Đọc hiểu - Đề số 41 - THPT

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 41, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

VB1

Đọc văn bản:

      Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cần phải huy động sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, trong mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức uốn nắn lời ăn tiếng nói hàng ngày của con cái. Nếu bố mẹ nói năng không chuẩn mực, thiếu văn hóa thì con cái sẽ bắt chước. Đặc biệt, trong nhà trường, việc rèn giũa tính chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt cho học sinh phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên... Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải tuyên truyền và nêu gương trong việc sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn mực, đồng thời tích cực lên án các biểu hiện làm méo mó tiếng Việt. 

Trả lời các câu hỏi:

a) Đoạn văn trên đề cập đến vấn đề gì? (0,25 điểm)

b) Tại sao trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải huy động sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và xã hội? (0,25 điểm)

c) Theo anh (chị), chuẩn mực tiếng Việt được thể hiện ở những mặt nào? (0,5 điểm)

d) Viết một đoạn văn ngắn trình bày nhiệm vụ của người học sinh trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. (0,5 điểm)

Lời giải chi tiết:

aĐoạn văn đề cập vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

bĐể giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải huy động sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và xã hội là vì: gia đình, nhà trường, xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ cho cộng đồng. Đó cũng là nơi những biểu hiện lệch lạc trong cách sử dụng tiếng Việt được điều chỉnh, uốn nắn một cách tích cực và có hiệu quả.

cChuẩn mực tiếng Việt được thể hiện toàn diện trên các mặt: ngữ âm - chính tả, từ vựng, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ (phát âm đúng; viết đúng hình thức văn tự của từ; sử dụng từ ngữ chuẩn xác; đặt câu đúng ngữ pháp tiếng Việt; dùng tiếng Việt, tạo lập các kiểu loại văn bản phù hợp với những bối cảnh giao tiếp khác nhau).

dĐoạn văn cần viết ngắn gọn, các câu đúng ngữ pháp và liên kết chặt chẽ để làm nổi bật chủ đề: trách nhiệm của học sinh trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Các ý có thể có: tự mình phải thường xuyên học tập để có thể nói đúng, viết đúng; góp phần vào việc ngăn chặn những xu hướng tiêu cực đang làm méo mó tiếng Việt.

VB2

 Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi ở dưới:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

(Từ ấy – Tố Hữu, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, trang 44)

a) Xác định phương thức biểu đạt của văn bản. (0,25 điểm)

b) Dựa vào đâu để nhận ra biện pháp so sánh và biện pháp ẩn dụ trong văn bản? (0,25 điểm)

c) Nêu ý chính của văn bản. (0,5 điểm)

d) Hãy viết một đoạn văn ngắn nói về vai trò của lí tưởng đối với sự phấn đấu của con người trong cuộc sống. (0,5 điểm)

Lời giải chi tiết:

aVăn bản sử dụng phương thức biểu cảm (hoặc trữ tình).

bBiện pháp so sánh trong đoạn thơ được nhận ra nhờ từ “là” kết nối hai vế: đối tượng so sánh và hình ảnh so sánh (Hồn tôi là một vườn hoa lá…).

Biện pháp ẩn dụ được nhận ra nhờ hai hình ảnh: nắng hạ và mặt trời chân lí có khả năng gợi liên tưởng tới một đối tượng khác có nhiều nét tương đồng. Trong đoạn thơ, nắng hạ và mặt trời chân lí ngầm chỉ ánh sáng của lí tưởng cách mạng.

cÝ chính của văn bản: bộc lộ niềm vui sướng khi bắt gặp lý tưởng cách mạng; thể hiện những thay đổi của tâm hồn lúc được “mặt trời chân lí” rọi chiếu đến.

d. Đoạn văn cần viết gọn, các câu đúng ngữ pháp, liên kết với nhau để làm nổi bật ý chính: lí tưởng có vai trò quan trọng đối với sự phấn đấu của mỗi người trong cuộc sống. Nó là sự định hướng, là ngọn đèn soi đường để con người đi tới đích cuối cùng mà mình đã chọn.

Loigiaihay.com