Đọc hiểu - Đề số 71 - THPTGiải bài tập Đọc hiểu - Đề số 71, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia Quảng cáo
Đề bài Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: “Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy. Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi,... Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, đã phải mong làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra ở phận nào, theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi. Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở. Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng. Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khỏe tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người. Thanh niên ngày xưa bước vào đời như đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua cả một thời gian dài. Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí. Xây dựng nên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam xác định hướng đi; không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va”. (Theo Nguyễn Khắc Viện, Dẫn theo SGK Ngữ văn 11 nâng cao – tập 2, NXB Giáo dục, 2007) Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ văn bản? Câu 2: Cho biết văn bản trên bàn về vấn đề gì? Câu 3: Trong văn bản tác giả dùng hình ảnh “kim chỉ nam” để chỉ điều gì? Ý nghĩa của hình ảnh? Câu 4: Trong khoảng từ 5 đến 7 dòng, hãy nhận xét về ý kiến: “Thanh niên ngày xưa bước vào đời như đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào”. Lời giải chi tiết Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản: chính luận. Câu 2: - Văn bản trên bàn về vấn đề: “Thanh niên và số phận” hoặc “Thanh niên và số phận trong xã hội xưa và nay”. - Bài viết của tác giả Nguyễn Khắc Viện đã chỉ rõ sự khác nhau giữa số phận thanh niên trong xã hội xưa và nay. Nếu như “đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy” thì trái lại, “thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường”. Từ đó chỉ rõ vai trò quan trọng của sự lựa chọn và cố gắng của bản thân cũng như sự giúp đỡ của bạn bè. Câu 3: - Trong văn bản, tác giả dùng hình ảnh “kim chỉ nam” để chỉ niềm tin và đạo lý. - Ý nghĩa của hình ảnh (ẩn dụ): + Khẳng định vai trò của niềm tin và đạo lý có tác dụng dẫn đường, chỉ lối đúng đắn. + Cách nói “kim chỉ nam” là cách nói có hình tính hình tượng, tạo sức hấp dẫn. Câu 4: Học sinh có thể trình bày ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý hay không đồng ý hoàn toàn và giải thích được vì sao. Có thể tham khảo một số gợi ý các hướng trình bày sau: - Ý kiến trên đúng đắn vì: Đại đa số thanh niên trong xã hội xưa phải tuân theo sự sắp đặt, sự chi phối của gia đình, xã hội và hoàn toàn thụ động trong cuộc sống do sự quy định của lễ giáo, từ đó dẫn đến sự hạn chế, bó hẹp trong quan niệm số phận, định mệnh. - Tuy trong xã hội xưa còn chịu ảnh hưởng nặng nề của những quan niệm giáo lý khắt khe nhưng không phải tất cả thanh niên trong xã hội xưa đều an phận, thụ động trong cuộc sống. Tất nhiên, bộ phận đó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Loigiaihay.com
Quảng cáo
|