Câu hỏi:

Nhận xét đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng: “Đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khéo kéo vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc”. Bằng cảm nhận của mình về đoạn trích sau hãy làm sáng tỏ điều đó.

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.


Phương pháp giải:

phân tích, tổng hợp

Lời giải chi tiết:

Yêu cầu:

- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận với đầy đủ các phần

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Triển khai vấn đề thành các luận điểm, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận…

Gợi ý:

1. Mở bài:

Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm mở đầu đoạn “Tuyên ngôn Độc lập”

2. Thân bài

a. Giải thích ý kiến

- Khéo léo: có những cử chỉ, hành động, lời lẽ thích hợp làm người khác vừa lòng, để đạt được kết quả như mong muốn trong quan hệ đối xử.

- Kiên quyết: tỏ ra hết sức cứng rắn, quyết làm bằng được điều đã định, dù khó khăn, trở ngại cũng không thay đổi.

- Hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc; chứa đựng một nội dung, ý nghĩa nào đó ở bên trong.

=> Ý kiến khẳng định nghệ thuật viết văn, nghệ thuật trích dẫn của Bác rất tài tình, chứa đựng nội dung tư tưởng sâu sắc.

b. Chứng minh

- Vừa khéo léo, vừa kiên quyết:

+ Nhiệm vụ của phần mở đầu bản Tuyên ngôn là nêu nguyên lí làm cơ sở cho toàn bài. Nguyên lí của Tuyên ngôn Độc lập là khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc. Nhưng ở đây Bác không nêu trực tiếp nguyên lí ấy mà lại dựa vào hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ để khẳng định quyền của các dân tộc trên thế giới. Đây chính là nghệ thuật “lấy gậy ông đập lưng ông”.

+ Bác đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính những lời lẽ của tổ tiên người Mĩ, Pháp ghi lại trong hai bản Tuyên ngôn từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng và văn hóa của những dân tộc ấy. Cách viết như vậy vừa khóe léo vừa kiên quyết

.. Khéo léo vì tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của họ để “khóa miệng” bọn đế quốc Pháp, Mĩ đang âm mưu xâm lược và can thiệp vào nước ta.

.. Kiên quyết vì nhắc nhở họ đừng có phản bội tổ tiên mình, đừng làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại của hai nước đó.

- Hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc:

+ Đặt ba cuộc cách mạng ngang hàng nhau, ba nền độc lập ngang hàng nhau.

+ Ý kiến “suy rộng ra” là một đóng góp đầy ý nghĩa của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nó như phát súng lệnh khởi đầu cho bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới nửa sau thế kỉ XX.

c. Đánh giá

- Đoạn trích đã đưa ra căn cứ, lí lẽ xác đáng cho lập luận. Quá trình dẫn tới căn cứ, lập luận chính xác, chặt chẽ. Nó xứng đáng là đoạn mở đầu mẫu mực cho bản tuyên ngôn bất hủ.

- Ý kiến khẳng định nghệ thuật viết văn, nghệ thuật trích dẫn của Bác rất tài tình, chứa đựng nội dung tư tưởng sâu sắc. Qua đó có thể thấy tài năng lập luận bậc thầy, sự sâu sắc trong tư tưởng, lí lẽ, ngôn ngữ hùng biện tạo nên sức mạnh luận chiến bất ngờ.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề


Quảng cáo

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay