Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 4 - Đề số 1Tải về Luyện cho tằm tự dệt chăn tơ Nuôi hàng vạn con tằm, luyện cho chúng nhả tơ và tự dệt chăn, đó là bí quyết độc nhất trên thế giới của nghệ nhân Phan Thị Thuận. Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 4 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề bài A. Kiểm tra đọc I. Đọc thành tiếng GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định. II. Đọc thầm văn bản sau: Luyện cho tằm tự dệt chăn tơ Nuôi hàng vạn con tằm, luyện cho chúng nhả tơ và tự dệt chăn, đó là bí quyết độc nhất trên thế giới của nghệ nhân Phan Thị Thuận. Bà sinh ra và lớn lên trong một làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở làng Phù Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Nhưng, làng nghề ngày càng gặp khó khăn do khó cạnh tranh với lụa tơ tằm Trung Quốc. Bà đã trăn trở tìm cách tạo ra sản phẩm tơ tằm thật đặc biệt giúp người dân trong làng sống được bằng nghề của mình. Nhiều lần ngồi quan sát con tằm nhả tơ đan kén, ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào, bà bỗng nảy ra ý định: rõ ràng, con tằm tự dệt cho mình một chiếc kén bền chặt không kĩ thuật dệt tay nào của con người có thể đạt được, tại sao mình không biến con tằm thành những công nhân tự dệt nên những tấm chăn tơ? Thế là, bà huấn luyện tằm thay đổi tập tính nhả tơ. Sau khi tính toán khoảng cách thích hợp, bà để cho hàng ngàn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng mà nhả tơ. Dần dần, các sợi tơ tự động quấn vào nhau, đan thành tấm thảm phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên. Chỉ cần thêm một vài thao tác khâu, may, người thợ sẽ biến nó thành một tấm chăn siêu nhẹ, mềm mại và ấm áp. Vì vậy, chăn tơ tằm tự dệt rất được ưa chuộng, luôn cháy hàng, kể cả vào những ngày hè oi bức. Từ đó, bà Thuận không những có thêm thu nhập mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân quanh vùng. Mỗi dịp hè, hàng trăm bạn nhỏ được bố mẹ gửi đến xưởng dệt của bà để tìm hiểu và yêu hơn nghề của cha ông. (Theo Bảo Hân, báo VietNamnet) Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu: Câu 1. Bà Phan Thị Thuận có bí quyết gì? A. Làm chăn từ tơ rối. B. Làm chăn từ vải lụa tơ tằm. C. Làm chăn từ thảm tơ do tằm dệt. D. Làm chăn từ kén tằm. Câu 2. Dòng nào không phải lí do bà Thuận muốn tạo ra “loại sản phẩm tơ tằm đặc biệt”? A. Vì muốn tìm hướng đi mới cho làng nghề. B. Vì muốn cạnh tranh với tơ lụa Trung Quốc. C. Vì muốn bà con sống được bằng nghề dệt lụa. D. Vì muốn làm gương cho thế hệ sau. Câu 3. Dòng nào nói về sáng kiến của bà Thuận? A. Quan sát tằm nhả tơ đan kén. B. Huấn luyện tằm thay đổi tập tính nhả tơ. C. Nâng cao kĩ thuật dệt tay. D. Đào tạo công nhân ươm tơ. Câu 4. Sáng kiến của bà Thuận được đánh giá cao thông qua chi tiết nào? A. Chăn tơ tằm tự dệt rất được ưa chuộng, luôn cháy hàng. B. Trăn trở tìm cách tạo ra sản phẩm tơ tằm thật đặc biệt. C. Ngồi quan sát con tằm nhả tơ đan kén. D. Các sợi tơ tự động quấn vào nhau, đan thành tấm thảm phẳng, mịn. Câu 5. Thêm các tính từ để tạo câu văn sinh động. a. Trăng Rằm (1)………… trôi (2)……… trên nền trời (3)…………. . b. Tiếng đọc bài (1)…………… vang ra ngoài cửa lớp, khiến chú chim sâu đang nghiêng chiếc đầu (2)………. tìm sâu trong kẽ lá cũng hót (3)………… . Câu 6. Tìm trong bài đọc trên các từ ngữ miêu tả đặc điểm của: a. Tấm thảm tơ : b. Tấm chăn tơ tằm tự dệt: Câu 7. Đặt 2 câu có sử dụng các từ ngữ đã tìm được ở câu 6. B. Kiểm tra viết Đề bài: Em hãy viết bài văn thuật lại một hoạt động trải nghiệm em đã tham gia và chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của em về hoạt động đó. Lời giải HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
A. Kiểm tra đọc I. Đọc thành tiếng II. Đọc thầm văn bản sau: Câu 1. Bà Phan Thị Thuận có bí quyết gì? A. Làm chăn từ tơ rối. B. Làm chăn từ vải lụa tơ tằm. C. Làm chăn từ thảm tơ do tằm dệt. D. Làm chăn từ kén tằm. Phương pháp giải: Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý. Lời giải chi tiết: Bà Phan Thị Thuận làm chăn từ thảm tơ do tằm dệt. Đáp án C. Câu 2. Dòng nào không phải lí do bà Thuận muốn tạo ra “loại sản phẩm tơ tằm đặc biệt”? A. Vì muốn tìm hướng đi mới cho làng nghề. B. Vì muốn cạnh tranh với tơ lụa Trung Quốc. C. Vì muốn bà con sống được bằng nghề dệt lụa. D. Vì muốn làm gương cho thế hệ sau. Phương pháp giải: Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý. Lời giải chi tiết: Lí do bà Thuận muốn tạo ra “loại sản phẩm tơ tằm đặc biệt” là: - Vì muốn tìm hướng đi mới cho làng nghề. - Vì muốn cạnh tranh với tơ lụa Trung Quốc. - Vì muốn bà con sống được bằng nghề dệt lụa. Đáp án D. Câu 3. Dòng nào nói về sáng kiến của bà Thuận? A. Quan sát tằm nhả tơ đan kén. B. Huấn luyện tằm thay đổi tập tính nhả tơ. C. Nâng cao kĩ thuật dệt tay. D. Đào tạo công nhân ươm tơ. Phương pháp giải: Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý. Lời giải chi tiết: Sáng kiến của bà Thuận là huấn luyện tằm thay đổi tập tính nhả tơ. Đáp án B. Câu 4. Sáng kiến của bà Thuận được đánh giá cao thông qua chi tiết nào? A. Chăn tơ tằm tự dệt rất được ưa chuộng, luôn cháy hàng. B. Trăn trở tìm cách tạo ra sản phẩm tơ tằm thật đặc biệt. C. Ngồi quan sát con tằm nhả tơ đan kén. D. Các sợi tơ tự động quấn vào nhau, đan thành tấm thảm phẳng, mịn. Phương pháp giải: Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý. Lời giải chi tiết: Sáng kiến của bà Thuận được đánh giá cao thông qua chi tiết “Chăn tơ tằm tự dệt rất được ưa chuộng, luôn cháy hàng”. Đáp án A. Câu 5. Thêm các tính từ để tạo câu văn sinh động. a. Trăng Rằm (1)………… trôi (2)……… trên nền trời (3)…………. . b. Tiếng đọc bài (1)…………… vang ra ngoài cửa lớp, khiến chú chim sâu đang nghiêng chiếc đầu (2)………. tìm sâu trong kẽ lá cũng hót (3)………… . Phương pháp giải: Căn cứ nội dung bài Từ nêu đặc điểm. Lời giải chi tiết: a. (1) tròn vành vạnh, (2) lững lờ, (3) quang đãng. b. (1) râm ran, (2) nhỏ xíu, (3) ríu ran. Câu 6. Tìm trong bài đọc trên các từ ngữ miêu tả đặc điểm của: a. Tấm thảm tơ: b. Tấm chăn tơ tằm tự dệt: Phương pháp giải: Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý. Lời giải chi tiết: a. phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên. b. siêu nhẹ, mềm mại và ấm áp. Câu 7. Đặt 2 câu có sử dụng các từ ngữ đã tìm được ở câu 6. Phương pháp giải: Căn cứ vào kiến thức bản thân, suy nghĩ và trả lời. Lời giải chi tiết: - Chiếc gối của em thật mềm mại và ấm áp. - Làn da của em bé thật mịn, thơm mùi sữa. B. Kiểm tra viết Phương pháp giải: Phân tích, tổng hợp. Lời giải chi tiết: Chuyến đi thăm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình vừa qua đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc. Em nhớ mãi cảm xúc phấn khởi, hăng say và ngạc nhiên, thích thú trong chuyến đi ấy. Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn đẫm sương đêm, đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu chuyển bánh. Những chiếc xe đầy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang sông Đáy hiền hoà, trong vắt rồi tiếp tục bon bon trên quốc lộ 1. Xa xa, sau làn sương mờ, dãy Non Nước Tiện lên như một bức tranh phong cảnh. Chúng em đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe tiếng đã lâu nhưng chưa ai được đặt chân tới mảnh đất “cờ lau dẹp loạn” này bao giờ. Tiếng cười nói trong xe tạm lắng xuống, nhường chỗ cho những ánh mắt háo hức, xôn xao... Toàn bộ khu di tích nằm trong một vùng đất trũng lòng chảo, xung quanh bao bọc bó những dãy núi trùng điệp. Thiên nhiên khéo sắp đặt cho nơi này một cảnh quan hùng vĩ, vừa có sông nước, vừa có núi non. Phong cảnh hữu tình biết mấy! Đến Hoa Lư hôm nay, chúng em không còn được nhìn thấy cung điện nguy nga, những thành cao, hào sâu... nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi nơi đây đều ghi đậm dấu ấn vẻ vang của một thời kì lịch sử oai hùng. Nào là Cột Cờ cao 200 mét như một chân đế khổng lổ để vua Đinh dựng cờ khởi nghĩa. Nào là ngòi Sào Khê chảy qua hang Luồn, là nơi thuỷ quân ta luyện tập. Chúng em còn đi thăm hang Muối, hang Tiền với những nhũ đá lóng lánh. Phải chăng đây là kho dự trữ, nguồn cung cấp lương thực cho quân đội của Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa? Giữa khu di tích Hoa Lư có đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền sừng sững, mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh đã phủ dày dấu thời gian. Cột đền làm bằng những cây gỗ to, một vòng tay ôm không hết. Sân rồng còn lưu lại dấu tích bệ đặt ngai ngự của vua. Đó là một phiến đá to, bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thưở trước đã khéo léo khắc chạm trên mặt đá hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh là hình con nghê, hình chim phượng cao quý và dũng mãnh tượng trưng cho uy quyền của nhà vua. Chúng em ngắm chiếc sập đá mà lòng thầm khâm phục bàn tay tài hoa của ông cha thuở trước. Trong chính cung là tượng Đinh Tiên Hoàng đang ngự trên ngai. Nhà vua mặc áo thêu rồng, đầu đội mũ bình thiên, bàn tay xoè rộng, đặt nhẹ trên gối vẻ cương nghị đọng lại ở đôi môi mím chặt, ở đôi mắt mở to nhìn thẳng. Thắp nén hương tưởng niệm, chúng em vô cùng kính phục người anh hùng dân tộc đã có công xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt thuở xưa. Tạm biệt đền Đinh Tiên Hoàng, chúng em đến thăm đền thờ vua Lê ở phía bên trái khu di tích Vua Lê vận long bào, đội mũ miện vàng, ngang lưng đeo kiếm trông rất oai nghiêm. Trong khu vực đền thờ còn có bức tượng một người phụ nữ trông phúc hậu, đoan trang. Đó là thái hậu Dương Vân Nga, bậc liệt nữ có một không hai trong lịch sử nước nhà. Bà đã ghé vai gánh vác sự nghiệp cả hai triều Đinh - Lê. Những vị được tôn thờ ở đây đều là những con người kiệt xuất, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Không có thời gian để leo núi, chúng em đứng trong thung lũng, ngẩng đầu nhìn bốn phía để cảm nhận rõ thêm vị thế hiểm trở của cố đô. Có bạn đã giở sổ tay, phác nhanh vài nét kí hoạ. Nhiều bạn bàn bạc sôi nổi về phong trào cờ lau dẹp loạn thuở nào. Trời đã xế chiều. Chúng em lưu luyến ra về và nuối tiếc vì chưa bẻ được mấy bông lau để cắm làm cờ cho xe mình thêm khí thế. Đến thăm Hoa Lư, chúng em hiểu thêm về lịch sử dân tộc và cảnh đẹp đất nước. Chuyến đi tham quan này đã trở thành đề tài cho những cuộc trò chuyện của lớp em suốt những ngày sau đó.
Quảng cáo
|