Đọc hiểu - Đề số 68 - THPT

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 68, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

Quảng cáo

Đề bài

Anh/chị hãy đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

        Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lí (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình, “vào học rồi mới biết mình không hợp”; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau... Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.

        Những sai lầm chủ quan trong việc lựa chọn ngành học thường bắt đầu từ quan niệm mang nặng tính thực dụng: ngành này có dễ xin việc làm, có thu nhập cao, có được làm việc ở thành phố hay không?

        Sai lầm có thể đến với người chọn nghề theo truyền thống gia đình, theo sự thành đạt của người thân, theo sự rủ rê của bạn bè… mà không quan tâm đến sự phù hợp của nghề đối với năng lực, nguyện vọng bản thân. Thậm chí, nhiều thí sinh không tự chọn ngành, chọn nghề để đăng ký thi ĐH mà người lựa chọn, người làm hồ sơ chính là bố mẹ của thí sinh.

        Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nữa là chọn nghề hời hợt theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Nhiều học sinh đến năm lớp 12 vẫn chưa tìm hiểu và chưa quyết định chọn nghề. Bởi vậy,… có khá nhiều thí sinh nộp 4, 5 bộ hồ sơ, thậm chí có người đã nộp 9 – 13 bộ để “chống trượt”.

        Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc.

        Lúc ấy, nếu muốn bắt đầu với nghề khác thì phải chịu tốn kém, mất thời gian học nghề mới… Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề).

(Theo http://www.petrotimes.vn)

Câu 1: Đặt tên cho văn bản trên

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên

Câu 3: Theo tác giả bài viết, việc chọn sai nghề gây ra những hậu quả gì?

Câu 4: Theo anh/chị, làm thế nào để có thể chọn đúng nghề (trình bày ngắn gọn)?

Lời giải chi tiết

Câu 1:

Học sinh có thể lựa chọn và đặt những nhan đề khác nhau nhưng cần xoay quanh chủ đề chính: THỰC TRẠNG VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC CHỌN SAI NGHỀ

Có thể lựa chọn các nhan đề như: Chán nản do chọn sai ngành học, Sai lầm trong việc chọn nghề…

Câu 2:

Phương thức biểu đạt của văn bản: Nghị luận

Câu 3:

Theo tác giả bài viết, việc chọn sai nghề gây ra những hậu quả không nhỏ:

- Đối với bản thân người đó:do ngành nghề không phù hợp với năng lực, nguyện vọng của bản thân nên khó phát huy năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, gây tâm lý chán nản, thất vọng , thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc; những người đó nếu muốn bắt đầu với nghề khác thì phải chịu tốn kém tiền của chi phí đào tạo cho việc học nghề mới, tốn kém thời gian, công sức.

- Đối với xã hội: gây lãng phí cho công tác đào tạo, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề).

Câu 4:

Để không chọn sai nghề, những người trẻ cần nắm vững một số điều sau:

- Biết rõ mong muốn thực sự của mình về ngành nghề (mình muốn được làm nghề gì?), điểm mạnh và điểm yếu của bản thân (năng lực của bản thân có đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của ngành nghề đó không?), xác định được mục tiêu, niềm đam mê trong cuộc sống.Có thể tự đánh giá và kiểm tra bản thân bằng các bài test đánh giá nghề nghiệp. Những bài test này đưa ra những thế mạnh tiềm tang của mỗi người. Thông qua những bài test này bạn sẽ biết rõ hơn về quan điểm, sở thích và tính cách của bản thân.

- Cần dành thời gian tìm hiểu về nghề nghiệp tương lai mà mình định chọn: những xu hướng việc làm hiện tại và trong tương lai có phù hợp với chuyên ngành mà bạn lựa chọn.

- Tham khảo ý kiến của bạn bè, của người thân. Cùng bàn bạc với họ về những ý tưởng nghề nghiệp của bạn, để từ đó có thể rút ra những định hướng nghề nghiệp cụ thể trong tương lai.

- Gia đình và nhà trường cũng nên có những hình thức hỗ trợ phù hợp như: cung cấp thông tin, đưa ra lời khuyên, tổ chức những chương trình tư vấn chọn trường, chọn nghề… nhưng cần tôn trọng quyền lựa chọn và quyết định của người đó.

=> Làm tốt những việc trên giúp bạn có thể tìm được một công việc phù hợp, lý tưởng cho bản thân trong tương lai.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close