2K10! GẤP! KHOÁ ÔN THI VÀO LỚP 10 CẤP TỐC

CHỈ 399.000Đ - TẶNG KÈM SỔ TAY KIẾN THỨC - BỘ ĐỀ ÔN THI HỌC KỲ 2

XEM NGAY
Xem chi tiết

Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 6

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU TỪ NHỮNG LỜI XÚC PHẠM (Rocketfeller)

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU TỪ NHỮNG LỜI XÚC PHẠM

(Rocketfeller)

[...] Con à, chúng ta lớn lên trong một xã hội luôn theo đuối danh dự, và cha hiểu cảm giác một người quý trọng danh dự bị xúc phạm là như thế nào. Có điều trong nhiều trường hợp, cho dù con là ai, kể cả là Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Ký đi chăng nữa, thì cũng đều bất lực trước việc ngăn chặn những lời xúc phạm từ người khác. Vậy, chúng ta nên làm thế nào khi gặp phải tình huống như thế? Tức giận công kích, cổ gắng bảo vệ danh dự? Bao dung độ lượng và mỉm cười cho qua? Hay đáp trả bằng những cách khác?

  Chắc hẳn con vẫn còn nhớ cha luôn trân trọng một bức ảnh chụp các bạn học cấp hai của mình. Trong bức ảnh đó không có cha, chỉ có những đứa trẻ xuất thân từ gia đình giàu có. Vào một buổi chiều của mấy chục năm về trước, thời tiết rất đẹp, giáo viên nói với bọn cha rằng có một vị nhiếp ảnh gia đến và muốn được chụp cảnh học sinh lên lớp. Trước đó, cha đã từng chụp ảnh song rất ít, bởi đối với một đứa trẻ nhà nghèo thì chụp ảnh là một điều xa xỉ. Ngay khi nhiếp ảnh gia xuất hiện, cha đã tưởng tượng ra cảnh mình đứng trước ống kính, cười tươi và tỏ ra tự nhiên hơn để trông đẹp trai một chút. Thậm chí, cha còn bắt đầu tưởng tượng ra cảnh mình trở về nhà và khoe với mẹ như báo tin vui: "Mẹ ơi, hôm nay con được chụp ảnh đấy! Chính nhiếp ảnh gia đã chụp cho chúng con, tuyệt lắm mẹ ạ!". Cha nhìn chăm chăm vào vị nhiếp ảnh gia đang cúi xuống căn góc chụp với ánh mắt hưng phấn, hy vọng ông ấy sớm đưa cha vào khung hình. Tuy nhiên, điều cha nhận được lại là nỗi thất vọng. Vị nhiếp ảnh gia đó có vẻ là một người theo chủ nghĩa duy mỹ, ông ấy đứng thẳng dậy, chỉ tay vào cha và nói với giáo viên: “Cô có thể bảo học sinh đó rời khỏi chỗ ngồi của mình được không? Cậu bé ăn mặc nhếch nhác quá.”. Là một học sinh nhỏ bé và nghe lời giáo viên, cha chẳng dám lên tiếng phản đối, chỉ đành lặng lẽ đứng dậy, tạo phông nền đẹp đẽ cho đám con nhà giàu ăn mặc chỉnh tề chụp ảnh. Khoảnh khắc ấy, cha cảm thấy mặt mình nóng bừng, thế nhưng cha không hề tức giận hay thương xót bản thân, càng không oán trách tại sao cha mẹ không cho mình ăn mặc tươm tất hơn; trên thực tế, họ đã cố gắng hết sức để cha có cơ hội nhận được một nền giáo dục tốt. Nhìn vị nhiếp ảnh gia đó liên tục chỉnh cảnh, cha siết chặt nắm đấm, long trọng thề với lòng mình: Một ngày nào đó, mình sẽ trở thành người giàu nhất thế giới!

  Con ơi, trong mắt cha, ý nghĩa của từ “xúc phạm" đã thay đổi, nó không còn là con dao sắc bén tước đi danh dự của cha, mà là một động lực mạnh mẽ, khí thế dữ dội như dời non lấp biển, thôi thúc cha phấn đấu và theo đuổi mọi điều tốt đẹp. Dường như không ngoa khi nói rằng vị nhiếp anh gia đó đã truyền cảm hứng để một đứa trẻ nghèo khó trở thành người giàu nhất thế giới. Ai cũng có lúc được mọi người vỗ tay reo hò để bày tỏ sự công nhận dành cho những thành tựu hoặc phẩm chất, nhân cách, đạo đức của bản thân; đồng thời, ai cũng có lúc bị đả kích và xúc phạm. Ngoại trừ ác ý, cha nghĩ sở dĩ chúng ta bị lăng mạ là do bản thân không đủ năng lực, năng lực này có thể liên quan đến khía cạnh làm người hoặc làm việc, tóm lại là không được người khác tôn trọng. Vì vậy, cha muốn nói rằng bị xúc phạm không phải là một chuyện xấu. Nếu là người biết giữ bình tĩnh và suy ngẫm, có lữ con sẽ thấy rằng mỗi thái độ hoặc hành vi trước những lời xúc phạm cũng có thể phản ánh trình độ năng lực của con người ta.

  Cha biết rằng bất kỳ sự xúc phạm nhẹ nào cũng đều có thể làm tổn thương danh dự. Tuy nhiên, danh dự không phải là món quà do Thượng đế ban tặng, cũng không phải do người khác đưa cho, mà là do chính con tạo nên. Danh dự là sản phẩm tinh thần mà con sở hữu, và danh dự của mỗi người đều chỉ thuộc về chính họ. Con cho rằng mình có danh dự, vậy tức là con có danh dự. Vì vậy, giả sử có ai đó làm tổn thương tình cảm, danh dự của con, con cũng không cần phải dao động. Nếu con kiên quyết giữ lấy danh dự của mình, không ai có thể làm tổn thương con cả.

  Mến thương con - Cha

(Trích 38 lá thư Rockefeller gửi cho con trai, NXB Hồng Đức, 2023).

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định luận đề, các luận điểm trong văn bản trên.

Câu 2 (0.5 điểm): Văn bản đã đem tới cho độc giả những nhận thức nào về xã hội hiện đại?

Câu 3 (1.0 điểm): Phân tích cách trình bày vấn để khách quan (chỉ đưa thông tin) và cách trình bày ý kiến chủ quan (thể hiện tình cảm, quan điểm của người viết) trong luận điểm 2 (đoạn từ Chắc hẳn con vẫn còn nhớ ... đến người giàu nhất thế giới!). Cách triển khai ấy có tác dụng như thế nào?

Câu 4 (1.0 điểm): Xác định đoạn văn bản chứa nhiều biện pháp tu từ, phân tích tác dụng của chúng. Và cho biết đoạn đó thuộc thành phần nào trong văn bản nghị luận?

Câu 5 (1.0 điểm): Xác định thông điệp của văn bản trên. Vấn đề đặt ra trong văn bản có phù hợp với thời đại không, nó có ý nghĩa như thế nào đối với em, xã hội hiện nay, đặc biệt với những người trẻ?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Quan sát 2 bức họa sau đây và cho biết chúng nói lên hiện tượng nào trong đời sống xã hội hiện đại? Hãy viết đoạn (150 chữ) bàn luận về hiện tượng đó và trình bày giải pháp khả thi để khắc phục những tồn tại của hiện tượng đó trong trường học.

Câu 2 (4.0 điểm) 

Viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong đoạn trích dưới đây:

KHI MÙA MƯA ĐẾN

(Trần Hoà Bình)

Sông đã phổng phao trời đẫm ướt

Nắng không kỳ hẹn mỗi khoang đò

Khi mùa mưa đến, mùa mưa đến

Trống gõ vô hồi lá chuối tơ

 

Gặp gỡ mùa mưa lòng trẻ lại

Làng ta tươi tốt một triền đê

Thở mãi không cùng hương đất bãi

Mưa như gót trẻ kéo nhau về

 (Thơ 1980 – 1985, NXB Tác phẩm mới - Hội Nhà văn Việt Nam, 1985)

Đáp án

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức đã học về văn bản nghị luận

Lời giải chi tiết:

- Luận đề: Lời xúc phạm và sự tác động của nó.

- Các luận điểm.

+ Luận điểm 1: Giới thiệu luận đề/vấn đề và các ứng xử trước luận để/vấn để đó.

+ Luận điểm 2: Bị xúc phạm.

+ Luận điểm 3: Suy nghĩ, cảm xúc, ứng xử sau khi bị xúc phạm.

+ Luận điểm 4: Ứng xử cần có của mỗi người trước sự xúc phạm.

Câu 2.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

- Những nhận thức về xã hội hiện đại.

+ Một xã hội luôn theo đuổi danh dự, và có người quý trọng danh dự bị xúc phạm.

+ Một số người theo chủ nghĩa duy mỹ.

+ Bất lực trước việc ngăn chặn những lời xúc phạm từ người khác.

+ Ai cũng có lúc được mọi người vỗ tay reo hò để bày tỏ sự công nhận dành cho những thành tựu hoặc phẩm chất, nhân cách, đạo đức của bản thân; đồng thời, ai cũng có lúc bị đả kích và xúc phạm.

Câu 3.

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng văn bản nghị luận

Lời giải chi tiết:

- Cách trình bày vấn đề khách quan (chỉ đưa thông tin): Kể câu chuyện về buổi chụp ảnh - bằng chứng của sự xúc phạm bằng lời nói: hành vi, lời nói của nhiếp ảnh (Cô có thể bảo học sinh đó rời khỏi chỗ ngồi của mình được không? Cậu bé ăn mặc nhếch nhác quá).

- Kể xen bình luận về sự tuân thủ của cậu bé học sinh - là tác giả để thể hiện thái độ, quan điểm của người viết về vị nhiếp ảnh:

+ Vị nhiếp ảnh gia đó có vẻ là một người theo chủ nghĩa duy mỹ, ông ấy đứng thẳng dậy, chỉ tay vào cha.

+ Là một học sinh nhỏ bé và nghe lời giáo viên, cha chẳng dám lên tiếng phản đối, chỉ đành lặng lẽ đứng dậy, tạo phông nền đẹp đẽ cho đám con nhà giàu ăn mặc chỉnh tề chụp ảnh.

+ Nhìn vị nhiếp ảnh gia đó liên tục chỉnh cảnh, cha siết chặt nắm đấm, long trọng thề với lòng mình ...

- Cách triển khai ấy có tác dụng: vừa đưa thông tin một cách khách quan vừa thể hiện tình cảm, quan điểm của người viết qua cách trình bày chủ quan => Khiến độc giả dễ lĩnh hội vấn để và việc phản ánh hiện thực thêm sâu sắc.

Câu 4.

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức đã học về các biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

- Đoạn văn bản sử dụng nhiều biện pháp tu từ: ý nghĩa của từ “xúc phạm” đã thay đổi, nó không còn là con dao sắc bén tước đi danh dự của cha, mà là một động lực mạnh mẽ, khí thế dữ dội như dời non lấp biển, thôi thúc cha phấn đấu và theo đuổi mọi điều tốt đẹp.

- Các biện pháp tu từ và tác dụng của chúng.

+ Ẩn dụ: con dao sắc bén; So sánh: như dời non lấp biển.

+ Câu khẳng định, phủ định: không còn là; mà là một.

=>Dùng hình ảnh, sự tương phản (từ câu khẳng định, phủ định) để chuyển tải nội dung: cách ứng xử tích cực của mỗi người trước một hiện tượng đời sống là quan trọng nhất (xúc phạm không thể hạ gục, không thể khiến ta đau đớn tuyệt vọng mà sẽ thành động lực để người kiêu hãnh vươn lên).

- Chúng thuộc thành phần: lí lẽ trong văn bản nghị luận.

Câu 5.

Phương pháp:

Từ nội dung chính rút ra thông điệp phù hợp

Lời giải chi tiết:

- Thông điệp của văn bản:

+ Cách ứng xử tích cực của mỗi người trước một hiện tượng đời sống là quan trọng nhất (xúc phạm không hủy diệt được người kiêu hãnh; bị xúc phạm, bị coi thường sẽ thành động lực để người kiêu hãnh vươn lên).

+ Danh dự là sản phẩm tinh thần của mỗi người và danh dự của mỗi người đều chỉ thuộc về chính họ, do họ tạo dựng và bảo vệ nó.

+ Kiên quyết giữ lấy danh dự của mình, không ai có thể làm tổn thương được ta.

- Vấn đề đặt ra trong văn bản phù hợp với thời đại, có ý nghĩa xã hội nhất định: Xã hội hiện đại, con người luôn theo đuổi danh dự, quý trọng danh dự nhưng cũng có một số người thiếu thận trọng đã xúc phạm người khác bằng lời nói và làm tổn thương người khác hoặc gây ra mâu thuẫn, xung đột => văn bản trên đã khiến độc giả chú ý hơn hành xử, lời của mình (tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra).

- Ý nghĩa đối với cá nhân: ứng xử tích cực khi bị xúc phạm; biết bảo vệ danh dự của mình...

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Phương pháp:

Quan sát 2 bức tranh, xác định ý nghĩa của bức tranh

Đoạn đủ dung lượng, hướng vào gợi ý sau:

- Nêu vấn đề: cãi vã, xúc phạm nhau bằng lời nói ở đời sống thực, mạng xã hội

- Bàn luận/các góc nhìn về hiện tượng: cãi vã, xúc phạm

+ Nguyên nhân từ phía người nói lời xúc phạm

+ Tác động tới người bị xúc phạm

+ Các phản ứng (tiêu cực/tích cực) và hậu quả

- Giải pháp khả thi và có sức thuyết phục (theo góc nhìn cá nhân)

Lời giải chi tiết:

Hai bức họa trên phản ánh hai hiện tượng tiêu cực phổ biến trong xã hội hiện đại: bạo lực ngôn từ trong giao tiếp trực tiếp và bạo lực mạng trên các nền tảng xã hội. Đây là những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của con người, đặc biệt là giới trẻ. Bạo lực ngôn từ có thể gây tổn thương sâu sắc không kém gì bạo lực thể chất. Khi những lời nói mang tính xúc phạm, miệt thị, sỉ nhục được sử dụng thường xuyên, nạn nhân có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, mất tự tin, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Đặc biệt, trên mạng xã hội, tình trạng “ném đá hội đồng”, lan truyền tin giả, xúc phạm cá nhân ngày càng gia tăng do tính ẩn danh của Internet. Trong môi trường học đường, để giảm thiểu vấn đề này, cần giáo dục học sinh về văn hóa ứng xử, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi bạo lực ngôn từ. Nhà trường nên tổ chức các buổi thảo luận, ngoại khóa về bạo lực lời nói, giúp học sinh nhận thức rõ tác hại của nó, từ đó xây dựng môi trường học đường lành mạnh và văn minh.

Câu 2.

Phương pháp:

I. Mở bài

- Khái quát về vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ: cảnh sắc mùa mưa sinh động, tràn đầy sức sống và giàu cảm xúc.

II. Thân bài

a. Bức tranh thiên nhiên tươi mới, căng tràn sức sống

- “Sông đã phổng phao trời đẫm ướt” → Hình ảnh dòng sông đầy đặn, tràn trề sau mưa.

- “Nắng không kỳ hẹn mỗi khoang đò” → Sự thay đổi bất chợt của thời tiết, tạo nét chấm phá cho bức tranh thiên nhiên.

- Âm thanh rộn ràng của mùa mưa: “Trống gõ vô hồi lá chuối tơ” → Âm thanh sống động của mưa trên lá chuối, tạo cảm giác thiên nhiên cũng đang reo vui.

- Điệp từ “mùa mưa đến” → Nhấn mạnh sự hiện diện mạnh mẽ của mùa mưa.

- Sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người

+ “Gặp gỡ mùa mưa lòng trẻ lại” → Mưa không chỉ làm xanh đất trời mà còn làm con người thêm trẻ trung, yêu đời.

+ “Làng ta tươi tốt một triền đê” → Mưa mang đến sức sống cho quê hương, cây cối xanh tươi, mùa màng trù phú.

- Hình ảnh đầy chất thơ và cảm xúc

+ “Thở mãi không cùng hương đất bãi” → Hương thơm của đất trời sau mưa làm con người cảm thấy khoan khoái, dễ chịu.

+ “Mưa như gót trẻ kéo nhau về” → So sánh độc đáo, nhân hóa cơn mưa thành những bước chân trẻ thơ, tạo sự gần gũi, thân thuộc.

III. Kết bài

- Khẳng định lại vẻ đẹp thiên nhiên trong đoạn thơ: không chỉ tươi đẹp, giàu sức sống mà còn gợi lên cảm xúc trong lòng người.

- Đánh giá nghệ thuật thơ của Trần Hoà Bình: hình ảnh giàu sức gợi, ngôn từ tinh tế, nhạc điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Lời giải chi tiết:

Thiên nhiên trong thơ ca luôn mang vẻ đẹp sinh động và giàu cảm xúc, đặc biệt là khi được thể hiện qua góc nhìn tinh tế của những tâm hồn nghệ sĩ. Đoạn thơ “Khi mùa mưa đến” của Trần Hoà Bình đã khắc họa bức tranh thiên nhiên tươi mới, tràn đầy sức sống trong mùa mưa, đồng thời gợi lên những cảm xúc sâu lắng về sự hòa hợp giữa con người và đất trời.

Bài thơ mở ra bằng hình ảnh con sông và bầu trời như được hồi sinh sau những cơn mưa:

Sông đã phổng phao trời đẫm ướt
Nắng không kỳ hẹn mỗi khoang đò

Hình ảnh “sông đã phổng phao” mang ý nghĩa ẩn dụ, thể hiện sự thay đổi của thiên nhiên khi mùa mưa đến. Cơn mưa khiến dòng sông trở nên căng tràn sức sống, tựa như một đứa trẻ đang lớn nhanh. Cùng với đó, bầu trời “đẫm ướt” như đang tràn đầy hơi thở của mùa mưa. Hình ảnh “nắng không kỳ hẹn mỗi khoang đò” gợi lên sự bất định của thời tiết, khi nắng và mưa có thể thay đổi thất thường, tạo nên sự đối lập giữa hai trạng thái của thiên nhiên.

Sự xuất hiện của mùa mưa được báo hiệu bằng những thanh âm và hình ảnh độc đáo:

Khi mùa mưa đến, mùa mưa đến
Trống gõ vô hồi lá chuối tơ

Điệp từ “mùa mưa đến” như một lời nhấn mạnh về sự hiện diện mạnh mẽ của cơn mưa trong không gian. Hình ảnh “trống gsõ vô hồi lá chuối tơ” gợi ra âm thanh của những giọt mưa rơi xuống lá chuối, tạo thành một bản nhạc tự nhiên đầy sôi động. Qua đó, thiên nhiên không chỉ được nhìn thấy mà còn được cảm nhận qua âm thanh, làm tăng thêm sức hấp dẫn của cảnh sắc mùa mưa.

Không chỉ thiên nhiên thay đổi, mà lòng người cũng trở nên rạo rực, tươi vui hơn:

Gặp gỡ mùa mưa lòng trẻ lại
Làng ta tươi tốt một triền đê

Mưa không chỉ tưới mát đất trời mà còn khơi gợi cảm xúc trong lòng người. “Lòng trẻ lại” là cảm giác hân hoan, vui tươi khi chứng kiến sự đổi thay của thiên nhiên. Bên cạnh đó, hình ảnh “làng ta tươi tốt một triền đê” thể hiện tác động tích cực của cơn mưa đối với cảnh vật. Nhờ mưa mà đồng ruộng trở nên trù phú, làng quê như khoác lên mình một màu xanh mướt đầy sức sống.

Khổ thơ cuối khép lại bài thơ bằng những hình ảnh gợi cảm, giàu sức liên tưởng:

Thở mãi không cùng hương đất bãi
Mưa như gót trẻ kéo nhau về

Hương thơm của đất bãi sau mưa khiến con người cảm thấy khoan khoái, thư thái đến mức “thở mãi không cùng”. Hình ảnh “mưa như gót trẻ kéo nhau về” là một so sánh thú vị, khi những hạt mưa được ví như bước chân của trẻ nhỏ chạy nhảy, nô đùa trên mặt đất. Điều này không chỉ làm tăng thêm tính sinh động mà còn thể hiện sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.

Như vậy, đoạn thơ “Khi mùa mưa đến” của Trần Hoà Bình không chỉ đơn thuần miêu tả thiên nhiên mùa mưa mà còn truyền tải cảm xúc tươi mới, vui vẻ và sự gắn bó giữa con người với quê hương. Bằng những hình ảnh tinh tế, ngôn ngữ giàu nhạc điệu và cảm xúc sâu sắc, tác giả đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, khiến người đọc cảm nhận được sự sống động và thi vị của mùa mưa quê hương.

Quảng cáo

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến Lớp 9 & Lộ trình UP10 trên Tuyensinh247.com

>> Chi tiết khoá học xem: TẠI ĐÂY

Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

close