Giải Bài tập 3 trang 26 sách bài tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức

Đọc lại đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 132 – 140) và trả lời các câu hỏi

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đọc lại đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 132 – 140) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1

Câu 1 (trang 26, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):

Vở kịch đã được kết thúc như thế nào? Kết thúc đó cho thấy đặc trưng gì của thể loại bi kịch?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại đoạn trích để đưa ra kết thúc của vở kịch và rút ra đặc trưng của thể loại bi kịch trong kết cục. 

Lời giải chi tiết:

- Kết thúc: Vũ Như Tô tuyệt vọng khi chứng kiến Cửu Trùng Đài bị bốc cháy và yêu cầu quân sĩ dẫn ra pháp trường, chấp nhận cái chết. Kết thúc này rất đột ngột, bất ngờ vì trước đó Vũ Như Tô một mực muốn được sống để xây dựng Cửu Trùng Đài. 

- Đặc trưng của bi kịch:

+ Thứ nhất, sắc thái thẩm mĩ bao trùm trong các tác phẩm bi kịch là cái bi, được gợi nên qua sự thất bại và cái chết của cái đẹp, cái cao cả.

+ Thứ hai, đặc điểm nổi bật của bi kịch là kịch tính, sự căng thẳng của những mâu thuẫn, xung đột được đẩy lên tới mức cao trào, sự bất ngờ của những cú rẽ đột ngột trong hành động nhân vật.

Câu 2

Câu 2 (trang 26, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):

Phân tích diễn biến tâm trạng và đặc điểm tính cách của hình tượng nhân vật Đan Thiềm. Thông qua nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm điều gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại đoạn trích để phân tích diễn biến tâm trạng và đặc điểm của nhân vật Đan Thiềm. Từ đó rút ra thông điệp tác giả gửi gắm. 

Lời giải chi tiết:

- Tâm trạng và tính cách của Đan Thiềm được bộc lộ qua lời thoại và hành động. Khi biết tin kiêu binh nổi loạn, Đan Thiềm một mực khuyên Vũ Như Tô trốn để tiếp tục xây Cửu Trùng Đài. Khi đám cung nữ và Ngô Hạch tới bắt Vũ Như Tô. Đan Thiềm hi sinh tính mạng để bảo vệ ông, thẳng thắn vạch mặt bọn cung nữ

- Những hành động quyết liệt của Đan Thiềm chứng tỏ lòng trắc ẩn và yêu chuộng nhân tài, lí tưởng về một cái đẹp thuần khiết, không vụ lợi, sự dũng cảm và vị tha của nhân vật; đồng thời cũng thể hiện sự sắc sảo, thông minh của bà.

- Khác với Vũ Như Tô ngây thơ, mơ màng, Đan Thiềm rất thực tế, hiểu rõ thời thế. Tuy nhiên, cuối cùng, bà đã không thể chống đỡ nổi sự tàn ác, thủ đoạn của bọn kiêu binh, đảm cung nữ và phải chấp nhận một cái chết đầy oan khuất.

- Cái chết của Đan Thiềm làm nổi bật bi kịch của cái đẹp, cái thiện trong một thời thế mà cái ác, cái giả dối, tầm thường và đê tiện lên ngôi.

→ Thông qua nhân vật Đan Thiềm, Nguyễn Huy Tưởng thể hiện thái độ trân trọng của ông đối với cái tài, cái đẹp, cũng như niềm thương xót đối với cái đẹp, cái thiện trước sự chà đạp tàn nhẫn của cái xấu, cái ác, cái tầm thường, giả dối.

Câu 3

Câu 3 (trang 26, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):

Các nhân vật phụ như Nguyễn Vũ, Lê Trung Mại, đám cung nữ, quân khởi loạn, Ngô Hạch có vai trò gì trong đoạn trích ?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại đoạn trích để đưa ra vai trò của những nhân vật phụ

Lời giải chi tiết:

Có vai trò thúc đẩy các xung đột, mâu thuẫn, tạo nên kịch tính cho câu chuyện. Đồng thời, sự đối lập trong cách phản ứng, hành xử của các nhân vật phụ này với thái độ can đảm, đầy tự trọng của Vũ Như Tô và Đan Thiềm làm nổi bật tính cách của các nhân vật chính. Mặt khác, thông qua các nhân vật phụ mang tính chất phản diện, Nguyễn Huy Tưởng cũng tái hiện một bức tranh xã hội rối loạn, nhiễu nhương, thể hiện sự phê phán của ông đối với cái tàn ác, tầm thường, giả dối, mù quáng.

Câu 4

Câu 4 (trang 26, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):

Phân tích tác dụng của các chi tiết miêu tả bối cảnh trong đoạn trích.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại đoạn trích để phân tích tác dụng của các chi tiết miêu tả bối cảnh. 

Lời giải chi tiết:

- Tác dụng:  Những chi tiết này tái hiện một bức tranh cuộc sống hỗn loạn, đầy những biến cố, tai ương trong đó mọi trật tự và giá trị bị đảo lộn, với một nhịp điệu ngày càng gấp gáp, căng thẳng, đẩy nhân vật vào một tình thế nguy hiểm, như ngàn cân treo sợi tóc, đẩy mâu thuẫn, xung đột lên tới mức cao trào, làm nổi bật kịch tính của vở kịch.

- Ví dụ: “Loạn đến nơi rồi. Dân gian đói kém nổi lên tứ tung. Giặc Trần Cao trước đã bị quan quân đuổi đánh” (lời Đan Thiềm),“Trịnh Duy Sản mưu với lũ Lê Quảng Đô, Trịnh Tri Sâm lập vua khác” (lời Lê Trung Mại), “Hoàng thượng lên ngựa lẻn ra cửa Bảo Khánh, gặp Duy Sản” (lời Lê Trung Mại), “có tiếng kêu mỗi lúc một gần. Có tiếng đổ ầm ầm. Có tiếng giày dép nhốn nháo”, “Chợt có ánh lửa sáng rực, cả tàn than, bụi khói bay vào” (chỉ dẫn sân khấu).

Câu 5

Câu 5 (trang 26, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một):

Không khí lịch sử được tái hiện như thế nào trong đoạn trích?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại đoạn trích để đưa ra không khí lịch sử được tái hiện. 

Lời giải chi tiết:

- Không khí lịch sử được tái hiện thông qua các chi tiết miêu tả các sự kiện lịch sử (kiêu binh nổi loạn, giết vua, lật đổ triều đình, đốt phá Cửu Trùng Đài), qua số phận của các nhân vật lịch sử: Trịnh Duy Sản bị giết, Vũ Như Tô bị bắt, qua ngôn ngữ cổ kính, nghiêm trang trong lời thoại của nhân vật, qua những chi tiết miêu tả bối cảnh,...

→ Thông qua những yếu tố đó, ta có thể cảm nhận được một cảnh quyền lực, nơi đời sống nhân dân bất hạnh, lầm than và dồn tụ đầy những không khí rối ren, đổ nát, nơi triều chính đổ máu bởi cuộc xung đột giữa các phe uất ức như một thùng thuốc nổ sẵn sàng bùng cháy. Có thể nói, sự phục dựng. thành công không khí lịch sử là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho vở kịch và thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Huy Tưởng. 

Quảng cáo

2K7 tham gia ngay group để nhận thông tin thi cử, tài liệu miễn phí, trao đổi học tập nhé!

close