Bài 2: Trật tự thế giới trong chiến tranh lạnh SGK lịch sử 12 Chân trời sáng tạo

Trình bày quá trình hình thành Trật tự thế giới hai cực I-an-ta?

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

? mục 1 a

Trình bày quá trình hình thành Trật tự thế giới hai cực I-an-ta?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 1a. Quá trình hình thành ( SGK trang 13) 

- Chỉ ra quá trình hình thành Trật tự thế giới hai cực I-an-ta

Lời giải chi tiết:

- Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ba vấn đề quan trọng đặt ra với các nước Đồng minh cần phải giải quyết là nhanh chóng đánh bại hoàn toàn các nước phát xít; tổ chức lại thế giới sau chiến tranh; phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận. Trong bối cảnh đó, từ ngày 04 đến ngày 11 - 02 - 1945, một hội nghị quốc tế được triệu tập tại I-an-ta (Liên Xô) với sự tham dự của lãnh đạo ba cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh. Hội nghị đã quyết định: thống nhất tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật; để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, sau khi đánh bại phát xít Đức từ 2 đến 3 tháng, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật Bản ở châu Á; thành lập tổ chức Liên hợp quốc để duy trì hòa bình và an ninh thế giới; thỏa thuận về việc đóng quân và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á. Ở châu Âu, quân đội Liên Xô sẽ đóng quân ở miền Đông nước Đức, Đông Béc-lin và các nước Đông Âu; quân đội Mỹ, Anh, Pháp đóng quân ở miền Tây nước Đức, Tây Béc-lin và các nước Tây Âu. Riêng Áo và Phần Lan được hưởng quy chế trung lập. Ở châu Á, hội nghị chấp nhận những điều kiện của Liên Xô về việc tham gia chiến tranh tiêu diệt quân phiệt Nhật Bản, bao gồm: duy trì nguyên trạng Mông Cổ; trả lại cho Liên Xô miền Nam đảo Xa-kha-lin và các đảo xung quanh, bốn đảo thuộc quần đảo Cu-rin; quốc tế hoa thượng cảng Đại Liên (Trung Quốc) và khôi phục việc Liên Xô thuê cảng Lữ Thuận làm căn cứ hải quân. Quân đội Mỹ đóng quân ở Nhật Bản; ở bán đảo Triều Tiên lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới, quân đội Liên Xô đóng quân ở miền Bắc và quân đội Mỹ đóng quân ở miền Nam; Trung Quốc cần trở thành quốc gia thống nhất và dân chủ, quân đội nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc cần cải tổ với sự tham gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng phái dân chủ, trả lại cho Trung Quốc vùng Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Các vùng còn lại của châu Á (Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây. Những quyết định của Hội nghị I-an-ta cùng những thoả thuận sau đó của Liên Xô, Mỹ, Anh đã trở thành khuôn khổ của một trật tự thế giới mới, thường được gọi là Trật tự thế giới hai cực I-an-ta. Trật tự thế giới hai cực l-an-ta với đặc trưng nổi bật là thế giới chia thành hai hệ thống đối lập nhau: tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu và xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu.

? mục 1 b

Trình bày quá trình tồn tại Trật tự thế giới hai cực I-an-ta?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 1b. Quá trình tồn tại ( SGK trang 14) 

- Chỉ ra quá trình tồn tại Trật tự thế giới hai cực I-an-ta

Lời giải chi tiết:

- Trật tự thế giới hai cực I-an-ta tồn tại hơn bốn thập kỉ, gắn liền với sự căng thẳng của cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai cực Mỹ - Liên Xô.

+ Giai đoạn từ năm 1945 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX: giai đoạn xác lập và phát triển của Trật tự thế giới hai cực I-an-ta, hình thành hai hệ thống xã hội đối lập nhau về hệ tư tưởng, chính trị, quân sự,... Trật tự thế giới hai cực I-an-ta được định hình với sự thiết lập các khối kinh tế, quân sự đối đầu nhau. Về kinh tế: tháng 6 - 1947, Mỹ thực hiện Kế hoạch phục hưng châu Âu (Kế hoạch Mác-san), nhằm viện trợ cho các nước Tây Âu khôi phục kinh tế; tháng 01 - 1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), nhằm tăng cường sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Về quân sự: năm 1949, Mỹ và các nước tư bản phương Tây thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); năm 1955, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va. Cả hai khối chay đua vũ trang, duy trì sự đối đầu về lực lượng quân sự, vũ khí hiện đại và đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Trong thời kì Chiến tranh lạnh, thế giới đã xuất hiện nhiều cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột: chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp (1945 - 1954), chiến tranh Triểu Tiên (1950 - 1953), chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ (1954 - 1975),...; khủng hoảng Xuy-ê (1956), khủng hoảng Béc-lin (1961), khủng hoảng tên lửa ở Cu-ba (1962),... Xung đột giữa hai bên dẫn đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân. 

+ Giai đoạn từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX đến năm 1991: giai đoạn Trật tự thế giới hai cực I-an-ta suy yếu và đi đến sụp đổ. Đầu những năm 70 của thể kỉ XX, mặc dù Chiến tranh lạnh vẫn còn tiếp diễn nhưng xu thế hòa hoãn giữa hai bên cũng tiếp tục phát triển. Năm 1972, Liên Xô và Mỹ tiến hành những cuộc gặp gỡ cấp cao, đạt được những thỏa thuận hạn chế vũ khi chiến lược.Từ nửa sau thập kỉ 80 của thế kỉ XX, Liên Xô và Mỹ đẩy mạnh đối thoại, bình thường hóa quan hệ. Tháng 12 - 1989, trong cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Goóc-ba-chốp tại đảo Man-ta (Địa Trung Hải), hai bên đã tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh.Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu cuối những năm 80 của thế kỉ XX và sự tan rã của Liên Xô (1991) đã chấm dứt Trật tự thể giới hai cực l-an-ta.

? mục 2 a

Nêu nguyên nhân sụp đổ Trật tự thế giới hai cực I-an-ta ?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 2a. Nguyên nhân sụp đổ ( SGK trang 15) 

- Chỉ ra nguyên nhân sụp đổ Trật tự thế giới hai cực I-an-ta

Lời giải chi tiết:

- Cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỉ làm suy giảm thế mạnh của cả Mỹ và Liên Xô, buộc hai bên phải từng bước hạn chế căng thẳng. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển thắng lợi, các nước thuộc thế giới thứ ba vươn lên, góp phần phá vỡ khuôn khổ trật tự hai cực. Sự vươn lên mạnh mẽ của các nước Tây Âu, Nhật Bản, các nước công nghiệp mới. (NICs),... làm thay đổi cán cân kinh tế thế giới, tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt với Mỹ. Sự khủng hoảng và những sai lầm trong công cuộc cải tổ đã làm suy giảm sức mạnh, dẫn tới sự sụp đổ về mặt nhà nước của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các nước phải tập trung sức mạnh để chiếm lĩnh, phát triển kinh tế.

? mục 2 b

Sự sụp đổ Trật tự thế giới hai cực I-an-ta đã tác động như thế nào tới tình hình thế giới?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần 2b. Tác động ( SGK trang 15) 

- Chỉ ra sự sụp đổ Trật tự thế giới hai cực I-an-ta đã tác động như thế nào tới tình hình thế giới

Lời giải chi tiết:

- Sau thời gian tồn tại gần nửa thế kỉ (1945 - 1991), sự sụp đổ Trật tự thế giới hai cực I-an-ta đã tác động lớn đến tình hình thế giới, đưa đến xu thế phát triển mới trong quan hệ quốc tế. Một trật tự thế giới mới dẫn được hình thành theo xu thế đa cực. Sự tan rã của Liên Xô đã làm thay đổi so sánh tương quan lực lượng trên thế giới với ưu thế tạm thời thuộc về Mỹ. Tuy nhiên, vai trò của các cường quốc khác, các trung tâm kinh tế, các tổ chức quốc tế, khu vực,... ngày càng gia tăng. Trật tự thế giới hai cực I-an-ta sụp đổ đã mở ra chiều hướng và điều kiện để giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, xung đột khu vực như ở Áp-ga-ni-xtan, Cam-pu-chia, Na-mi-bi-a,...

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close