Bài 14: Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh SGK lịch sử 12 Chân trời sáng tạoNêu những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh? Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
? mục 1 Nêu những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh? Phương pháp giải: - Đọc kĩ phần 1. Những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh( SGK trang 92) - Chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Lời giải chi tiết: - Sau khi hoàn thành cuộc xâm lược, thực dân Pháp chia Việt Nam thành 3 xứ để cai trị và tiến hành khai thác thuộc địa. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược ngày càng gay gắt. - Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp theo hệ tư tưởng phong kiến (phong trào Cần vương, khởi nghĩa Yên Thế,...) và phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,...) cũng không thành công; cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước diễn ra sâu sắc, đòi hỏi phải tìm con đường cứu nước mới để giải phóng dân tộc. - Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống và văn hóa, hiếu học, người dân cần cù, chịu khó. Đây cũng là nơi có nhiều nhà khoa bảng, nhiều sĩ phu yêu nước lãnh đạo các phong trào đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm. Các nhà Nho "xứ Nghệ" đương thời đã tiếp xúc với sách báo mới, họ thường bàn luận về các phong trào yêu nước chống thực dân xâm lược và phong kiến tay sai. - Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, có nền nếp, giàu lòng thương người, trọng nghĩa khí. Bố là ông Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929) - một tấm gương kiên trì về ý chí vượt khó vươn lên, người thầy mẫu mực trong dạy chữ, dạy người. Mẹ là bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) - người cần mẫn, nhân hậu, đảm đang; nuôi dưỡng các con bằng tình thương yêu và những điệu hò câu ví của dân ca xứ Nghệ. ? mục 2 Trình bày những nét cơ bản về tiểu sử và tiến trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh? Phương pháp giải: - Đọc kĩ phần 2. Tiểu sử và tiến trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh( SGK trang 93) - Chỉ ra những nét cơ bản vềtiểu sử và tiến trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Lời giải chi tiết: Từ năm 1890 đến năm 1911 - Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung) sinh ngày 19 - 5 - 1890 tại quê ngoại là làng Hoàng Trù (làng Chùa), lớn lên ở quê nội là làng Kim Liên (làng Sen), cùng trong xã Chung Cự, thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) tỉnh Nghệ An. - Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ vào Huế sinh sống. Sau khi mẹ qua đời (1901), Nguyễn Sinh Cung về quê, lấy tên mới là Nguyễn Tất Thành và theo học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt (Vinh). - Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế, học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Trường Quốc học Huế.... - Năm 1910, Nguyễn Tất Thành đi vào Phan Thiết (Bình Thuận), dạy học ở Trường Dục Thanh, được các sĩ phu duy tân tạo điều kiện tìm đường cứu nước. - Ngày 05 - 6 - 1911, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành lấy tên Văn Ba bắt đầu "ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta". Từ năm 1911 đến năm 1941 - Từ năm 1911 đến năm 1917, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ để tìm đường cứu nước và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân lao động. - Từ cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp. - Năm 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, gửi tới Hội nghị Véc-xai bản Yêu sách của nhân dân An Nam. - Tháng 7 - 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, Người tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Tháng 12 - 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. - Từ giữa năm 1921 đến tháng 6 - năm 1923, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp; Người cùng một số nhà cách mạng thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (1921), ra báo Người cùng khổ,... - Từ tháng 6 - 1923 đến cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Liên Xô. Tháng 11 - 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đến Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và ra báo Thanh niên. - Từ giữa năm 1927 đến cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở Pháp, Đức, Xiêm,.. - Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. - Ngày 28 - 01 - 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ năm 1941 đến năm 1945 - Tháng 5 - 1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, sáng lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). - Tháng 8 - 1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc bắt liên lạc với lực lượng Đồng minh chống phát xít. Tháng 9 - 1944, Người về nước, tiếp tục lãnh đạo cách mạng; ra Chỉ thị Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (12 - 1944). - Tháng 8 - 1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi; được cử làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. - Ngày 02 - 9 - 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ năm 1945 đến năm 1969 - Từ tháng 9 - 1945 đến tháng 12 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng và bảo vệ chính quyền, chống thù trong giặc ngoài. - Từ tháng 12 - 1946 đến tháng 7 - 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 - 1954), chủ trì Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương (02 - 1951). -Từ tháng 7 - 1954 đến tháng 9 - 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (9- 1960), lãnh đạo công cuộc xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ và đấu tranh thống nhất nước nhà. - Ngày 02-9 - 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại Thủ đô Hà Nội.
Quảng cáo
|