Đọc hiểu - Đề số 80 - THPTGiải bài tập Đọc hiểu - Đề số 80, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia Quảng cáo
Đề bài Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu: Trang Tử nói “Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng.” Chúng ta có giống được những con gà rừng không? Nếu chúng ta vì ưa thích thóc gạo bày sẵn mà chịu chui vào chiếc lồng. Rồi từ sau những song tre đó, chúng ta đòi trả tự do? Từ xúc cơm, xếp quần áo, sách vở, đến chọn trường, chọn nghề, tìm việc, kiếm sống, chọn chồng chọn vợ, chọn tương lai… Chúng ta quá quen với việc được sắp sẵn. Chúng ta ưa làm việc đã được người khác lên kế hoạch hơn là tự mình vạch ra. Chúng ta chuộng thói quen hơn sáng tạo. Chúng ta chỉ vui khi có người tâng bốc, chỉ hết buồn nếu có người an ủi vuốt ve. Chúng ta thậm chí không muốn tự phân biệt sai đúng trừ khi có người làm thay. Chúng ta không thể làm chủ đời mình. Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa. Thậm chí, một con chim trong rất nhiều lớp lồng. […] Robert Fulghum từng trở thành tác giả best seller với một cuốn sách có tựa đề thú vị “Tất cả những gì cần phải biết tôi được học ở nhà trẻ”. Đó là những nguyên tắc sống, chia sẻ, chơi công bằng, không đánh bạn, để đồ đạc vào chỗ cũ, không lấy những gì không phải của mình, dọn dẹp những gì bạn bày ra, nói xin lỗi khi làm tổn thương ai đó, rửa tay trước khi ăn, học một ít, suy nghĩ một ít, vẽ và hát vài điệu, cây cối và các con vật đều chết – và chúng ta cũng vậy, từ đầu tiên và quan trọng nhất cần phải học quan sát. Hãy đếm xem: 100 chữ. Những gì cần phải học chỉ như vậy. Chúng ta được học ở nhà trẻ nhưng đã đánh rơi dần trong quá trình lớn lên. Cũng như khi sinh ra, ta đã có sẵn bản năng độc lập nhưng lại đánh mất nó trong quá trình sống. Không có bản năng độc lập, chúng ta không thể nắm giữ được tự do. Nghĩa là trước khi đòi tự do, bạn phải tìm lại bản năng độc lập của mình. (Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2012, tr.135) Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. Câu 2: Vấn đề chính được tác giả nêu trong đoạn trích là gì? Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu nói: “Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng.” Câu 4: Trong tất cả các nguyên tắc sống học được ở nhà trẻ, anh/ chị thấy nguyên tắc nào có ý nghĩa với mình nhất. Vì sao? Lời giải chi tiết Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là phương thức nghị luận. Câu 2: Vấn đề chính được tác giả đặt ra trong đoạn trích là: Trước khi đòi tự do, bạn phải tìm lại bản năng độc lập của mình. Không có bản năng độc lập, chúng ta không thể nắm giữ được tự do. Câu 3: Câu nói “Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng.” Nghĩa là dù phải đi mười bước mới kiếm được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới kiếm được một ngụm nước nhưng con gà rừng vẫn muốn làm những việc đó mà không muốn bị nhốt trong lồng. Nghĩa là dù phải trải qua khó khăn, vất vả mới có miếng ăn thức uống nhưng loài gả rừng vẫn muốn vì khi đó nó được tự do. Thức ăn đem đến sẵn miệng chỉ dành cho những con ở trong lồng, bị mất tự do. Tương tự như vậy, những người chầu trực thứ đến sẵn mà không độc lập tự kiếm sống được, không làm được việc là người mất tự do. Câu 4: Học sinh có thể chọn bất kì nguyên tắc nào. Học sinh sẽ được điểm khi giải thích được lí do vì sao em chọn nguyên tắc đó. Loigiaihay.com
Quảng cáo
|