Đọc hiểu - Đề số 3 - THPT

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 3, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

VB1

Văn bản 1: Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 3:

NHỚ ĐỒNG

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ 

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò! 


Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi 

Sao mà cách biệt, quá xa xôi 

Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ 

Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi! 


Đâu những hồn thân tự thuở xưa

Những hồn quen dãi gió dầm mưa 

Những hồn chất phác hiền như đất 

Khoai sắn tình quê rất thiệt thà! 


Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi 

Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời 

Vơ vẩn theo mãi vòng quanh quẩn 

Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời 


Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi 

Nhẹ nhàng như con chim cà lơi 

Say hương đồng vui ca hát 

Trên chín tầng cao bát ngát trời... 


Cho tới chừ đây, tới chừ đây 

Tôi mơ qua cửa khám bao ngày 

Tôi thu tất cả trong thầm lặng 

Như cánh chim buồn nhớ gió mây. 


Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh 

Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!

Tố Hữu, Tháng 7 /1939

Câu 1: Đọc kĩ đoạn thơ, các thông tin liên quan đến bài thơ và cho biết Tố Hữu sáng tác bài thơ Nhớ đồng trong hoàn cảnh nào?

Câu 2: Đồng quê hiện lên qua nỗi nhớ của tác giả với những bóng dáng con người nào? Nêu cảm nhận của anh/chị về tình cảm của tác giả dành cho những con người đó.

Câu 3: Nhận xét về hai câu thơ đầu đoạn và hai câu cuối đoạn.

Lời giải chi tiết:

Câu 1:

Bài thơ Nhớ đồng sáng tác trong hoàn cảnh tác giả bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) tháng 7 năm 1939 vì “tội” tuyên truyền thanh niên, học sinh chống Pháp.

Câu 2:

Đồng quê hiện lên trong nỗi nhớ của nhà thơ với hình ảnh con người bình dị, mộc mạc mà lam lũ, vất vả của quê hương: “Mẹ già xa đơn chiếc”, “những hồn thân” “những hồn quen dãi gió dầm sương”, “những hồn chất phác hiền như đất”, nhớ qua một “tiếng hò”. Điệp từ nghi vấn “đâu” đặt ở đầu câu cùng với một loạt từ cảm thán đã diễn tả một cách tự nhiên và chân thực tình cảm gắn bó máu thịt của nhà thơ đối với cuộc sống và con người quê hương. Dường như người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đang chìm đắm trong nỗi nhớ nhung, trong dòng hồi ức miên man không dứt. Người đọc cảm nhận rất rõ tâm trạng cô đơn, đau khổ của người tù lúc này.

Câu 3:

Hai câu kết là sự lặp lại của hai câu thơ đầu, tạo nên kết cấu vòng tròn. Bài thơ khép lại nhưng cảm xúc thơ vẫn tiếp tục mở rộng như nhiều vòng sóng đồng tâm, mỗi lúc một lan xa, tỏa rộng không giới hạn.

VB2

Văn bản 2: Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi từ 4 đến 7:

        … Điền thương con lắm. Vút cái, Điền thấy Điền không thể nào đi được. Điền không thể sung sướng khi con Điền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?... Không, không, Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời …

      Sáng hôm sau, Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.

(Trích Giăng sáng – Nam Cao)

Câu 4: Nội dung chính của văn bản trên là gì?

Câu 5: Ngôn ngữ trong văn bản trên là của ai? Việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì?

Câu 6: Anh/chị cảm nhận như thế nào về nhân vật Điền trong văn bản trên? Viết câu trả lời trong khoảng 10 dòng.

Câu 7: Điền quan niệm: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Anh/chị có đồng ý với quan niệm đó hay không? Vì sao?

Lời giải chi tiết:

Câu 4:

Nội dung chính của văn bản: Tâm trạng đau khổ, đầy bi kịch và những trăn trở về nghệ thuật của nhân vật Điền.

Câu 5:

Ngôn ngữ trong văn bản là ngôn ngữ nửa trực tiếp, nhà văn hóa thân vào nhân vật để cất lên tiếng nói nội tâm của nhân vật ⟶ Ngôn ngữ đa thanh – một trong những đặc trưng của văn xuôi Nam Cao. Nó làm tăng sự chân thực cho đoạn văn.

Câu 6:

Cảm nhận về nhân vật Điền:

- Là 1 nhà văn có lý tưởng đẹp đẽ về văn chương nghệ thuật.

- Có cái nhìn chân thực, sâu sắc về cuộc đời, về mối quan hệ giữa văn chương nghệ thuật và cuộc sống: nghệ thuật phải vị nhân sinh chứ k phải nghệ thuật vị nghệ thuật.

⟶ Nhà văn có tâm huyết, có tình thương và có hoài bão lớn.

Câu 7: Quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh:

- Bày tỏ thái độ đồng tình.

- Vì:

+ Con người là đối tượng phản ánh của văn học, hiện thực cuộc sống chính là nguồn cảm hứng, là chất liệu tạo nên tác phẩm văn học. Con người cũng chính là đối tượng hướng tới của văn học. Nếu xa rời hiện thực, văn chương sẽ trở nên xáo rỗng; không có độc giả, văn chương sẽ “chết”.

+ Văn chương phải cất lên tiếng nói sẻ chia, đồng cảm với con người mới là văn chương chân chính.

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close