Đọc hiểu - Đề số 94 - THPT

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 94, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

Quảng cáo

Đề bài

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

        2.10.1971

        Nhiều lúc mình không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá, và cũng đột ngột quá.

        Thế là thế nào? Cách đây ít lâu mình còn là sinh viên. Bây giờ thì xa vời lắm rồi những ngày cắp sách lên giảng đường, nghe thầy Đường, thầy Đạo... Không biết bao giờ mình sẽ trở lại những ngày như thế. Hay chẳng còn bao giờ nữa! Có thể lắm. Mình đã lớn rồi. Học bao lâu, mà đã làm được gì đâu, đã sống được gì đâu? Chỉ còm cõi vì trang sách, gầy xác đi vì mộng mị hão huyền.

        28 ngày trong quân ngũ, mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình.

        Mình bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ từ 9.3.71 tháng 3 của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu, hoa bằng lăng nước.

        ...Trên mũ là ngôi sao. Ta lặng ngắm ngôi sao, như hồi nào ta chỉ cho bạn: Kia là ngôi sao Hôm yêu dấu... Nhưng khác hơn một chút. Bây giờ, ta đọc trong ngôi sao ấy, ánh lửa cầu vồng của trận công đồn, màu đỏ của lửa, của máu…

        Ta như thấy trong màu kì diệu ấy có cả hồng cầu của trái tim ta.

 (Trích Mãi mãi tuổi hai mươi, nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: Nhìn những ngôi sao trên mũ, tác giả đọc được những gì? Ý nghĩa của những hình ảnh đó?

Câu 3: Tại sao tác giả viết: “Học bao lâu, mà đã làm được gì đâu, đã sống được gì đâu?”? 

Câu 4: Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị?

Lời giải chi tiết

Câu 1:

- Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Câu 2:

- Nhìn ngôi sao trên mũ, tác giả thấy:

+ Ánh lửa cầu vồng.

+ Màu đỏ của lửa, của máu.

+ Hồng cầu của trái tim.

- Ý nghĩa: Biểu thị cho ngọn lửa đấu tranh, sức mạnh quật cường; nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc; lí tưởng cao đẹp, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân.

Câu 3:

- Tác giả viết: Học bao lâu, mà đã làm được gì đâu, đã sống được gì đâu? vì:

+ Việc học chỉ có ý nghĩa khi nó được áp dụng vào cuộc sống.

+ Sự sống không phải chỉ biết cho cá nhân mình.

+ Khi Tổ quốc lên tiếng gọi tuổi trẻ sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường vì Tổ quốc…

Câu 4:

Thông điệp của đoạn trích: Tuổi trẻ phải  biết sống, biết cống hiến, biết hi sinh cho Tổ quốc...

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close