Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 7 - Đề số 2 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 7 - Đề số 2 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

I. PHẦN TIẾNG VIỆT

Câu 1: 

Thế nào là đại từ? Đại từ được chia làm mấy loại?

Câu 2: 

Đặt một câu có sử dụng từ láy và cho biết từ láy đó thuộc loại nào?

II. PHẦN VĂN BẢN

Câu 1: 

Chép tiếp các câu sau để hoàn thành bài thơ Bạn đến chơi nhà và cho biết tác giả của bài thơ là ai?

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

….

Câu 2: 

Qua văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê , Khánh Hoài muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?

III. TẬP LÀM VĂN Vận dụng cao 

Cảm nghĩ về thầy (cô) giáo mà em yêu quý.

Lời giải chi tiết

Phần

Nội dung

I

1.

Phương pháp: căn cứ bài Đại từ

Cách giải:

- Đại từ là những từ dùng để trỏ người, sự vật, hoạt động, tính chất,… được nói đến trong một ngữ cảnh nhất định của lời nói hoặc dùng để hỏi.

- Đại từ chia làm hai loại:

+ Đại từ để trỏ.

+ Đại từ để hỏi.

2.

Phương pháp: căn cứ bài Từ láy

Cách giải:

- Đặt câu: Những ngôi nhà kia thật xinh xắn

- Từ láy: xinh xắn (láy bộ phận)

II

1.

Phương pháp: căn cứ bài Bạn đến chơi nhà

Cách giải:

- Chép thơ:

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Đầu trò tiếp khách, trầu không có

Bác đến chơi đây, ta với ta!

- Tác giả: Nguyễn Khuyến.

2.

Phương pháp: căn cứ bài Cuộc chia tay của những con búp bê

Cách giải:

Qua văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê, Khánh Hoài muốn gửi đến người đọc thông điệp: Tổ ấm gia đình, hạnh phúc gia đình, tình cảm gia đình là vô cùng quý giá, thiêng liêng; mỗi người, mỗi thành viên phải biết vun đắp, giữ gìn những tình cảm trong sáng, thân thiết ấy.

III

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Yêu cầu về hình thức:

- Bài làm đúng thể loại văn biểu cảm: Giàu cảm xúc.

- Xây dựng bố cục đủ ba phần.

- Lời văn rõ ràng, mạch lạc.

- Trình bày sạch đẹp, đúng chính tả.

Yêu cầu về nội dung:

1. Mở bài:

Giới thiệu về người thầy (người cô), lí do em viết về người thầy (người cô) ấy.

2. Thân bài:

Những cảm xúc, đánh giá, nhận xét của bản thân về người thầy (người cô):

- Hình dáng, lời nói, cử chỉ... của người thầy (người cô) để lại trong em nhiều ấn tượng.

- Những việc làm, hành động đáng nhớ của người thầy (người cô) ấy.

- Thái độ cư xử của người thầy (người cô) với mọi người, với bản thân làm em cảm phục, quý mến,...

- Những việc em đã làm hoặc định làm đối với người thầy (người cô) để thể hiện lòng biết ơn.

3. Kết bài: 

Khẳng định tình cảm, thái độ của em đối với người thầy (người cô).

Loigiaihay.com