Chuyển bài bút kí Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử của Thuý Lan thành một bài tự sự

Tôi là một cây cầu bắc qua sông Hồng. Người ta đặt cho tôi cái tên khá kêu: Long Biên. Thực ra thì cái tên Long Biên cũng không phải là tên khai sinh của tôi

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu về nhân vật kể chuyện: xưng "tôi", bản thân là cây cầu Long Biên kể về mình.

2. Thân bài

a. Kể về quá trình hình thành của mình

- Do "mẹ ruột" người Pháp xây dựng.

- Vị trí: cầu bắc ngang sông Hồng

- Độ dài: 2290m

- Trọng lượng: 17000 tấn

- Hình dáng: như một dải lụa uốn lượn vắt ngang qua sông Hồng.

b. Bản thân gắn liền với lịch sử

- Quá trình xây dựng cầu:

   + Xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902 do kĩ sư người Pháp thiết kế

   + Khi mới khánh thành, cầu mang tên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Đu-me

   + Được xây dựng bằng bao mồ hôi, xương máu của nhân dân

   + Đánh đập dã man, hơn 1000 nông phu bị chết để hoàn thành cây cầu

→ Gợi nhắc một thời thực dân áp bức, nô lệ và bạo tàn, bất công của đất nước nói chung và của nhân dân Hà Nội nói riêng.

- Sau năm 1945:

   + "Tôi" được đổi tên là cầu Long Biên.

   + Đã chứng kiến người dân thủ đô cùng trung đoàn thân yêu ra đi bí mật.

   + Chứng kiến cảnh đất trời bốc lửa, thành đô nghi ngút cháy.

→ Chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh và sự anh dũng, son sắt, quyết tâm bảo vệ Hà thành của người dân thủ đô.

- Hòa bình sau chống Pháp:

   + Chứng kiến màu xanh của bãi mía, nương dâu, bãi ngô, vườn chuối.

   + Chứng kiến những ánh đèn mọc lên như sao sa.

→ Chứng kiến sự hồi sinh của Hà Nội trù phú, tươi đẹp, quyến rũ và ngày càng phát triển.

- Những năm kháng chiến chống Mĩ:

   + "Tôi" bị bom Mĩ đánh phá nhiều lần.

   + Rách nát giữa trời, tả tơi như ứa máu.

   + Nhờ có nhân dân ta hàn cầu, bảo vệ cầu mà tôi được khỏe mạnh để tiếp tục song hành cùng nhân dân.

→ Tôi đã từng oằn mình chịu đựng những đau thương, mất mát, bạo tàn mà Mĩ gây nên.

- Những năm tháng lũ lụt: dẻo dai, vững chắc chững cùng người dân chống chọi với sự tàn phá của thiên nhiên.

⇒ Tôi tự hào vì mình đã chứng kiến sự trưởng thành của một dân tộc kiên cường, bất khuất, dũng cảm, cần lao.

c. Bản thân trong đời sống hiện tại

- Hiện tại "tôi" đã rút về vị trí khiêm nhường hơn cho các cây cầu hiện đại mọc lên: cầu Chương Dương, cầu Thăng Long.

- Tương lai: trở thành điểm dừng chân của du khách năm châu khi đến thăm Việt Nam.

3. Kết bài

Tự hào khi được sinh ra trên mảnh đất Việt Nam giàu lòng nhân ái và chứng kiến những trang sử oai hùng của dân tộc.

Bài mẫu

      Tôi là một cây cầu bắc qua sông Hồng. Người ta đặt cho tôi cái tên khá kêu: Long Biên. Thực ra thì cái tên Long Biên cũng không phải là tên khai sinh của tôi. Mà mãi tới khi tôi đã trưởng thành, vào năm 1945, tôi mới được đổi tên gọi Đu-me thành Long Biên.

      Mẹ tôi thai nghén tôi vào năm 1898 và bốn năm sau, tôi cất tiếng khóc chào đời. Mẹ tôi giao cho tôi nhiệm vụ nằm vắt qua con sông Hồng đỏ ngầu phù sa, nối đôi bờ để cho con người qua lại. Đây là một nhiệm vụ thật nặng nề và cũng đầy vinh quang, khiến tôi rất đỗi tự hào.

      Tôi càng kiêu hãnh hơn bởi cái dáng vẻ hùng dũng vừa dẻo dai, vững chắc, vừa oai vệ của mình. Thời bấy giờ ở cả xứ Đông Dương này đã có một anh cầu nào khoẻ mạnh, đẹp trai và oai phong như tôi đâu! Mà trên thế giới, tôi cũng chẳng thua kém chúng bạn là bao. Mẹ thường bảo tôi: “Con là một thành tựu quan trọng trong thời văn minh cầu sắt”. Nhiều lần, mấy gã giông bão ghen tị với tôi, vào hùa với nhau định nhấc tôi lên không trung để ném xuống làm tôi gãy xương, nhưng tôi vẫn sừng sững đứng đó, hai chân tôi choãi ra bám chắc vào lòng sông, đung đưa thân mình như trêu tức họ. Cả thần Nước cũng hậm hực với tôi, dâng nước lũ cuồn cuộn định nhấn chìm tôi. Nhưng đừng có mơ tưởng!

      Tuy tôi rất kiêu hãnh về mình nhưng nhiều lúc, tôi vẫn bị ác mộng ám ảnh. Chả là hồi thai nghén tôi, mẹ tôi đã uống máu của hàng ngàn dân phu Việt Nam để nuôi dưỡng tôi. Nhớ lại điều đó, tôi rùng mình kinh sợ. Và tôi đâm oán mẹ tôi, sao bà có thể ác như thế? Nếu hồi ấy mẹ tôi nhân từ hơn thì lí lịch của tôi đâu có một vết hoen ố lớn như thế.

      Tôi cố gắng hiền hoà và cần mẫn làm việc để chuộc tội thay cho mẹ tôi, mong con người Việt Nam khoan dung mà quên đi quá khứ đau thương của họ, mà nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm hơn. Tôi nhận thêm một bà mẹ nhân hậu, bao dung: mẹ Việt Nam.

      Thế là, suốt một thế kỉ, tôi tận tuỵ phục vụ mẹ Việt Nam. Tôi đưa không biết bao nhiêu lượt người từ Hà Nội sang Gia Lâm, rồi từ Gia Lâm sang Hà Nội. Bao nhiêu chuyến xe khách, xe hàng đã từ bờ bắc sang bờ nam sông Hồng rồi ngược lại. Cả những đoàn tàu hoả chạy xinh xịch ở giữa lòng tôi. Những lúc ấy, lòng tôi hân hoan vô cùng.

      Tôi gắn bó với con người Việt Nam hiền hoà và anh dũng suốt chiều dài thế kỉ, với bao kỉ niệm vui buồn. Kí ức tôi bây giờ vẫn còn hằn sâu những dấu ấn của những thời khắc lịch sử hào hùng. Một ngày đầu xuân năm 1947, tôi đã chứng kiến những người dân Thủ đô cùng trung đoàn yêu dấu của họ bí mật ra đi dưới chân tôi. Họ ra đi thầm lặng, tám năm sau, họ trở lại Thủ đô, hùng dũng nện gót giày trên lưng tôi, miệng hát vang những lời ca bi thương và hùng tráng:

Những đêm ra đi đất trời bốc lửa

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn phất phơ mười phương cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...

      Thực ra, đây không phải là khúc ca khải hoàn, mà là lời ca gợi họ nhớ lại cái ngày rời Hà Nội ra đi. Tôi không hiểu gì về âm nhạc, nhưng tôi nghe đoàn quân hát, lòng cũng thấy nao nao.

      Rồi những năm tháng Hà Nội bị máy bay Mĩ đánh phá, tôi trở thành mục tiêu ném bom dữ dội của không lực Hoa Kì (có lẽ chúng nhận ra tầm quan trọng của tôi). Bom Mĩ ném vào tôi tới hàng chục lần, khiến tôi bị thương nặng. Cả thân hình tôi tả tơi, rách nát, ứa máu. Nhưng tôi vẫn sừng sững đứng đó, hiên ngang bám trụ để đưa đón những lượt người và những đoàn xe qua sông.

      Có người lính, trước khi xa Hà Nội đã chạy đến chào từ biệt tôi. Chiến tranh kết thúc, người lính trở về giờ đã là một thương binh. Anh đã bỏ lại một chân ở chiến trường Tây Nguyên. Anh chống nạng lò dò từng bước đến gặp lại tôi. Chúng tôi gặp nhau sau gần 20 năm xa cách mừng mừng tủi tủi. Anh lặng lẽ ngồi xuống bên tôi, mắt đàm đăm nhìn tôi, rồi nói:

-     Cậu kiên cường lắm.

      Tôi bỗng thấy mình hạnh phúc quá!

      Một thế kỉ tuổi đời với bao kỉ niệm khó quên, tôi làm sao có thể kể hết.

      Mẹ tôi (tức bà mẹ mới của tôi- Mẹ Việt Nam) đã nhanh chóng thay da dổi thịt từ sau ngày hoà bình. Mẹ sinh thêm hai em nữa đặt lên sông Hồng. Hai em Thăng Long và Chương Dương của tôi thật oai vệ gấp tôi cả chục lần. Chúng cao lớn và khoẻ mạnh lắm. Chúng tranh hết cả những công việc nặng nhọc của tôi. Tôi trở thành ra an nhàn. Bây giờ, tôi lại có nhiệm vụ khác, đó là đón những đoàn khách du lịch nước ngoài đến thăm. Họ muốn qua tôi để hiểu hơn về bà mẹ Việt Nam đau thương và anh dũng của tôi.

      “Mình vẫn là người có ích”- Tôi nhủ thầm như vậy.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close