Đề kiểm tra giữa kì 1 lịch sử 7 - Đề số 2 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa kì 1 lịch sử 7 - Đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM

Câu 1 .Các phường hội, thương hội được lập ra trong các thành thị trung đại châu Âu nhằm mục đích gì?

A. Cạnh tranh công bằng.                                                     B. Giúp đỡ nhau cùng sản xuất và buôn bán.

C.  Tạo thêm công việc cho nông nô.                                    D. Thành lập các hội buôn lớn hơn.

Câu 2. Tác động lớn nhất khi người Giéc-man tràn vào xâm chiếm lãnh thổ của đế quốc Rô-ma là gì?

A. Sự thành lập hàng loạt vương quốc mới.

B. Một bộ phận chủ nô và nô lệ Rô-ma bị mất ruộng đất.

C. Sự hình thành xã hội phong kiến ở châu Âu.

D. Sự suy tàn của các đế quốc Rô-ma cổ đại.

Câu 3. Vì sao người nông nô phải làm thuê trong các xí nghiệp tư bản?

A. Họ bị tư bản và phong kiến cướp hết ruộng đất.

B. Họ không muốn lao động bằng nông nghiệp.

C. Họ có thể giàu lên, trở thành tư sản.

D. Họ có điều kiện việc làm tốt hơn trong các xí nghiệp.

Câu 4. Hai giai cấp cơ bản trong xã hội phong kiến phương Tây và phương Đông tương ứng với

A. mâu thuẫn cơ bản trong xã hội.                                        B. quyền lực của lãnh chúa.  

C.  quyền lực của địa chủ.                                                     D.  đặc điểm chính trị.

Câu 5. Ai là người giả làm người lái đò chở sứ giả Lý Giác nhà Tống qua sông và là tác giả của bài thơ khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước sau:

“Vận nước như mây quấn,

Trời nam hưởng thái bình.

Vô vi trên điện các,

Chốn chốn dứt đao binh”.

A. Thiền sư Vạn Hạnh.          B. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận. 

C. Thiền sư Khuông Việt.      D. Thiền sư Phù Trì.

Câu 6. Tại sao giai cấp tư sản lại chọn văn hoá để mở đầu cho phương thức đấu tranh chống phong kiến?

A. Lực lượng của giai cấp tư sản không muốn đấu tranh bằng bạo lực với giai cấp phong kiến.

B. Đấu tranh bằng chính trị, kinh tế, quân sự sẽ đem lại nhiều tổn thất cho giai cấp tư sản.

C. Giai cấp tư sản không đủ sức mạnh để đấu tranh chống phong kiến trên lĩnh vực khác. 

D. Những giá trị văn hoá góp phần tác động, tập hợp lực lượng chống lại chế độ phong kiến.

Câu 7. Người có vai trò to lớn trong quá trình đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua là ?

A. Lê Long Việt                     B. Vạn Hạnh                          C. Lý Khánh Văn                  D. Lê Long Đĩnh

Câu 8. Tác phẩm nào sau đây của Trung Quốc không thuộc thể loại tiểu thuyết?

A. Đường thư.                       B.  Thủy hử.                           C. Tam quốc diễn nghĩa.        D. Hồng lâu mộng.

Câu 9. Nguyên nhân sâu xa nào khiến vương quốc Lan Xang suy yếu?

A. Những cuộc tranh chấp ngôi vua trong hoàng tộc.          B. Người Thái di cư và làm phân tán Lào

C. Các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng phát.                       D.  Pháp gây chiến tranh xâm lược Lào.

Câu 10. Ý nào sau đây lí giải không đúng nguyên nhân Ấn Độ được coi là một trong những trung tâm văn minh của nhân loại?

A.  Những thành tựu văn hóa được các nước phương Tây áp dụng rộng rãi.

B. Được hình thành sớm (khoảng thiên niên kỉ III TCN).

C. Nền văn hóa phát triển cao, rực rỡ và còn sử dụng đến ngày nay.

D. Ảnh hưởng sâu rộng tới các nước Đông Nam Á.

Câu 11.Từ thế kỉ XVI đến XIX là giai đoạn chế độ phong kiến phương Đông

A. phát triển thịnh đạt.           B. bước đầu hình thành.         C. sụp đổ hoàn toàn.              D.  khủng hoảng.

Câu 12. Hãy lựa chọn các từ phù hợp để điền vào chỗ trống trong đoạn sử liệu sau:

“………(1) có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo , mở nước xưng vương, làm cho giặc...........(2) không dám lại san nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chưa xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng………(3) của nước Việt ta dã giành lại được hoàn toàn.”

(Sử gia Ngô Sĩ Liên)

A. Ngô Quyền, Tống, tự chủ.                                                                                              B. Ngô Quyền, Nam Hán, tự chủ.

C. Ngô Quyền, Nam Hán, độc lập.                                       D. Ngô Quyền, Nam Hán, chủ quyền.

Câu 13. Người Ấn Độ đã có chữ viết của mình từ rất sớm, phổ biến nhất là chữ gì?

A. Chữ tượng hình.                B. Chữ tượng ý.                     C. Chữ Hin-đu.                      D. Chữ Phạn.  

Câu 14. Ở cấp địa phương dưới triều Ngô, người đứng đầu các châu được gọi là

A. Thứ sử.                              B. Quan lại.                            C. Quan châu.                        D. Tiết độ sứ.

Câu 15. Nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp dưới thời Lý có mối quan hệ với nhau như thế nào?

A. Gắn bó chặt chẽ, tạo động lực cũng phát triển.

B.  Nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

C. Thủ công nghiệp phát triển nhờ nông nghiệp.

D.  Thương nghiệp liên quan mật thiết với nông nghiệp.

Câu 16. Chủ trương đối phó của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống là:

A. Chủ động tiến công để chặn thế mạnh của giặc               B. Ngồi yên đợi giặc đến

C. Phòng thủ những nơi trọng yếu                                       D. Phân tán lực lượng

Câu 17. Thời Đinh – Tiền Lê, những bộ phận nào thuộc tầng lớp bị trị?

A. Nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và một số ít địa chủ.

B. Địa chủ cùng một số thứ sử các châu.

C. Nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và một số ít địa chủ, nô tì.

D. Thợ thủ công và thương nhân cùng một số nhà sư.

Câu 18. Một trong những nguyên nhân xuyên suốt đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược trong thế kỉ X – XI là

A. Nhà Tống đang trong thời kì khủng hoảng.                     B. Tinh thần yêu nước của quan lại triều đình.

C. Truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc.               D. Chiến thuật công tâm độc đáo.

II. TỰ LUẬN

Câu 19. Em hãy trình bày chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Đường.

Câu 20. Sự phát triển của vương quốc Cam-pu-chia thời Ăng-co được biểu hiện như thế nào?

Câu 21. Nhà Đinh làm gì để xây dựng đất nước? Việc nhà Đinh đặt tên nước và không dùng niên hiệu của Trung Quốc có ý nghĩa gì?

Lời giải chi tiết

I. TRẮC NGHIỆM

1B

2C

3A

4A

5B

6D

7B

8A

9A

10A

11D

12C

13D

14A

15A

16A

17A

18C

 

 

 

Câu 1

Phương pháp:  sgk trang 6

Cách giải:

Trong các thành thị, lập ra các phường hội, thương hội để tránh được sự sách nhiễu của chế độ phong kiến và giúp đỡ nhau cùng sản xuất và buôn bán.

Chọn: B

Câu 2

Phương pháp: sgk trang 3, suy luận

Cách giải:

Khi người Giéc-man tràn vào xâm chiếm lãnh thổ của đế quốc Rô-ma:

- Tiêu diệu đế quốc Rô-ma, lập nên các vương quốc mới

- Chiếm ruộng đất của chủ nô Rô-ma cũ rồi chia cho các tướng lĩnh quân sự và quý tộc, phong tước vị => Hình thành tầng lớp lãnh chúa phong kiến.

- Người nô lệ và nông dân => Hình thành tầng lớp nông nô.

=> Tác động lớn nhất là hình thành nên xã hội phong kiến châu Âu với hai tầng lớp: Lãnh chúa phong kiến và nông nô.

Chọn: C

Câu 3

Phương pháp: sgk trang 7, suy luận, loại trừ.

Cách giải:

Ở châu Âu, quý tộc phong kiến và tư bản dùng bạo lực để cướp đoạt ruộng đất, đuổi nông nô ra khỏi lãnh địa. Nông nô không có ruộng đất cày cấy nên buộc phải làm thuê trong các xí nghiệp của tư sản.

Chọn: A

Câu 4

Phương pháp: suy luận.

Cách giải:

Hai giai cấp cơ bản trong xã hội phong kiến phương Đông và phưng Tây tương ứng với mâu thuẫn cơ bản trong xã hội. Bởi vì:

- Địa chủ bóc lột nông dân lĩnh canh => Mâu thuẫn địa chủ >< nông dân lĩnh canh.

- Lãnh chúa bóc lột nô lệ => Mâu thuẫn lãnh chúa >< nô lệ

Chọn: A

Câu 5

Phương pháp: Liên hệ

Cách giải:

- Các nhà Sư trong thời Đinh Lê đã tham gia rất nhiều công việc trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc. Họ thường được nhà vua giao cho các công việc ngoại giao và cố vấn chính trị. Đặc biệt sư Khuông Việt và Pháp Thuận đã được nhà vua giao tiếp đón xứ thần Trung Quốc.

- Năm 987, vua Lê Đại Hành đã sai Pháp Thuận giả làm người lái đò để đón sứ là Lý Giác.

- Thiền sư Pháp Thuận (915 – 990) họ Đỗ, tu ở chùa Cổ Sơn (Thanh Hóa). Ngài là học trò của Thiền sư Phù Trì ở chùa Long Thụ. Theo Thiền Uyển tập anh, Ngài là người “Bác học, hay thơ, có tài vương tá, hiểu rõ việc đời”. Khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, Ngài đã trả lời bằng một bài kệ:

"Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên Lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh".

(Vận nước như mây quấn,

Trời nam hưởng thái bình.

Vô vi trên điện các,

Chốn chốn dứt đao binh).

Chọn: B

Câu 6

Phương pháp: sgk trang 3, suy luận

Cách giải:

- Phong trào Văn hóa Phục hưng là: Khôi phục lại nền văn hoá Hy-Lạp Rô-Ma cổ đại, sáng tạo nền văn hoá mới của giai cấp tư sản.

- Những thành tựu văn hóa từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII không đáp ứng được nhu cầu của giai cấp tư sản mới ra đời, họ không thể chịu được sự ràng buộc của hệ tư tưởng phong kiến lỗi thời.

=> Những giá trị văn hoá cổ đại là tinh hoa nhân loại, việc khôi phục nó sẽ góp phần tác động, tập hợp được đông đảo lực lượng chống lại chế độ phong kiến.

Chọn: D

Câu 7

Phương pháp: sgk trang 35

Cách giải:

Cuối năm 1009 Lê Long Đĩnh qua đời. Triều thần chán ghét nhà Tiền Lê vì vậy các tăng sư và đại thần đứng đầu là sư Vạn Hạnh tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, nhà Lý thành lập

Chọn: B

Câu 8

Phương pháp: sgk trang 14, loại trừ, suy luận.

Cách giải:

- Tiểu thuyết là một hình thức văn học mới phát triển ờ thời Minh, Thanh.

- Nhiều tác phẩm lớn, nổi tiếng đã ra đời trong giai đoạn này như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thuỷ hử của Thi Nại Am, Tây du kí của Ngô Thừa Ân, Hồng lâu mộng cùa Tào Tuyết Cần...

Chọn: A

Chú ý khi giải:

Đường thư thuộc lĩnh vực sử học.

Câu 9

Phương pháp: sgk trang 21, suy luận.

Cách giải:

Thế kỉ XVIII, Vương quốc Lan Xang suy yếu dần với lí do chính là những cuộc tranh chấp ngôi vua trong hoàng tộc. Đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị và nội bộ.

Chọn: A

Chú ý khi giải:

Người Thái di cư và làm phân tán Lào là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Vương quốc Lan Xang.

Câu 10

Phương pháp: sgk trang 17, suy luận, loại trừ.

Cách giải:

Ấn Độ được coi là một trong những trung tâm văn minh của nhân loại vì các lí do sau đây:

- Ấn Độ được hình thành sớm (khoảng thiên niên kỉ III TCN).

- Nền văn hóa phát triển cao, rực rỡ; trong đó, một số thành tựu còn sử dụng đến ngày nay.

- Ảnh hưởng sâu rộng tới quá trình phát triển và văn hóa các nước Đông Nam Á.

=> Loại trừ đáp án những thành tựu văn hóa được các nước phương Tây áp dụng rộng rãi.

Chọn: A

Câu 11

Phương pháp: sgk trang 23.

Cách giải:

Chế độ phong kiến phương Đông rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong khoảng các thế kỉ XVI– XIX, trước khi chủ nghĩa tư bản phương Tây đặt chân đến làm cho các nước này trở thành thuộc địa hoặc lệ thuộc.

Chọn: D

Chú ý khi giải:

Ví dụ: Ở Việt Nam, sự khủng hoảng biểu hiện rõ nhất dưới thời kì nhà Nguyễn, đặc biệt là thời kì các vị vua cuối triều đại. Do không cải cách, canh tân đất nước và nhiều chính sách sai lầm đã làm cho tiềm lực đất nước suy yếu trở thành “miếng mồi ngon” cho tư bản Pháp đến xâm lược (năm 1858).

Câu 12

Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học lớp 6.

Cách giải:

(1). Ngô Quyền

(2). Nam Hán

(3). Độc lập

Chọn: C

Câu 13

Phương pháp: sgk trang 17.

Cách giải:

Người Ấn Độ đã có chữ viết của mình từ rất sớm, phổ biến nhất là chữ Phạn. Chữ Phạn đã trở thành ngôn ngữ, văn tự để sáng tác các tác phẩm văn học, thơ ca, các bộ kinh, đồng thời là nguồn gốc của ngôn ngữ và chữ viết Hin-đu thông dụng hiện nay ở Ấn Độ.

Chọn: D

Câu 14

Phương pháp: sgk trang 25

Cách giải:

Ở địa phương, Ngô Quyền cử các tướng có công coi giữ các châu quan trọng. Đinh Công Trứ làm Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh), Kiều Công Hãn làm Thứ sử Phong Châu (Phú Thọ), …

=> Như vậy, dưới triều Ngô, người đứng đầu các châu được gọi là Thứ sử.

Chọn: A

Câu 15

Phương pháp: Phân tích, nhận xét.

Cách giải:

Mối quan hệ giữa nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp:

- Về nông nghiệp:

+ Sản xuất nông nghiệp phát triển tạo ra nhiều sản phẩm, phục vụ đời sống nhân dân.

+ Đời sống nhân dân ổn định, người dân chuyên tâm vào các hoạt động thủ công nghiệp, làm ra nhiều mặt hàng chất lượng, tinh sảo.

+ Nông nghiệp phát triển cũng cung cấp nhiều mặt hàng nông sản để trao đổi, buôn bán, thúc đẩy thương nghiệp phát triển.

- Về thủ công nghiệp:

+ Thủ công nghiệp phát triển, hàng hóa ngày càng nhiều và có chất lượng tốt thúc đẩy nhu cầu trao đổi giữa các nước với nhau, tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển.

- Về thương nghiệp:

+ Hoạt động thương nghiệp phát triển, nhu cầu về các mặt hàng ngày càng nhiều, kéo theo sự phát triển của thủ công nghiệp và nông nghiệp.

=> Nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp thời Lý có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau, tạo động lực cùng phát triển.

Chọn: A

Câu 16

Phương pháp: phân tích, suy luận

Cách giải:

Lý Thường Kiệt chủ trương “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn thế mạnh của giặc”. Ông gấp rút chuẩn bị cuộc tấn công vào những nơi tập trung quân lương của nhà Tống, gần biên giới như: Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu.

Chọn: A

Câu 17

Phương pháp: sgk trang 33.

Cách giải:

Những người bị trị gồm nông dân, thợ thủ công, người làm nghề buôn bán nhỏ và một số ít địa chủ. Đa số nông dân là những người dân tự do, cày ruộng công làng xã, có quyền lợi gắn bó với làng, với nước.

Chọn: A

Chú ý khi giải:

- Nô tì thuộc tầng lớp dưới cùng của xã hội Do số lượng ít và làm công việc phục vụ cho gia đình quý tộc nô tì khác với nô lệ ở phương Tây.

Câu 18

Phương pháp: Phân tích, đánh giá.

Cách giải:

Nguyên nhân thắng lợi xuyên suốt của các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược từ thế kỉ X đến XI là:

- Do tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập tự chủ cũng như truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc.

- Có sự lãnh đạo cùng chiến thuật tài tình của vị tướng lãnh đạo.

Chọn: C
Chú ý khi giải:

- Nhà Tống đang trong thời kì khủng hoảng đúng hơn với hoàn cảnh của cuộc kháng chiến chống Tống (1075 – 1077).

- Chiến thuật công tâm được Lý Thường Kiệt sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075 – 1077).

II. TỰ LUẬN

Câu 19

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 12.

Cách giải:

* Chính sách đối nội:

- Củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước.

- Cử những người thân tín đi cai quản các địa phương.

- Mở các khoa thi tuyển chọn nhân tài.

- Thi hành nhiều chính sách giảm tô thuế

- Thực hiện chế độ “quân điền”: lấy ruộng công và ruộng bỏ hoang chia cho nông dân.

* Chính sách đối ngoại: Sau khi ổn định trong nước, nhà Đường luôn tìm đủ mọi cách để mở mang bờ cõi, chinh phục các nước lân cận:

- Nhà Đường đem quân đánh chiếm vùng Nội Mông, chinh phục Tây Vực, xâm lược Triều Tiên.

- Củng cố chế độ đô hộ ở An Nam, ép Tây Tạng phải thuần phục.

⟹ Dưới thời Đường, Trung Quốc trở thành một quốc gia phong kiến cường thịnh nhất châu Á.

Câu 20

Phương pháp: sgk trang 20.

Cách giải:

Thời kì phát triển của Vương quốc Cam-pu-chia kéo dài từ thế kỉ IX đến thế kỉ XV, còn gọi là thời kì Ăng-co.

- Sự phát triển của vương quốc Cam-pu-chia thời Ăng-co được biểu hiện trên tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội:

+ Các vua Cam-pu-chia thời Ăng-co đã thi hành nhiều biện pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp.

+ Sử dụng vũ lực để mở rộng lãnh thổ về phía Đông, sang vùng hạ lưu sông Mê Nam (Thái Lan ngày nay) và vùng trung lưu sông Mê Công (Lào hiện nay).

+ Kinh đô Ăng-co được xây dựng như một thành phố với những đền tháp đồ sộ và độc đáo, nổi tiếng như: Ăng-co Vát, Ăng-co Thom, ….

Câu 21

Phương pháp: sgk trang 28 – 29, phân tích

Cách giải:

* Nhà Đinh xây dựng đất nước:

- Năm 968 công cuộc thống nhất đất nước đã hoàn thành, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế ( Đinh Tiên Hoàng)

- Đặt tên nước là Đại Cồ Việt , đóng đô tại Hoa Lư

- Năm 970, vua Đinh đặt niên hiệu là Thái Bình, sai sứ sang giao hảo với nhà Tống

- Đinh Bộ Lĩnh phong vương cho các con, cử các tướng lĩnh ( Đinh Điền, Nguyễn Bặc,…) nắm giữ các chức vụ chủ chốt

- Xây dụng cung điện, đúc tiền để tiêu dùng trong nước

- Đối với những kẻ phạm tội thì dùng những khung hình phạt khắc nghiệt: ném vào vạc dầu sôi, vứt vào chuồng hổ

* Việc nhà Đinh đặt tên nước và không dùng niên hiệu của Trung Quốc, thể hiện:

- Khẳng định độc lập, chủ quyền của nước ta.

- Thể hiện nước ta ngang hàng với Trung Quốc, không phải là nước phụ thuộc.