Đề kiểm tra giữa kì 1 lịch sử 7- Đề số 4 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra giữa kì 1 lịch sử 7 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Quảng cáo
Đề bài TRẮC NGHIỆM Câu 1. Lãnh chúa phong kiến được hình thành từ những tầng lớp nào của xã hội châu Âu cổ đại? A. Những người Giec-man giàu có. B. Các chủ nô Rô-ma. C. Các tướng lĩnh quân sự và quý tộc. D. Những người nông dân nhiều ruộng đất. Câu 2. Tác động lớn nhất của lãnh địa phong kiến đến chính trị châu Âu là gì? A. Góp phần củng cố quyền lực cho chế độ phong kiến châu Âu. B. Góp phần thống nhất các vùng đất đã bị người Giéc-man xâm chiếm. C. Góp phần củng cố chế độ phong kiến phân quyền. D. Góp phần xóa bỏ chế độ phong kiến phân quyền. Câu 3. Nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc phát kiến địa lí từ giữa thế kỉ XV là gì? A. Do nhu cầu phát triển của sản xuất cần phải tìm vàng bạc, nguyên liệu, thị trường mới. B. Do sự phát triển mạnh của các công trường thủ công và công ti thương mại. C. Do dân số tăng lên quá nhanh, đặt ra nhu cầu phải tìm những vùng đất mới. D. Do nhu cầu khám phá, du lịch của tầng lớp quý tộc phong kiến châu Âu. Câu 4. Ông vua kiệt xuất của Vương triều Mô-gôn là ai? A. Vua A-sô-ca. B. Vua A-cơ-ba. C. Vua Hác-sa. D. Vua Gúp-ta. Câu 5. Khoảng thời gian nào là thời kì phát triển thịnh vượng của các quốc gia phong kiến ở Đông Nam Á? A. Từ khoảng sau thế kỉ I đến đầu thế kỉ XV. B. Từ khoảng thế kỉ X đến đầu thế kỉ XV. C. Từ khoảng nửa sau thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVIII. D. Từ khoảng thế kỉ IX đến đầu thế kỉ XVIII. Câu 6. Ý nào dưới đây phản ánh không đúng lí do Đinh Bộ Lĩnh quyết định bỏ chức tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc? A. Khẳng định đất nước không lệ thuộc vào Trung Quốc. B. Nêu cao truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc. C. Khẳng định ý chí quyết giữ vững nền độc lập vừa giành lại được sau hơn mười thế kỷ. D. Muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Câu 7. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nối tiếp sự nghiệp của nhà Đinh là triều đại nào? A. Nhà Lý. B. Nhà Tiền Lê. C. Nhà Trần. D. Nhà Hậu Lê. Câu 8. Ý nào sau đây không phản ánh đúng lí do Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long? A. Thế kỉ XI, kinh tế đã bước đầu phát triển, tạo đà cho sự phát triển đất nước. B. Vua Lý không muốn đóng đô ơ Hoa Lư vì nhà Đinh – Tiền Lê đã ở trước đó. C. Hoa Lư là vùng đất hẹp, nhiều núi đá, hạn chế sự phát triển lâu dài của đất nước. D. Địa thế của Thăng Long rất thuận lợi về giao thông và phát triển đất nước lâu dài. Câu 9. Một trong những hành động của nhà Lý thực hiện trước âm mưu xâm lược của quân Tống là gì? A. Tăng cường xây dựng các công trình phòng thủ kiên cố. B. Cho quân đội luyện tập và canh phòng suốt đêm. C. Mở trận chiến trên sông Như Nguyệt, giành thắng lợi quyết định. D. Chủ trương giảng hòa với quân Tống để giữ mối quan hệ. Câu 10. Lý Thường Kiệt chọn sông Như Nguyệt làm phòng tuyến chống quân xâm lược Tống không xuất phát từ lí do nào sau đây? A. Sông Như Nguyệt là một chiến hào tự nhiên khó có thể vượt qua. B. Gây khó khăn cho quân Tống vì lực lượng chủ yếu là bộ binh. C. Dựa trên truyền thống đánh giặc trên sông của các triều đại trước. D. Là con sông chặn ngang tất cả các ngả đường bộ từ Quảng Tây vào Thăng Long. Câu 11. Bốn câu thơ sau nói về sự lên ngôi của vị vua nào? “Công Uẩn công cả quốc gia Giữ lăng hết thảo, thờ vua hết lòng Ứng điềm thập bát tử thành Cho chàng đại thống để dành làm chi”. (Trích: Thiên Nam ngữ lục) A. Lý Thái Tông. B. Lý Thái Tổ. C. Lý Nhân Tông. D. Lý Thánh Tông. Câu 12. Một trong những nguyên nhân khiến nhà Lý không dùng gấm vóc của nhà Tống là gì? A. Chính sách đóng cửa của nhà Tống. B. Nhà Tống đang xâm lược nước ta. C. Sản xuất đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của dân. D. Không muốn bị lệ thuộc vào nước ngoài. Câu 13. Nghệ thuật thời Lý có đặc điểm gì nổi bật? A. Chủ yếu là thành quả của nghệ thuật dân gian. B. Đa dạng, độc đáo, linh hoạt. C. Số lượng nghệ nhân tăng nhanh. D. Nhiều công trình đồ sộ được chú trọng xây dựng. Câu 14. Điểm chung trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (981) và cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075 – 1077) là A. Đề do vua trực tiếp chỉ huy, tổ chức cuộc kháng chiến. B. Đều đánh dấu thắng lợi bằng trận chiến trên sông. C. Đều đánh bại sự kết hợp quân thủy bộ của địch. D. Đều chủ động đánh địch trước khi chúng tiến vào. II. TỰ LUẬN Câu 15. Trong hệ tư tưởng Nho giáo ở Trung Quốc, quan điểm về "Tam cương" và "Ngũ thường" là gì? Các nhân vật gắn liền với sự phát triển của Nho giáo là ai? Câu 16. Vì sao nói rằng: người Khơ-me đã sớm tiếp thu và ảnh hưởng nền văn hóa của Ấn Độ? Câu 17. Vì sao nhân dân ta chống Tống thắng lợi? Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này. Lời giải chi tiết TRẮC NGHIỆM
Câu 1 Phương pháp: sgk trang 4 Cách giải: Người Giéc-man phân chia ruộng đất chiếm được từ chủ nô Rô-ma cũ và phong tước vị chủ yếu cho các tướng lĩnh quân sự và quý tộc => Hình thành tầng lớp lãnh chúa phong kiến. Chọn: C Câu 2 Phương pháp: sgk trang 5, suy luận Cách giải: Mỗi lãnh chúa cai quản riêng biệt trong các lãnh địa thực chất là mỗi ông “vua con”, có quyền đặt ra luật pháp, quân đội, chế độ hôn nhân,... và nhà vua không có quyền can thiệp vào các lãnh địa. =>Tác động lớn nhất của lãnh địa phong kiến đến chính trị châu Âu là góp phần củng cố chế độ phong kiến phân quyền. Chọn: C Câu 3 Phương pháp: sgk trang 6 Cách giải: - Từ giữa thế kỉ XV, do yêu cầu phát triển của sản xuất nên các thương nhân Châu Âu rất cần nhiều vàng bạc, nguyên liệu cũng như thị trường mới. Họ muốn tìm con đường biển để sang buôn bán với Ấn Độ và các nước phương Đông. => Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc phát kiến địa lí Chọn: A Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa dân tới các cuộc phát kiến địa lí đó là: con đường buôn bán từ Tây sang Đông đi qua Tây Á và Địa Trung Hải bị người Ả Rập độc chiếm, càng thúc đẩy các nhà phát kiến địa lí tìm con đường mới sang phương Đông. Câu 4 Phương pháp: sgk trang 16. Cách giải: Người lập nên Vương triều Mô-gôn, là vua A-cơ-ba. Đây là ông vua kiệt xuất của triều Mô-gôn, đã thi hành nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ sự kì thị tôn giáo, thủ tiêu đặc quyền Hồi giáo, khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa Ấn Độ. Chọn: B Vương triều Mô-gôn là do người Mông Cổ xâm chiếm lập nên nhưng đã thi hành nhiều chính sách tiến bộ ở Ấn Độ. Câu 5 Phương pháp: sgk trang 19. Cách giải: Từ khoảng nửa sau thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVIII, là thời kì phát triển thịnh vượng của các quốc gia phong kiến Đông Nam Á: +In-đô-nê-xi-a: Vương triều Mô-giô-pa-hit (1213 - 1527) +Trên bán đảo Đông Dương: Đại Việt, Cham-pa, Cam-pu-chia +Vương quốc Pa-gan (Mi-an-ma) +Vương quốc Su-khô-thay (Thái Lan) +Vương quốc Lạn-Xạng (Lào) Chọn: C Câu 6 Phương pháp: sgk trang 25, lý giải, loại trừ. Cách giải: Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc và tự xưng Vương, - Tiết độ sứ là tên của một chức có nguồn gốc từ Trung Quốc, vì vậy Ngô Quyền đã bỏ chức tiết độ xứ của mình ý khẳng định đất nước không lệ thuộc vào Trung Quốc - Đó là một việc làm có ý nghĩa nêu cao truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc, biểu thị ý chí quyết giữ vững nền độc lập vừa giành lại được sau hơn mười thế kỷ, đấu tranh bền bỉ chống xâm lược và đô hộ của phong kiến nước ngoài. => Loại trừ đáp án D: Khẳng định mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Chọn: D Sự kiện Ngô Quyền xưng Vương lập ra nhà Ngô đã đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đô hộ của phong kiến phương Bắc, đập tan mưu đồ ngông cuồng chiếm lĩnh An Nam của chúng, đưa nước ta vào một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập lâu dài, thoát ra khỏi sự đô hộ của ngoại bang... Câu 7 Phương pháp: sgk trang 29 - 30 Cách giải: - Cuối năm 979, nội bộ triều Đinh xảy ra một số biến cố. Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị ám hại. Vua mới còn nhỏ, Lê Hoàn được cử làm phụ chính. Một số tướng dấy binh chống lại, đã bị Lê Hoàn đánh bại. Nhân cơ hội đó, nhà Tống lăm le xâm phạm bờ cõi Đại Cồ Việt. - Trước tình thế hiểm nghèo, các tướng lĩnh và quân đội đồng lòng suy tôn Lê Hoàn lên làm vua để chỉ huy kháng chiến. - Lê Hoàn (Lê Đại Hành) đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lập nên nhà Lê, gọi là nhà Tiền Lê => Như vậy, nối tiếp sự nghiệp của nhà Đinh là nhà Tiền Lê. Chọn: B Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có hai triều Lê. Sử cũ gọi là Tiền Lê và Hậu Lê (Lê sơ): - Nhà Tiền Lê là nhà Lê do Lê Hoàn lập nên, tiếp sau nhà Đinh và trước nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. - Nhà Hậu Lê (1418 – 1527, 1533 – 1789), được thành lập sau khi vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh. Nhà Hậu Lê gồm hai giai đoạn: Lê sơ (1428-1527) và Lê trung hưng (1533-1789). Câu 8 Phương pháp: sgk trang 35, lý giải, loại trừ. Cách giải: Dựa vào sự lí giải nguyên nhân Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long: - Trong Chiếu dời đô có nêu rõ: “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng thế đất cao mà sáng sủa dân cư không cổ tháp trũng tối tăm muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh xem khắp đất việt đó là nơi thắng địa thực là chỗ tụ hội quan yếu bốn phương đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.” - Địa thế của Thăng Long rất thuận lợi về giao thông và phát triển đất nước lâu dài (tham khảo Chiếu dời đô). – Hoa Lư là vùng đất hẹp, nhiều núi đá, hạn chế sự phát triển lâu dài của đất nước. – Việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) thể hiện quyết định sáng suốt của vua Lý Công Uẩn, tạo đà cho sự phát triển đất nước. => Loại trừ đáp án B: Vua Lý không muốn đóng đô ơ Hoa Lư vì nhà Đinh – Tiền Lê đã ở trước đó. Chọn: B Câu 9 Phương pháp: sgk trang 39. Cách giải: Trước âm mưu xâm lược của nhà Tống, vua tôi nhà Lý đã: - Chuẩn bị đối phó: + Cử thái úy Lý Thường Kiệt - một người có cốt cách và tài năng phi thường làm người chỉ huy, tổ chức cuộc kháng chiến. + Quân đội luyện tập và canh phòng suốt ngày đêm. + Các tù trưởng được phong chức tước cao, được lệnh mộ thêm binh đánh trả các cuộc quấy phá, làm thất bại âm mưu dụ dỗ của nhà Tống. + Đem quân xuống phía Nam, đánh bại ý đồ tiến công phối hợp của nhà Tống với Cham-pa. - “Tiến công trước để tự vệ”: + Tháng 10-1075, Lý Thường Kiệt cùng Tông Đản chỉ huy hơn 10 vạn quân thủy - bộ, chia làm hai đạo tấn công vào đất Tống. Nhằm tiêu diệt các căn cứ tập kết quân, phá hủy các kho tàng của giặc. + Đạt được mục tiêu, Lý Thường Kiệt chủ động rút quân, chuẩn bị phòng tuyến chặn địch ở trong nước. Chọn: B Câu 10 Phương pháp: sgk trang 41, suy luận. Cách giải: Lý Thường Kiệt chọn sông Như Nguyệt làm phòng tuyến chống quân xâm lược Tống, vì: - Đây là con sông chặn ngang tất cả các ngả đường bộ từ Quảng Tây (Trung Quốc) vào Thăng Long. - Sông Như Nguyệt bấy giờ có lòng sông sâu, rộng, là một chiến hào tự nhiên khó có thể vượt qua. - Lực lượng của nhà Tống chủ yếu là bộ binh: 10 vạn bộ binh tinh nhuệ, 1 vạn ngựa chiến và 20 vạn dân phu. Chọn: C Trong lịch sử dân tộc trước thời Lý ta có hai chiến thắng trên sông Bạch Đằng lừng lẫy: - Chiến thắng trên sông Bạch Đằng (938) do Ngô Quyền lãnh đạo. - Chiến thắng trên sông Bạch Đằng chống quân Tống (981) do Lê Hoàn lãnh đạo. Tuy nhiên, đó không phải là nhân tố liên quan khiến Lý thường Kiệt chọn sông Như Nguyệt làm phòng tuyến chống quân xâm lược Tống. Câu 11 Phương pháp: Liên hệ Cách giải: - Bốn câu thơ trên nói về sự lên ngôi của Lý Công Uẩn – tức vua Lý Thái Tổ. - Thiên Nam ngữ lục kể Thái hậu nhà Lê cử Lý Công Uẩn đi canh Quy lăng cho chúa (vua Lê), sau 3 năm đoạn tang về được tôn lên ngôi vua: “Công Uẩn công cả quốc gia Giữ lăng hết thảo, thờ vua hết lòng Ứng điềm thập bát tử thành Cho chàng đại thống để dành làm chi” Nói cách khác, Công Uẩn là người cai quản miền quê cha đất tổ của họ Lê (tức là vùng Tĩnh Hải), sau khi vua Lê ở phương Bắc mất, đã lên ngôi vua ở đất này. Chọn: B Câu 12 Phương pháp: sgk trang 45, suy luận. Cách giải: - Hàng tơ lụa của Đại Việt thời Lý đã có sự phát triển vượt bậc. Trong nước đã sản xuất được loại gấm vóc tốt, có nhiều thợ thủ công giỏi, khéo tay làm ra loại gấm vóc không thua kém gì so với gấm vóc của nhà Tống. - Việc các vua Lý không dùng gấm vóc của nhà Tống, thể hiện: + Ý nghĩa to lớn về tinh thần yêu nước, tự lực của dân tộc không muốn bị lệ thuộc vào nước ngoài. + Thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển, nhất là các nghề thủ công như: ươm tơ, dệt lụa,... => Một trong những nguyên nhân nhà Lý thực hiện chính sách không dùng gấm vóc của nhà Tống là do không muốn lệ thuộc vào nước ngoài. Chọn: D Câu 13 Phương pháp: Nhận xét, đánh giá. Cách giải: Nghệ thuật thời Lý phát triển đa dạng, độc đáo, mang những nét riêng của dân tộc, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta thời bấy giờ. - Nhiều công trình nghệ thuật có giá trị như: Chùa Một Cột, tháp Báo Thiên (Thăng Long), tháp Chương Sơn (Nam Định), chuông chùa Trùng Quang (Bắc Ninh),… thể hiện trình độ khéo léo, tinh vi của bàn tay người nghệ nhân. - Ngoài ra, các loại hình nghệ thuật ca múa dân gian như: hát chèo, múa rối nước,… cùng nhiều nhạc cụ dân tộc đặc sắc cũng rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều nơi. => Như vậy, nghệ thuật thời Lý mang phong cách đa dạng, độc đáo, linh hoạt đã đánh dấu sự ra đời của một nền văn hóa riêng của dân tộc - văn hóa Thăng Long. Đây chính là thời kì định hình một nền văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc. Chọn: B Câu 14 Phương pháp: So sánh, liên hệ. Cách giải: Chọn: B TỰ LUẬN Câu 15 Phương pháp: sgk trang 14, suy luận. Cách giải: - Quan điểm của Nho giáo về quan hệ "Tam cương" là quan hệ giữa vua – tôi, chồng - vợ, cha - con. - Quan hệ "Ngũ thường" nói về nhân – lễ - nghĩa - trí - tín. - Khổng Tử muốn lập kỉ cương xã hội thông qua các mối quan hệ trên. - Các nhân vật gắn với sự phát triển của Nho giáo là: Khổng Tử, Mạnh Tử, Đổng Trọng Thư. Câu 16 Phương pháp: sgk trang 20, suy luận. Cách giải: - Thông qua Vương quốc Phù Nam, người Khơ-me tiếp thu đạo Bà La Môn và đạo Phật, chịu ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của Ấn Độ. - Lúc đầu, người Khơ-me dùng chữ Phạn là chữ viết của người Ấn Độ; Sau đó, trên cơ sở chữ Phạn, đến thế kỉ VII người Khơ-mc mới sáng tạo ra chữ viết riêng của mình: chữ Khơ-me cổ. → Những ảnh hưởng đó của văn hóa Ấn Độ đã đẩy nhanh quá trình hình thành nhà nước của người Khơ-me. Câu 17 Phương pháp: đánh giá, nhận xét. Cách giải: * Nguyên nhân thắng lợi: - Do tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập tự chủ cũng như truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc. - Có sự lãnh đạo cùng chiến thuật tài tình của vị tướng Lý Thường Kiệt. - Nhà Tống đang trong thời kì khủng hoảng. * Ý nghĩa lịch sử: - Kháng chiến chống Tống thắng lợi đập tan ý chí xâm lược của giặc, buộc nhà Tống từ bỏ giấc mộng thôn tính Đại Việt. Đất nước bước vào thời kì thái bình. - Cuộc kháng chiến thắng lợi thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược. - Thắng lợi của cuộc kháng chiến góp phần làm vẻ vang thêm trang sử của dân tộc, để lại nhiều bài học kinh nghiệm chống ngoại xâm cho các thế hệ sau.
Loigiaihay.com
Quảng cáo
|