Cảm nhận về hai đoạn văn trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông?Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả. Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau: (…) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về (…) (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ Văn 12, Tập 1) (…) Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà (…) (Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Dàn ý 1. Mở bài - Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ lớn, với phong cách nghệ thuật độc đáo, nổi bật là nét tài hoa, uyên bác, đặc biệt sở trừơng về tuỳ bút. Người lái đò Sông Đà là một tuỳ bút đặc sắc, kết tinh nhiều mặt của phong cách Nguyễn Tuân, viết về vẻ đẹp và tiềm năng của thiên nhiên và con người tây Bắc. - Hoàng Phủ Ngọc Từơng là một nghệ sĩ tài hoa, mang đậm chất Huế, có nhiều thành tựu về thể kí. Ai đã đặt tên cho dòng sông? Là một tuỳ bút giàu chất trữ tình viết về vẻ đẹp sông Hương với bề dày lịch sử và văn hoá Huế, rất tiêu biểu cho phong cách của ông. - Giới thiệu hai đoạn văn 2. Thân bài 2.1 Về đoạn văn trong Người lái đò Sông Đà - Nội dung + Đoạn văn tập trung miêu tả vẻ đẹp đầy chất tạo hình của sông Đà với hình dàng thơ mộng, đường nét mềm mại, ẩn hiện; màu sắc dòng nước biến đỗi tương phản theo mùa, gây + Hiện lên một cái tôi Nguyễn Tuân đắm say, nồng nhiệt với cảnh sắc thiên nhiên, tinh tế và độc đáo trong cảm nhận cái đẹp. - Nghệ thuật + Hình ảnh, ngôn từ mới lạ, câu văn căng tràn, trùng điệp mà vẫn nhịp nhàng về âm thanh + Cách so sánh, nhân hoá táo bạo mà kì thú; lối tạo hình giàu tính mĩ thuật, phối hợp nhiều 2.2 Về đoạn văn trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Nội dung + Đoạn văn miêu tả vẻ đẹp sông Hương theo thuỷ trình của nó, với những nét uyển chuyển, + Toát lên một tình yêu xứ sở sâu nặng, đằm thắm, một cách cảm nhận bình dị mà tinh tế - Nghệ thuật + Hình ảnh chân thực mà gợi cảm, câu văn kéo dài mà khúc chiết, thanh điệu hài hoà, tiết tấu nhịp nhàng. + Lối so sánh gần gũi và xác thực, sử dụng nhuần nhuyễn các địa danh và cách nói của người Huế. 2.3 Về sự tương đồng và khác biết giữa hai đoạn văn - Tương đồng : Cùng miêu tả vẻ đẹp phong phú và biến ảo của sông nước, cùng bộc lộ tình yêu mãnh liệt dành cho thiên nhiên xứ sở với một mĩ cảm tinh tế, dồi dào, cùng bao quát sông nước trên nền cảnh khoáng đạt của không gian và thời gian, cùng được viết bằng một thứ văn xuôi đậm chất trữ tình, giàu hình ảnh, âm thanh và nhịp điệu. - Khác biệt: Đoạn văn của Nguyễn Tuân: trội về cảm xúc nồng nàn, cảm giác sắc cạnh, liên tưởng phóng túng, so sánh táo bạo, cảnh sắc được bao quát từ nhiều góc nhìn khác nhau, theo nhiều mùa trong năm. Đoạn văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường: trội về cảm xúc sâu lắng, cảm giác gắn với suy tư, cảnh sắc được bao quát từ một góc nhìn mà nương theo thuỷ trình để nắm bắt sự biến đổi của sông nước qua từng chặng, từng buổi trong ngày 3. Kết bài - Khái quát lại vấn đề Bài mẫu BÀI LÀM Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ ngay đến “chủ nghĩa xê dịch”. Ông tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi không chỉ để thoả mãn cái thú tìm đến miền đất lạ cho thoả niềm khát khao “Xê dịch” mà chủ yếu để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên và ở tâm hồn của người lao động. Những trang viết hay nhất của ông thường là những trang tả đèo cao, vực sâu, thác nước dữ dội hoặc những cảnh thiên nhiên đẹp một cách tuyệt đỉnh, tuyệt vời. “Người lái đò sông Đà” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của nhà văn. Tác phẩm là những trang văn miêu tả rất tinh tế vẻ đẹp của hình tượng con sông Đà vừa hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng rất trữ tình và lãng mạn. Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn, nhà khảo cứu văn học, văn hóa. Ông là một nhà văn chiến sĩ, có phong cách nghệ thuật độc đáo và có sở trường về thể kí đồng thời là người đã có công đưa thể kí Việt Nam phát triển lên đến đỉnh cao của văn học. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một trong tám bài kí được xuất bản lần đầu năm 1986. Tác phẩm đã làm nổi bật phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó là sự uyên bác, giàu chất thơ và giàu trí tưởng tượng. Cả “Người lái đò sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đều là những tác phẩm nói về hai con sông nổi tiếng của Việt Nam. Mỗi con sông đều mang những nét đẹp khác nhau hiện lên thông qua ngòi bút của các tác giả tài hoa. Với “Người lái đò sông Đà” Nguyễn Tuân quan sát sông Đà ở nhiều góc độ. Góc độ thứ nhất là từ trên cao nhìn xuống. Ở điểm nhìn ấy tác giả đã hình dung con sông Đà giống như một người đàn bà kiều diễm với áng tóc trữ tình đằm thắm: “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đất nương xuân.” Điệp ngữ “tuôn dài, tuôn dài” như mở ra trước mắt của người đọc độ dài vô tận của dòng sông; mái tóc của Đà giang như nối dài đến vô tận, trùng điệp giữa bạt ngàn màu xanh lặng lẽ của núi rừng. Phép so sánh “như một áng tóc trữ tình” tạo cho người đọc một sự xuýt xoa trước vẻ đẹp diễm tuyệt của sông Đà. Sông Đà giống như một kiệt tác của trời đất. Chữ “áng” thường gắn với áng thơ, áng văn, nay được họ Nguyễn gắn với “tóc” thành “áng tóc trữ tình”. Nguyên cả cụm từ ấy đã nói lên hết cái chất thơ, chất trẻ trung và đẹp đẽ, thơ mộng của dòng sông. Cảnh vì thế mà vừa thực lại vừa mộng. Hai chữ “ẩn hiện” càng tăng lên sự bí ẩn và trữ tình của dòng sông. Sắc đẹp diễm tuyệt của sông Đà – của người đàn bà kiều diễm còn được tác giả nhấn mạnh qua động từ “bung nở” và từ láy “cuồn cuộn” kết hợp với hoa ban nở trắng rừng, hoa gạo đỏ rực hai bên bờ làm người đọc liên tưởng mái tóc như được trang điểm bởi mây trời, như cài thêm hoa ban hoa gạo và đẹp mơ màng như sương khói mùa xuân. Sự nhân cách hóa đó làm sông Đà gợi cảm biết bao! Sông Hương được Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả ở điểm nhìn vừa xa vừa gần, vừa thi ca vừa hội hoạ. Đẹp nhất của đường cong mềm mại, thướt tha ấy của cô gái Hương Giang chính là đoạn “Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”. Đoạn văn sử dụng phép liệt kê: điện Hòn Chén, Ngọc Trản, Nguyệt Biều, Lương Quán, Thiên Mụ… mang đến cho người đọc hình dung về vẻ đẹp của những danh thắng Huế đô đã đi vào dư địa chí. Ngoài ra cách dùng từ ngữ của nhà văn cũng gợi hình dung về dòng chảy trữ tình của con sông: “vấp – chuyển hướng – vòng qua – vẽ một hình cung – ôm lấy – xuôi dần…”. Hệ thống động từ đặc tả dòng chảy ấy làm sông Hương hiện lên chân thực, sắc nét, có hồn như một sinh thể sống động và giàu sức sống. Cùng miêu tả vẻ đẹp phong phú và biến ảo của sông nước; cùng bộc lộ tình yêu mãnh liệt dành cho thiên nhiên xứ sử với một mĩ cảm tinh tế, dồi dào; cùng bao quát sông nước trên nền cảnh khoáng đạt của không gian và thời gian; cùng được viết bằng một thứ văn xuôi đậm chất trữ tình, giàu hình ảnh, âm thanh và nhịp điệu. Nhưng đoạn văn của Nguyễn Tuân thì trội về cảm xúc nồng nàn, cảm giác sắc cạnh, liên tưởng phóng túng, so sánh táo bạo; cảnh sắc được bao quát từ nhiều góc nhìn khác nhau, theo nhiều mùa trong năm. Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường trội hẳn về cảm xúc sâu lắng, cảm giác gắn với suy tư; cảnh sắc được bao quát từ cùng một góc nhìn mà nương theo thủy trình để nắm bắt sự biến đổi của sông nước qua từng chặng, từng buổi trong ngày. Mỗi nhà văn có một phong cách độc đáo riêng. Nếu đoạn văn của Nguyễn Tuân, tùy bút pha bút kí với bút pháp hướng ngoại để phản ánh hiện thực với ngôn ngữ sắc sảo, in đậm dấu ấn riêng, diễn tả đa dạng nhiều góc cạnh thì đoạn văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện một phép hành văn hướng nội súc tích mê đắm, tài hoa với ngôn ngữ thật trữ tình.
Loigiaihay.com
Quảng cáo
|