Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội.ngữ văn lớp 9

Cả bài thơ là giấc mộng kì thú, là niềm khao khát về cuộc đời đẹp, về một cõi mơ trong sáng, không vướng bận sự đời.

Quảng cáo

Người ta nhắc tới Tản Đà với nhiều ấn tượng sâu đậm: là thi sĩ khởi đầu cho nền thơ lãng mạn, là người chắp viên gạch nối thơ cổ đại với thơ hiện đại. Trong chất lãng mạn đó ẩn chứa tư tưởng, tình cảm và tấm lòng yêu nước sâu sắc của ông. Bài thơ Muốn làm thằng Cuội là một ví dụ tiêu biểu. Như ta đã biết, xã hội ông đang sống quá coi trọng đồng tiền và địa vị. Tài năng, sức lao động, tình cảm sâu đậm không đem lại hạnh phúc cho con người. Bao trùm bên trong là nỗi buồn về thực tại. Tản Đà đã bật lên một lời gọi, lời nhắn gửi chị Hằng - người bạn muôn đời của những kẻ cô đơn:

  Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi.

Mở đầu bài thơ là một lời than thở, một nỗi sầu da diết. Giọng điệu thân thiết pha chút mỉa mai bởi cuộc đời ngột ngạt, bon chen vì công danh dang dở: Tài cao, phận thấp, chí khí uất. Là thi sĩ nên nỗi buồn đã kết thành nỗi sầu. Đây là thái độ không chấp nhận thực tại, bất hoà thực tại, bất hoà với trần thế.

Ông khát khao một cuộc sống đẹp hơn, vượt lên trên cái thấp hèn:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Đó là thế giới mà ông mơ ước, là cõi đời trong sáng, tinh khiết, không vướng bận, không lo lắng, bon chen. Hai câu thơ là câu hỏi, là lời đề nghị, là lời cầu xin được lên cung trăng, nơi thanh cao, không phải chịu cảnh đời trần thế nhố nhăng tù hãm. Nỗi sầu của Tản Đà là nỗi sầu cùa người nô lệ. Bất lực trước thực tại, Tản Đà muốn lẩn trốn vào thiên nhiên bằng mộng tưởng:

Có bầu có bạn, can chi tủi

       Cùng gió cùng mây thế mới vui

Thi sĩ lên cung quế có bạn, có bè quên đi nỗi ngán ngẩm, chán nản và giải toả được nỗi buồn - ông đã vui, đã cười - ông cười tất cả những giành giật, nhố nhăng nơi trần thế, cười sung sướng khi thấy cõi trần không ai được như ông, được hưởng cuộc sống thần tiên thoát tục.

Hai câu thơ cuối thật độc đáo và lãng mạn:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

     Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Rằm tháng tám là khi trăng trong nhất, đẹp nhất và cũng là sáng nhất. Vào lúc tuyệt vời nhất của trăng ấy, nhân vật trữ tình ước muốn cùng chị Hằng; ngồi bên chị Hằng tựa vào nhau mà nhìn xuống trần thế để cười.

Câu thơ là đỉnh cao của cái ngông rất phù hợp với tính chất Tản Đà. Ngồi bên cạnh người đẹp, đó đã là một niềm hạnh phúc. Hơn thế nữa thi sĩ còn tự đặt mình lên một địa vị cao để mà cười cợt. Cái ngông này thật hiếm có, đáng yêu, đáng trân trọng ở trong giai đoạn này. Các thi sĩ lãng mạn yêu nước nhưng không đủ dũng khí để chiến đấu - thường tìm đến thiên nhiên hoặc trốn vào mộng tưởng để trốn đời.

Cả bài thơ là giấc mộng kì thú, là niềm khao khát về cuộc đời đẹp, về một cõi mơ trong sáng, không vướng bận sự đời. Tóm lại, tâm trạng bao trùm cả bài thơ là tâm trạng buồn chán thất vọng với cuộc đời. Đó là thái độ không dung hoà với thực tại, là sự phản kháng gián tiếp với cuộc đời. Thi sĩ khát khao một xã hội tự do, tươi đẹp và trong sạch. Hình ảnh chị Hằng với cung quế, cây đa - là những hình ảnh của cõi tiên đầy lãng mạn. Cõi tiên ấy là cả một thế giới mà Tản Đà mong muốn có. Thực ra, sự chán chường và niềm khát khao ấy xuất phát từ lòng yêu nước thầm kín của Tản Đà - nỗi buồn xuất phát từ nỗi nhục của người nô lệ và ước muốn xuất phát từ khát vọng được tự do.

Trích: loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close