Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3

Quảng cáo

Đề bài

I. KIỂM TRA ĐỌC:

1. Đọc thành tiếng:

2. Đọc thầm và làm bài tập:

Cây gạo

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen…đàn đàn lũ lũ bay đi bay về. Chúng nó gọi nhau, trêu ghẹo nhau, trò chuyện ríu rít. Ngày hội mùa xuân đấy.

Cây gạo già mỗi năm lại trở lại tuổi xuân, càng nặng trĩu những chùm hoa đỏ mọng và đầy tiếng chim hót.

Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo trở lại với dáng vẻ xanh mát hiền lành. Cây đứng im lìm cao lớn, làm tiêu cho những con đò cập bến và cho những đứa con về thăm quê mẹ.

(Theo Vũ Tú Nam)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

1. Bài văn tả cây gạo vào mùa nào trong năm ?

a. Mùa xuân.

b. Mùa hạ.

c. Mùa thu

d. Mùa đông.

 

2. Từ xa nhìn lại, cây gạo trông giống cái gì ?

a. Ngọn lửa hồng.

b. Ngọn nến trong xanh.

c. Tháp đèn.

d. Cái ô đỏ

 

3. Các loài chim làm gì trên cây gạo?

a. Làm tổ.

b. Bắt sâu.

c. Ăn quả.

d. Trò chuyện ríu rít.

 

4. Những chùm hoa gạo có màu sắc như thế nào ?

a. Đỏ chót

b. Đỏ tươi.

c. Đỏ mọng.

d. Đỏ rực rỡ.

 

5. Hết mùa hoa, cây gạo như thế nào ?

a. Trở lại tuổi xuân.

b. Trở nên trơ trọi.

b. Trở nên xanh tươi.

d. Trở nên hiền lành.

 

6. Câu “Cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ” được viết theo mẫu câu nào?

a. Ai là gì?

b. Ai làm gì?

c. Ai thế nào?

d. Không thuộc mẫu câu nào.

 

7. Bộ phận in đậm trong câu: “Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim” trả lời cho câu hỏi nào?

a. Là gì?

b. Làm gì?

c. Thế nào?

d. Khi nào?

 

II. KIỂM TRA VIẾT

1. Chính tả: (Nghe - viết )

Nghe viết: Bài "Nước biển Cửa Tùng”

Nước biển Cửa Tùng

Diệu kì thay, trong một ngày, Cửa Tùng có ba sắc màu nước biển. Bình minh, mặt trời như chiếc thau đồng đỏ ối chiếu xuống mặt biển, nước biển nhuộm màu hồng nhạt. Trưa, nước biển xanh lơ và khi chiều tà thì đổi sang màu xanh lục.

2. Tập làm văn.

Viết đoạn văn ngắn (khoảng 6 câu) kể về một vài nét đẹp mà em thấy ở nông thôn (hoặc thành thị)

Lời giải chi tiết

I. Kiểm tra đọc

1.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, tìm ý

Cách giải:

Phương án: a. Mùa xuân.

2.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, tìm ý

Cách giải:

Phương án: c. Tháp đèn.

3.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, tìm ý

Cách giải:

Phương án: d. Trò chuyện ríu rít.

4.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, tìm ý

Cách giải:

Phương án: c. Đỏ mọng.

5.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, tìm ý

Cách giải:

Phương án: d. Trở nên hiền lành.

6.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Câu Ai thế nào?

Cách giải:

Phương án: c. Ai thế nào?

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Câu Ai làm gì

Cách giải:

Phương án: b. Làm gì?

II. Kiểm tra viết

1. Chính tả

2. Làm văn

Phương pháp: phân tích, kể, tả đan xen

Cách giải:

Gợi ý:

- Em được biết một vài nét đẹp ở đâu (thuộc nông thôn hoặc thành thị)?

- Đó là những nét đẹp gì cụ thể (về cảnh vật, con người, cuộc sống …)?

- Vì sao em thích những nét đẹp đó?

Bài tham khảo:

Mùa hè năm ngoái, bố mẹ cho em về thăm quê ngoại ở Kim Động, Hưng Yên. Lần đầu tiên em được nhìn thấy vẻ đẹp của cánh đồng lúa rộng mênh mông với đàn cò trắng bay dập dờn trên cao. Bên đường, đàn trâu đang ung dung gặm cỏ. Những bạn nhỏ chăn trâu nhìn em mỉm cười thân thiện. Em thích nhất lần thả diều cùng anh Bằng trên bờ đê quê ngoại. Cánh diều bay cao trê bầu trời xanh như mang cả niềm vui tuổi thơ của chúng em.

Loigiaihay.com

Quảng cáo
close