâu dài mà nó gây ra. Việc đầu tư vào các giải pháp thay thế nhựa là cần thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững.

* Giải pháp:

- Nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa:

+ Tổ chức các buổi sinh hoạt, hội thảo, cuộc thi về môi trường để phổ biến kiến thức về tác hại của rác thải nhựa.

+ Sử dụng các phương tiện truyền thông như báo tường, trang web của trường, mạng xã hội để chia sẻ thông tin.

- Thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần:

Hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp, chai nhựa dùng một lần.

+ Mang theo bình nước cá nhân, hộp cơm, túi vải khi đi học, đi làm, đi chợ.

+ Sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như túi giấy, ống hút tre, hộp cơm inox.

- Tái sử dụng và tái chế đồ nhựa:

Sử dụng lại chai nhựa, lọ thủy tinh để đựng nước, thực phẩm.

+ Tái chế vỏ chai nhựa, giấy báo, lon kim loại thành các sản phẩm thủ công, đồ dùng học tập.

+ Tham gia các hoạt động thu gom và tái chế rác thải nhựa do trường học, địa phương tổ chức.

- Trồng cây xanh:

+ Tham gia các hoạt động trồng cây xanh trong trường học, khu dân cư.

+ Chăm sóc cây xanh để chúng phát triển tốt, hấp thụ khí CO2 và thải ra O2, góp phần làm sạch không khí và giảm hiệu ứng. *Liên hệ bản thân:

- Bản thân em đã từng tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường ở trường và luôn cố gắng áp dụng các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong cuộc sống hàng ngày. Em tin rằng mỗi hành động nhỏ của mình đều có ý nghĩa và góp phần làm cho môi trường sống trở nên xanh, sạch, đẹp hơn.

III. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận -> Thông điệp

Mẫu 2 - Dàn ý cho bài văn nghị luận bàn về giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và các gia đình.

1. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về vấn đề cần nghị luận: Vấn đề rác thải nhựa

2. Thân bài

a. Giải thích khái niệm: rác thải nhựa

  • Là sản phẩm làm từ nhựa đã qua sử dụng và bị bỏ đi
  • Một số loại rác thải nhựa: Túi nilon, chai nhựa, ống hút, ca, cốc nhựa,
  • Đặc điểm rác thải nhựa: khó phân hủy (vài trăm đến vài nghìn năm), phát tán vi nhựa ra ngoài môi trường

b. Hiện trạng rác thải nhựa

- Lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa rất lớn dẫn đến rác thải nhựa ngày càng gia tăng không kiểm soát

  • Trên thế giới mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được sử dụng
  • Ở Việt Nam một gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng.

- Rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi và không được phân loại rõ ràng

  • Người dân không có thói quen phân loại rác
  • 4,8 - 12,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra các đại dương mỗi năm

- Lĩnh vực tái chế rác thải nhựa chưa phát triển công nghệ tái chế chậm tiến bộ

  • Chủ yếu là chôn lấp nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường
  • Công nghệ lỗi thời, không thể xử lý trên quy mô lớn

c. Hậu quả của rác thải nhựa

  • Ảnh hưởng hệ sinh thái, môi trường sống và các loài sinh vật: ảnh hưởng môi trường đất, nước và sự phát triển của cây trồng...
  • Ảnh hưởng sức khỏe con người: môi trường đất, nước ô nhiễm bởi túi nilon ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững: rác thải nhựa tồn tại hàng trăm nghìn năm nếu không xử lý kịp thời Trái Đất sẽ ngập trong rác thải nhựa

d. Giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa

  • Thay đổi thói quen sử dụng chế phẩm từ nhựa
  • Phân loại và tái chế rác thải nhựa
  • Tuyên truyền, giáo dục nhận thức về nguy hại của rác thải nhựa, lên án những hành vi xử lý rác thải nhựa không đúng cách.
  • Tìm kiếm vật liệu thay thế: nhựa sinh học thay thế cho nhựa plastic

3. Kết bài

Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề rác thải nhựa, liên hệ thực tế và rút ra bài học nhận thức.

Mẫu 3 - Dàn ý cho bài văn nghị luận bàn về giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và các gia đình.

I. Mở bài:

Nêu vấn đề: Nhựa là một trong những chất liệu tiện dụng nhất mà con người từng phát minh. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa từ chính thứ chất liệu này gây nên.

II. Thân bài:

1. Giải thích khái niệm:

- Vật liệu, đặc tính, màu sắc, tác dụng, lịch sử sản xuất,…

  • Nhựa plastic (hay chất dẻo) là các hợp chất cao phân tử, thành phần chủ yếu là các polyme hữu cơ.
  • Trong lịch sử, chất liệu nhựa nhân tạo đầu tiên được sản xuất chính là vinyl clorua năm 1838.
  • Với tính bền, nhẹ, khó vỡ, tiện dụng và màu sắc đa dạng, nhựa được dùng làm túi nilon, chai lọ, ống nước,… len lỏi vào khắp nơi của cuộc sống hiện đại.
  • Khi mới xuất hiện, nhiều người coi đây là một phát minh quan trọng cho cuộc sống. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng đã gây ra hàng loạt tác hại lâu dài đối với môi trường và sức khỏe con người.

2. Hiện trạng và hậu quả:

- Lượng tiêu thụ rất lớn.

- Rác thải nhựa đang bị con người vứt bừa bãi, trôi nổi khắp nơi trên thế giới, cả trên đất liền và trên biển, đặt ra một thách thức về vấn đề môi trường.

- Câu hỏi được đặt ra là, vậy phần lớn rác thải từ nhựa sẽ đi đâu? (tái chế, đốt hay nằm trong những bãi rác hoặc bị vứt bừa bãi khắp Trái đất, cả trên đất liền và trên biển).

- Trên đất liền, sự tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây trồng. Rác thải nhựa bị vứt bừa bãi xuống ao hồ, sông ngòi gây ra tắc nghẽn, ứ đọng, ổ bệnh.

- Trên biển, rác thải, phế phẩm từ nhựa như chai, lọ, túi nilon theo các dòng hải lưu mà trôi dạt khắp nơi.

=> Điều này đang đặt ra một thách thức về vấn đề môi trường, đe dọa biến Trái đất trở thành “Trái nhựa” theo đúng nghĩa đen.

- Ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người và sinh vật.

  • Rác thải từ nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống của các sinh vật, trên đất liền và cả trong lòng đại dương.
  • Chúng không phân biệt được đâu là thức ăn, đâu là rác thải từ nhựa.
  • Không khó để tìm kiếm những hình ảnh sinh vật chết do ăn phải nhựa hoặc bị mắc kẹt vào nhựa dẫn đến biến dạng cơ thể trên internet.
  • Ngoài ra, do thời gian phân hủy rất lâu nên khi rơi xuống biển, rác thải nhựa phủ lên bề mặt và giết chết các quần thể san hô, gây biến dạng hệ sinh thái dưới đáy biển.

- Không chỉ đặt ra mối đe dọa đối với đại dương, rác thải nhựa còn tác động xấu tới sức khỏe con người.

- Làm nghiêm trọng hơn tình trạng nóng lên của Trái Đất.

- Nhựa rất khó phân hủy và tái chế, dù là đốt hay chôn dưới lòng đất.

3. Giải pháp:

  • Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần.
  • Tại các nước Châu Âu, người ta tự mang túi của mình và sử dụng lại túi vải khi đi siêu thị để giảm thiểu lượng túi nilon không cần thiết.
  • Tái chế: Thay vì vứt chúng ra bãi rác, chúng ta có thể tái tạo không ít thứ thành vật dụng trong nhà. Hoặc tối thiểu, bạn hãy chú ý đến việc phân loại rác để thuận tiện cho việc tái chế chúng tại các cơ sở sau này.
  • Nhằm khuyến khích người dân gom nhựa lại để tái chế, tại Thổ Nhĩ Kì, rác thải nhựa có thể dùng để đổi lấy vé tàu.
  • Vật liệu thay thế: Đầu tư vào nhựa sinh học để thay thế cho nhựa plastic cũng đang là một hướng đi mới của con người, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững,
  • Ngoài ra, nhà nước cũng có thể ban hành các đạo luật nhằm hạn chế việc sử dụng nhựa của người dân như áp thuế cao hoặc ban hành lệnh cấm sản xuất, sử dụng nhựa plastic, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần.

4. Liên hệ với thực tế.

III. Kết bài:

Chúng ta phải quan tâm hơn đến hành tinh này trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Hãy cùng chung tay hành động, bởi “Việc thay đổi không đơn giản dựa vào một vài cá nhân. Số ít không thể tạo ra sự khác biệt nhưng khi 100 triệu người quyết định cùng hành động, đó mới thực sự mang đến những tác động mạnh mẽ” (Chris Jordan).

Bài mẫu

Rác thải nhựa hay còn được gọi là "Ô nhiễm trắng" là hiểm họa đang rình rập và sẵn sàng giết chết môi trường toàn cầu. Còn gì đáng sợ hơn khi các đồ nhựa được ưa chuộng, được ưu tiên sử dụng thế nhưng khi không còn sử dụng nữa chúng lại đeo bám trong môi trường sống của chúng ta hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm. Vấn đề rác thải nhựa cho đến bây giờ vẫn chưa thể giải quyết được, và cũng có thể mất rất lâu nữa để có thể giải quyết triệt để. Mỗi người cần phải nhìn nhận thật rõ về bản chất của nhựa và tác hại của chúng đến môi trường, sức khỏe của chính mình.

Rác thải nhựa là gì? Chúng từ đâu mà có? Các sản phẩm làm từ nhựa khi còn đang sử dụng thì được gọi là sản phẩm nhựa nhưng đến khi sản phẩm nhựa đó không còn sử dụng được nữa và phải bỏ đi thì đó chính là rác thải nhựa. Giống như việc bạn uống nước trong chai nhựa, khi bạn uống hết nước và bỏ chai đi thì lúc đó chai nhựa đựng nước lại thành rác thải nhựa. Việc sử dụng chế phẩm từ nhựa đồng nghĩa với việc thải ra rác nhựa, ngoài chai nhựa còn có nhiều loại như túi nilon, ca cốc nhựa, ống hút nhựa,... đều là những vật dụng quá quen thuộc gần như không thể thiếu của chúng ta. Rác thải nhựa trở thành vấn đề nan giải chính bởi tính chất khó phân hủy, chúng ta dễ dàng tạo ra nhựa nhưng để nhựa tự phân hủy thì phải mất hàng trăm, nghìn năm. Rác thải nhựa còn có khả năng phát tán vi nhựa ra môi trường. Các quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang rất đau đầu về tình trạng gia tăng rác thải nhựa và vấn đề xử lý cũng như tái chế rác thải nhựa. Nhu cầu sử dụng càng lớn, nhựa sản xuất ra càng nhiều dẫn đến không thể kiểm soát rác thải nhựa. Trên thế giới mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ thì ở Việt Nam một gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, hàng năm có đến 8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường.

Bất cứ đâu có hoạt động sống của con người thì đều có rác thải nhựa, rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi, rất bừa bãi và không được phân loại rõ ràng. Bởi ở nước ta hiện nay cũng như đa số người dân trên thế giới không có thói quen phân loại rác, rác thải nhựa, có đến 4,8 - 12,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra các đại dương mỗi năm. Ở Việt Nam lĩnh vực tái chế rác thải nhựa chưa phát triển và công nghệ tái chế chậm tiến bộ, xử lý rác thải nhựa chủ yếu vẫn là chôn lấp nhưng vẫn gây ô nhiễm. Đa số các công ty xử lý rác thải nhựa là công ty nhỏ, công nghệ lỗi thời, không thể xử lý trên quy mô lớn. Hậu quả đến từ rác thải nhựa là rất nghiêm trọng, sự tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường sẽ ảnh hưởng đến các môi trường khác như môi trường đất, môi trường nước. Ví dụ như túi nilon trong đất làm cho đất không giữ được nước, ngăn cản quá trình hấp thụ dưỡng chất của cây cối; túi nilon vứt xuống ao hồ làm tắc nghẽn, ứ đọng sinh ra nhiều vi khuẩn. Môi trường đất nước ô nhiễm bởi túi nilon ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nếu đem túi nilon để đốt chúng sẽ sinh ra chất khí độc dioxin và furan rất có hại cho con người khi hít phải như ảnh hưởng tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch. Hàng ngày, hàng giờ rác thải vẫn đang được thải ra, đe dọa đến sinh thái, sức khỏe con người và xa hơn là sự phát triển bền vững trên toàn cầu. Rác thải nhựa tồn tại hàng trăm nghìn năm nếu không xử lý kịp thời Trái Đất sẽ ngập trong rác thải nhựa, mọi môi trường đều bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa và con người không thể sinh sống được.

Để giải quyết được vấn đề rác thải nhựa, chúng ta phải đi từ căn nguyên, khởi đầu của rác thải nhựa, nếu không dùng các sản phẩm từ nhựa nữa thì chắc chắn sẽ không thải ra rác thải nhựa. Vì thế mọi người cần thay đổi thói quen sử dụng chế phẩm từ nhựa đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó hãy dùng sản phẩm từ thủy tinh, sứ, gốm, hợp kim,... Bên cạnh đó nhất định phải phân loại rác thải nhựa với các loại rác thải khác để giúp cho quá trình xử lý rác được tốt hơn. Cần thiết phải tuyên truyền, giáo dục nhận thức về nguy hại của rác thải nhựa, lên án những hành vi xử lý rác thải nhựa không đúng cách, ví dụ như phát động những chiến dịch thu gom rác thải nhựa trên bờ biển. Nhìn ra xa chúng ta cần phải tìm ra được vật liệu thay thế nhựa, có thể là nhựa từ sinh học thay cho nhựa plastic như bây giờ.

Cần chung tay hành động vì một môi trường sống trong lành, bảo vệ môi trường trái đất tránh khỏi những ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Vấn đề rác thải nhựa có thể giải quyết được hay không tùy thuộc vào ý thức, hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa của bạn. Hãy dừng lại ngay việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần, hãy lan tỏa thông điệp này đến bạn bè ở trường lớp, những người xung quanh để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

  • Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 5

    Đề thi giữa kì 1 Văn 9 đề số 5 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 3

    Đề thi giữa kì 1 Văn 9 đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 2

    Đề thi giữa kì 1 Văn 9 đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 1

    Đề thi giữa kì 1 Văn 9 đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Quảng cáo

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close