Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 10 - Đề số 13 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 10 - Đề số 13 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Quảng cáo

Đề bài

Câu 1 (4,0 điểm)

Cho đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

a. Hãy xác định tên bài thơ, tên tác giả trong đoạn thơ trên?

b. Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật và nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trong câu thơ sau: Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

c. Từ hai câu thơ sau:

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

Viết một đoạn văn ngắn (10 đến 15 câu) suy nghĩ của em về lí tưởng sống của thanh niên trong xã hội hiện nay.

Câu 2 (6,0 điểm)

Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới số 43) của Nguyễn Trãi.

Lời giải chi tiết

Câu 1

a.

- Tên bài thơ: Tỏ lòng (Thuật hoài)

- Tên tác giả: Phạm Ngũ Lão

b.

- NT: so sánh, phóng đại: ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.

- Tác dụng: Cụ thể hoá sức mạnh vật chất, khái quát hoá sức mạnh tinh thần

=> Hình ảnh quân đội nhà Trần hiện lên sôi sục khí thế quyết chiến quyết thắng, đó là sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta.

c. HS viết thành đoạn văn và phải đảm bảo nội dung sau:

- Chí làm trai trong hai câu thơ:

"Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu"

- Sống có trách nhiệm, hy sinh vì nghĩa lớn.

- Khát vọng đem tài trí để tận trung báo quốc, đó là lẽ sống lớn của một con người đầy tài năng và hoài bão.

- Lí tưởng sống của thanh niên trong xã hội hiện nay:

+ Vai trò của tầng lớp thanh niên có lí tưởng trong đời sống cá nhân, xã hội?

+ Lẽ sống, niềm tin và những đóng góp của thanh niên hiện nay?

+ Những kì vọng của gia đình và xã hội.

Câu 2

I. Mở bài

- Nguyễn Trãi là một bậc anh hùng, một nhà văn hóa lớn, ông đã để lại cho lớp lớp thế hệ sau một sự nghiệp văn học vĩ đại

- Bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43) phản ánh vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè và tâm hồn yêu thiên nhiên, đất nước, con người của nhà thơ. Và qua đó, chúng ta sẽ có những cảm nhận về tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của tâm hồn Ức Trai

II. Thân bài

1. Bức tranh cảnh ngày hè

- Bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, cảnh vật tươi tắn, rực rỡ

    + Hình ảnh thơ: hoa hòe, thạch lựu, hồng liên

    + Màu sắc: màu xanh của cây hòe, màu đỏ của cây thạch lựu, màu hồng của hồng liên - những màu sắc tươi tắn, rực rỡ, căng tràn nhựa sống.

    + Sử dụng các động từ mạnh: đùn đùn, giương, phun, tiễn. Cảnh vật được miêu tả với những động từ mạnh thể hiện một sức sống mãnh liệt như có một cái gì đó thôi thúc bên trong, sức sống như ứa căng, tràn đầy.

=> Tác giả sử dụng những hình ảnh thơ bình dị, gần gũi, quen thuộc, độc đáo và có sự phá cách, khác hẳn với những hình ảnh thơ mang tính ước lệ, tượng trưng vốn thường được sử dụng trong Đường thi

- Bức tranh cảnh ngày hè sôi động, náo nhiệt gắn với cuộc sống của con người

    + Âm thanh sôi động, dân dã gắn với cuộc sống đời thường: âm thanh của tiếng ve, tiếng lao xao của chợ cá

    + Hình ảnh thơ gần gũi: chợ cá làng ngư phủ, lầu tịch dương

    + Sử dụng từ láy có giá trị tượng thanh (lao xao) cùng với nghệ thuật đảo ngữ trong câu 5 và câu 6 đã góp phần tạo nên nét nhộn nhịp của bức tranh hè và cuộc sống sung túc, ấm no, đủ đầy của con người.

- Bức tranh cảnh ngày hè có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc và âm thanh, giữa cảnh vật và con người:

    + Cảnh vật ngày hè ngập tràn màu sắc, sự kết hợp màu độc đáo giữa màu đỏ của hoa lựu trước hiên với cây hòe xanh rợp bóng cùng với âm thanh của tiếng ve, của chợ cá khiến không gian tràn đầy sức sống.

    + Trong không gian cảnh hè ấy, hình ảnh con người hiện lên với sự sung túc, hạnh phúc trong lao động.

=> Qua cảm nhận của tác giả, bức tranh cảnh ngày hè hiện lên thật sống động, có sự hài hòa giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, cảnh vật và con người. Cảnh vật được nhìn từ gần đến xa, từ cao xuống thấp. Đồng thời, bức tranh ấy hiện lên thật nhộn nhịp, sôi động và luôn căng tràn sức sống, tất cả như đang muốn trào dâng ra bên ngoài.

2. Vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ

- Tình yêu thiên nhiên say đắm: Nguyễn Trãi đã cảm nhận và miêu tả bức tranh thiên nhiên rất tinh tế bằng nhiều giác quan:

    + Thị giác: cảm nhận được màu sắc của hòe, của thạch lựu

    + Khứu giác: cảm nhận được mùi hương của hoa sen

    + Thính giác: nghe được tiếng ve, tiếng lao xao của chợ cá

- Mong ước của tác giả và tình yêu nước, thương dân sâu sắc:

    + Ung dung, tự tại, không muốn vướng bận đến chuyện quan trường nhưng nhà thơ luôn nghĩ về dân, về nước. Tác giả mong có cây đàn của vua Ngu Thuấn để hát ca mong muốn mang lại cuộc sống ấm no, sung túc, yên vui cho nhân dân muôn nơi.

    + Câu thơ 6 tiếng, ngắn gọn kết thúc bài thơ như làm dồn nén lại cảm xúc.

    + Nghệ thuật: sử dụng điển cố điển tích

=> Đằng sau vẻ đẹp của bức tranh cảnh ngày hè đó chính là vẻ đẹp của tâm hồn Ức Trai. Đó là tình yêu thiên nhiên, đất nước, nhân dân và mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, thái bình, hạnh phúc cho muôn dân.

III. Kết bài

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close