Nghị luận xã hội về câu "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó"

Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Bác Hồ có dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó". Em hiểu thế nào về lời dạy trên.

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 12 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài: Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh dã dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Em hiểu thế nào về lời dạy trên?

Dàn ý

1. Mở bài

- Một số thanh niên học sinh thường cố đạt mục đích duy nhất học hành cho thành tài, coi nhẹ việc rèn luyện đạo đức. Lại có người học chưa tốt không chịu cố gắng học tập, rèn luyện tài năng để sau này có thể phục vụ tốt cho xã hội.

-  Để khuyên học sinh chú trọng trau dồi cả đức lẫn tài, Bác Hồ đã căn dặn:

“Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm gì cũng khó”.

2. Thân bài

* Giải nghĩa từ ngữ

+ Có tài

- Có kiến thức, kinh nghiệm, năng lực hoàn thành công việc của mình hiệu quả cao.

- Giải quyết mọi vấn đề với kết quả tốt nhờ có phương pháp hữu hiệu sáng tạo.

+ Có đức

- Có đạo đức tác phong tốt có ý thức làm chủ, dũng cảm, trung thực mọi người.

- Kính trên, nhường dưới, thương yêu, hết lòng giúp đỡ mọi người tận tụy phục vụ nhân dân...

* Nội dung ý nghĩa câu nói

+ Có tài mà không có đức là người vô dụng

- Có tài mà không đem tài năng phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội thi khả năng đó chẳng ích lợi gì.

- Nếu có tài mà hành động trái đạo đức thì chẳng những vô ích mà còn có hại, bởi tài cao mà không có đạo đức thì càng nguy hại cho xã hội.

- Dẫn chứng: một học sinh giỏi nhưng vô kỉ luật, đạo đức kém, một quản lí có tài nhưng tham ô, một nhà bác học đem khoa học phục vụ mục đích xấu xa.

+ Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó

- Chính tài năng giúp ta hoàn thành công việc. Nếu chỉ có đạo đức, dù mục đích tốt và tận lực làm, cũng khó làm nên.

- Hữu đức nhưng vô tài thì việc không những không thành mà còn gây tai hại… Đó là một hình thức của bệnh duy ý chí.

- Dẫn chứng: một học sinh hạnh kiểm tốt nhưng học hành yếu kém, một quản lí có nhiệt tình nhưng trình độ văn hoá, chuyên môn yếu kém thì sẽ sai lầm dẫn đến thất bại.

Mối quan hệ giữa tài và đức

- Có đạo đức, có tài năng mới trở thành con người toàn diện.

- Đức thể hiện qua thái độ hành động đúng, mục đích hành động tốt. Tài thể hiện qua thành quả công việc cao.

3. Kết bài

- Thanh niên học sinh cần trau dồi cả đức lẫn tài để trở thành người công dân tốt góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.

Bài mẫu

     Đức và tài là hai tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá một con người và trở thành mục tiêu phấn đấu rèn luyện tu dưỡng của thanh niên. Khi bàn về mối quan hệ giữa đức và tài, trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Bác Hồ đã phát biểu: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”

     Vậy thế nào là đức, tài và mối quan hệ giữa đức và tài như thế nào?

     Trong ý kiến của Bác, tài chính là tài năng, là kiến thức, là hiểu biết, là kĩ năng kĩ xảo, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Đức chính là đạo đức, là tư cách tác phong, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng chân thiện, mĩ… Người có đức biết tôn trọng và bảo vệ chân lí, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hi sinh quyển lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể. Tài và đức là những phạm trù khác nhau nhưng gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi vì tài năng đó không được sử dụng để phục vụ nhân dân mà chỉ để mưu cầu lợi ích cho cá nhân thì cũng trở thành vô ích. Người ta không thể sống một mình, càng không thể tách rời giạ đình, bạn bè, giai cấp, dân tộc và đồng loại.

     Giá trị của một con người được xem xét trên cơ sở những đóng góp hữu ích đối với cộng đồng. Người ích kỉ là người không quan tâm đến quyền lợi củà người khác. Nếu có tài, họ cũng chỉ tìm cách sao cho có lợi cho mình. Người có tài mà phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người càng có tài mà kém đạo đức thì tác hại gây ra cho gia đình và xã hội càng lớn.

     Nhưng nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có đức, tức là có khát vọng hành động, cống hiến vì lợi ích của mọi người nhưng kiến thức ít ỏi và năng lực kém thì những ý định dù tốt đến đâu cũng khó trở thành hiện thực. Tài năng giúp cho con người lao động có hiệu quả. Thiếu tài năng, người ta phải làm việc rất vất vả mà chất lượng công việc lại không cao.

     Rõ ràng là giá trị của con người phải bao gồm cả tài và đức. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến. Nhưng trong ý kiến của Hổ Chủ tịch, rõ ràng vị trí của đức được coi là hàng đầu, là yếu tố quyết định. Chính vì thế, thiếu đức con người trở thành vô dụng, thiếu tài người ta làm việc gì cũng khó.

     Cách nói của Bác rất giản dị và cụ thể, giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức trong phẩm chất của mỗi con người.

     Để trở thành công dân hữu ích, chủ nhân xứng đáng của đất nước trong tương lai, ngay từ tuổi học sinh, chúng em phải không ngừng học tập, tu dưỡng. Như vậy mới có đủ đức và tài – tiêu chuẩn của con người mới như Bác Hồ hằng mong ước.

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaihay.com

Quảng cáo
close