Giải bài tập 2 Nói và nghe trang 12 sách bài tập văn 12 - kết nối tri thức

Thuyết trình về phong cách thơ Thanh Thảo qua việc so sánh bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca và một bài thơ bạn đã đọc trong tập Khối vuông ru-bích.

Quảng cáo

Đề bài

Thuyết trình về phong cách thơ Thanh Thảo qua việc so sánh bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca và một bài thơ bạn đã đọc trong tập Khối vuông ru-bích.

Lời giải chi tiết

Thanh Thảo theo lời nhận xét của nhà phê bình Chu Văn Sơn là "một ngòi bút ham cách tân", ham sáng tạo đến lạ, Thanh Thảo luôn nỗ lực cách tân thơ ca Việt Nam, ông không chấp những gì đã cũ kỹ, đã đi vào lối mòn vốn có của thi ca Việt Nam xưa và nay. Thay vào đó, Thanh Thảo muốn đem đến một cái gì đó mới hơn tất cả, cách tân đến tận cùng. Cũng chính vì vậy, đôi khi những hình ảnh, những liên tưởng trong thơ ông khiến độc giả khó hiểu, cứ tù mù, trong đống chữ nghĩ tưởng là phải xa xăm lắm. Nhưng thật ra chẳng phải vậy, trong phong cách viết của Thanh Thảo, cách tân chủ yếu là ở bút pháp siêu thực, dùng nhiều hình ảnh tượng trưng, siêu thực, phi lô-gic, đôi lúc còn là sự hoang tưởng lạ lùng. Và Đàn ghi ta của Lor-ca là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất thấm đẫm những sáng tạo cách tân của Thanh Thảo trong thơ ca.

Bài thơ là sự thương tiếc khôn nguôi, niềm ngưỡng mộ sâu sắc của Thanh Thảo với người nghệ sĩ anh hùng tài hoa mà bạc mệnh Lor-ca, cuộc đời ông tuy ngắn ngủi nhưng lại chứa đựng nhiều bi kịch. Lor-ca là người nghệ sĩ đa tài, với ham muốn cách tân nền văn hóa của đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp vốn đã lỗi thời và lạc hậu, ông dùng âm nhạc, tác phẩm của mình để chống lại chế độ phát xít độc tài Frăng-cô, đấu tranh đòi bình đẳng, đòi tự do cho dân tộc đất nước. Nhưng người có tài thường vẫn cô độc, trong suốt quãng đường đó đã có lúc Lor-ca mệt mỏi, muốn dừng lại, vì chẳng ai có thể thấu hiểu được ông. Đau thương nhất là cái chết bi thảm của Lor-ca dưới tay bọn phát xít phản động, ông nằm xuống khi cuộc đấu tranh mỏi mòn vẫn còn dang dở, khi đất nước vẫn còn chìm trong lạc hậu, xã hội vẫn còn tối tăm. Tuy vậy, tinh thần và hình ảnh người anh hùng nghệ sĩ Lor-ca ấy vẫn như một vì sao sáng mãi trên bầu trời Tây Ban Nha, bầu trời văn học của thế giới, như biểu tượng của một tinh thần bất tử về khát khao cách tân, đấu tranh cho sự tự do, đổi mới không ngừng nghỉ.

Trong Đàn ghi ta của Lor-ca, hầu như chẳng có câu thơ nào miêu tả dáng hình, tài năng của người anh hùng ấy mà thay vào đó Thanh Thảo đã tinh tế dùng hình tượng tiếng đàn gảy lên bài hát về cuộc đời người nghệ sĩ Lor-ca. Xuyên suốt bài thơ, tiếng đàn mang nhiều dáng vẻ, gợi lên những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Lor-ca. Tự hỏi sao Thanh Thảo không lấy một cái gì khác mà lại là tiếng đàn ghi ta, có lẽ bởi ghi ta vốn là biểu tượng của nền văn hóa Tây Ban Nha, cũng là biểu tượng cho tài năng của người nghệ sĩ luôn gắn với cây đàn, Lor-ca từng nói: "Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn", trong suốt cuộc đời ấy, chỉ có cây đàn là tri kỷ, tri âm của Lor-ca. Đó cũng là sự gắn bó của Lor-ca với mảnh đất quê hương yêu dấu, mảnh đất mà ông một đời tranh đấu cho nó sự tự do, sự đổi mới. Tiếng đàn trong thơ Thanh Thảo rất lạ lùng, "tiếng đàn bọt nước", có lẽ trước đó chẳng ai mường tượng về tiếng đàn như vậy cả. Nhưng nếu gắn với cuộc đời Lor-ca thì "tiếng đàn bọt nước" ấy dường như là một liên tưởng cực kỳ chính xác - sôi nổi, đẹp đẽ nhưng mong manh dễ vỡ. Rồi "tiếng ghi ta nâu", "tiếng ghi ta lá xanh", chẳng khi nào nghe tiếng đàn cũng có màu nâu, màu xanh lá, quả thực cái sự sáng tạo của Thanh Thảo đã vượt qua khỏi cái ngưỡng mà người thường có thể tưởng tượng được.

Màu nâu ấy có lẽ là màu của cây đàn, màu của mảnh đất quê hương Tây Ban Nha, màu của nỗi buồn thảm về cái chết của Lor-ca, còn màu xanh kia cũng khó mà cắt nghĩa được. Tương tự những hình ảnh "tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan/tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy" đều khiến người ta liên tưởng về cái chết thương tâm của người nghệ sĩ, hình ảnh tiếng đàn đúng thật đã gảy lên từng nốt trầm bổng trong cuộc đời của Lor-ca thông qua ngòi bút sáng tạo độc đáo của Thanh Thảo. Lor-ca chết rồi không ai chôn cất ông, "không ai chôn cất tiếng đàn/tiếng đàn như cỏ mọc hoang", nhiều lúc người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh linh hồn Lor-ca lang thang trên bầu trời nhìn xuống mảnh đất Tây Ban Nha, và tiếng đàn cứ theo ông mãi còn vất vưởng đâu đây, tuy nhiên đó chỉ là một ý kiến mà thôi. Cũng có thể nói cách khác là tiếng đàn ấy, vẫn cứ lan rộng mãi, sống mãi trong tim nhân dân, người ta có thể giết Lor-ca, nhưng không thể giết chết tâm hồn ông, không thể khiến người ta thôi nhớ về tiếng đàn của ông, tiếng đàn ấy có sức sống mãnh liệt như loài cỏ mọc dại.

Một ý tưởng độc đáo khác nổi bật trong tác phẩm Đàn Ghi Ta của Lor-ca là những hình ảnh siêu thực hiện hữu trong từng đoạn thơ. Hình ảnh vầng trăng xuất hiện hai lần trong bài thơ, một lần khi Lor-ca còn sống, 'với vầng trăng chếch choáng/trên yên ngựa mỏi mòn', từ 'chếch choáng' này có thể khiến người đọc tưởng đến hình ảnh của người say, nhưng với Lor-ca, đó là biểu tượng của sự mệt mỏi, là sự mông lung vô định của người nghệ sĩ trên con đường đấu tranh mòn mỏi. Người anh hùng luôn cô đơn, và đối với người có tài năng vượt trội như Lor-ca, sự cô đơn trở nên càng trầm trọng, 'vầng trăng chếch choáng' là một hình ảnh đẹp, mở cửa cho nhiều liên tưởng, dù đôi khi cảm thấy nó không được lô gic lắm.

Lần thứ hai vầng trăng xuất hiện trong hình ảnh siêu thực khác là 'giọt nước mắt vầng trăng/long lanh trong đáy giếng', đó là vầng trăng trong thơ Đường kết hợp với giọt nước mắt trong thơ mới để thanh thương cho cái chết bi thảm của Lor-ca. Hoặc có thể theo mạch thơ hoang tưởng của Thanh Thảo, đó là vầng trăng nhỏ lệ khóc thương, phủ lên tấm thân cô đơn của người nghệ sĩ nơi đáy giếng. Dù cách tiếp cận nào, đều đem lại nét độc đáo và hấp dẫn. Một hình ảnh khác là 'Lor-ca bơi sang ngang/trên chiếc ghi ta màu bạc', chiếc đàn ghi ta, người bạn tri kỷ của Lor-ca, giờ đây biến thành chiếc thuyền bạc, đưa ông vượt qua dòng sông cuộc đời bi kịch, một chi tiết hoang tưởng mà Lor-ca thêm vào bài thơ. Tưởng rằng Lor-ca chỉ rời đi đến một thế giới khác, ông bỏ lại tất cả, tình yêu với cô gái Di-gan, những đau khổ trong cuộc đời này, để tìm đến thế giới tốt đẹp hơn. Ông tiếp tục nghêu ngao với tiếng đàn 'li-la li-la li-la...'

Khi đọc thơ của Thanh Thảo, độc giả thường bị sốc và ngỡ ngàng bởi những liên tưởng lạ, những cách tân đậm tính phi lô gic, đôi lúc hoang đường, dường như thơ đã thoát ra khỏi cái vỏ kìm kẹp của thơ ca truyền thống để bay tự do. Thanh Thảo luôn ham muốn cách tân đến tận cùng, với những sáng tạo chưa từng xuất hiện, bộ óc ấy đã khám phá những vẻ đẹp siêu thực, độc đáo, xứng đáng là cây bút tiêu biểu nhất của nghệ thuật cách tân thơ ca.

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close