Đề kiểm tra học kì 1 sử 9 - Đề số 7 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra học kì 1 sử 9 - Đề số 7 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Quảng cáo

Đề bài

I-TRẮC NGHIỆM (4 điểm)

Câu 1: Cuộc cách mạng nào được tiến hành sau khi giành độc lập đã giúp Ấn Độ tự túc được lương thực cho toàn bộ người dân?

A. Cách mạng xanh

B. Cách mạng chất xám

C. Cách mạng trắng

D. Cách mạng nhung

Câu 2: Cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1946-1949) diễn ra giữa các lực lượng nào?

A. Phong kiến Mãn Thanh và Đảng Cộng sản Trung Quốc

B. Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc

C. Tập đoàn phong kiến quân phiệt ở phía Bắc và Đảng Cộng sản Trung Quốc

D. Tập đoàn phong kiến quân phiệt ở phía Bắc và Trung Hoa Dân Quốc

Câu 3: Ngày 1-10-1949 ở Trung Quốc đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng?

A. Nam Kinh được giải phóng

B. Quốc Dân Đảng thất bại và phải rút ra đảo Đài Loan

C. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập

D. Bắc Kinh được giải phóng

Câu 4: Yếu tố nào dẫn đến sự phân hóa về đường lối đối ngoại của các nước Đông Nam Á từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX?

A. Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh

B. Sự khác biệt về trình độ phát triển

C. Sự khác biệt về hệ tư tưởng

D. Ảnh hưởng của cách mạng khoa học kĩ thuật, xu thế toàn cầu hóa

Câu 5: Đâu không phải là nhân tố tác động đưa tới sự thành lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)?

A. Nhu cầu hợp tác cùng phát triển giữa các nước

B. Hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn vào khu vực

C. Xu thế liên kết khu vực

D. Tác động của cuộc khủng hoảng dầu mỏ

Câu 6: Chiến lược nào được chính phủ Nam Phi đề ra nhằm xóa bỏ chế độ Apacthai về kinh tế?

A. Phân phối lại hàng hóa và thị trường.

B. Tăng trưởng, việc làm và phân phối lại

C. Bình đẳng trong kinh tế

D. Tăng trưởng bền vững

Câu 7: Tổ chức nào ở châu Phi đóng vai trò chủ yếu trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế- chính trị ở khu vực?

A. Liên minh châu Phi

B. Cộng đồng kinh tế châu Phi

C. Hội đồng tương trợ kinh tế châu Phi

D. Hiệp hội các nước châu Phi

Câu 8: Tình trạng không ổn định của châu Phi đặt ra yêu cầu gì cho toàn nhân loại hiện nay?

A. Cần có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trên tất cả các lĩnh vực

B. Cần phải xóa bỏ triệt để chế độ phân biệt chủng tộc

C. Cần phải phân định lại đường biên giới cho phù hợp

D. Cần phải loại bỏ các phần tử khủng bố ở khu vực

Câu 9: Ngày 1-1-1959 ở Cuba đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng?

A.  135 thanh niên yêu nước do Phiden Catsxtorô chỉ huy tấn công trại lính Moncada

B. chế độ độc tài Batixta bị lật đổ

C. chế độ độc tài Batixta được thiết lập

D. cuộc tấn công của Mĩ ở bờ biển Hi-rôn

Câu 10: Lãnh tụ của phong trào cách mạng ở Cuba (1959) là ai?

A.  N. Manđêla         

B. Phiđen Cátxtơrô

C. G. Nêru

D. M. Ganđi

Câu 11: Năm 1961, Phiđen Cátxtơrô đã tuyên bố với toàn thế giới, Cuba sẽ tiến lên

A. Chủ nghĩa tư bản

B. Chủ nghĩa xã hội

C. Quân chủ lập hiến

D. Cộng hòa Tổng thống

Câu 12: Cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai khởi đầu từ quốc gia nào?

A.Anh.

B.Pháp.

C.Liên Xô.

D.Mỹ.

Câu 13: Năm 1969, Mĩ đã đạt được thành tựu gì nổi bật về khoa học - kĩ thuật?

A.Tiến hành cuộc “cách mạng xanh

B.Chế tạo ra công cụ sản xuất mới

C.Đưa con người lên mặt trăng

D.Tạo ra cừu Đô-li

Câu 14: Điểm nổi bật trong chính sách đối nội của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là gì?

A.Thực hiện chế độ phân biệt chủng tộc.

B.Chống phong trào công nhân và Đảng cộng sản Mỹ hoạt động.

C.Chống sự nổi loạn của thế hệ trẻ.

D.Đối phó với phong trào đấu tranh của người da đen.

Câu 15: Chính sách đối ngoại nổi bật của Mĩ trong giai đoạn 1991-2000 là

A. Cố gắng thiết lập trật tự thế giới đơn cực

B. Tìm cách tiêu diệt Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa

C. Thiết lập chế độ thực dân kiểu mới ở châu Á

D. Nới lỏng sự kiểm soát đối với Đảng Cộng sản ở Mĩ

Câu 16:  Nguyên nhân phát triển của kinh tế Mĩ và Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai có điểm gì giống nhau?

A.Lợi dụng vốn đầu tư nước ngoài, tập trung đầu tư vào các ngành kĩ thuật then chốt.

B.Áp dụng những thành tựu khoa học - kĩ thuật vào sản xuất

C.Phát huy truyền thống tự lực.

D.Tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào.

II-TỰ LUẬN (6 điểm)

Câu 17. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản đã đạt được sự phát triển “thần kì” như thế nào? Những nguyên nhân nào đã dẫn đến sự phát triển đó? Tại sao nói “Nước Nhật đã đánh mất 10 năm cuối thế kỉ XX”?

Câu 18. Cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật từ năm 1945 đến nay đã và đang có những tác động như thế nào đối với cuộc sống của con người?

Lời giải chi tiết

1A

2B

3C

4A

5D

6B

7A

8A

9B

10B

11B

12D

13C

14B

15A

16B

 

Câu 1

Phương pháp: Dựa vào tình hình xây dựng đất nước của Ấn Độ sau khi giành độc lập để trả lời.

Cách giải:

Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nhờ cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, Ấn Độ đã tự túc được lương thực cho số dân hơn 1 tỉ người

Chọn: A

Câu 2

Phương pháp: Dựa vào phần hoàn cảnh ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để trả lời

Cách giải:

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nhật, ở Trung Quốc đã diễn ra cuộc nội chiến từ năm 1946-1949 giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kết quả là Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Chọn: B

Câu 3

Phương pháp: Dựa vào kết quả cuộc nội chiến 1946 – 1949 ở Trung Quốc để trả lời.

Cách giải:

Ngày 1-10-1949, tại cuộc mít tinh của hơn 30 vạn dân thủ đô Bắc Kinh trên Quảng trường Thiên An Môn, chủ tịch Mao Trạch Đông trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chọn: C

Câu 4

Phương pháp: Dựa vào tình hình khu vực Đông Nam Á từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX để suy luận trả lời.

Cách giải:

Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh, từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX các nước Đông Nam Á đã có sự phân hóa về đường lối đối ngoại:

- Việt Nam, Lào, Campuchia kháng chiến chống Mĩ xâm lược

- Thái Lan, Philippin tham gia vào khối SEATO, giúp Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam

- Indonexia, Miến Điện thị hành chính sách hòa bình, trung lập, không tham gia vào các khối quân sự xâm lược của các nước đế quốc

Chọn: A

Câu 5

Phương pháp: Dựa vào hoàn cảnh lịch sử khu vực Đông Nam Á sau năm 1945 để suy luận trả lời

Cách giải:

- Sau khi giành được độc lập và đứng trước cầu phát triển của đất nước, nhiều nước Đông Nam Á chủ trương thành lập một liên minh để hợp tác cùng phát triển

- Đồng thời, các nước Đông Nam Á cũng muốn hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn vào khu vực, nhất là khi Mĩ đang sa lầy ở cuộc chiến tranh Đông Dương

- Sự phát triển của xu thế liên kết khu vực, nhất là sự ra đời và thành công của khối thị trường chung EEC đã cổ vũ các nước Đông Nam Á liên kết lại với nhau

=> Cuộc khủng hoảng dầu mỏ (1973) không phải nhân tố đưa tới sự thành lập các Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1967) do xét về thời gian nó diễn ra sau khi ASEAN đã được thành lập trước đó.

Chọn: D

Câu 6

Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế- xã hội của Nam Phi để trả lời.

Cách giải:

Năm 1996, chính phủ Nam Phi đã đưa ra chiến lược kinh tế vĩ mô với tên gọi “Tăng trưởng, việc làm và phân phối lại” nhằm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện mức sống của người da đen, xóa bỏ chế độ Apacthai về kinh tế vốn còn tồn tại với người da đen

Chọn: B

Câu 7

Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế- xã hội châu Phi để trả lời

Cách giải:

Trong những năm gần đây, các nước châu Phi đang nỗ lực cùng nhau giải quyết các cuộc xung đột, khắc phục những khó khăn về kinh tế thông qua vai trò chủ yếu của Liên minh châu Phi (AU)

Chọn: A

Câu 8

Phương pháp: Liên hệ kiến thức thực tiễn để trả lời

Cách giải:

Hiện nay, châu Phi vẫn đang ở trong tình trạng không ổn đinh: xung đột sắc tộc tôn giáo diễn ra liên miên, đói nghèo, dịch bệnh hoành hành. Điều này đòi hỏi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Liên Hợp quốc cũng cần phải tăng cường những hoạt động có hiệu quả ở khu vực này.

Chọn: A

Câu 9

Phương pháp: Dựa vào diễn biến của cách mạng Cuba để trả lời

Cách giải:

Ngày 1-1-1959, chế độ độc tài Batixta bị lật đổ. Nước Cộng hòa Cuba được thành lập

Chọn: B

Câu 10

Phương pháp: Dựa vào lãnh đạo của phong trào cách mạng Cuba để trả lời

Cách giải:

Dưới sự lãnh đạo của Phiđen Cátxtơrô và những người đồng chí của mình, nhân dân Cuba đã nổi dậy đấu tranh lật đổ nền độc tài thân Mĩ, thành lập nước Cộng hòa Cuba (1959)

Chọn: B

Câu 11

Phương pháp: Dựa vào tình hình Cuba trong năm 1961 để trả lời.

Cách giải:

Tháng 4-1961, quân dân Cuba đã đập tan cuộc tấn công của lính đánh thuê của Mĩ tại bãi biển Hi-rôn. Chính trong giờ phút quyết liệt của cuộc chiến, Phiđen Cátxtơrô đã tuyên bố với thế giới: Cuba tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội

Chọn: B

Câu 12

Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của khoa học kĩ thuật của các nước tư bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai để trả lời.

Cách giải:

Mỹ là nước khởi đầu cho cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai, bắt đầu từ giữa những năm 40 của thế kỉ XX

Chọn đáp án: D

Câu 13

Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của khoa học - kĩ thuật Mỹ trong năm 1969 để trả lời.

Cách giải:

Năm 1969, Mỹ trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa được con người lên Mặt trăng.

Chọn đáp án: C

Câu 14

Phương pháp: Dựa vào chính sách đối nội của Mĩ sau năm 1945 để trả lời.

Cách giải:

Sau chiến tranh, chính phủ Mỹ đã ban hành hàng loạt đạo luật phản động trong đó có đạo luật Tap-Hác-Lây nhằm mục đích chống phong trào công nhân và Đảng cộng sản Mỹ hoạt động. Đồng thời chống lại phong trào đình công và loại bỏ những người có tư tưởng tiến bộ ra khỏi bộ máy nhà nước.

Chọn đáp án: B

Câu 15

Phương pháp: Dựa vào chính sách đối ngoại của Mĩ giai đoạn 1991 – 2000 để trả lời.

Cách giải:

Dựa vào sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong giai đoạn 1991-2000 và những ưu thế vượt trội của Mĩ, giới cầm quyền Mĩ đã cố gắng thiết lập một trật tự thế giới đơn cực do Mĩ hoàn toàn chi phối, khống chế. Tuy nhiên, giữa những tham vọng to lớn và khả năng thực tế của Mĩ vẫn có những khoảng cách không nhỏ.

Chọn: A

Câu 16

Phương pháp: So sánh nguyên nhân phát triển của Mĩ và Nhật Bản để trả lời

Cách giải:

Điểm giống nhau trong sự phát triển kinh tế của Mĩ và Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai là đều chú trọng áp dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm

Chọn đáp án: B

Câu 17.

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản đã đạt được sự phát triển “thần kì” như thế nào? Những nguyên nhân nào đã dẫn đến sự phát triển đó? Tại sao nói “Nước Nhật đã đánh mất 10 năm cuối thế kỉ XX”?

Phương pháp: Xem lại bài Nhật Bản, suy luận.

Cách giải:

*Sự phát triển thần kì của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai:

- Nhật Bản là nước bại trận sau chiến tranh thế giới thứ hai, kinh tế bị tàn phá, thị trường thu hẹp… Từ năm 1945-1950, kinh tế phát triển chậm phụ thuộc vào Mĩ. Khi tiến hành xâm lược Triều Tiên, kinh tế Nhật được phục hồi và phát triển…

- Từ những năm 60 của thế kỉ XX, khi Mĩ xâm lược Việt Nam, kinh tế Mĩ có cơ hội mới đê đạt được sự tăng trưởng thần kì, vượt qua Tây Âu đứng thứ hai trên thế giới tư bản.

- Tổng sản phẩm quốc dân năm 1950: 20 tỉ USD, năm 1968 đạt 183 tỉ USD… Thu nhập đầu người năm 1990 đạt 23 796 tỉ USD..

- Sản xuất công nghiệp: Từ 1950-1960 tăng trưởng bình quân hàng năm 15%, từ năm 1961-1970 là 13,5%... Sản xuất nông nghiệp: Từ năm 1967-1969, cung cấp 80% nhu cầu lương thực, 2/3 nhu cầu thịt sữa, ngành đánh cá phát triển mạnh…

- Từ những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật trở thành một trong ba trung tâm kinh tế- tài chính của thế giới,…

*Nguyên nhân sự phát triển kinh tế Nhật:

-Những cải cách dân chủ của Nhật sau Chiến tranh như cải cách ruộng đất, ban hành Hiến pháp mới… đã tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế.

- Truyền thống văn hóa giáo dục của Nhật. Con người Nhật Bản được đào tạo chu đáo, cần cù, kỉ luật, tiết kiệm, có chí vươn lên…

- Hệ thống tổ chức quản lí có hiệu quả của các công ti, xí nghiệp. Vai trò quan trọng của nhà nước trong việc đề ra các chiến lược phát triển kinh tế …

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư nước ngoài và thành tựu của cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật,…

- Có điều kiện quốc tế thuận lợi: Sự phát triển chung của kinh tế thế giới, những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật, được Mĩ đảm bảo an ninh nên chi phí quốc phòng thấp,…

*Sở dĩ nói “Nước Nhật đánh mất 10 năm cuối cùng của thế kỉ XX” vì:

- Từ những năm 90 của thế kỉ XX, kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái kéo dài, tốc độ kinh tế giảm liên tục (từ 1991-1995 là 1,4%, năm 1996 lên 2,0%, năm 1997 xuống âm 0,7%,…) nhiều công ty bị phá sản, ngân sách nhà nước thâm hụt…

- Kinh tế Nhật suy giảm bởi vì: Sự phát triển không cân đối của nền kinh tế; những khó khăn về năng lượng, nguyên liệu; sự cạnh tranh quyết liệt của Mĩ, Tây Âu,…

Câu 18. Cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật từ năm 1945 đến nay đã và đang có những tác động như thế nào đối với cuộc sống của con người?

Phương pháp: Xem lại bài cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật

Cách giải:

-Cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật cho phép con người thực hiện những bước nhảy vọt chưa từng thấy về sản xuất và năng suất lao động, nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của con người với những hàng hóa mới và tiện nghi sinh hoạt mới.

- Cách mạng khoa học-kĩ thuật đã đưa tới những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư lao động với xu hướng tỉ lệ dân cư lao động trong nông nghiệp và công nghiệp giảm dần, tỉ lệ dân cư lao động trong các ngành dịch vụ ngày càng tăng lên, nhất là ở các nước phát triển cao.

- Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật cũng đã mang lại những hậu quả tiêu cực. Việc chế tạo các loại vũ khí và phương tiện có sức tàn phá và hủy diệt sự sống, nạn ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, dịch bệnh… đang đe dọa cuộc sống của toàn nhân loại.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close