Đề số 16 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 16 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 10

Quảng cáo

Đề bài

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

    Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Công danh đã được hợp về nhàn,

Lành dữ âu chi thế nghị khen.

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Đìa thanh phát cỏ ương sen.

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,

Thuyền chở yên hà nặng vạy then.

Bui* có một lòng trung lẫn hiếu,

Mài chăng**khuyết, nhuộm chăng đen.

(Thuật hứng 24 – Nguyễn Trãi, Trích Luận đề về Nguyễn Trãi, NXB Thanh Niên, 2003, tr.87)

Chú thích:

*Bui: duy, chỉ có; **chăng: chẳng, không

Câu 1. Nêu tên thể thơ của văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Nêu tên một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu luận. (0,5 điểm)

Câu 3. Hai câu kết cho thấy vẻ đẹp gì của Nguyễn Trãi? (1.0 điểm)

Câu 4. Hai câu đề của bài thơ trên gợi cho em nghĩ đến bài thơ nào trong chương trình Ngữ Văn 10? Chỉ ra một điểm giống nhau giữa hai bài thơ? (1.0 điểm)

II. Làm văn: (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

      Bài thơ Thuật hứng 24 của Nguyễn Trãi gợi anh/chị nghĩ đến phẩm chất quan trọng nào của con người? Hãy viết đoạn văn ngắn (100 chữ) bàn về ý nghĩa của phẩm chất đó.

Câu 2: (5.0 điểm)

       Cảm nhận hào khí Đông A được thể hiện trong bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.

Lời giải chi tiết

I. Đọc hiểu 

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các thể thơ đã được học.

* Cách giải:

- Thể thơ: thất ngôn xen lục ngôn

Lưu ý: Nếu học sinh chỉ nhận ra được thể thất ngôn bát cú thì đạt 0.25 điểm

Câu 2:

* Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp nghệ thuật đã được học.

* Cách giải:

- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong cặp câu luận: đối, phóng đại…

Câu 3:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

- Vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi thể hiện qua cặp câu kết: tấm lòng trung hiếu/ lòng yêu nước, thương dân/ kiên trì với lý tưởng yêu nước thương dân…

Câu 4:

* Phương pháp: Tái hiện kiến thức đã học, phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

- Hai câu thơ đầu gợi nhớ bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

- Điểm giống nhau giữa 2 bài thơ: đều thể hiện tâm hồn thanh cao, lối sống thanh nhàn, hòa hợp với thiên nhiên,…

Lưu ý: Học sinh có thể phát hiện nét giống nhau trên phương diện nghệ thuật, chỉ cần hợp lý có thể đạt 0.5 điểm

II. Làm văn 

Câu 1:

* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)

* Cách giải:

Yêu cầu về kĩ năng: biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh, chặt chẽ; không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề.

Yêu cầu về kiến thức:

- Trình bày đúng vấn đề: bàn về một phẩm chất quan trọng của con người được gợi ra từ bài thơ Thuật hứng số 24: lòng yêu nước, nhân cách thanh cao, kiên trì với lý tưởng…

- Lý giải ngắn gọn vì sao đó là một phẩm chất quan trọng không thể thiếu của con người.

- Rút ra bài học, ý thức trách nhiệm của bản thân.

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo lựa chọn của bản thân, cần có nội dung hợp lý, thuyết phục.

Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Hào khí Đông A trong tác phẩm Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.

- Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão và tác phẩm Tỏ lòng.

- Hoàn cảnh sáng tác: Tương truyền bài thơ được sáng tác trước cuộc kháng chiến chông quân Mông Nguyên lần 2, lúc đó Phạm Ngũ Lão cùng một số tướng lĩnh được cử đi trấn giữ biên cương.

- Giải thích hào khí Đông A: Theo chữ Hán thì chữ Đông và chữ A ghép là chữ Trần; hào khí Đông A là hào khí thời Trần – khí thế mạnh mẽ, hùng dũng trong công cuộc chống giặc bảo vệ đất nước.

- Cảm nhận hào khí Đông A thể hiện trong bài thơ Tỏ lòng:

+ Hình ảnh chiến sĩ nhà Trần hiên ngang, uy vũ.

+ Niềm tự hào trước sức mạnh và khí thế hào hùng của quân đội nhà Trần.

+ Khát vọng lập nhiều chiến công, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

+ Nghệ thuật: Giọng thơ hào hùng, mang cảm hứng tự hào, ngợi ca; bút pháp phóng đại; điển tích; đặt con người trong tương quan với vũ trụ…

- Đánh giá: Hào khí Đông A làm nên chất anh hùng ca cho bài thơ Tỏ lòng. Phạm Ngũ Lão thể hiện rõ tấm lòng yêu nước và khát vọng chống giặc cứu nước.

d. Sáng tạo

- Ý mới mẻ, sâu sắc, biết liên hệ, so sánh

e. Diễn đạt

- Chính tả, dùng từ, đặt câu

Loigiaihay.com

Quảng cáo

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close