Đề số 2 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 5

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 2 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. KIỂM TRA ĐỌC

I. Đọc thành tiếng

Giáo viên chọn một đoạn trong các bài tập đọc từ tuần 1 đến tuần 9 (SGK Tiếng Việt 5, tập 1) cho học sinh đọc và trả lời câu hỏi về nội dung của đoạn đó. Số HS được kiểm tra rải đều ở các bài tập đọc và ôn tập.

 II. Đọc thầm và làm bài tập

MƯA PHÙN, MƯA BỤI, MƯA XUÂN

Mùa xuân đã tới.

Các bạn hãy để ý một chút. Bốn mùa có hoa nở, bốn mùa cũng có nhiều thứ mưa khác nhau. Mưa rào mùa hạ. Mưa ngâu, mưa dầm mùa thu, mùa đông. Mựa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

Mưa xuân tới rồi. Ngoài kia đương mưa phùn.

Vòm trời âm u. Cả đến mảnh trời trên đầu tường cũng không thấy. Không phải tại sương mù ngoài hồ toả vào. Đấy là mưa bụi, hạt mưa từng làn lăng quăng, li ti đậu trên mái tóc. Phủi nhẹ một cái, rơi đâu mất. Mưa dây, mưa rợ, mưa phơi phới như rắc phấn mù mịt.

Mưa phùn đem mùa xuân đến. Mưa phùn khiến những chân mạ gieo muộn nảy xanh lá mạ. Dây khoai, cây cà chua rườm rà xanh rờn cái trảng ruộng cao. Mầm cây sau sau, cây nhuội, cây bàng hai bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác.

Những cây bằng lăng trơ trụi, lẻo khẻo, thiểu não như cắm cái cọc cắm. Thế mà mưa bụi đã làm cho cái đầu cành bằng lăng nhú mầm. Mưa bụi đọng lại, thành những bọng nước bọc trắng ngần như thủy tinh. Trên cành ngang, những hạt mưa thành dây chuỗi hạt trai treo lóng lánh. Ở búi cỏ dưới gốc, ô mạng nhện bám mưa bụi, như được choàng mảnh voan trắng.

Những cây bằng lăng mùa hạ ốm yếu lại nhú lộc. Vầng lộc non nẩy ra. Mưa bụi ấm áp. Cái cây được uống thuốc.

                                                                               Theo Tô Hoài

Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất cho các câu 1, 2, 3, 4,7:

1. Những cơn mưa nhắc đến trong bài là:

A.  mưa rào.

B.  mưa rào, mưa ngâu.

C.   mưa bóng mây, mưa đá.

D.  mưa rào, mưa ngâu, mưa dầm, mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

2. Hình ảnh nào không miêu tả mưa xuân?

A. Lăng quăng, li ti đậu trên mái tóc.

B. Mưa rào rào như quất vào mặt người qua đường.

C. Mưa dây, mưa rợ như rắc phấn mù mịt.

D. Mưa bụi đọng lại, thành những bọng nước bọc trắng ngần như thủy tinh.

3. Hình ảnh nào miêu tả sức sống của cây cối khi có mưa xuân?

A. Mưa phùn đem mùa xuân đến.

B. Vòm trời âm u. Cả đến mảnh trời trên đầu tường cũng không thấy.

C. Mầm cây sau sau, cây nhuội, cây bàng hai bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác...

D. Không có đáp án đúng

4. Nội dung của đoạn văn trên nói về điều gì?

A.  Tả mưa phùn, mưa bụi, mưa xuân.

B.   Vẻ đẹp của mùa xuân và sức sống của cây cối khi có mưa xuân.

C.  Cảnh cây cối đâm chồi nảy lộc.

D.  Vẻ đẹp của mùa xuân.

5. Sức sống của cây cối khi có mưa xuân được nói đến trong bài qua hình ảnh của những loài cây nào?

6. Em học tập được gì qua cách miêu tả của nhà văn qua bài văn trên?

7. Từ nào đồng nghĩa với "mưa phùn"?

A. Mưa bụi.                

B. Mưa bóng mây.                     

C. Mưa rào.

8. Viết 2 từ đồng nghĩa, 2 từ trái nghĩa với từ li ti.

9. Đặt 1 câu có từ "xuân" mang nghĩa gốc và 1 câu có từ "xuân" mang nghĩa chuyển?

10. Xác định chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ trong câu sau.  (Ghi CN, VN dưới từng bộ phận):

Những cây bằng lăng mùa hạ ốm yếu lại nhú lộc.

B. BÀI KIỂM TRA VIẾT

I. Chính tả: Nghe – viết

Giáo viên đọc cho học sinh viết bài: Nỗi niềm giữ nước giữ rừng (Tiếng Việt 5 - tập I trang 95) 

II. Tập làm văn:

Tả một cảnh đẹp vào buổi sáng trên quê hương em.

Đáp án

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

 

A. KIỂM TRA ĐỌC

I. Đọc thành tiếng:

II. Đọc thầm và làm bài tập

1.D

2.B

3.C

4.B

7.A

 

1.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý

Cách giải:

Phương án đúng: D. mưa rào, mưa ngâu, mưa dầm, mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.  

Chọn D.

2.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý

Cách giải:

Phương án đúng: B. Mưa rào rào như quất vào mặt người qua đường. 

Chọn B.

3.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý

Cách giải:

Phương án đúng: C. Mầm cây sau sau, cây nhuội, cây bàng hai bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác...              

Chọn C.

4.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và phân tích

Cách giải:

Phương án đúng: B. Vẻ đẹp của mùa xuân và sức sống của cây cối khi có mưa xuân.

Chọn B.

5.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý

Cách giải:

Các cây: mạ, khoai, cà chua, cây sau sau, cây nhuội, bàng, bằng lăng.

6.

Phương pháp: phân tích.

Cách giải:

Những điều em học tập được là: Cách sử dụng từ ngữ gợi tả, gợi cảm, sử dụng biện pháp nhân hóa, so sánh.

7.

Phương pháp: căn cứ bài Từ đồng nghĩa

Cách giải:

Phương án đúng: A. Mưa bụi

Chọn A.

8.

Phương pháp: căn cứ bài Từ đồng nghĩa, Từ trái nghĩa

Cách giải:

- Từ đồng nghĩa với “li ti”: nho nhỏ, lí tí.

- Từ trái nghĩa với “li ti”: to lớn, khổng lồ.

9.

Phương pháp: căn cứ bài Từ nhiều nghĩa

Cách giải:

Gợi ý:

“Xuân” mang nghĩa gốc: Mùa xuân đến trăm hoa đua nở.

“Xuân” mang nghĩa chuyển: Cô ấy đã ba mươi cái xuân xanh rồi mà vẫn còn lông bông lắm.

10.

Phương pháp: căn cứ vào các thành phần chính đã học: thành phần chính bao gồm chủ ngữ và vị ngữ.

Cách giải:

Những cây bằng lăng mùa hạ / ốm yếu lại nhú lộc.

                CN                                      VN

B. KIỂM TRA PHẦN VIẾT

I. Chính tả:

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng hình thức đoạn văn.

- Sai mỗi lỗi chính tả.

- Chữ viết rõ ràng, đúng về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, hoặc trình bày sạch đẹp,…

II. Tập làm văn:

Phương pháp: căn cứ nội dung bài về miêu tả, kết hợp linh hoạt giữa tả, kể,…

Cách giải:

Đảm bảo các yêu cầu sau:

- Viết được mở bài và kết bài của bài văn miêu tả.

- Viết được bài văn miêu tả cảnh theo đúng yêu cầu của đề bài: Bài viết đủ các phần: Mở bài, thân bài, kết bài theo yêu cầu đã học.

- Viết câu đúng ngữ pháp, không mắc lỗi chính tả.

- Bài viết sử dụng đúng về từ ngữ, tả có hình ảnh, câu văn ngắn gọn, thể hiện được cảm xúc chân thật... Toàn bài mắc không quá 4 lỗi về diễn đạt.

- Chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ.    

Gợi ý:

1. Mở bài:

- Giới thiệu về cánh đồng vào buổi sáng.

Em yêu cánh đồng quê em vào buổi sáng sớm, nó luôn cho e một cảm giác vô cùng bình yên và thư thái. Chỉ có ai ở nông thôn, gần gũi với cánh đồng mới hiểu rõ được cảm giác này. Cánh đồng quê em vào buổi sáng đẹp vô cùng.

2. Thân bài

Tả khái quát:

- Buổi sáng quê em rất bình yên và thanh bình.

- Tiếng gà gáy vang xa, báo hiệu một ngày làm việc đã đến.

- Mặt trời thức giấc sau một giấc ngủ say.

- Cánh đồng như một tấm lụa trải dài mang màu áo xanh tươi mát.

Tả chi tiết:

Tả cảnh:

- Không khí se lạnh nhưng mang dáng vẻ của một ngày mới an lành.

- Gió se thổi như muốn bắt đầu một ngày làm việc mát mẻ.

- Sương đọng trên những cành lá đang tan dần.

- Bầu trời mênh mông như một tấm lụa trải dài.

- Đồng lúa chín vàng, hương lúa tỏa hương thơm ngào ngạt.

- Những chú trâu đang lim dim mắt, chuẩn bị một ngày làm việc mới.

 - Những chú cò bay lượn, ngã mình xuống từng cọng lúa như tận hưởng hương vị buổi sáng.

- Con đường làng trải dài, thẳng tắp.

- Nắng nhẹ vươn trên ngọn cây.

 Tả hoạt động:

- Mọi người bắt đầu công việc của mình.

- Các cô chú đang nói chuyện vui vẻ vác cuốc ra đồng.

- Thấp thoáng có vài bóng tát nước dưới đồng ruộng.

- Cậu bé chăn trâu ngồi trên lưng trâu.

- Em đang tung tăng trên đường đi học.

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về cảnh cánh đồng vào buổi sáng.

Nhìn cánh đồng bao la bát ngát, nhìn quê hương thanh bình, em yêu vô cùng nơi em đã sinh ra và đang lớn lên. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này xây dựng quê hương thêm xinh đẹp và một ngày càng giàu đẹp hơn.

Tải về

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close