Tam đại con gàThể loại truyện cười với tác phẩm Tam đại con gà bao gồm khái niệm, đặc trưng, phân loại truyện cười và tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm giúp các em học tốt môn văn 10 Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Truyện cười Tìm hiểu chung về thể loại truyện cười 1. Khái niệm - Truyện cười là những truyện dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, kể về những sự việc, hành vi trái tự nhiên của con người, có tác dụng gây cười, nhằm mục đích giải trí và phê phán xã hội. 2. Đặc điểm - Truyện cười thường khai thác những mâu thuẫn trái tự nhiên những hành động kệch cỡm, rởm đời hay dốt nát trong cuộc sống. - Truyện thường ngắn nhưng chặt chẽ, ít các chi tiết rườm rà, mâu thuẫn phát triển nhanh và kết thúc bất ngờ. - Truyện cười mang ý nghĩa giải trí và giáo dục. - Ngoài tiếng cười, nó tập trung phê phán những thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân, vì thế mới có ý kiến cho rằng, truyện cười không chỉ là sản phẩm của óc khôi hài mà còn là một thứ vũ khí đấu tranh đắc dụng của nhân dân ta. 3. Phân loại Truyện cười có hai loại: Truyện khôi hài và truyện trào phúng. - Truyện khôi hài chủ yếu nhằm mục đích giải trí (tuy nhiên vẫn bao hàm giá trị giáo dục). - Truyện trào phúng được sáng tác với mục đích phê phán. Đối tượng phê phán phần lớn là các nhân vật thuộc tầng lớp trên trong xã hội nông thôn Việt Nam xưa (như: bọn quan lại bất tài, tham nhũng…). Cũng có khá nhiều truyện cười phê phán thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân. Tác phẩm 1. Tìm hiểu chung a. Thể loại - Truyện cười trào phúng b. Đối tượng phê phán - Thầy đồ dốt 2. Tìm hiểu chi tiết * “Ông thầy” liên tiếp bị đặt vào 2 tình huống: - Thầy đồ đi dạy học trò nhưng “thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hơi gấp, thầy cuống, nói liều...” - Khi bị người nhà phát hiện dạy sai, thầy ra sức bao biện để chối tội và giấu dốt. * Cách giải quyết: - Trong tình huống thứ nhất: + “Ông thầy” đã nhắm mắt chọn cách nói liều. + Hài hước hơn khi ngay sau đó, “ông thầy” còn viện đến thổ công để “chứng giám” một cách hú họa cho sự dốt nát của mình. - Trong tình huống thứ hai: “ông thầy” đã giải quyết bằng cách bào chữa cho mình bằng một cái “lí sự cùn” – “Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ kê, mà kê nghĩa là gà, nhưng tôi dạy như thế là dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà kia...Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà.” - Qua chỉ hai tình huống, cái bản chất “dốt” của thầy đồ đã được bộc lộ rõ ra. Cái mâu thuẫn trái tự nhiên ở nhân vật này là dốt >< khoe giỏi. Thầy đồ đi dạy học mà dốt đến mức cái chữ tối thiểu trong sách cũng không biết, không đọc được. Dốt như vậy mà thầy đồ vẫn ham khoe giỏi (sau khi khấn thổ công, “thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to”). - Sự hài hước của câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi thầy đồ, dù đã biết mình dạy dốt vẫn cứ nhất quyết bao biện cho mình bằng một cái “lí sự cùn” hoàn toàn không thể tin tưởng được. Tất cả những hành động cố gắng “lấp liếm” cái dốt này, quả thực chỉ làm cho thầy đồ càng thảm hại hơn thôi. => Qua hình ảnh thầy đồ trong truyện Tam đại con gà, truyện phê phán một tật xấu trong nội bộ nhân dân, phê phán những người dốt mà không chịu học hỏi, dốt mà cứ cố tình che đậy sự dốt nát của mình. Tuy nhiên cái cười trong truyện ngắn này chủ yếu vẫn mang tính chất giải trí - cười sự ngây ngô và liều lĩnh của thầy đồ, chứ chưa tới mức cười nhằm đả kích và triệt tiêu đối tượng. Loigiaihay.com
Quảng cáo
|