Đề số 15 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 15 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 10

Quảng cáo

Đề bài

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

   Sáng nay tôi nhìn thấy em ở ngã tư. Đèn đỏ còn sáng và đồng hồ đang đếm ngược. Ba mươi chín giây. Em đang vội, chiếc xe đạp điện màu đỏ cứ nhích dần lên. Không chỉ mình em, nhiều người khác cũng vội, những chiếc xe máy cứ nhích dần, nhích dần lên.

    Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.

    Tôi nhớ có hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đấy là một triết lý hay, ta phải tranh thủ sống đến từng giây của cuộc đời.

    Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi. Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ, nếu em biết về điều sẽ xảy ra?

     Đôi khi xếp hàng ở siêu thị, vì biết rồi sẽ đến lượt mình và rằng đó là sự công bằng. Đợi tín hiệu đèn xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là luật pháp và sự an toàn cho chính bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm dăm phút nữa, vì biết có bao nhiêu điều có thể bất ngờ xảy ra trên đường. Đợi một cơn mưa vì biết rằng dù dai dẳng mấy, nó cũng phải tạnh. Đợi một tình yêu đích thực vì biết rằng những thứ tình yêu “theo trào lưu” chỉ có thể đem đến những tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm của em…

 (Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2012, tr 25)

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của thành ngữ được gạch chân trong câu văn: "Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời".

Câu 4. Anh/chị lựa chọn triết lý nào cho cuộc sống của bản thân: "Sống là không chờ đợi" hay "Đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi"? Vì sao?

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

     Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được nhắc đến trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: tình yêu “theo trào lưu”.

Câu 2. (5,0 điểm)

     Về chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa, có ý kiến cho rằng: “Nỗi niềm chua xót đắng cay và tình cảm yêu thương chung thuỷ của người bình dân trong xã hội cũ được bộc lộ chân tình và sâu sắc”

                                                 (Ngữ văn 10, tập 1, NXB Giáo dục, 2014, tr 85)

Qua một số bài ca dao anh/ chị biết, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Lời giải chi tiết

I. Đọc hiểu 

Câu 1.

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

* Cách giải:

- Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên: phương thức tự sự, phương thức nghị luận.

Câu 2.

* Phương pháp: Đọc, phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

- Về nội dung: tác giả bác bỏ triết lý sống: sống là không chờ đợi, từ đó chứng minh rằng: trong cuộc sống, sự chờ đợi là cần thiết và có ý nghĩa

Câu 3.

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

- "Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời".

- Há miệng chờ sung trong câu văn này có nghĩa: chỉ sự thụ động, thiếu tinh thần chủ động trong công việc.

Giám khảo lưu ý: trong ngữ cảnh này, thành ngữ há miệng chờ sung không chỉ sự lười nhác.

Câu 4.

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

Học sinh trình bày triết lý sống của bản thân, câu trả lời cần hợp lý, có sức thuyết phục có thể học sinh sẽ trình bày một trong các quan điểm sau:

1. Sống là không chờ đợi : sống tích cực, biết chớp thời cơ, nắm bắt cơ hội - nhưng không đồng nghĩa với sống vội, sống gấp.

2. Đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi: Biết chờ đợi bởi đó là biểu hiện của sự kiên trì, chín chắn, nắm được quy luật của cuộc sống, không nóng vội hay đốt cháy giai đoạn - nhưng không đồng nghĩa với sự thụ động, chậm chạp.

3. Linh hoạt lựa chọn triết lý sống trong từng hoàn cảnh cụ thể.

II. Làm văn 

Câu 1:

* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)

* Cách giải:

a. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn nghị luận xã hội, có dung lượng khoảng ½ trang giấy, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.

b. Yêu cầu về nội dung: bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung chính sau:

- Mở đoạn: giải thích hiện tượng: tình yêu “theo trào lưu”: tình yêu của nam nữ không xuất phát từ những rung cảm đích thực, chân thành; đó là những tình cảm hời hợt, yêu theo phong trào, đua đòi theo đám đông.

- Thân đoạn: trình bày suy nghĩ về hiện tượng:

+ Biểu hiện tình yêu theo trào lưu: chủ yếu trong giới trẻ

+ Tác hại của tình yêu theo trào lưu: lãng phí thời gian, tổn thương tâm hồn, (và thể xác)

+ Nguyên nhân: do tâm lý đám đông, do đặc thù lứa tuổi

+ Giải pháp: bản thân giới trẻ, gia đình….

- Kết đoạn: liên hệ bản thân

Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Về chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa, có ý kiến cho rằng: “Nỗi niềm chua xót đắng cay và tình cảm yêu thương chung thuỷ của người bình dân trong xã hội cũ được bộc lộ chân tình và sâu sắc”.

*) Yêu cầu chung

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, cú pháp.

*) Yêu cầu cụ thể

Bài làm có thể có nhiều cách diễn đạt, sau đây là một số ý cơ bản:

1. Khái quát về ca dao

2. Phân tích ý kiến

a. Ca dao than thân yêu thương tình nghĩa bộc lộ nỗi niềm chua xót đắng cay và tình cảm yêu thương chung thuỷ của người bình dân

* Bộc lộ nỗi niềm chua xót đắng cay

Học sinh chứng minh qua chùm ca dao "thân em như…"

* Bộc lộ tình cảm yêu thương chung thuỷ

Học sinh chứng minh qua các bài ca dao "khăn thương nhớ ai",….

b. Nghệ thuật thể hiện nỗi niềm tình cảm của người bình dân

- Thể thơ

- Hình ảnh so sánh, ẩn dụ

- Mô típ...

3. Đánh giá

- Qua chùm ca dao than thân thấy được số phận của người bình dân trong xã hội cũ, đồng thời thấy được vẻ đẹp tâm hồn người bình dân.

- Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thân người lao động, đặc biệt trong xã hội cũ.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close