Đề thi kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 Sở GDĐT Vĩnh Phúc

Giải chi tiết đề thi kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 sở GDĐT Vĩnh Phúc với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Quảng cáo

Đề bài

Phần I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm)

Câu 1: Năm 1969, quốc gia đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng là

A. Mĩ.                   B. Liên Xô.                     C. Trung Quốc.               D. Nhật Bản.

Câu 2: Quốc gia đã giành được thắng lợi sớm nhất trong phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Mĩ La-tinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai là

A. Chi-lê                     B. Cu-ba.                C. Bra-xin.                   D. Ác-hen-ti-na.

Câu 3: Hiện nay, số nước thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là

A. 5 nước.                B. 8 nước.               C. 10 nước.            D. 11 nước.

Câu 4: Nội dung nào không đúng về chính sách đối ngoại của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai?

A. Đề ra “Chiến lược toàn cầu”

B. “Viện trợ” để lôi kéo, khống chế các nước.

C. Xác lập trật tự thế giới “đơn cực”.

D. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Câu 5: Biến đổi lớn nhất của các nước châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là

A. các nước đều đã giành được độc lập.

B. thành lập Liên minh châu Phi (AU).

C. hầu hết đã trở thành các nước công nghiệp.

D. xóa bỏ “chế độ A-pác-thai về kinh tế”.

Câu 6: Theo thỏa thuận của các cường quốc tại Hội nghị I-an-ta (2/1945), nước nào ở châu Á vẫn được duy trì nền độc lập?

A. Việt Nam.               B. Thái Lan.            C. Triều Tiên.             D. Mông Cổ.

Phần II. PHẦN TỰ LUẬN (7,0 điểm)

Câu 7: (3,0 điểm)

Khu vực Đông Nam Á có bao nhiêu nước? Hãy kể tên các nước đó? Tổ chức ASEAN ra đời trong hoàn cảnh nào? Mục tiêu hoạt động của ASEAN là gì?

Câu 8: (4,0 điểm)

Nêu các xu thế của thế giới sau “Chiến tranh lạnh”. Với xu thế phát triển của thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thời cơ và thách thức gì?

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Thực hiện bởi Ban chuyên môn Loigiaihay.com

1.A

2. B

3. C

4. D

5. A

6. D

 Phần I. PHẦN TRẮC NGHIỆM

Câu 1.

Phương pháp: Xem lại Sự phát triển về khoa học - kĩ thuật của Mĩ sau chiến tranh, sgk trang 34.

Cách giải:

Trong công cuộc chinh phục vũ trụ, tháng 7 - 1969, lần đầu tiên Mĩ đã đưa con người lên Mặt Trăng.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: Xem lại cuộc đấu tranh của nhân dân Cu-ba, sgk trang 32.

Cách giải:

Ngày 1-1-1959, chế độ độc tài Ba-ti-xta bị lật đổ. Cuộc cách mạng nhân dân ở Cu-ba giành được thắng lợi.

Chọn: B

Câu 3.

Phương pháp: Xem lại mục III. Từ “ASEAN 6” phát triển thành “ASEAN 10”, sgk trang 24.

Cách giải:

Tổ chức ASEAN được thành lập ngày 8 - 8 - 1967, và ngày nay có tất cả là 10 thành viên và 2 quan sát viên (Đông Timor và Papua New Guinea).

ASEAN từ 5 nước thành viên sáng lập ban đầu là: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Sau đó, lần lượt các quốc gia gia nhập ASEAN là: Bru-nây (1984), Việt Nam (1995), Lào, Mi-an-ma (1997), Campuchia (1999).

Chọn: C

Câu 4.

Phương pháp: Xem lại chính sách đối ngoại của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sgk trang 35, loại trừ.

Cách giải:

Chính sách đối ngoại của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là:

-  Đề ra “Chiến lược toàn cầu" nhằm chống phá các nước XHCN, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc và thiết lập sự thống trị trên toàn thế giới.

- Tiến hành viện trợ để lôi kéo, khống chế các nước đồng minh.

- Lập các khối quân sự, gây nhiều cuộc chiến tranh xâm lược,…

- Nhưng Mĩ vẫn vấp phải nhiều thất bại nặng nề như việc can thiệp vào Trung Quốc (1945-1946), Cu Ba (1959-1960), nhất là trong cuộc Chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975).

Chọn: D

Câu 5.

Phương pháp: Xem lại tình hình chung của các nước châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sgk trang 26, suy luận.

Cách giải:

Biến đổi lớn nhất của các nước châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là các nước đều lần lượt giành được độc lập.

Trước chiến tranh thế giới thứ hai, các nước châu Phi đều bị các nước đế quốc thực dân Âu – Mĩ xâm lược. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở châu Phi phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi.

- Nước Cộng hòa Ai Cập thành lập năm 1953.

- Tiếp đó là thắng lợi của nhân dân An-giê-ri lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp (1962).

- Năm 1960, 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập.

- Từ sau đó, hệ thống thuộc địa của các nước đế quốc lần lượt tan rã, các dân tộc châu Phi giành được độc lập, chủ quyền.

Việc giành được độc lập tạo điều kiện cho các nước châu Phi bước vào xây dựng và phát triển đất nước và thực hiện liên kết khu vực (AU). Đây cũng là biến đổi đầu tiên, lớn nhất, có tính chất bước ngoặt và làm nền tảng cho những biến đổi tiếp sau.

Chọn: A

Câu 6.

Phương pháp: Xem lại nội dung của Hội nghị Ianta, sgk trang 45.

Lời giải:

Nội dung của Hội nghị Ianta, quy định: Ở châu Á: Do việc Liên Xô tham chiến đánh Nhật, nên Mĩ và Anh chấp nhận những điều kiện của Liên Xô là duy trì nguyên trạng Mông Cổ (tức là tôn trọng nền độc lập của Mông Cổ), trả lại cho Liên Xô phía Nam đảo Xa-kha-lin;….

Chọn D.

Phần II. PHẦN TỰ LUẬN (7,0 điểm)

Câu 7

Phương pháp: Xem lại sự ra đời của tổ chức ASEAN, sgk trang 23.

Cách giải:

- Khu vực Đông Nam Á hiện nay có 11 nước. Đó là: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po, Thái Lan, Bru-nây, Việt Nam, Lào, Campuchia, Mi-an-ma và Đông Timo.

- Hoàn cảnh ra đời của tổ chức ASEAN:

+ Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Nam Á đều giành độc lập, một số nước có nhu cầu hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế.

+ Hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực.

+ Trong bối cảnh các tổ chức khu vực hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu là EEC.

=> Ngày 8 - 8 - 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan.

- Mục tiêu hoạt động của ASEAN: phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Câu 8

Phương pháp: Xem lại thế giới sau Chiến tranh lạnh, sgk trang 47. Phân tích, liên hệ.

Cách giải:

* Các xu thế phát triển của thế giới sau Chiến tranh lạnh:

- Xu thế hòa hoãn và hoà dịu trong quan hệ quốc tế.

- Sự tan rã cùa trật tự hai cực I-an-ta và thế giới đang tiến tới xác lập một trật tự thế giới mới, đa cực, nhiều trung tâm.

- Từ sau “Chiến tranh lạnh” và dưới tác động to lớn của cách mạng khoa học - kĩ thuật, hầu hết các mrớc đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.

- Tuy hoà bình được củng cố nhưng từ đầu những năm 90 của thế ki XX, nhiều khu vực lại xảy ra những vụ xung đột quân sự hoặc nội chiến giữa các phe phái (Liên bang Nam Tư cũ, Châu Phi và một số nước Trung Á,…).

* Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam:

- Thời cơ:

+ Mở cửa thu hút vốn đầu tư, học hỏi kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới, chuyển giao công nghệ => rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới.

+ Có cơ hội tiếp cận, giao lưu với các nền văn hóa, giáo dục ở các quốc gia tiên tiến;

+ Chung tay giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, đảm bảo ổn định chính trị của quốc gia, khu vực.

- Thách thức:

+ Mở cửa gia nhập thị trường thế giới, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mĩ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, NICs…

+ Sự giao lưu văn hóa tiềm ẩn nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc.

+ Quan hệ giữa các nước lớn luôn luôn ẩn chứa những mâu thuẫn bất đồng. Thách thức đặt ra cho Việt Nam là phải giải quyết hài hòa mối quan hệ với các nước lớn để đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia dân tộc.

=> Nếu không nắm được thời cơ, vượt qua thách thức thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu rất xa so với thế giới.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close