Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Trà Vinh

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Trà Vinh với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Quảng cáo

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÀ VINH

TRƯỜNG THPT THÀNH PHỐ TRÀ VINH

 

KIỂM TRA HỌC KÌ I - NĂM HỌC 2019 - 2020

Môn thi: Ngữ Văn - Khối 10

Thời gian: 90 phút (Không tính giờ phát đề 

PHẦN 1: ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)

    Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

*

*                   *

Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi, nếm thử mà xem!

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.

(Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa)

1. Nêu nội dung chính của bài ca dao trên?

2. Bài ca dao sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu hiệu quả của việc sử dụng biện pháp nghệ thuật đó?

3. Viết ít nhất hai bài ca dao bắt đầu bằng cụm từ “Thân em”

4. Từ bài ca dao trên, em hãy viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 dòng) trình bày suy nghĩ của bản thân về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

PHẦN 2: LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

     Phân tích bài thơ sau:

                        Phiên âm

                                                Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

                                                Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

                                                Nam nhi vị liễu công danh trái,

                                                Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

                        Dịch thơ

                                                Múa giáo non sông trải mấy thu,

                                                Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

                                                Công danh nam tử còn vương nợ.

                                                Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão)

........................HẾT...................

 

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Nội dung: Là lời than của người phụ nữ về số phận bất hạnh, lệ thuộc, không được làm chủ cuộc đời mình trong xã hội cũ. Đồng thời bài ca dao khẳng định vẻ đẹp, giá trị của người phụ nữ.

Câu 2:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- Cách mở đầu quen thuộc trong ca dao: “Thân em”

- Nghệ thuật so sánh, ẩn dụ “thân em” với hình ảnh “tấm lụa đào”, “củ ấu gai”

- Câu hỏi tu từ “Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

- Tác dụng:

+ Gợi vẻ đẹp và thân phận bấp bênh, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ…

+ Giúp cho bài ca dao giàu giá trị biểu đạt, tăng sức gợi hình, gợi cảm

Câu 3:

* Phương pháp: Tổng hợp

* Gợi ý:

- Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày

- Thân em như giếng giữa đàng

Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Gợi ý:

- Người phụ nữ mang vẻ đẹp cả về hình thức, phẩm chất

- Người phụ nữ ý thức rất rõ về bản thân nhưng không tự quyết định được tương lai hạnh phúc của mình

II. LÀM VĂN

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

MB:

- Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão: Phạm Ngũ Lão là người văn võ song toàn, ông có nhiều sáng tác nói về chí làm trai và lòng yêu nước

- Giới thiệu tác phẩm Tỏ lòng: là bài thơ Đường luật ngắn gọn, súc tích, khắc họa vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lý tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại

TB:

1. Hình tượng con người và sức mạnh quân đội nhà Trần

a) Hình tượng con người thời Trần

- Hành động: "hoành sóc" – cầm ngang ngọn giáo

=> Tư thế hùng dũng, oai nghiêm, hiên ngang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Không gian kì vĩ: "giang sơn" – non sông

=> Không gian rộng lớn, mênh mông, nó không đơn thuần là sông, là núi mà là giang sơn, đất nước, Tổ quốc

- Thời gian kì vĩ: "kháp kỉ thu" – đã mấy thu

=> Thời gian dài đằng đẵng, không biết đã bao nhiêu mùa thu, bao nhiêu năm đi qua, thể hiện quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài.

Như vậy:

+ Hình ảnh người tráng sĩ cho thấy một tư thế hiên ngang, mạnh mẽ, hào hùng, sẵn sàng lập nên những chiến công vang dội

+ Hình ảnh, tầm vó những người tráng sĩ ấy sánh với núi sông, đất nước, với tầm vóc hùng vĩ của vũ trụ.

+ Người tráng sĩ ấy ra đi bảo vệ Tổ quốc ròng rã mấy năm trời mà chưa từng một giây phút nào cảm thấy mệt mỏi mà trái lại vẫn bừng bừng khí thế hiên ngang, bất khuất, hùng dũng

b) Hình tượng quân đội thời Trần

- “Tam quân” (ba quân): tiền quân, trung quân, hậu quân – quân đội của cả đất nước, cả dân tộc cùng nhau đứng lên để chiến đấu.

- Sức mạnh của quân đội nhà Trần:

+ Hình ảnh quân đội nhà Trần được so sánh với “tì hổ” (hổ báo) qua đó thể hiện sức mạnh hùng dũng, dũng mãnh của đội quân.

+ “Khí thôn ngưu”: khí thế hào hùng, mạnh mẽ lấn át cả trời cao, cả không gian vũ trụ bao la, rộng lớn.

=> Với các hình ảnh so sánh, phóng đại độc đáo, sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, giữa hình ảnh khách quan với cảm nhận chủ quan đã cho thấy sưc mạnh và tầm vóc của quân đội nhà Trần.

=> Như vậy, hai câu thơ đầu đã cho thấy hình ảnh người tráng sĩ hùng dũng, oai phong cùng tầm vóc mạnh mẽ và sức mạnh của quân đội nhà Trần. Nghệ thuật so sánh phóng đại cùng giọng điệu hào hùng mang lại hiệu quả cao.

2. Nỗi lòng muốn bày tỏ của tác giả

- Giọng điệu: trầm lắng, suy tư, qua đó bộc lộ tâm trạng băn khoăn, trăn trở

- Nợ công danh: Theo quan niệm nhà Nho, đây là món nợ lớn mà một trang nam nhi khi sinh ra đã phải mang trong mình. Nó gồm 2 phương diện: Lập công (để lại chiến công, sự nghiệp), lập danh (để lại danh thơm cho hậu thế). Kẻ làm trai phải làm xong hai nhiệm vụ này mới được coi là hoàn trả món nợ.

- Theo quan niệm của Phạm Ngũ Lão, làm trai mà chưa trả được nợ công danh “thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”:

+ "Thẹn": cảm thấy xấu hổ, thua kém với người khác

+ "Chuyện Vũ Hầu": tác giả sử dụng tích về Khổng Minh - tấm gương về tinh thần tận tâm tận lực báo đáp chủ tướng. Hết lòng trả món nợ công danh đến hơi thở cuối cùng, để lại sự nghiệp vẻ vang và tiếng thơm cho hậu thế.

=> Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão hết sức cao cả của một nhân cách lớn. Thể hiện khát khao, hoài bão hướng về phía trước để thực hiện lý tưởng, nó đánh thức ý chí làm trai, chí hướng lập công cho các trang nam tử.

=> Với âm hưởng trầm lắng, suy tư và việc sử dụng điển cố điển tích, hai câu thơ cuối đã thể hiện tâm tư và khát vọng lập công của Phạm Ngũ Lão cùng quan điểm về chí làm trai rất tiến bộ của ông.

KB:

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.

- Bài học đối với thế hệ thanh niên ngày nay: Sống phải có ước mơ, hoài bão, biết vượt qua khó khăn, thử thách để biến ước mơ thành hiện thực, có ý thức trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng.

 Loigiaihay.com 

Quảng cáo

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close