Đề số 10 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ vănĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 10 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Quảng cáo
Đề bài PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi: Người đồng mình thương lắm con ơi Cao đo nỗi buồn Xa nuôi chí lớn Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc (Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, tập 1. NXB GDVN) Câu 1: Nhận biết Xác định thể thơ của đoạn trích trên Câu 2: Thông hiểu Qua đoạn trích, em thấy cuộc sống người đồng mình hiện lên như thế nào? Câu 3: Thông hiểu Chỉ ra và nêu tác dụng của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau: Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc Câu 4: Thông hiểu Suy nghĩ của em về vẻ đẹp tâm hồn của người đồng mình được thể hiện qua đoạn trích trên. Trình bày trong một đoạn văn khoảng 6 câu PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm) Câu 1: (2.0 điểm) Vận dụng cao Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về sức mạnh của tình yêu thương. Câu 2 (5.0 điểm) Vận dụng cao Cảm nhận của em về tình cảm của bé Thu với người cha trong đoạn trích truyện Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Lời giải chi tiết Câu 1. 1. Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích Cách giải: Thể thơ: Tự do 2. Phương pháp: phân tích, tổng hợp Cách giải: Cuộc sống người đồng mình hiện lên: + Lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời. + Cuộc sống không dễ dàng, bằng phẳng, nhưng họ dũng cảm đối mặt. 3. Phương pháp: phân tích, tổng hợp Cách giải: - Biện pháp tu từ: + So sánh: sống như sông như suối + Ẩn dụ: lên thác xuống ghềnh - Tác dụng: + Cho thấy cuộc sống cực nhọc, vất vả của người đồng mình. + Nhấn mạnh lối sống tự nhiên, phóng khoáng, đầy nghị lực và ý chí, mạnh mẽ của “người đồng mình”. + Bộc lộ niềm tự hào về “người đồng mình”. 4. Phương pháp: phân tích, tổng hợp Cách giải: Vẻ đẹp tâm hồn của người đồng mình: + Bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường, dám đương đầu với gian lao, vất vả. + Làm nên những giá trị vật chất, tinh thần cho quê hương, làm nên phong tục và bản sắc riêng của cộng đồng. + Biết yêu thương, trân trọng quê hương. + Lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời. Câu 2. Phương pháp: phân tích, tổng hợp Cách giải: * Giới thiệu vấn đề: Tình yêu thương * Giải thích vấn đề - Tình yêu thương là sự sẻ chia, đồng cảm, quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh mình ở cả phương diện vật chất, tinh thần bằng tấm lòng chân thành nhất. => Tình yêu thương có sức mạnh to lớn trong cuộc đời mỗi con người. * Bàn luận vấn đề - Tình yêu thương đôi khi chỉ là những cử chỉ, hành động hết sức nhỏ bé: một cái ôm, một lời động viên, một ánh nhìn trìu mến,… - Ý nghĩa của tình yêu thương đối với con người: + Tình yêu thương đem lại cho ta sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. + Giúp đỡ được những người xung quanh sẽ đem lại cho chính bản thân niềm vui, sự hạnh phúc. + Trong cuộc đời, không phải lúc nào ta cũng suôn sẻ, giúp đỡ người khác lúc này, lúc khác bạn sẽ được giúp đỡ lại. - Chứng minh. - Phê phán những kẻ vô tâm, thờ ơ trước nỗi đau, sự bất hạnh của người khác. - Liên hệ bản thân: Tình yêu thương của học sinh trước hết là quan tâm, đỡ đần với bố mẹ. Thân ái với bạn bè,… Câu 3. Phương pháp: phân tích, tổng hợp Cách giải: * Yêu cầu về kĩ năng: - Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học. - Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực. - Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy. - Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối. - Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả. * Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau: 1. Giới thiệu chung - Nguyễn Quang Sáng là nhà văn miền Nam, những tác phẩm của ông chủ yếu viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. - Chiếc lược ngà được sáng tác năm 1966 khi tác giả tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. - Tác phẩm: + Ca ngợi tình cha con thắm thiết, sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Từ đó khẳng định tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc. + Gợi cho người đọc nghĩ tới và thấm thía những đau thương, mất mát và éo le mà chiến tranh đã gây ra với con người. 2. Phân tích 2.1. Tình yêu thương cha sâu nặng của bé Thu. a. Trước khi nhận ông Sáu là cha: - Bé Thu gặp lại cha sau 8 năm xa cách, một người mà Thu mới chỉ nhìn thấy trong ảnh. Nhưng ngay từ lần đầu gặp mặt, cô bé đã vô cùng hoảng sợ và phải gọi “Má!Má!”, nó nhìn ông Sáu bằng đôi mắt xa lạ. - Rồi những ngày sau đó Thu tỏ ra ngang ngạnh, bướng bỉnh, gan lì kiên quyết không gọi ông Sáu là ba. Bị mẹ ép gọi ba vào ăn cơm nó chỉ nói trống không, khi bị đẩy tới bước đường cùng chắt nước cơm nó cũng linh hoạt tự làm một mình. - Nhất là khi ông Sáu gắp cho nó cái trứng cá, nó hất ra khỏi bát cơm, khiến cơm văng tung tóe. Lúc bị đánh những tưởng nó sẽ khóc, nhìn bằng ánh mắt căm giận, nhưng nó chỉ lặng lẽ gắp cái trứng cá ra rồi bỏ về nhà ngoại. Nó không chấp nhận bất cứ sự quan tâm nào của ông Sáu với nó. => Đây là sự biểu hiện của một cái tính mạnh mẽ, đồng thời cũng rất phù hợp với tâm lý thường thấy của con người. Bởi trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, Thu còn quá nhỏ để biết được những tình thế khắc nghiệt và éo le của cuộc sống. Nên nó đâu hiểu được ba ngày anh Sáu được nghỉ phép là cơ hội hiếm hoi nó được ở bên ba, hưởng trọn tình yêu mà ba dành cho nó. => Nhưng đằng sau tất cả sự từ chối đến cứng đầu đấy của bé Thu là tình yêu thương cha mãnh liệt. b. Tình yêu thương cha của bé Thu được bộc lộ rõ nhất khi bé Thu nhận ra cha - Tuy nhiên khi được nghe bà ngoại giải thích, anh Sáu không giống trong bức ảnh thì bé Thu hiểu ra mình đã sai. Thu đã rất ân hận về hành động của mình. - Phản ứng không nhận anh Sáu quyết liệt bao nhiêu thì khi nhận ra cha tình cảm ấy lại càng sâu nặng bấy nhiêu. Trong giờ phút cuối cùng trước khi cha đi, tình cảm dồn nén bấy lâu nay bùng lên thật mãnh liệt, mạnh mẽ. - Nó thét tiếng “Ba” xé ruột, xé gan. Đó là tiếng “ba” nó mong chờ bấy lâu nay, tiếng gọi ấy khiến ông Sáu rơi lệ. - Rồi nó nhảy tót lên ôm chặt lấy ông Sáu, hôn vào tóc, vai, mặt, mũi và cả vết thẹo dài trên mặt ông. Chân nó quắp chặt lấy ba, như thể không muốn cho ông rời đi. => Tính cách nhân vật bé Thu: Tình cảm mạnh mẽ sâu sắc nhưng cũng rất dứt khoát, rạch ròi. Có nét cá tính cứng cỏi đến mức ương ngạnh nhưng vẫn là đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ. => Tất cả những hành động ấy cho thấy Thu yêu thương ba vô cùng, một tình yêu mãnh liệt, chân thành, thắm thiết. Tình yêu đó được bộc lộ một cách cảm động qua hoàn cảnh éo le của chiến tranh. 2.2. Đặc sắc nghệ thuật - Miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật đặc sắc: Từ chỗ Thu ngạc nhiên hoảng sợ đến lạnh lùng, cuối cùng là sự bùng nổ những yêu thương do bị dồn nén. Thể hiện được điều đó chứng tỏ tác giả am hiểu tâm lí trẻ em, yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ. - Ngôn ngữ giản dị, đậm chất Nam Bộ. - Tình huống bất ngờ hợp lí, đã bộc lộ tình yêu thương tha thiết bé Thu dành cho ba của mình 3. Đánh giá chung Tác phẩm đã thể hiện một cách chân thực và cảm động tình cảm yêu thương sâu nặng của bé Thu dành cho cha của mình trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.
Nguồn: Sưu tầm Loigiaihay.com
Quảng cáo
|