Quan điểm của Hồ Chí Minh về các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng

Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh phải bảo đảm nhiều yếu tố, trong đó những nội dung thuộc về các nguvên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Quảng cáo

Câu hỏi. Quan điểm của Hồ Chí Minh về các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng?

Trả lời:

Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh phải bảo đảm nhiều yếu tố, trong đó những nội dung thuộc về các nguvên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Bởi vì, sức mạnh của một đảng cách mạng, đảng chân chính theo học thuyết đảng kiểu mới của Lênin bắt nguồn từ các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Đảng không giữ vững nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt thì chỉ như là một câu lạc bộ.

Trước hết phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương xuống cơ sở. Đảng là tổ chức tiên phong đấu tranh của giai cấp công nhân, có tính kỷ luật cao. Hệ thống tổ chức của Đảng coi chi bộ là tổ chức hạt nhân quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên. Chi bộ là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Chi bộ tốt thì Đảng mạnh, chi bộ kém thì Đảng yếu.

Một trong những yếu tố quyết định sức mạnh của chi bộ là các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng Đảng. Nguyên tắc này thể hiện sự thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa “tập trung” và “dân chủ”. Mặt này là điều kiện của mặt kia và ngược lại,về mối quan hệ giữa “tập trung” và “dân chủ” được Hồ Chí Minh khẳng định: tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung, là cơ sở của tập trung. Nếu không có sự gắn bó và thống nhất với nhau thì sẽ dẫn tới độc đoán chuyên quyền và tự do vô tổ chức, vô kỷ luật. Tuy nhiên, “tập trung” và “dân chủ” có nội dung cụ thể.

“Tập trung" là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, đảng viên chấp hành vô điều kiện nghị quyết của Đảng. Từ đó làm cho Đảng ta “tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”.

Còn dân chủ theo Hồ Chí Minh, là của quý báu nhất của nhân dân là thành quả của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dân chủ được thể hiện tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề mọi người được quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc thực hiện và phát huy dân chủ nội bộ, vì nếu không có dân chủ nội bộ thì sẽ làm cho “nội bộ của Đảng âm u”. Hơn nữa dân chủ trong Đảng mới có thể nói dân chủ trong xã hội, mới định hướng cho việc xây dựng một chế độ dân chủ thật sự.

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo hay chế độ lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc này cũng có hai mặt gắn bó mật thiết với nhau, gần với nguyên tắc tập trung dân chủ vì tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung. Trong lãnh đạo phải tập thể vì nhiều người thì nhiều kinh nghiệm, còn một người, dù tài giỏi đến mấy cũng không thể xem xét tất cả mọi mặt của vấn đề. Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: "Khôn bầy hơn khôn độc” là nghĩa đó.

Cá nhân phụ trách là trên cơ sở bàn bạc kỹ lưỡng của tập thể, công việc mới chạy, kế hoạch định rõ ràng rồi thì giao cho một người hoặc một nhóm người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách. Không có cá nhân phụ trách thì sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong. Tục ngữ có câu: “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa" là như thế.

Trong khi thực hiện nguyên tắc phải chống lại căn bệnh độc đoán chuyên quyền và dựa dẫm vào tập thể, không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.

 

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Ý nghĩa của nguyên tắc này ở chỗ Đảng cũng từ trong xã hội mà ra nên có những căn bệnh trong xã hội lây ngấm vào Đảng. Cá nhân đảng viên, cán bộ cũng là con người, cũng có cái tốt, cái xấu, thiện, ác trong lòng. Con người ta không phải là thánh thần, ai cũng có khuyết điểm cả. Vì vậy tự phê bình và phê bình giống như việc rửa mặt hàng ngày, làm cho phần tốt trong mỗi con người này nở như hoa mùa xuân, phần xấu mất dần đi. Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm giống như người có bệnh Vì vậy phải uống thuốc. Tự phê bình là thuốc đắng nhưng giã tật. Ngược lại nếu không tự phê bình thì như người có bệnh mà không uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó. rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Tự phê bình và phê bình nhằm làm cho Đảng vững mạnh, cán bộ, đảng viên tiến bộ, để chữa các bệnh trong Đảng. Đó cũng là một trong những cách tốt nhất để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, giữ vững và củng cố uy tín của Đảng.

Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là cách thức tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh thường dặn phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Trong phê bình và tự phê bình phải thật thà, thẳng thắn, không nể nang, không giấu giếm, không thêm bớt khuyết điểm. Phê bình và tự phê bình là vấn đề khoa học và là nghệ thuật. Vấn đề không phải chỉ luôn luôn dùng mà còn phải khéo dùng cách phê bình và tự phê bình. Cán bộ chủ chốt, lãnh đạo càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Phải tuyệt đối chống các biểu hiện không đúng trong phê bình và tự phê bình như: thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của bản thân, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang, né tránh, "dĩ hòa vi quý”, hoặc ngược lại, lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác.

Kỷ luật nghiêm minh. Tự giác là một nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng kiểu mới của Lênin. Sức mạnh của Đảng một phần lớn là ở kỷ luật của tổ chức. Kỷ luật của Đảng thể hiện ở chỗ chấp hành kỷ luật, điều lệ của Đảng; mọi đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đoàn kết thống nhất trong Đảng phải được thực hiện từ Trung ương đến các chi bộ. Phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Để đoàn kết có sức mạnh thật sự phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, quan điểm của Đảng; phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, sống với nhau có tình có nghĩa.

 Loigiaihay.com

Quảng cáo
close