Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 5 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 5 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
Câu 1.
Cho đoạn trích sau:
Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.
(Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng, Ngữ văn 8, T1, NXB giáo dục Việt Nam, 2011, tr.18)
- Tìm các từ cùng thuộc một trường từ vựng trong đoạn trích.
- Tác dụng của các trường từ vựng đó?
Câu 2.
Cho câu chủ đề sau:
Bé Hồng vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi được ngồi trong vòng tay dịu dàng của mẹ.
Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) theo phép diễn dịch với câu chủ đề trên trong đó có sử dụng thán từ và tình thái từ (gạch chân thán từ và tình thái từ ).
Câu 3.
Cảm nhận của em về nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố.
Lời giải chi tiết
Câu 1
- Tìm các từ cùng thuộc một trường từ vựng trong đoạn trích. - Tác dụng của các trường từ vựng đó? |
Phương pháp: căn cứ bài Trường từ vựng
Cách giải:
- Trường từ vựng:
+ Các từ: mặt, mắt, da, gò má, đùi, đầu, cánh tay, miệng cùng một trường chỉ bộ phận cơ thể người.
+ Các từ: trông nhìn, ôm ấp, ngồi, áp, ngả, thấy, thở, nhai cùng một trường chỉ hoạt động của con người.
+ Các từ: sung sướng, ấm áp cùng một trường chỉ trạng thái của con người
- Tác dụng: Diễn tả những cảm nhận, hành động và niềm sung sướng, hạnh phúc tột cùng của bé Hồng khi được ngồi trong lòng mẹ và cảm nhận sự ấm áp của tình mẫu tử.
Câu 2
Cho câu chủ đề sau: Bé Hồng vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi được ngồi trong vòng tay dịu dàng của mẹ. Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) theo phép diễn dịch với câu chủ đề trên trong đó có sử dụng thán từ và tình thái từ (gạch chân thán từ và tình thái từ ). |
Phương pháp: phân tích, bình, tổng hợp
Cách giải:
Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách viết đoạn văn diễn dịch cảm nhận tâm trạng, cảm xúc của nhân vật văn học theo câu chủ đề đã cho trước.
- Đảm bảo tốt các yêu cầu kiến thức Tiếng Việt. Bố cục mạch lạc, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, diễn đạt tốt, không mắc các lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…
Yêu cầu kiến thức cụ thể:
- Viết đúng đoạn văn diễn dịch theo số dòng quy định với câu chủ đề đã cho.
- Có câu chứa thán từ, có câu chứa tình thái từ, gạch chân dưới thán từ, tình thái từ.
- Nội dung.
Chứng minh được Bé Hồng vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi được ngồi trong vòng tay dịu dàng của mẹ được biểu hiện qua:
- Cảm giác sung sướng đến mê li, rạo rực cả người khi được hít thở trong bầu không khí của tình mẹ con tuyệt vời….
- Tất cả mọi giác quan của Hồng đều thức dạy và mở ra để cảm nhận tận cùng những cảm giác rạo rực, sung sướng cực điểm khi nằm trong lòng mẹ.
- Dưới cái nhìn vô vàn yêu thương của đứa con mong mẹ, mẹ Hồng hiện ra thật đẹp, thật hiền, thật phúc hậu…
Câu 3
Cảm nhận của em về nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Dàn bài tham khảo:
1. Mở bài
Giới thiệu chung và cảm nhận ban đầu về nhân vật.
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh của chị Dậu
- Gia đình chị Dậu thuộc hạng nghèo khó "nhất nhì trong hạng cùng đinh".
+ Chị phải bán gánh khoai, ổ chó và đứt ruột bán đứa con gái lên 7 tuổi cho vợ chồng Nghị Quế mới đủ nộp suất sưu cho chồng.
+ Nhưng anh Dậu vẫn bị trói ở sân đình vì còn thiếu một suất sưu nữa của người em chồng đã chết từ năm ngoái.
- Anh Dậu đang bị ốm nặng, bị trói suốt ngày đêm, anh ngất xỉu đi như chết. Bọn cường hào cho tay chân vác anh Dậu rũ rượi như cái xác đem đến trả cho chị Dậu. Đau khổ, tai hoạ chồng chất và đè nặng lên tâm hồn người đàn bà tội nghiệp.
b. Chị Dậu là người vợ, người mẹ giàu tình yêu thương.
- Yêu thương chăm sóc chồng: Cháo chín, chị múc ra bát, lấy quạt quạt cho nguội để chồng "ăn lấy vài húp" vì chồng chị đã "nhịn xuông từ sáng hôm qua tới giờ".
- Cử chỉ đầy quan tâm:
+ Khẩn khoản tha thiết mời chồng "Thầy em cố gắng dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột". Lời người đàn bà nhà quê mời chồng ăn cháo lúc hoạn nạn chứa đựng biết bao tình yêu thương, an ủi, vỗ về.
+ Cử chỉ chị bế cái Tửu ngồi xuống cạnh chồng "cố ý chờ xem chồng ăn có ngon miệng không" đã biểu lộ sự săn sóc và yêu thương của người vợ đối với người chồng đang đau ốm, tính mạng đang bị bọn cường hào đe doạ.
=> Tình cảm ấy là hơi thở dịu dàng thức tỉnh sự sống cho anh Dậu. Dường như mỗi cử chỉ, hành động của anh Dậu đều có ánh mắt thấp thỏm, lo lắng của chị Dậu dõi theo.
- Yêu chồng, chị dám đánh lại bọn tay sai để bảo vệ chồng. Đó là biểu hiện đẹp đẽ nhất của tình yêu thương chồng trong chị. Chị quả là một người mẹ, người vợ giàu tình yêu thương.
- Và có lẽ chính sự giàu tình yêu thương ấy của chị của chị mà trong chị luôn tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ để khi bọn cai lệ sầm sập tiến vào bắt trói anh Dậu chị đã dũng cảm đứng lên bảo vệ chồng.
c. Chị Dậu là người phụ nữ tiềm tàng tinh thần phản kháng
- Khi bọn tay sai, người nhà lí trưởng "sầm sập" tiến vào với tay thước, roi song, dây thừng thét trói kẻ thiếu sưu, chị Dậu đã nhẫn nhục chịu đựng, cố van xin tha thiết bằng giọng run run cầu khẩn "Hai ông làm phúc bói với ông lí cho cháu khất".
- Nhưng tên cai lệ không những không động lòng thương mà lại còn chửi mắng chị thậm tệ. Tên cai lệ chạy sầm sập đến trói anh Dậu, tính mạng người chồng đang bị đe doạ, chị Dậu "xám mặt" vội vàng đỡ lấy tay hắn nhưng vẫn cố van xin thảm thiết "Cháu van ông! Nhà cháu mới tỉnh được một lúc, ông tha cho".
- Trước hành động dã man của tên cai lệ, chị Dậu đã kiên quyết cự lại. Sự cự lại của chị Dậu cũng có một quá trình gồm hai bước.
+ Thoạt đầu, chị cự lại bằng lí lẽ "chồng tôi đau ốm, các ông không được phép hành hạ". Lời nói đanh thép của chị như một lời cảnh cáo. Thực ra chị không viện đến pháp luật mà chỉ nói cái lí đương nhiên, cái đạo lí tối thiểu của con người. Lúc này chị đã thay đổi cách xưng hô ngang hàng, nhìn vào mặt đối thủ với thái độ quyết liệt ấy, một chị Dậu dịu dàng đã trở nên mạnh mẽ đáo để.
+ Đến khi tên cai lệ dã thú ấy vẫn không thèm trả lời còn tát vào mặt chị một cái đánh bốp rồi cứ nhảy vào cạnh anh Dậu thì chị đã vội đứng dậy với niềm căm giận ngùn ngụt: chị nghiến hai hàm răng "mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem". Một cách xưng hô hết sức đanh đá của người phụ nữ bình dân thể hiện một tư thế "đứng trên dối thủ, sẵn sàng đè bẹp đối phương". Rồi chị "túm cổ tên cai lệ, ấn dúi ra cửa... lẳng người nhà lí trưởng ngã nhào ra thềm". Chị vẫn chưa nguôi giận. Với chị, nhà tù thực dân cũng chẳng có thể làm cho chị run sợ nên trước sự can ngăn của chồng chị vẫn chưa nguôi giận "Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình, làm tội mãi thế, tôi không chịu được".
=> Ngô Tất Tố rất hả hê khi tả cảnh chị Dậu cho tên cai lệ và người nhà lí trưởng một bài học thích đáng. Ông đã chỉ ra một quy luật trong xã hội "Có áp bức, có đấu tranh".
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Xem ngay
-
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 4 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
-
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 3 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 3 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
-
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 2 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 2 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
-
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 1 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 1 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp